Tự do báo chí đang bị đe dọa hơn bao giờ hết, nhưng vẫn có lý do để hy vọng, các nhà báo tuyên bố tại một sự kiện hôm 3/5 kỷ niệm 30 năm Ngày Tự do Báo chí Thế giới.
Các phóng viên, chuyên gia về tự do báo chí và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tập trung tại trụ sở tờ Washington Post ở thủ đô nước Mỹ để thảo luận về những thách thức và mối đe dọa cấp bách nhất mà các nhà báo trên khắp thế giới phải đối mặt, từ việc bắt giữ và đưa thông tin sai lệch đến hành hung và xét xử.
Việc Nga bắt giữ phóng viên Evan Gershkovich của tờ Wall Street Journal của Mỹ vào tháng rồi với cáo buộc gián điệp vô căn cứ đã bị lên án mạnh mẽ tại sự kiện hôm nay.
Ông Blinken nói: “Chúng tôi biết rằng các nhà báo trên khắp thế giới đang ngày càng bị bao vây.” “Điều đó giờ đây một lần nữa được thể hiện rất mạnh mẽ trong việc ông Evan bị bắt và giam giữ ở Moscow.”
Ông Blinken nói: “Chúng ta thấy một nước như Nga, giống như một số quốc gia khác, đang giam giữ người dân một cách sai trái, sử dụng họ như những con tốt chính trị, sử dụng họ làm đòn bẩy trong một hành vi hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Vào năm 2022, ít nhất 363 phóng viên đã bị giam giữ vì tác nghiệp, đánh dấu mức cao mới trên toàn cầu và tăng 20% so với năm 2021, theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo.
Đoạn trao đổi giữa Ngoại trưởng Mỹ và nhà báo David Ignatius của tờ Washington Post đã bị gián đoạn một lúc khi một số người biểu tình xông lên sân khấu kêu gọi trả tự do cho ông Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks đang bị bỏ tù, người mà Hoa Kỳ cáo buộc là gián điệp vì đã tiết lộ các tài liệu quân sự của Mỹ.
Ông Paul Beckett, trưởng văn phòng tại Washington của tờ Wall Street Journal, cho biết ông Evan “trở lại Nga trong nghĩa vụ báo chí để đưa tin về một đất nước là một phần trong con người của ông nhưng đất nước ấy cần nhiều lời giải thích cho khán giả quốc tế.”
“Có một số phóng viên nước ngoài hoạt động trong vòng các tòa đại sứ, giới ngoại giao và chính phủ. Và có một số người hoạt động tại chỗ,” ông Beckett nói. “Và ông ấy rất, rất giống một phóng viên thực địa.”
Trong một đoạn hội thảo khác, nhiều nhà báo đã thảo luận về sự quấy rối, trả thù và thời gian ngồi tù mà cá nhân họ đã trải qua do công việc của mình.
Bà Adefemi Akinsanya, phóng viên quốc tế của Arise News ở Nigeria, nhớ lại cảnh sát đã hành hung bà như thế nào vào năm 2021 khi bà đang tường trình lễ tưởng niệm một năm ngày giết hại những người biểu tình ở thành phố Lagos.
“Tôi đã bảo vệ bản thân mình. Tôi đã bảo vệ các thành viên trong nhóm của tôi. Tôi đã bảo vệ thiết bị của chúng tôi. Nhưng tôi vô tình nghĩ rằng tôi cũng đang bảo vệ tự do báo chí,” bà Akinsanya nói.
Ông Danny Fenster, một nhà báo người Mỹ bị bắt ở Myanmar vào tháng 5 năm 2021, nói rằng việc bắt giữ ông có thể nhằm mục đích đe dọa các nhà báo khác và ngăn họ đưa tin về tình hình hậu đảo chính ở nước này.
Vào thời điểm đó, ông đang là quản lý của tạp chí tin tức tiếng Anh Frontier Myanmar.
“Tôi nghĩ họ đã thấy rằng họ có thể gửi một tuyên bố tới các nhà báo quốc tế – ‘Đừng đến đây, đừng chú ý đến chuyện này’,” ông Fenster nói. “Họ cần gửi một thông điệp, thậm chí mạnh mẽ hơn, tới cộng đồng quốc tế.”
Ông Fenster được thả vào tháng 11 năm 2021.
Ông Clayton Weimers, giám đốc điều hành văn phòng tại Hoa Kỳ của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF), thống kê số lượng nhà báo bị giam giữ và bị bắt cao nhất vào năm ngoái kể từ khi tổ chức tự do báo chí này bắt đầu lập thống kê.
Nhưng “không phải tất cả đều là sự diệt vong và u ám,” ông Weimers nói. “Chúng ta luôn luôn tiến bộ.”
Đôi khi tiến bộ đó chậm chạp. Ví dụ, Nigeria hiện được xếp hạng 123 trên thế giới về tự do báo chí. Năm ngoái nước này được xếp hạng 129.
“Điều đó được hoan nghênh, bởi vì nếu ngược lại thì chúng ta sẽ không hài lòng,” bà Akinsanya nói. Nhưng Nigeria vẫn còn một chặng đường dài phía trước, bà nói thêm.
Bà Akinsanya nói: “Ngay cả khi phải đối mặt với những khía cạnh tiêu cực của công việc mà chúng tôi làm với tư cách là nhà báo, thì việc chúng tôi tiếp tục kiên trì là niềm hy vọng đối với tôi.”
Vào ngày 2/5, một quỹ quốc tế đã được công bố nhằm mục đích hỗ trợ các phương tiện truyền thông độc lập trong bối cảnh nó đang suy giảm.
Tại Liên hiệp quốc ở New York, UNESCO đã đánh dấu ngày tự do báo chí bằng các cuộc thảo luận và hội thảo cấp cao.
Tại một cuộc hội thảo, người dẫn chương trình tiếng Ba Tư của VOA, bà Masih Alinejad, đã trình bày một dự thảo nghị quyết lên án sự đàn áp xuyên quốc gia và nhắm mục tiêu vào các nhà báo. Bà Alinejad, người bị buộc phải lưu vong khỏi Iran vào năm 2009, là mục tiêu của một vụ bắt cóc của Tehran vào năm 2021.
“Vào ngày này, chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên thúc đẩy, bảo vệ và thực hiện quyền tự do quan điểm và ngôn luận,” một số nhà lãnh đạo Liên hiệp quốc nói trong một tuyên bố chung. “Sự an toàn của các nhà báo và nhân viên truyền thông phải được coi là một phần không thể thiếu của quyền tự do quan điểm và ngôn luận và là chìa khóa để chống lại thông tin sai lệch, kể cả trong bối cảnh xung đột.”
Trong một tuyên bố ngày 3/5, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do báo chí và chia sẻ những lo ngại của ông về các mối đe dọa mà các nhà báo trên khắp thế giới đang phải đối mặt.
“Ngày này nhấn mạnh một sự thật cơ bản: tất cả tự do của chúng ta phụ thuộc vào tự do báo chí,” Tổng thư ký nói. “Tự do báo chí là huyết mạch của nhân quyền.”
https://www.voatiengviet.com/a/tu-do-bao-chi-la-huyet-mach-cua-nhan-quyen/7077763.html