Các phái đoàn ngoại giao của Mỹ và nhiều nước phương Tây tại Việt Nam ra tuyên bố chung Ngày Tự do Báo chí Thế giới, kêu gọi không bắt bớ tùy tiện những người làm báo vì công việc của họ.
Tuyên bố của 16 thành viên Liên minh Tự do Báo chí tại Việt Nam, bao gồm đại sứ quán các nước thuộc Liên minh châu Âu, Ukraine, Canada và Mỹ, gửi đi thông điệp nhằm tôn vinh các nhà báo và những người làm công tác báo chí vì những đóng góp của họ đối với xã hội và phẩm giá con người.
“Một nền báo chí độc lập và đa dạng, có trên mạng và ngoài đời, thiết yếu với một xã hội cởi mở và bao trùm. Báo chí đóng vai trò quan trọng nêu lên các vấn đề xã hội, bảo đảm trách nhiệm giải trình, minh bạch, giúp công dân và chính phủ đưa ra các quyết định với đầy đủ thông tin”, tuyên bố viết hôm 3/5, nhân kỷ niệm 30 năm ngày Tự do Báo chí Thế giới.
“Các nhà báo và những người làm công tác báo chí phải được tác nghiệp mà không phải lo sợ bạo lực, bị hăm dọa hoặc bị bắt hay giam giữ tùy tiện chỉ vì họ làm công việc của mình”, tuyên bố viết thêm, nhưng không đề cập đến Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi ngay lời đề nghị bình luận của VOA về tuyên bố này.
Năm 1993 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc công bố ngày 3/5 hàng năm là “Ngày Tự do Báo chí Thế giới” để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tự do báo chí và nhắc nhở các chính phủ về bổn phận phải tôn trọng và duy trì quyền tự do ngôn luận theo Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.
“Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân, tự do báo chí”, truyền thông nhà nước Việt Nam cho biết hôm 3/5, đồng thời lên án các “thế lực cơ hội chính trị cố tình chối bỏ sự thực khách quan”, và nhắc nhở rằng “tự do phải trong khuôn khổ pháp luật”.
Theo thống kê của tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) công bố hôm 3/5, Việt Nam – hiện đang giam cầm 42 nhà báo – xếp hạng thứ 178/180 quốc gia trên thế giới về tự do báo chí, hay nói cách khác, Việt Nam đứng thứ ba về tình trạng có ít tự do báo chí.
Blogger Mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người từng bị chính quyền Việt Nam tuyên phạt 10 năm tù với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” và hiện sống lưu vong ở Texas, Mỹ, chia sẻ với VOA về tầm quan trọng của tự do báo chí:
“Tự do báo chí rất quan trọng, bởi vì chính tự do báo là một trong những quyền tự do ngôn luận của con người. Và tự do báo chí thúc đẩy sự phát triển của một xã hội dân chủ, thúc đẩy sự minh bạch giám sát vai trò của đảng phái chính trị và những người cầm quyền”.