Friday, December 13, 2024
HomeBLOGĐồng Tâm cùng học

Đồng Tâm cùng học

Văn Việt

Lê Học Lãnh Vân

13-9-2020

Tôi biết rất nhiều người quen của tôi đang theo dõi rất sát phiên tòa xử vụ án Đồng Tâm. Vụ án thu hút nhiều tâm sự khiến người ta không còn đành lòng vui riêng, không còn muốn giải trí hay làm một việc gì khác… Cho dù còn ba ngày nữa mới tuyên án, tôi nghĩ đã tạm đủ để có một cái nhìn và nhận định một số khía cạnh của vụ án.

Câu hỏi không ít người nêu: Chúng ta cần làm gì? Chúng ta phải lên tiếng chứ?

1) Lên tiếng làm gì, vạch ra được cái gì thêm nữa khi mà tự bản cáo trạng và cách tổ chức phiên tòa đã vạch ra hết rồi?

Đã đọc nhiều bài viết phân tích vụ án với kiến thức của một chuyên gia luật hay của một người dân thường có trách nhiệm của một công dân, một đồng bào, tôi chưa thấy bài viết nào vạch ra đầy đủ và hùng hồn như chính bản cáo trạng và cách tổ chức phiên tòa. Bản thân chúng nói rõ ràng hơn ai hết rằng phiên tòa lẽ ra không nên được tổ chức, vì nó chỉ mang lại sự nghi ngờ, bất mãn, không yên lòng trong xã hội, và chung cuộc là sự xa cách hơn giữa dân chúng với chính quyền.

Tôi nghĩ những người tổ chức phiên tòa, viết cáo trạng, sau khi đọc các phân tích và biện hộ kia, chắc cũng thấy nhiều điểm vô lý. Nhưng thôi, đã lỡ phóng lao, cứ tiếp tục. Ta có sức mạnh, ta ngồi cao, ta cứ làm theo ý ta, mặc kệ ý chúng, mặc kệ ta có vô lý hay không. Suy cho cùng, để được ngồi ở vị trí này, ta có cần ý chúng đâu!

Tôi lại thực lòng không nghĩ đó là suy nghĩ của những người lãnh đạo tối cao, vì điều đó không có ích lợi gì cho họ. Tuy nhiên, là lãnh đạo, họ phải chịu trách nhiệm. Rất đáng tiếc! Đất nước đang cho thấy những biến chuyển về hướng phát triển hơn, tự chủ hơn, đất nước đang rất cần sự đồng tâm hợp lực của toàn dân! Rất đáng tiếc! Tôi vẫn còn hy vọng quyết định sau cùng của cấp rất cao chặn được thảm kịch!

2) Vụ án có những tác dụng tích cực. Trong số những người thực tâm nghĩ rằng gia đình ông Lê Đình Kình phản loạn, chống lại lực lượng chức năng đang thi hành công vụ, rằng gia đình ông Kình đáng chịu một bản án nặng nề, một số người bắt đầu tự đặt những câu hỏi. Các bài phân tích về vụ án sẽ cho họ ý niệm về sự khách quan, độc lập của một phiên tòa là cần thiết biết bao, là điều kiện không thể không có để có được sự phán quyết công minh, theo pháp luật và chỉ theo pháp luật. Những câu hỏi này là bước đầu để họ từ nay độc lập hơn trong suy nghĩ, nhận xét. Đúng như một số luật sư cho rằng việc tranh cãi trước tòa hiện nay có thể không giúp hay giúp ít vào kết quả phán quyết trước mắt, thì nó cũng chính thức lên tiếng với dân chúng về những điều vô lý. Nó công khai tuyên bố với người dân lý do tại sao các nước văn minh tổ chức việc xét xử khách quan và độc lập, tại sao họ trọng chứng, tại sao họ có những nguyên tắc nghiêm ngặt về chứng cứ, tại sao họ coi trọng sự biện hộ và vai trò của luật sư tới như vậy… Và, một cách gián tiếp và bao trùm hơn, nó vạch ra tại sao nguyên tắc phân quyền là nguyên tắc của xã hội văn minh, tại sao nguyên tắc đó là điều kiện và tính chất của một nền dân chủ thực sự. Cùng với bản thân bản cáo trạng, với cách tổ chức phiên tòa và phán quyết, nó là bài hoc sinh động và khắc sâu vào lòng xã hội.

3) Rõ ràng, xã hội Việt nam đang trải qua một cuộc lột xác đau đớn! Vụ án Đồng Tâm là một hậu quả tang tóc. Nó báo hiệu những bi kịch máu xương hơn, man rợ hơn có thể tới nữa như cái giá người Việt phải trả cho sự lột xác! Xét lịch sử gần trăm năm qua, người Việt hẳn đau lòng vì Việt Nam trả giá quá đắt, quá đắt so với nhiều nước khác!

Nhiều sự việc, nếu đặt kế nhau, chúng ta thấy chúng có mối liên hệ.

Phải chăng lịch sử cho thấy nhiều người Việt thường chọn giải pháp cực đoan, đàn áp nhau, giết nhau, phân ly nhau thay vì cộng tác cùng nhau phát triển… Xã hội này, đất nước này phải chăng chỉ có Ta và Địch?

Nhiều người Việt thường chia phe và chỉ biết phe ta. Ai nói điều tốt của phe ta, cho phe ta là nói đúng, ai nói điều xấu của phe ta là nói sai, hay không thèm nghe… Có chăng điều đó ảnh hưởng xấu lên tâm lý kỳ thị vùng miền, chủng tộc, khuynh hướng chính trị, đảng phái?

Nhiều người Việt thường chọn giải pháp, hướng đi theo cảm tính chứ ít chịu ngồi xuống lắng nghe, học hỏi, phân tích, tổng hợp… Biết điều gì được năm sáu phần đã vỗ ngực tự mãn, trong khi tinh hoa của kiến thức nằm ở một hai phần trên cao nhất thì ít người muốn học. Điều này có liên hệ gì tới tính chuộng hình thức hơn nội dung lan tràn trong xã hội?

Tất cả những điều đó, theo tôi, là do ít hiểu biết.

Xã hội hiểu biết thấy cái chung trước cái riêng. Thấy Nhân Loại trước Quốc Gia của riêng mình. Thấy quốc gia trước phe phái của riêng mình. Thấy xã hội trước gia đình riêng…

Xã hội hiểu biết tôn trọng tính khách quan. Xã hội đó xây dựng hệ thống xét xử độc lập, xây dựng nền báo chí tự do, những công cụ thiết yếu bảo vệ tính khách quan trong xã hội. Xã hội đó tổ chức tuyển chọn chính quyền theo đúng các nguyên tắc và tiêu chuẩn của tự do ứng cử và bầu cử… Xã hội đó hiểu rằng chính quyền không của dân, chính quyền khó mà vì dân.

Xã hội hiểu biết tự mang trong mình triết lý hoài nghi tri thức. Ta lúc nào cũng có thể sai, do đó luôn lắng nghe ý kiến trái chiều, luôn sẵn sàng học hỏi. Xã hội đó từ trong bản chất mang tính khai phóng. Xã hội đó bao dung, mềm dẽo, nhân ái thay vì cực đoan, khô cứng, hận thù…

Nhìn sự kiện Đồng Tâm từ cách đây mấy năm, theo dõi các biến chuyển của nó, quan sát phiên tòa, lắng nghe các tranh luận trong và ngoài phiên tòa… tôi càng củng cố trong mình rằng phải nâng mức độ hiểu biết của xã hội.

Trăm năm xưa cụ Phan Châu Trinh có nói: Chi Bằng Học. Muốn chấm dứt trăm sự khốn cùng của Quốc Gia, Chi Bằng Học! Muốn phát triển Quốc Gia, Chi Bằng Học! Nhân vụ án Đồng Tâm, và để không còn sự kiện Đồng Tâm nào nữa, ước sao anh em mình, đồng bào mình rủ nhau Đồng Tâm Cùng Học!

Dân chúng học. Cán bộ công quyền, các cấp lãnh đạo có cần học không?

Nguồn : Báo Tiếng Dân

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular