Wednesday, January 15, 2025
HomeBLOGBài học từ Ukraine (P3): Hậu cần là công việc rất quan...

Bài học từ Ukraine (P3): Hậu cần là công việc rất quan trọng, không nên giao hoàn toàn việc này cho các tướng lĩnh

Cù Tuấn

– Cù Tuấn biên dịch bài viết trên The Economist.

Tác giả : Shashank Joshi

Tóm tắt: Cuộc xâm lược Ukraine của Nga cho thấy chiến tranh tập trung chủ yếu vào vấn đề hậu cần.

Nhà sử học Israel Martin van Creveld gọi quân đội là “các thành phố cứu thương”. Giữ cho hàng trăm ngàn nam giới có vũ trang được tiếp nhiên liệu, được ăn uống và trang bị đầy đủ là một nỗ lực phi thường. Việc đưa họ đến chiến trường mà không quan tâm đến những điều như vậy có thể là sai lầm nghiêm trọng. Cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào tháng 2 năm 2022 đưa ra một câu chuyện mang tính cảnh báo. Trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến, quân Nga tràn về Ukraine từ Belarus với lương thực, nhiên liệu và đạn dược không đầy đủ. Các đoàn xe quân sự làm tắc nghẽn các con đường đến Kyiv—bao gồm một vụ kẹt xe đáng chú ý kéo dài 60km (37 dặm) tại phía bắc thủ đô này. Máy bay không người lái, lực lượng đặc biệt và pháo binh Ukraine đã đánh bầm dập những kẻ xâm lược chậm chạp. Trong số đó, xe tải chở nhiên liệu không bọc thép và các phương tiện hậu cần khác là những mục tiêu cực kỳ được ưa thích. Trong một trận chiến ở phía nam Chernihiv, một vị tướng nói, “Họ nghĩ rằng họ đã bao vây chúng tôi…còn chúng tôi chỉ cần cắt đứt mọi tuyến hậu cần của họ, và thế là xong.” Đoàn xe ở trên đã bị pháo binh Ukraine tiêu diệt.

Những lần mắc lỗi như vậy bộc lộ những vấn đề sâu xa hơn. Ronald Ti, nhà hậu cần quân sự tại Đại học King’s College London, giải thích rằng tất cả các quân đội hiện đại đều sử dụng hai cách tiếp cận hậu cần: hậu cần “kéo”, chủ yếu là việc phản ứng linh hoạt với các tín hiệu tiêu thụ và nhu cầu của các đơn vị trên chiến trường, và hậu cần “đẩy”, trong đó đạn dược và vật liệu được cung cấp với lượng cố định dựa trên số lượng sử dụng được xác định trước. Tiến sĩ Ti nói rằng Nga dựa vào cách hậu cần thứ hai, phần lớn là do di sản của Liên Xô về cách chỉ huy từ trên xuống và do thiếu phương thức quản lý chuỗi cung ứng hiện đại. Cách này vẫn hoạt động tốt nếu việc tiêu thụ đạn dược là ổn định. Nhưng việc này hiếm khi xảy ra – như những ngày đầu tiên của cuộc chiến ở Ukraine đã cho thấy.

Quân đội phương Tây có tỷ lệ “chăm sóc tới tận răng” rất cao, với khoảng 10 nhân viên hỗ trợ cho mỗi binh sĩ chiến đấu. Nga có ít nhân viên hậu cần hơn. Giống như Liên Xô, Nga phụ thuộc vào việc vận chuyển nhiên liệu bằng đường ống và các vật liệu khác bằng đường sắt. Điều đó có thể mang lại hiệu quả cao: Quân đội Nga đã xoay sở để di chuyển và bắn tổng cộng 700.000 tấn đạn pháo và tên lửa trong 5 tháng đầu tiên của cuộc chiến. Nhưng việc này trói chặt quân Nga vào các tuyến đường sắt và các tổng kho lớn ở gần đó, và nó đã trở thành một vấn đề. Vào mùa xuân năm 2022, đạn pháo của Nga hoàn toàn nghiền nát quân đội Ukraine ở phía đông Donbas, với số lượng pháo của Nga gấp 3 lần số lượng pháo của Ukraine. Điều này đã thay đổi khi Ukraine có được các bệ phóng pháo HIMARS của Mỹ và các hệ thống pháo từ châu Âu có khả năng bắn tên lửa chính xác với tầm bắn hơn 70km. Đột nhiên quân Ukraine có thể tấn công các kho nhiên liệu và kho đạn của Nga ở phía sau chiến tuyến. Nhiều kho đạn và nhiên liệu này đã không thay đổi vị trí kể từ năm 2014.

Việc tập trung tiêu diệt con đường tiếp tế sau đó đã làm cạn kiệt súng đạn của Nga. Tình thế đã buộc Nga phải chuyển từ các kho lớn, tập trung sang các kho nhỏ hơn, phân tán ở xa mặt trận hơn. Do các kho này ở khoảng cách xa hơn, khó vận chuyển đạn pháo hạng nặng, cộng với số lượng xe tải, pallet và nhân viên hậu cần ít ỏi, đã khiến cỗ máy quân sự của Nga bị kẹt cứng. Các quan chức Ukraine nói rằng điều này đã tạo điều kiện cho các cuộc phản công thành công ở Kherson và Kharkiv. Nico Lange, một cựu quan chức quốc phòng Đức, nói rằng một người lính Ukraine đã đạt được thành công này nhờ hiểu được những điểm yếu về hậu cần của Nga: “Về cơ bản, cuộc chiến này giống như chúng tôi chiến đấu với một phiên bản cũ hơn của chính chúng tôi từ 10 đến 15 năm trở về trước”.

Ukraine cũng không tránh khỏi những vấn đề như vậy. Nhiều kho vũ khí của Ukraine đã bị nổ tung trong những năm trước chiến tranh do nghi ngờ có sự phá hoại của Nga. Những kho vũ khí khác cũng đã bị tấn công kể từ đó. Quân đội Ukraine cũng dựa vào đường sắt. Nhưng các tuyến tiếp tế của Ukraine tỏ ra đáng tin cậy, nhanh nhẹn và linh hoạt hơn—được hỗ trợ do thực tế là họ đang chiến đấu trên chính lãnh thổ của mình. Ông Lange chỉ ra rằng hậu cần dựa trên đường sắt của Ukraine phụ thuộc vào các ngành công nghiệp thép và kim loại trong nước, nơi cung cấp một kho phụ tùng và công cụ sẵn sàng, cũng như khả năng sửa chữa khá nhanh chóng. Đầu máy, toa xe vận tải cũ đã được đưa ra khỏi kho. Ông kết luận: “Có lẽ không cường điệu khi nói rằng không có quốc gia NATO ở châu Âu nào ngày nay có khả năng đạt được những thành tựu về hậu cần quân sự như của Ukraine trong cuộc chiến này”.

Một bài học nữa là hậu cần là quá quan trọng để có thể giao hoàn toàn việc này cho các tướng lĩnh. Khoảng 30 chuyến bay mỗi ngày đáp xuống Rzeszow, miền đông Ba Lan, chở hàng viện trợ quân sự cho Ukraine. Các hàng hóa này được gửi bằng đường bộ đến các kho chứa trên khắp Ukraine, và tại đó các đơn vị quân đội đưa chúng ra tiền tuyến. Một bộ trưởng Ukraine tham gia chặt chẽ vào việc này cho biết đây là nỗ lực chung của nhà nước, khu vực tư nhân và xã hội dân sự Ukraine. Ông nói, khoảng 90% trong số hàng hóa được tư nhân chi trả, với tiền và phương tiện đến từ các công ty nông nghiệp, công ty năng lượng có trạm xăng và ngân hàng. Hợp tác chặt chẽ với Ba Lan có nghĩa là thủ tục giấy tờ tại biên giới đối với các lô hàng vũ khí chỉ mất vài phút—một tốc độ di chuyển quân sự xuyên biên giới không có ma sát khiến nhiều thành viên NATO phải ghen tị.

Vấn đề đặt ra là giữ cho vũ khí được chuyển đi ngay khi chúng đến nơi. Steven Anderson, một tướng Mỹ đã nghỉ hưu, người giám sát hậu cần ở Iraq, nói rằng “tỷ lệ sẵn sàng để có thể sử dụng” đối với thiết bị ở Iraq là 95%. Tỷ lệ này nếu giảm dưới 90% sẽ khiến một chỉ huy bị lôi lên chất vấn. Ở Ukraine, dữ liệu cho thấy tỷ lệ này chỉ đạt mức khoảng 50%, ông nói. “Một nửa những gì chúng tôi cung cấp cho họ bị hỏng bất cứ lúc nào và họ đang phải vật lộn rất nhiều [để xử lý chúng].” Trong phần lớn thời gian của cuộc chiến, những khẩu pháo hỏng hóc tại Ukraine đã được gửi đến Đông Âu để sửa chữa. Kể từ mùa thu năm nay, việc sửa chữa có thể được thực hiện ở Kryvyi Rih, một thành phố công nghiệp gần mặt trận phía nam. Nhưng khả năng của Kryvyi Rih là có hạn. Ông Anderson phàn nàn rằng chưa đến 4% viện trợ của Mỹ được phân bổ cho hỗ trợ và bảo trì.

1. Ứng biến một cách vội vàng

Kết quả là sự ứng biến của Ukraine. Việc tìm kiếm phụ tùng thay thế là một phần của mọi cuộc chiến. Trong cuộc chiến tranh Falklands, Anh đã đột kích các bảo tàng hàng không trên khắp thế giới để lấy các đầu dò tiếp nhiên liệu cho máy bay ném bom Vulcan. Thách thức của Ukraine rất gay gắt: nước này vận hành kho vũ khí có lẽ là đa dạng nhất về pháo binh và thiết giáp ở bất cứ đâu. Mỗi hệ thống lại yêu cầu các loại đạn, phụ tùng và kỹ năng khác nhau. Và mỗi hệ thống này đang làm việc nhiều hơn những gì các nhà sản xuất từng dự đoán. Bộ dụng cụ sửa chữa được thiết kế để sử dụng ở mức vừa phải đã được chứng minh là hoàn toàn không phù hợp với các đợt bắn liên tục làm tan chảy cả nòng pháo, hoặc làm cho pháo bị rung chuyển mạnh.

Điều này đang buộc Ukraine phải đi tiên phong trong các hình thức bảo trì quân khí thời chiến mới. Các tình nguyện viên Ukraine đang in 3D các phụ tùng thay thế trong các tòa nhà cách mặt trận vài giờ lái xe. Chìa khóa cho điều này là phi tập trung hóa. Các lữ đoàn riêng lẻ thường tự tìm bộ phận thay thế, thay vì hỏi ý kiến chỉ huy hậu cần của tổng tham mưu. “Họ chỉ cần đi đến nhà để xe,” một nguồn quen thuộc với chuỗi cung ứng ngầm này cho biết, “và nói: Tôi cần phụ tùng này. Các anh có làm được không?” Một cách riêng biệt, Quân đoàn XVIII Dù của Mỹ đang sử dụng các thuật toán để ước tính tuổi thọ nòng pháo của Ukraine, xác định khi nào chúng cần phụ tùng thay thế và khi nào lượng đạn dược mới phải được vận chuyển lên tiền tuyến.

Nước Mỹ đã quen với việc duy trì các cuộc chiến cách xa hàng nghìn dặm với rất ít mối đe dọa đối với tàu, máy bay và xe tải chở hàng tiếp tế đến cảng, sân bay và kho chứa. Những ngày đó đã qua rồi. Chris Dougherty, cựu nhà lập kế hoạch của Lầu Năm Góc, kết luận trong một bài báo: “Nhiều thập kỷ đánh trận, phân tích và bằng chứng thực nghiệm cho thấy tấn công vào các khu vực phụ thuộc hậu cần của [Mỹ]… là cách hiệu quả nhất để chống lại Mỹ.” Ông nói, các cuộc tấn công của Trung Quốc vào hậu cần đã làm “tê liệt” các lực lượng Mỹ trong các trò chơi chiến tranh. Ông kêu gọi Lầu Năm Góc chuyển ngân sách từ lực lượng chiến đấu sang mảng hậu cần. Quân đội cần dự trữ nhiều hơn và “sống dựa vào dân” để mua nhiên liệu, dầu nhờn, thực phẩm và phụ tùng thay thế tại địa phương. Ông cho biết thêm, quân đội phải có khả năng tự chiến đấu trong nhiều tuần với sự hỗ trợ tối thiểu. Hậu cần từ lâu đã có “tình trạng xuống cấp”, mặc dù có “vai trò quan trọng” trong lịch sử quân sự. Cuộc chiến tại Ukraine đã cho thấy điều đó một lần nữa.

Nguồn : https://www.economist.com/special-report/2023/07/03/why-logistics-are-too-important-to-be-left-to-the-generals

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular