– Cù Tuấn biên dịch essay của The Guardian.
Tóm tắt: Trong khi một số quốc gia biến việc kết hôn thành một hành động yêu nước, nó có thể mang lại cho chúng ta một cách sống hoàn toàn mới.
Một trong những điều gây tò mò về hôn nhân là vai trò của nó trong việc gắn kết các quan điểm chung nhất về thế nào là bình thường. Những người đã kết hôn thường được coi là những người bình thường. Khi đó họ đã sở hữu một quyền lực phi thường để đưa ra các tiêu chuẩn của sự bình thường theo cách mà những người độc thân hiếm khi có thể làm được. Và hôn nhân, rõ ràng, không dành cho tất cả mọi người. Rất nhiều người không mong muốn thực hiện điều đó. Rất nhiều người khác đã thực hiện điều đó và không thích nó. Các số liệu thống kê hoàn toàn chứng thực điều này. Có ít cặp đôi kết hôn hơn trong những năm qua, trong khi những căng thẳng và lo lắng do bị phong tỏa vào năm 2020 (cùng với việc tạm thời đóng cửa các địa điểm) đã khiến số vụ ly hôn ở Anh và xứ Wales lần đầu tiên vượt qua số đám cưới.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều cho rằng mức độ phổ biến của hôn nhân đang ngày càng giảm đi. Tại hội nghị Những người Bảo thủ toàn nước Anh gần đây, các đại biểu đã được hứa hẹn về một cuộc phục hưng nước Anh dựa trên “đức tin, gia đình và ngọn cờ”. Tương tự như vậy, Trung Quốc vừa đề xuất một danh sách các biện pháp nhằm tích cực khuyến khích phụ nữ trẻ Trung Quốc kết hôn và sinh con (không còn giới hạn chỉ có một con nữa: lý tưởng nhất là ba con). Đây là một chính sách tầm quốc gia, nhưng nó là một chính sách có lợi ích quy mô toàn cầu: để ngăn chặn nguy cơ trì trệ kinh tế, việc tăng dân số được cho là để đảm bảo tính liên tục của một lực lượng lao động khổng lồ, và do đó, có giá rẻ. Nói cách khác, trừ khi có nhiều phụ nữ Trung Quốc đồng ý sinh nhiều con hơn, nếu không tất cả chúng ta sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa – dù rằng vấn đề hôn nhân ở Trung Quốc (lưu ý rằng không phải ai kết hôn cũng có con và không phải ai có con cũng kết hôn) vẫn được đóng khung theo tiêu chuẩn quy mô quốc gia, thông qua các chính phủ như là cửa ngõ để quản lý thai sản. Các quốc gia khác cũng có thể đi theo sự dẫn dắt của Trung Quốc. Tại Nhật Bản, nơi chính phủ vừa ghi nhận tỷ lệ sinh đã giảm năm thứ bảy liên tiếp và càng ngày càng ít cặp đôi hơn, chính phủ Nhật đã bị cáo buộc đã không hành động đủ nhanh để giảm thiểu tác động của việc dân số già đi nhanh chóng.
Trong khi đó, Mỹ có lịch sử biến hôn nhân thành một hành động yêu nước, đôi khi vì lý do kinh tế, lúc khác vì lý do chủng tộc. Chẳng hạn, Paul Popenoe, người sáng lập Viện Quan hệ Gia đình Mỹ và là người rất hâm mộ Hitler và “thuyết ưu sinh ứng dụng”, đã mở phòng khám tư vấn hôn nhân của mình vào năm 1930 với mục đích nêu rõ là cứu vãn các cuộc hôn nhân của “những người xuất sắc về mặt sinh học” để cứu vãn giống nòi của loài người.
Con bà nó. Không lý luận nào trong số các tuyên bố này có vẻ lãng mạn chút nào cả. Vậy nên không có gì ngạc nhiên khi phụ nữ Trung Quốc, ngay cả khi bị thu hút bởi các ưu đãi tài chính, chẳng hề quan tâm tới việc phải cứu vớt chủ nghĩa tư bản toàn cầu thông qua việc kết hôn. Nhìn vào những mục đích khác nhau mà hôn nhân đã được lựa chọn, thật dễ dàng để kết luận rằng bản thân hôn nhân chẳng là gì khác ngoài bình phong cho những lợi ích quyền lực, mà phần lớn trong số chúng mâu thuẫn với lợi ích của chính những người tham gia kết hôn. Vậy thì chúng ta có nên coi đó là tất cả những gì hôn nhân thực sự hướng tới không?
Hôn nhân có thể không dành cho tất cả mọi người, nhưng với tư cách là một người hiện đã kết hôn, tôi đã cố gắng làm cho nó phù hợp với mình. Điều đó không có nghĩa là tôi thấy hôn nhân là dễ dàng (tôi chưa từng thấy vậy), mặc dù tôi thấy nó trở nên dễ dàng hơn theo thời gian. Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi vẫn tự hỏi liệu có phải chính sự thành công của hôn nhân với tư cách là một thể chế đã chứng minh là nó có hại cho trải nghiệm sống của rất nhiều cuộc hôn nhân hay không. Vì nếu các chuẩn mực hôn nhân đã khiến việc sinh con trở nên đặc biệt nguy hiểm đối với những người độc thân, thì chúng cũng không quá dễ dàng đối với các cặp vợ chồng. Như bất kỳ nhà phân tâm học nào cũng có thể khẳng định, khi nói đến các mối quan hệ, việc viện dẫn lý tưởng có xu hướng gọi ra bóng ma của chính nó. Điều này không chỉ đúng đối với mối quan hệ vợ chồng, mà còn đúng với mối quan hệ giữa con cái với cha mẹ, nơi lý tưởng cao cả mà không ai trong chúng ta có thể đạt tới đã có tác động rất thường xuyên và truyền cảm hứng cho những hành vi tàn ác và lạm dụng dưới vỏ bọc lý tưởng hóa đó.
Vì vậy, có thể sự thất bại của hôn nhân hóa ra là một điều tốt cho những người kết hôn? Khi hôn nhân không còn là chuẩn mực văn hóa, những cuộc hôn nhân mới – hoặc những cách kết đôi mới – có thể xảy ra. Chẳng hạn, khi không còn những kỳ vọng gia trưởng, những cặp đã kết hôn có thể thấy rằng họ có thể nói một cách thoải mái hơn về những gì họ thực sự muốn từ hôn nhân. Và những người chưa kết hôn nên có khả năng tự giải thoát tốt hơn khỏi cảm giác rằng tất cả mọi người, từ mẹ của họ cho đến Tổng cục thuế đều không chấp nhận tình trạng mối quan hệ hiện tại của họ. Hợp đồng hôn nhân, khi không còn hoạt động như một lá chắn cho các hợp đồng xã hội rộng lớn hơn, có thể trở thành nơi thử nghiệm cho những lựa chọn khác – chẳng hạn như những ý tưởng khác nhau về cách sinh sống trên một hành tinh chung.
Rốt cuộc, nếu hôn nhân hiện đang được coi là thiết yếu đối với thị trường hàng hóa giá rẻ quốc tế trên toàn thế giới, thì chính hôn nhân lại là không tốt cho chính thế giới này. Hệ thống kinh tế được “cứu vớt” ở đây là hệ thống chuyên khai thác lời hứa và cam kết trọn đời của hôn nhân để tạo ra một nền văn hóa ngắn hạn theo mọi góc nhìn. Nói theo cách riêng của nó, chữ ký kèm theo thời gian hiệu lực của hôn nhân không còn tương thích với nhiều hệ thống đã từng sống ký sinh trên nó. Ngược lại, nếu bạn ngừng việc chuẩn hóa hôn nhân, thì chúng ta sẽ có được một điều gì đó mang tính thử nghiệm mạnh hơn.
Có thể cho rằng, điều này đã diễn ra ít nhất là từ cuối thế kỷ 18. Sự gia tăng của việc mai mối hôn nhân, nếu bạn nghĩ về nó dù chỉ trong giây lát, sẽ chẳng là gì nếu không muốn nói là siêu cực đoan. Bạn gặp ai đó – dù là thông qua gia đình hay bạn bè, trong kỳ nghỉ, trên xe buýt hay qua mạng – và đùng một cái, trước khi bạn hiểu đầu cua tai nheo là gì, các bạn đã hứa chắc nịch với nhau là sẽ dành phần đời còn lại của mình cùng nhau. Vậy mà là bình thường sao? Không có gì đáng ngạc nhiên khi có nhiều cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Điều đáng chú ý là rất nhiều người đã kết hôn như vậy – một số người thậm chí còn sống vui vẻ với nhau cả đời nữa. Họ đã làm thế quái nào mà giỏi vậy?
Nhà văn Tolstoy nổi tiếng đã nhận thấy những gia đình hạnh phúc đều nhàm chán giống nhau và chỉ những gia đình bất hạnh mới thực sự thú vị. Và dường như ông và bà vợ Sofia Tolstoy đã hoàn thiện nghệ thuật sống bất hạnh cùng nhau một cách sâu sắc theo cách riêng của họ. Tuy nhiên, theo tôi thấy, những cuộc hôn nhân không hạnh phúc có nhiều khả năng thú nhận sự bất hạnh của họ hơn là những cuộc hôn nhân hạnh phúc, vốn luôn giữ một vẻ bí ẩn. Điều mà tôi thường nghi ngờ về các cuộc hôn nhân hạnh phúc, rằng họ đã khoác lên mình vỏ bọc của sự bình thường trong hôn nhân như một giấy phép để rút lui khỏi chính thế giới đã thôi thúc họ bước vào đó. Và tôi cũng nghi ngờ về các cặp vợ chồng hạnh phúc rằng, khi họ bước vào cuộc hôn nhân của mình, họ không chỉ đơn thuần tái tạo lại thế giới hôn nhân – mà là tưởng tượng ra nó một lần nữa. Do đó, dù hôn nhân có thể không còn hợp thời nữa, nhưng về lâu dài, hôn nhân có thể sẽ mãi mãi là chủ đề thời sự, bởi vì hôn nhân là một mô hình khả thi (một thôi – không phải duy nhất) cho những sáng tạo và sự đoàn kết bền bỉ mà chắc chắn cần phải có nếu chúng ta phải đối mặt với một tương lai rủi ro và đầy bất trắc cùng với nhau – dù giàu hơn hay nghèo hơn, dù tốt hơn hay tệ hơn đi chăng nữa.
Ảnh: Một cặp đôi người Trung Quốc tổ chức cưới tại Hợp Phì ngày 20/5/2023.
https://www.facebook.com/photo?fbid=6524449557593669&set=a.124320747606614
https://www.theguardian.com/commentisfree/2023/jun/05/decline-marriage-married-wedded-patriotic
#giadinh #honnhan #honnhangiadinh
#honnhanhanhphuc #marriage #marriagehelp