Saturday, December 21, 2024
HomeBình Luận-Quan ĐiểmNgười Nga đừng quên… họ là ĐỒNG TÁC GIẢ của “Thế...

Người Nga đừng quên… họ là ĐỒNG TÁC GIẢ của “Thế kỷ ô nhục” ở Trung Quốc. 

Tan Trung Nguyen Quoc 

Dự án Đại sự ký biển Đông theo dõi sát sao và vừa thông tin đến truyền thông quốc tế sự kiện tàu Trung Quốc tiến vào các vùng dầu khí thuộc chủ quyền Việt Nam, vốn đang được điều hành bởi các công ty có phần vốn góp Nga như Zarubezhneft và Gazprom. 

Theo quan sát của nhiều nhà bình luận, đây có thể là một cuộc chạm mặt căng thẳng giữa hai bên.

Vào khoảng nửa đêm UTC ngày 26 tháng 3, Kiếm Ngư 278 của Việt Nam và CCG5205 của Trung Quốc đã áp sát một cách nguy hiểm. [Giao thông hàng hải]
Cũng trong cùng lúc đó, các trang thông tin ủng hộ cuộc chiến của Nga tại Ukraine thì ca ngợi sự kề vai sát cánh của Nga và Trung Quốc. Họ cũng tán dương một liên minh “vô địch” với “40% dân số thế giới” của BRICS (Brazil, Russian, Indian, China, South Africa).

Tuy nhiên, các bình luận này quên rằng lịch sử Trung Quốc không có khái niệm “lãnh đạo chia sẻ”. Và còn nhiều món nợ lịch sử mà hai quốc gia mặn nồng nhất với dự án này còn chưa trả với nhau.

Dữ liệu theo dõi tàu cho thấy tàu Kiểm ngư 278 của Việt Nam đã bám sát tàu hải cảnh Trung Quốc CCG5205. Ảnh: Maritime Traffic

*** 

Người Nga hiện đại, vì nhiều lý do địa chính trị, đều cố quên rằng Đế chế Nga lẫn Soviet Nga đều có đóng góp rất lớn trong “Thế kỷ ô nhục” (Century of Humiliation) mà cả chính quyền Bắc Kinh lẫn người dân Trung Quốc nằm ngủ cũng mơ thấy. 

Giữa thế kỷ 19, lợi dụng tình hình chiến sự căng thẳng của nhà Thanh với liên quân Anh-Pháp ở phía nam, Nga đưa ra yêu sách buộc triều đình Trung Quốc phải thoả thuận nhượng đất cho họ, hoặc họ sẽ tấn công vào phía bắc biên giới nước này. 

Bế tắc trong tình trạng lưỡng đầu thọ địch, Thanh triều đồng ý. Ngày 28 tháng 5 năm 1858, Thống đốc vùng Đông Siberia Nikolay Muravyov-Amursky hội mặt với sứ triều Đại Thanh Yishan ở hữu ngạn sông Amur (Hắc Long Giang). Theo đó, Trung Quốc nhượng hoàn toàn vùng tả ngạn sông Amur cho Nga. Văn bản này được biết đến với tên gọi Treaty of Aigun (Hiệp ước Ái Huy). 

Dù triều đình trung ương nhà Thanh từ chối phê chuẩn hiệp ước, họ cuối cùng vẫn buộc phải thi hành các thoả thuận nhượng đất vào năm 1860 với Công ước Bắc Kinh (Convention of Peking). 

Cho đến ngày nay, Treaty of Aigun tiếp tục được xem là một trong nhóm các “Hiệp ước Bất bình đẳng” (Unequal Treaties) mà người dân Trung Quốc coi là nỗi ô nhục của quốc gia khi đối mặt với các quốc gia phương Tây như Anh, Pháp, Hoa Kỳ hay Nga. 

Không chỉ “cắn” một vùng lãnh thổ rộng lớn phía Đông Bắc Trung Quốc, người Nga còn chiếm được Golden Horn Bay giúp cho quốc gia này xây dựng được một cảng biển Thái Bình Dương mà họ hằng mơ ước nhiều thế kỷ: cảng Vladivostok. 

Sau khi chính quyền cách mạng Soviet thay thế thời đại Sa hoàng, dù được cho là đã tự nguyện “xoá bỏ” các điều ước bất bình đẳng ký kết với Trung Quốc, có một thứ họ chắc chắn không làm: trả đất cho người bạn hiền phía nam. 

*** 

Nghiêm túc mà nói, đây có lẽ là món nợ khó nuốt nhất của người Hán. 

Món nợ với Bồ Đào Nha chỉ là một mảnh đất Macau nhỏ bé, nay cũng đã được trả bằng một Macau sầm uất. 

Món nợ với Vương quốc Anh được hoá giải tương đối trọng thể với sự kiện trao trả một Hongkong, một trung tâm tài chính Châu Á vào thập niên 90s. Hongkong giúp Đại lục có khả năng tiếp cận với nguồn vốn khổng lồ để phát triển kinh tế trong thời gian đầu. 

Pháp và Hoa Kỳ thì lại không có lợi ích lãnh thổ trực tiếp nào ở Trung Quốc. 

Đến cuối cùng, dùng cách nói Mao Trạch Đông hay nói, “hàng triệu mét vuông đất” của Trung Quốc đã biến mất vào tay Nga, dù ông này có khẳng định: Tôi nói thế thôi chứ tôi không muốn đòi. 

***

Theo quan sát cá nhân, Bắc Kinh sẽ không “thu nạp” Nga trở thành một đồng minh dưới trướng trước khi làm điều gì đó để nhắc nhở đại chúng Nga về “tội ác” xưa cũ, cũng như phô trương thanh thế với quần chúng Trung Quốc. 

Đòi lại tả ngạn Hắc Long Giang hay giật hẳn cảng Vladivostok thì sẽ là điều không chắc chắn, nhưng giới hạn và thay thế quyền lực mềm lẫn cứng cũng như lợi ích của Nga trên toàn cầu (ví dụ như biển Đông) thì hoàn toàn trong tầm tay của họ. 

Nói cách khác, trước khi Hoa Kỳ mất đi danh xưng bá quyền độc cô cầu bại của thế kỷ 20-21, Nga sẽ không còn là một cường quốc ở tầm quốc tế nữa. 

Nếu chỉ vì cuộc chiến tại Ukraine, ông Putin có vẻ đi sai một nước cờ lớn hơn.  

Ảnh: Tranh vẽ quang cảnh ký kết Treaty of Aigun. 

#hoidongcuu

https://www.facebook.com/t2nguyenquoc/posts/pfbid0VPoLtMwjiU8ucqZ8EbAy7rriT5H6nFMuGS8dMZiy71cV7f1BZuwVQb81gZoiBLNtl

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular