Sunday, December 22, 2024
HomeBLOGPhóng đại và thổi phồng trong khoa học 

Phóng đại và thổi phồng trong khoa học 

Nguyễn Tuấn 

Việt Nam chúng ta là mảnh đất màu mỡ cho sự phóng đại và thổi phồng về những thành tích khoa học và khởi nghiệp. Nhưng trường hợp cô Elizabeth Holmes, người bị kêu án 11 năm tù vì tội lường gạt khoa học dẫn đến thất thoát hàng tỉ USD, là một bài học đắt giá về sự phóng đại và thổi phồng.  

Elizabeth Holmes (hình; sanh năm 1984, tức năm nay mới 38 tuổi) từng là một ngôi sao sáng chói trong thế giới khởi nghiệp. Năm 2003, cô là một sinh viên thuộc ĐH Stanford, nhưng cô bỏ học giữa chừng và lập công ti Theranos với một viễn kiến tuyệt vời. Viễn kiến là cô ấy làm chủ một công nghệ mà theo đó chỉ cần một giọt máu, công nghệ này có thể làm xét nghiệm hàng trăm marker (kể cả gen), và có thể phát hiện hàng trăm bệnh khác nhau, rẻ tiền hơn và nhanh hơn cách làm cũ. Thường, người ta phải lấy nhiều vial máu để xét nghiệm cho nhiều bệnh khác nhau. Thành ra, mới nghe qua thì đây đúng là một cuộc cách mạng y học. 

Với viễn kiến như thế, cô ấy đã thuyết phục khá nhiều nhà đầu tư. Số tiền mà các nhà đầu tư bỏ vào lên đến gần 1 tỉ USD. Sau khi được đầu tư, cô ấy  kí hợp đồng với hệ thống dược phẩm Walgreens để triển khai công nghệ xét nghiệm trên toàn nước Mĩ. Công ti Theronos rất thành công, và có lúc giới tài phiệt lượng giá rằng  giá trị của công ti là 4 tỉ USD. Năm 2004, cô ấy được đánh giá là tỉ phú trẻ tuổi nhứt nước Mĩ. 

Cô ấy được hệ thống truyền thông ca ngợi hết lời về tài năng, viễn kiến, và sắc đẹp. Hình cô ấy xuất hiện trên các tạp chí đại chúng khắp thế giới. Cô ấy trở thành một ngôi sao, một tấm gương sáng chói trong thế giới khởi nghiệp.

Lâu đài xây trên cát 

Không ai trong giới đầu tư chất vấn cái khoa học tính đằng sau viễn kiến của cô Elizabeth Holmes. Nhưng trong giới khoa học thì có người tò mò về cái công nghệ tuyệt vời đó. Theo vài người am hiểu về laboratory medicine thì cái công nghệ mà Theronos quảng bá chẳng có gì là mới cả, nhưng quan trọng hơn là tính khả thi thì rất thấp. Từ sự tò mò đó, người ta phát hiện rằng Theronos là một lâu đài được xây trên cát. 

Tại sao lâu đài xây trên cát? Tại vì không có một cơ sở khoa học vững vàng đằng sau cái ‘công nghệ’ mà cô Elizabeth Holmes nói. Một điều quan trọng là Theranos chưa công bố một nghiên cứu về cái công nghệ này. Trong khoa học, một kĩ thuật hay phương pháp mới, trước khi được áp dụng vào thực tế lâm sàng, thì trước đó phải có hàng loạt nghiên cứu mô tả kĩ thuật đó, lí thuyết đằng sau kĩ thuật, những kết quả thử nghiệm, và hiệu quả kinh tế. Còn đằng này,  Theranos chưa công bố một bài báo khoa học nào cả. Do đó, những gì họ quảng bá là phi khoa học. 

Năm 2015, Giáo sư John Ioannidis (Đại học Stanford University) viết một bình luận trên tập san Journal of American Medicine Association (JAMA) chất vấn Theranos thiếu tài liệu khoa học. Gs Ioannidis đặt câu hỏi là tại sao một công nghệ được quảng bá rầm rộ và được báo chí khen tặng nhiều như thế lại không có một dữ liệu nghiên cứu khoa học nào làm nền tảng. Báo chí cũng không đặt câu hỏi về chi phí, về tiềm năng xét nghiệm thái quá và gây gánh nặng tài chánh cho bệnh nhân. Tuy nhiên, chẳng ai trong giới đầu tư quan tâm đến bài báo của Ioannidis. 

Bắt đầu từ 2015, giới báo chí bắt đầu tìm hiểu sự thật đằng sau Theranos và họ ngạc nhiên. Khởi đầu là tờ Wall Street Journal phát hiện rằng những gì Theranos quảng bá là không đúng sự thật, vì họ vẫn dùng các xét nghiệm theo phương pháp truyền thống, chẳng có gì là cách tân cả. Ngay sau đó, Cục quản lí thực phẩm và thuốc (FDA) ra thông cáo chất vấn sản phẩm của Theranos. Khi người nội bộ nêu vấn đề và phê bình, Theranos bèn sa thải hai thành viên kì cựu là Henry Kissinger và George Shultz. Một năm sau (2016) thì Walgreens ngưng hợp tác với Theronos vì lí do an toàn cho bệnh nhân không được bảo đảm. Những năm sau đó là hàng loạt bê bối, với Theranos bị kiện ra toà và FDA tẩy chay không cho làm xét nghiệm. Năm 2018 thì Theranos bị đóng cửa và Elizabeth Holmes bị truy tố ra toà tội lừa đảo. Năm 2022 Elizabeth Holmes bị kêu án 11 năm tù giam, nhưng cô ấy sẽ kháng án. 

Thổi phồng và phóng đại ở Việt Nam 

Câu chuyện Elizabeth Holmes có lẽ làm cho nhiều người liên tưởng đến sự phóng đại và thổi phồng ở Việt Nam. Chẳng biết từ khi nào (chắc chắn là sau 1975), xã hội bị áp đặt bằng những ngôn từ phóng đại. Những chữ như ‘vĩ đại’, ‘đỉnh cao’, ‘ngạo nghễ’, ‘oanh liệt’, ‘quang vinh’, ‘thiên tài’, ‘sáng suốt’,  v.v. dần dần xâm nhập vào đời sống xã hội, và nó biến thành những sáo ngữ rất phổ biến làm cho người đọc không phân biệt được thực và hư. 

Một chuyến bay thương mại đưa công dân về nước được nâng cao thành ‘chuyến bay giải cứu’. Không chỉ giải cứu, mà còn ‘ngạo nghễ’ bay vào vùng dịch! Một cái huy chương cho những nhà khoa học trẻ được thổi phồng thành ‘huy hoàng’ và ‘vinh quang’ lớn. Một công trình khoa học trung bình nhưng vì nó gắn liền với một người nổi tiếng thì được phóng đại là một thành tựu ‘chinh phục khoa học’. Một bài báo khoa học bình thường, nếu không muốn nói là tầm thường, được nâng lên thành ‘đột phá’, và người đọc cảm thấy như Việt Nam đã làm chủ được công nghệ. Những cách ca ngợi như thế chẳng giúp ích gì cho khoa học, nếu không muốn nói là làm hại khoa học. 

Những người ‘khởi nghiệp’ thường có xu hướng phóng đại và thổi phòng sản phẩm của họ. Trong trận đại dịch vừa qua, chúng ta đã nghe và đọc nhiều sự phóng đại về thành tựu khoa học ở Việt Nam. Nghiên cứu và phát triển vaccine, kit xét nghiệm  (kể cả Việt Á là một ca tiêu biểu), xét nghiệm gen, v.v. làm cho công chúng cảm thấy tự hào về khoa học Việt Nam. Nhưng sau này thì chúng ta biết rằng những phóng đại như thế là rất xa với thực tế. 

Cũng giống như Elizabeth Holmes, có những người tự tin rằng bằng một gói xét nghiệm nào đó có thể phát hiện hàng trăm bệnh (với cái giá vài ngàn USD). Có người hứa hẹn rằng chỉ cần phân tích gen hay giải trình tự gen, họ có thể cho chúng ta biết sắp mắc bệnh gì, nên dùng thuốc nào. Có người mới học được một công nghệ nào đó và vội vàng áp dụng cho bệnh nhân và họ nghĩ (hay tin) rằng cái phương pháp mới sẽ tốt hơn những liệu pháp hiện hành. Tất cả những quảng bá này chỉ dựa vào cái danh xưng của người chủ trì, chứ bằng chứng khoa học thì gần như là không có. 

Nếu chú ý kĩ, tất cả những quảng bá về công nghệ mới chỉ là những hứa hẹn, và người quảng bá chúng giống như những người buôn bán hi vọng. Cô Elizabeth Holmes là một người như thế: chỉ bán hi vọng cho công chúng. Tương tự, những quảng bá về công nghệ ở Việt Nam chẳng có một nghiên cứu khoa học nào làm nền tảng. Không có một bài báo khoa học nào làm cơ sở, hay có thì cũng là những bài không có giá trị khoa học cao. Tuy nhiên, công chúng thì đâu có biết những bài báo đó như thế nào, họ chỉ tin vào cái danh của người quảng bá, và niềm tin của họ làm cho họ phí tiền, thậm chí phí rất nhiều tiền. 

Cái sai lầm chí mạng của cô Elizabeth Holmes là bỏ qua cái qui trình khoa học, hay nói theo cách nói ở Việt Nam là ‘Đi tắt đón đầu’. Qui trình khoa học là phải có nghiên cứu, và nghiên cứu phải được công bố trên các tập san có bình duyệt, truớc khi quảng bá về một ‘công nghệ’. Cô ấy không quan tâm đến nghiên cứu và công bố khoa học, mà chỉ quan tâm đến buôn bán hi vọng. Cô ấy cũng chẳng quan tâm đến những tác hại đến bệnh nhân vì những hành vi phóng đại. Cô ấy đã trả giá cho cách làm ‘đi tắt đón đầu’ đó, và đó là một bài học đắt giá cho những người khởi nghiệp quen với văn hoá thổi phồng và phóng đại.

———

Trong y học, từ nghiên cứu đến triển khai thực tế lâm sàng đòi hỏi một thời gian dài. Một molecule từ lúc khám phá, thử nghiệm, đến ứng dụng trên bệnh nhân mất từ 20-25 năm. Một công cụ y khoa trước khi sử dụng cho bệnh nhân phải qua nhiều thử nghiệm, đánh giá, và kiểm tra. Một mô hình trí năng nhân tạo trước khi đem ra ứng dụng phải qua đánh giá RCT. Ấy vậy mà ở VN có những liệu pháp được quảng bá rầm rộ, thậm chí dùng trên bệnh nhân, mà chẳng qua đánh giá nghiêm chỉnh nào cả!

Đó là chưa nói đến những quảng bá ồn ào trên mạng về những loại thuốc, thực phẩm mà mới nghe qua thì có vẻ “too good to be true”, thậm chí không cần đến bác sĩ! Điều đáng nói là những quảng bá như vậy được công chúng nghe và … mua. Có lẽ họ mua là vì người quảng bá (diễn viên, bác sĩ) hơn là sản phẩm?

RELATED ARTICLES

4 COMMENTS

  1. Can you be more specific about the content of your article? After reading it, I still have some doubts. Hope you can help me.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular