PHỤ NỮ
Thứ tư, ngày 13/05/2020
PNO – Sáu năm trước, luật sư Trần Văn Tạo, nguyên Phó giám đốc – Thủ trưởng cơ quan điều tra Công an TP.HCM (giai đoạn 1992 – 1995), từng gọi điện xin Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho lệnh tạm hoãn thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải (tử tù trong kỳ án sát hại hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi, tỉnh Long An).
Cuộc gọi điện thoại của ông Tư Tạo (tên thường gọi của luật sư Trần Văn Tạo) và lệnh hoãn thi hành án tử với Hồ Duy Hải của Văn phòng Chủ tịch nước đã khiến biết bao người tin tưởng, mong chờ một trang mới mở ra cho vụ án ly kỳ trong lịch sử tư pháp nước nhà, rằng một phiên tòa mới đại diện cho tinh thần thượng tôn pháp luật sẽ được mở ra, những sai sót về tố tụng của vụ án sẽ được khắc phục, chỉ ra đúng người, đúng tội…
Thế nhưng hôm nay, sau gần một tuần phiên giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) tối cao về vụ án Hồ Duy Hải, ông Tư Tạo mất ngủ… Một lần nữa ông tha thiết đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại vụ án bởi trăm sự hãy còn ngổn ngang…
Những chứng cứ trực tiếp rất quan trọng đã bị bỏ qua
Phóng viên: Thưa ông, dưới góc nhìn một cựu thủ trưởng cơ quan điều tra, ông nhận định gì về vụ án Hồ Duy Hải?
Luật sư Trần Văn Tạo: Trong vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng đã căn cứ trên các chứng cứ gián tiếp để đi đến kết án tử hình Hồ Duy Hải. Đã vậy, những chứng cứ ấy lại sai, thiếu và yếu (như ý kiến của Ủy ban Tư pháp và của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao). Đây là sai sót nghiêm trọng về tố tụng.
Ở vụ án này, trên báo chí có nêu mà Hội đồng Thẩm phán cũng đã công khai hỏi và thể hiện trong nội dung bản án có những chứng cứ trực tiếp như cái thớt dính máu, con dao là hung khí gây án. Bây giờ con dao thể hiện trên lời khai là con dao có trên hiện trường nhưng đã bị tiêu hủy. Đây là chứng cứ trực tiếp, bởi giết người phải có hung khí hoặc hành động trực tiếp. Thứ hai, tấm thớt cũng chẳng còn.
Tòa trưng lời khai Hồ Duy Hải có tình tiết đập đầu nạn nhân bằng tấm thớt, điều đó được đinh ninh rằng vết máu đó là của người bị hại không cần giám định. Không giữ con dao, tấm thớt từ hiện trường. Vết máu nếu giám định đến nơi đến chốn sẽ ra được máu của ai, có phải chỉ là máu của bị hại, của Hồ Duy Hải hay còn ai nữa không?
Rõ ràng, cơ quan điều tra không thu thập được gì từ hiện trường, đây là một thiếu sót lớn, không tuân thủ nguyên tắc khám nghiệm hiện trường. Toàn bộ chứng cứ trực tiếp của vụ án đều không có. Chỉ thu thập được lời khai của Hồ Duy Hải, mà lời khai lúc nhận tội, lúc không.
* Những chứng cứ trực tiếp đã bị bỏ qua ấy theo ông có chứng minh Hồ Duy Hải vô tội không?
– Tôi không biết Hồ Duy Hải có oan hay không, nhưng đã không có chứng cứ chứng minh tội phạm, tố tụng sai, mà mang một người đi tử hình, sau này nếu sai, chúng ta không sửa được bởi người đó đã chết rồi. Theo quan điểm của tôi, muốn định tội Hồ Duy Hải một cách thuyết phục, bắt buộc phải điều tra lại từ đầu. Phải khắc phục ngay từng sai sót trong tố tụng.
Tôi thấy thành viên Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao trả lời báo chí: “Không phải sai phạm tố tụng nào cũng hủy án. Mà chỉ có những sai phạm tố tụng nghiêm trọng, thay đổi bản chất mới hủy án, điều tra lại” – đó là quan điểm Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao và cả Chánh án Tòa án tối cao nữa đã thể hiện rõ ràng trước phiên tòa.
Sẽ có nhiều người chấp nhận, đồng tình quan điểm này. Nhưng với tôi, là người làm điều tra nên mọi thứ phải theo luật. Bộ luật Tố tụng hình sự là bộ luật hình thức, Bộ luật Hình sự là bộ luật nội dung. Bộ luật Tố tụng hình sự quy định hết sức chặt chẽ để không sai phạm trong quá trình thực hiện nội dung và buộc phải tuân thủ hết sức nghiêm ngặt. Cho nên nói như vậy có nghĩa tố tụng thì không được sai sót.
Hỏi cung cũng không được sai sót. Hỏi cung mà mình làm thay đổi tính khách quan của lời khai của bị can, bị cáo là không được. Từ đó mới quy định không được mớm cung, không được ép cung, không được nhục hình… Vì sao? Vì bằng những cái đó sẽ thay đổi tính khách quan lời khai của bị can, bị cáo. Về thủ tục tố tụng, việc thu thập chứng cứ, cũng buộc phải tuân thủ đúng quy định tố tụng hình sự.
Trong đó, chứng cứ phải là cái thật, là khách quan, là trực tiếp gây ra hành vi phạm tội thì mới gọi là chứng cứ trực tiếp, chứng cứ có giá trị thật sự trong vụ án hình sự. Chứng cứ gián tiếp cũng cần thu thập, nhưng đã nói là “gián tiếp” thì giá trị nó nhẹ, nó chưa phản ánh đầy đủ tính chất hành vi. Chứng cứ trực tiếp mới là cái phản ánh đầy đủ tính chất của hành vi. Cơ quan điều tra ban đầu đã bỏ hết chứng cứ trực tiếp mà vẫn đi đến kết luận và chỉ ra được bản chất vụ án cứ như là chuyện không tưởng!
* Ông nói trong tố tụng hình sự, đây là sai sót nghiêm trọng, nhưng Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao nói rằng những sai sót này không thay đổi bản chất vụ án và hành vi phạm tội của Hồ Duy Hải?
– Bởi vậy mới thật kỳ lạ. Sai sót của cơ quan điều tra đã được Tòa án tối cao “dung thứ”. Bản chất bao giờ cũng gắn liền chứng cứ. Nguyên tắc tố tụng hình sự từ chứng cứ đánh giá bản chất, soi ra bản chất. Không bao giờ từ bản chất sinh chứng cứ được. Tôi làm điều tra cũng soi tố tụng mà làm. Ở vụ án này, tất cả những chứng cứ không thu thập từ đầu mà lại nói về bản chất vụ án, cứ như trò đùa. Nhận định của tôi, đây là sự thất bại, khiến người dân không tin tưởng vào kết quả phiên tòa.
Theo luật, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao ra quyết định giám đốc thẩm. Đã ra phán quyết rồi thì chỉ có 4 cơ quan gồm Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có quyền được yêu cầu Hội đồng Thẩm phán tối cao xem lại quyết định của mình. Còn xem như thế nào thì thuộc quyền của Hội đồng Thẩm phán chứ các cơ quan nhà nước không can thiệp được quyết định này.
Tuy nhiên thực tế ở vụ án này, Chánh án Tòa án tối cao nằm trong Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã là người kháng nghị. Nếu phiên tòa không chấp nhận kháng nghị thì Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ có thể bảo lưu quan điểm. Ông cũng không có quyền yêu cầu xét lại. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đã kiểm tra và cũng có ý kiến đề nghị giám đốc thẩm rồi.
Như vậy, cả 3 đơn vị này đã tham gia trước, trong và khi mở phiên tòa. Chỉ còn một cơ quan “chưa làm gì hết” lần này, chính là Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngoài quyền được yêu cầu xem xét lại còn có quyền giám sát lại phán quyết của Hội đồng Thẩm phán.
Phiên tòa không cho thấy sự tiến bộ của nền tư pháp
* Cho đến hôm nay, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng trên báo chí, truyền thông đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại vụ án…
– Bởi đã theo dõi vụ án, chắc chắn họ sẽ không thể không lên tiếng. Vụ án gì mà bày ra bao nhiêu thứ sai sót, xã hội thấy những sai sót này là không thể chấp nhận được, nhưng ông Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thản nhiên nói “sai sót này không thay đổi bản chất vụ án”. Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao vừa rồi có những chi tiết và lập luận không đủ sức thuyết phục.
Dân chúng chỉ còn chờ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thôi. Nhờ cải cách tư pháp, chúng ta mới có việc xem xét lại vụ án, giám đốc thẩm của Tòa án tối cao (việc này, trước khi có Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 chưa có). Tôi mong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đừng bỏ qua vai trò của mình trong thời điểm này, trong vụ án này.
Kết quả điều tra và tố tụng có thể lại tiếp tục khẳng định Hồ Duy Hải là thủ phạm, hoặc có thể minh oan cho anh ta, nhưng điều tra và tố tụng lại sẽ thể hiện tính nghiêm minh và tính nhân văn của nền tư pháp trước một bản án tử hình có nhiều tranh cãi và ý kiến trái chiều từ các cơ quan cao cấp của nhà nước ta.
* Nếu có thể, ông có tiếp tục xin cho Hồ Duy Hải thêm lần nữa?
– Ngày trước, việc tôi gọi điện cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang để xin hoãn thi hành án tử với Hồ Duy Hải không phải để kêu oan giùm anh ấy mà là nhận ra những sai sót trong tố tụng ở vụ án này. Khi đó, tôi là người giữa đường thấy điều không phải rồi làm vậy thôi.
Nhưng hôm nay, sau nhiều năm suy nghĩ, phân tích thấu đáo về vụ án, dõi theo phán quyết của phiên giám đốc thẩm, thông qua bài báo này, tôi gửi lời xin Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể hiện vai trò giám sát của mình với vụ án. Có thể, trong thời gian đó, hoãn thi hành án tử hình với Hồ Duy Hải thêm lần nữa. Mọi người đang hy vọng, tôi cũng đang hy vọng xem xét lại vụ án. Đừng vội tử hình anh này. Nếu người ta đã chết rồi thì xem xét làm gì.
Tôi lo là lo phiên tòa đã khép lại nhưng vụ án chưa kết thúc. Dư chấn của phiên tòa sẽ còn rất rộng, rất lâu. Nhiều người, dĩ nhiên trong đó có tôi chưa phục. Đây không phải câu chuyện một phiên tòa mà là câu chuyện tư pháp. Nhiều người nhận ra phán quyết của Hội đồng Thẩm phán hoàn toàn không thuyết phục. Tôi cũng không hiểu tại sao lại tuyên án một cách dứt dạt như vậy khi vụ án còn bao nhiêu thứ không giải đáp được. Hệ quả của việc tuyên án này sẽ dẫn ra bao nhiêu câu hỏi nữa, câu chuyện nữa cho toàn ngành tư pháp…
Riêng với Hồ Duy Hải, anh vẫn còn một con đường sống là gửi đơn xin lệnh và chờ đợi lệnh ân xá từ Chủ tịch nước.
* Chúng ta luôn tự hào về công tác cải cách tư pháp, nói theo lẽ nào đó, phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải cũng là minh chứng cho cải cách tư pháp?
– Phải nói ngành tư pháp đến hôm nay được cải cách nhiều. Chúng ta luôn nhận định luật chúng ta tiến bộ. Tuy nhiên, soi qua phiên tòa này thì người dân không hiểu nó tiến bộ chỗ nào mà nó làm người ta vấn vương, phân vân và còn mãi lo âu. Phiên tòa thu hút sự quan tâm của toàn dân, bởi mười mấy năm rồi mới có một phiên giám đốc thẩm như vậy.
Người ta trông chờ 17 vị ở hội đồng thảo luận như thế nào, phân vân ra sao, đặt vấn đề gì ra nhưng không thấy. Chỉ nghe Chánh tòa hỏi, Viện Kiểm sát trả lời rồi giơ tay phán quyết. Một phiên tòa được mong đợi, thế mà, chúng ta lại công khai một nền tư pháp lỏng lẻo, thiếu thuyết phục, thậm chí làm mất lòng tin nơi nhân dân…
* Làm sao để thu phục lòng dân trong khi việc sai tố tụng, vi phạm tố tụng từ nho nhỏ như thời gian điều tra bị kéo dài, chứng cứ chứng minh chưa thuyết phục, khuất tất trong việc trưng cầu giám định pháp y… đã và đang xảy ra trong tố tụng của không ít vụ án?
– Bộ luật Tố tụng hình sự quy định chặt chẽ như vậy mà anh em đi làm tố tụng hình sự chúng ta lại thường coi hơi nhẹ cái này. Cho nên sai phạm hết cái này đến cái kia, mình cũng bỏ qua. Nếu cứ bỏ qua như vậy nó sẽ gây ra tiền lệ về tư pháp của mình, rất nguy hiểm. Vì nó sẽ tạo ra những cán bộ điều tra, cán bộ làm công tác tố tụng thờ ơ, cẩu thả trong việc kết luận hành vi phạm tội của người khác. Từ đó sẽ dẫn đến oan sai. Quan điểm của tôi: điều tra, tố tụng không được sai sót, dù là nhỏ. Đừng tạo tiền lệ xấu, làm ảnh hưởng lòng tin của người dân đối với hoạt động tư pháp.
* Làm thế nào để chúng ta củng cố lòng tin đó?
– Muốn củng cố nó thì phải sửa hết cái này, sửa ngay từ vụ án Hồ Duy Hải. Bởi bất cứ sai sót về tố tụng nào cũng phải được đánh giá thật nghiêm khắc.
* Xin cảm ơn ông.
Nghi Anh (thực hiện)