Nguyễn Thông
Gọi là mới, nhưng thực ra cụm từ này xuất hiện từ thời cách mạng vô sản. Cũng có thể nó được khơi mào từ những ông tổ râu xồm K.Marx – F.Engels của phong trào vô sản nửa cuối thế kỷ 19, mà cũng có khi bắt đầu trong cuộc nổi dậy tháng 11.1917 ở Nga (theo lịch Nga thì là cách mạng tháng 10), lập nên nhà nước xô viết. Nhưng thôi, chả hơi đâu tìm căn nguyên, khởi thủy của nó làm gì.
Theo lý luận của những nhà lãnh đạo cách mạng vô sản, giai cấp công nhân vốn làm thuê cho chủ tư bản tự thấy mình bị thiệt thòi, bị bóc lột đã đứng lên đòi lập lại trật tự, đánh đổ giai cấp tư sản, để xây dựng một chế độ và phương thức sản xuất mới, ai cũng làm chủ, “cùng làm cùng hưởng, bình quân chia đều”. Ông Marx còn xúi “giai cấp vô sản làm cách mạng, nếu có mất thì chỉ mất xiềng xích, còn được thì được cả thế giới”. Rất kinh. Nói đơn giản, muốn sung sướng phải đi làm cách mạng, phải đánh nhau, hạ bệ, đổ máu. Mấy ông thầy dùi này còn thừa giấy vẽ ma, rằng “giai cấp tư sản để đạt được 300% lợi nhuận thì dù tự treo cổ, nó cũng làm”, thân nó, nó còn chả tiếc thì nó thương ai. Nói chung, phe tư bản, giai cấp tư sản là rất xấu. Giàu là xấu.
Một thời gian khá dài, khoảng 7 chục năm, thế giới chia làm hai phe: tư sản và vô sản, tư bản và xã hội chủ nghĩa. Đấu nhau kịch liệt, cả võ mồm và súng đạn. Liên Xô, từ sau cách mạng tháng 10 tự xưng là thành trì của cách mạng thế giới, lôi cuốn được hơn chục nước vào vòng binh đao chống tư bản đế quốc. Cả bộ máy tuyên truyền suốt ngày ra rả nhét vào tai dân chúng rằng “chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu”, “chủ nghĩa cộng sản là tương lai tươi sáng của nhân loại”. Đồng thời với bức tranh rực rỡ ấy thì “bọn tư bản giãy chết”, “chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản”, và dĩ nhiên, “giai cấp vô sản là người đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản”. Với bộ máy tuyên truyền độc quyền một chiều có sự bảo kê của súng đạn, dân chúng nghe và tin sái cổ. Cũng có thể lúc đầu không tin, nhưng nó nói mãi thì cũng tin. Hăng hái làm nhiệm vụ vác thánh giá đi thánh chiến, đi đào mồ chôn bọn giãy chết, bọn nhà giàu. Bao giờ thế giới đại đồng/Chúng ta sẽ thoát khỏi vòng gian truân.
Trong tiếng Việt, “giãy” và “giẫy” có chung một nghĩa, vì vậy nói rằng “tư bản giãy chết” hoặc “tư bản giẫy chết” đều được. Nó bắt đầu từ việc dùng vần “ay” và “ây” cùng nội hàm, tạo nên chảy/chẩy, nhảy/nhẩy, bảy/bẩy, cả thảy/cả thẩy, hết sảy/hết sẩy, dấu phảy/dấu phẩy, thày giáo/thầy giáo… Khi cả nước có ngày thứ bảy trong tuần thì ở quê tôi (một làng quê vùng Hải Phòng) người ta chỉ biết thứ bẩy. Ôi giời, tiếng Việt rắc rối và giàu có, bàn bạc trao đổi có mà cả ngày.
Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, đẻ sau khi “miền Bắc hoàn toàn giải phóng” hăm hở tiến lên chủ nghĩa xã hội, nên từ bé tí đã nghe tuyên truyền về tư bản giãy chết. Vừa căm thù vừa thương hại chúng, tức là bọn tư bản. Khi đi học, ăn sâu vào đầu là những bài về đấu tranh giai cấp. “Dù quần đẹp áo lành/Anh vẫn là người xấu”. Mặc nhiên hiểu giai cấp tư sản rất ác, nhất là bọn tư sản mại bản. Chúng làm giàu trên mồ hôi nước mắt công nhân. Ngay cả nhưng tư sản có tinh thần dân tộc, biết giúp đỡ cách mạng và kháng chiến như Nguyễn Sơn Hà, Bạch Thái Bưởi, những chủ hãng Cự Doanh (dệt), Vạn Vân (mắm)… cũng cần phải cải tạo để trở thành người… lao động. Cách cải tạo phổ biến nhất là tịch thu tài sản, ban đầu núp dưới hình thức công tư hợp doanh, giao cho nhà tư sản chút chức vụ, sau khi nhà nước đã thâu tóm được hoàn toàn thì gạt họ khỏi bộ máy điều hành không thương tiếc. Rất nhiều nhà tư sản đã trở nên trắng tay bởi mưu mẹo mánh lới này của người cộng sản. Tôi nhớ, từng đọc đâu đó lời chua chát của một người trong cuộc sau khi toàn bộ tài sản phải “tự nguyện hiến” hết cho nhà nước, rằng mấy ông bà cách mạng kháng chiến, sau khi giành được tự do, độc lập cho đất nước và dân tộc thì đã tiến hành cuộc cướp bóc vĩ đại, cào bằng xã hội, căm ghét người giàu, biến cách mạng thành công cuộc ăn cướp.
Công bằng mà nói, lúc ban đầu mục đích tiêu diệt của người cộng sản xứ này không có chủ nghĩa tư bản, đối tượng bị thù hằn không có nhà tư sản. Điều đó được chứng minh bằng khẩu hiệu cương lĩnh của họ: “Trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ”. Cũng dễ cắt nghĩa bởi xứ ta tới khi cộng sản vùng dậy vẫn chỉ là nước thuần nông, nhà giàu chủ yếu là địa chủ, phú nông. Tới tận thập niên 1950, tiến hành cải cách ruộng đất, mà họ gọi là cuộc cách mạng long trời lở đất, vẫn chỉ tập trung vào địa chủ – kẻ thù của cách mạng, chưa thấy bóng dáng nhà tư sản trong danh sách đen. Chỉ có điều, với người cộng sản Việt Nam, lòng căm thù phe “tư bản giãy chết” đã ngấm vào máu từ khi được Marx – Lênin giác ngộ, chỉ chờ dịp là bùng phát thành những cơn cuồng nộ. (còn tiếp)
Nguyễn Thông