Monday, December 30, 2024
HomeBLOGỦy ban Bảo vệ Ký giả-CPJ: Luật An ninh mạng là một...

Ủy ban Bảo vệ Ký giả-CPJ: Luật An ninh mạng là một vũ khí mới để Chính phủ Việt Nam chống lại tự do báo chí

Hòa Ái, RFA

Các tổ chức báo chí quốc tế, trong vài năm trở lại đây, xếp hạng Việt Nam là một trong những quốc gia đứng cuối bảng về tự do báo chí và cầm tù nhiều nhà báo nhất.

Nhân Ngày Tự do Báo chí Toàn cầu năm 2019, Đài RFA sơ lược tình hình báo chí tại Việt Nam trong những năm vừa qua.

Bị tụt hạng về tự do báo chí

Trong nhiều năm liền, Việt Nam luôn đứng trong những thứ hạng thấp về tự do báo chí theo báo cáo của các tổ chức phi chính phủ về tự do báo chí.

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) xếp Việt Nam ở thứ hạng 176/180 trong Báo cáo về chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2019.

Việt Nam vào năm ngoái bị RSF xếp tụt một bậc hạng so với vị trí 175/180, qua đánh giá không có tiến bộ về tự do báo chí suốt 4 năm liền trước đó. Nguyên nhân đánh giá tụt hạng mà RSF đưa ra là truyền thông ở Việt Nam phải tuân theo mệnh lệnh của Đảng Cộng sản lãnh đạo; song song với việc gia tăng sách nhiễu, khủng bố, bắt bớ các nhà báo công dân ở mức độ kinh hoàng trong hai năm 2017 và năm 2018, kể từ khi ông Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam hồi năm 2011.

Hồi năm 2014, RSF xếp Việt Nam đứng thứ 174/180 quốc gia theo đuổi chính sách kiểm duyệt báo chí và cấm đoán internet một cách gắt gao. Tại thời điểm đó, đại diện của RSF, bà Delphine Halgand lên tiếng với RFA về cảnh báo mức độ nguy hiểm mà người viết blog ở Việt Nam gặp phải đối với Chính quyền Hà Nội.

“Tháng 9 năm 2013, Đảng Cộng sản Việt Nam gia tăng mức độ kiểm duyệt lên một tầm cao hơn khi công bố Nghị Định 72 với qui định cấm sử dụng các trang blog cũng như những trang mạng xã hội dân sự để thông tin, trao đổi về những sự kiện đang xảy ra trong nước. Hành động này chứng tỏ Đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn lựa một phương cách mới nhằm trấn áp cả một thế hệ trẻ vốn có kiến thức, có sự hiểu biết mà có thể gây phương hại đến nền báo chí chính thống do nhà nước kiểm soát.”

RSF và các tổ chức báo chí quốc tế như Freedom House hay Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) cho rằng không chỉ dựa theo Nghị định 72, mà Việt Nam còn dùng các điều khoản 79 “lật đổ chính quyền nhân dân”, 88 “tuyên truyền chống nhà nước”, 258 “lợi dụng quyền tự do dân chủ” trong Bộ luật Hình sự để can thiệp vào truyền thông mạng xã hội và bỏ tù các nhà báo cùng blogger.

Theo số liệu thống kê của RSF hiện Việt Nam giam tù ít nhất 30 nhà báo và blogger. Trong khi đó, CPJ ghi nhận Hà Nội tuyên án tù 11 nhà báo trong năm 2018, cho thấy Việt Nam nằm trong số các quốc gia kết án tù nhà báo nhiều nhất trên thế giới.

CPJ quan ngại sâu sắc rằng Việt Nam sẽ sử dụng các điều khoản quy định trong Luật An ninh mạng để sách nhiễu các nhà báo và làm suy giảm tự do báo chí. Chính phủ Việt Nam đã lạm dụng nhiều điều luật chống nhà nước mơ hồ để tống giam các nhà báo chỉ vì họ thực hiện công việc của mình. Luật An ninh mạng mới ban hành là thêm một vũ khí nữa cho Chính phủ Việt Nam sử dụng để chống lại các nhà báo độc lập
-Đại diện của CPJ, ông Shawn Crispin
Sau khi Luật An ninh mạng của Việt nam đi vào hiệu lực từ ngày 1/1/2019, các thông tin trên truyền thông trong nước cho thấy người dân thường xuyên bị triệu tập, bị bắt giữ và bị khởi tố vì đưa tin trên mạng xã hội mà Công an Việt Nam cho là các thông tin đó sai sự thật hoặc nhằm mục đích chống Đảng và Nhà nước. Trường hợp điển hình là Facebooker Huỳnh Trương Ca, vào cuối tháng 12 năm 2018 bị Tòa án ở Đồng Tháp tuyên 5 năm 6 tháng tù giam, với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 117 Bộ luật Hình sự.

Một trong những người bị bắt mới nhất là bà Nguyễn Thị Huệ, ở Gia Lai. Bà Huệ bị công an bắt tạm giam hồi trung tuần tháng 2 năm 2019 với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do xâm phạm lợi ích Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điều 331 Bộ luật Hình sự. Lý do là bà Huệ đã chia sẻ trên Facebook về việc khiếu kiện nhiều lần của gia đình ở Hà Nội.

Đại diện của CPJ đặc trách khu vực Đông Nam Á, ông Shawn Crispin nhận định về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam bị tác động ra sao bởi các luật định của nước này:

“CPJ quan ngại sâu sắc rằng Việt Nam sẽ sử dụng các điều khoản quy định trong Luật An ninh mạng để sách nhiễu các nhà báo và làm suy giảm tự do báo chí. Chính phủ Việt Nam đã lạm dụng nhiều điều luật chống nhà nước mơ hồ để tống giam các nhà báo chỉ vì họ thực hiện công việc của mình. Luật An ninh mạng mới ban hành là thêm một vũ khí nữa cho Chính phủ Việt Nam sử dụng để chống lại các nhà báo độc lập.”

Sẽ tồi tệ hơn

Đánh giá của RSF về Việt Nam trong báo cáo chỉ số tự do báo chí thể giới 2019.
Đánh giá của RSF về Việt Nam trong báo cáo chỉ số tự do báo chí thể giới 2019. Courtesy: Ảnh chụp màn hình rsf.org

Mặc dù Hiến pháp Việt Nam 2013 ghi rõ rằng công dân có quyền tự do báo chí, tiếp cận thông tin và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định tôn trọng và đảm bảo quyền tự do báo chí của người dân, tuy nhiên Freedom House ghi nhận Việt Nam liên tục bị xếp trong danh sách nhóm các quốc gia không có tự do báo chí trong nhiều năm. Thống kê của Freedom House cho thấy trong số 40 nước ở Châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam chỉ được xếp trên 3 quốc gia Lào, Trung Quốc và Bắc Hàn về tự do báo chí.
Ông Shawn Crispin của CPJ nhấn mạnh rằng:

“Hiến pháp Việt Nam trên danh nghĩa bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tuy nhiên thực tế là các nhà báo thường xuyên bị sách nhiễu và bỏ tù theo các điều luật hà khắc khi họ đưa tin nghiêm túc về Chính phủ. Có rất nhiều blogger và nhà báo độc lập dũng cảm ở Việt Nam đã thúc đẩy tự do báo chí thông qua những bài báo trung thực của họ. Nhưng thật không may, Chính phủ thường nhắm vào những nhà báo này để trả thù.”

Đại diện phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của RSF, ông Benjamin Ismail hồi năm 2016 cũng từng đưa ra nhận định với Đài Á Châu Tự Do rằng:

“Thông tin độc lập cũng như thông tin tự do là những thứ không thể có trong một xã hội nằm dưới sự kiểm soát của một Đảng Cộng sản như Việt Nam.”

Nhà báo độc lập Đỗ Cao Cường, một nhà báo được cộng đồng biết đến qua những phóng sự trung thực về ô nhiễm môi trường tại Việt Nam mà anh bất chấp hiểm nguy để đưa tin, cho RFA biết các nhà báo độc lập luôn đối mặt với rất nhiều rủi ro:

“Từ các nhóm lợi ích cho đến chính quyền đều bịt miệng các nhà báo độc lập bằng cách bắt bớ, đe dọa cả những người thân và gia đình của các nhà báo độc lập. Những nhà báo tự do không có cơ hội để tiếp cận và phản biện với chính quyền, cũng như không thể kiện chính quyền. Do đó, tôi nghĩ rằng tương lai rất nguy hiểm cho các nhà báo độc lập tại Việt Nam.”

Trong năm 2018, báo chí chính thống của Việt Nam cũng gặp phải tình trạng bị phạt hành chính và đình bản do bị quy cho là đưa thông tin sai sự thật, không đúng tôn chỉ và mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí. Đơn cử, Bộ Thông Tin-Truyền Thông, vào ngày 16/7/2018 ra quyết định xử phạt Báo Tuổi Trẻ 220 triệu đồng và đình bản báo Tuổi Trẻ Online trong thời gian ba tháng, buộc phải xin lỗi và cải chính thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng trong bài viết có tựa “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật Biểu tình” đăng tải trên báo vào ngày 19/6/2018, và thông tin gây mất đoàn kết dân tộc trong phần bình luận của bài viết “Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây?” hôm 26/5/2017.

Vào tháng 9 năm 2018, có thêm hai cơ quan báo chí bị phạt hành chính tổng cộng 40 triệu đồng bao gồm Báo Pháp luật – Xã hội và Tạp chí điện tử Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo. Mới đây vào tháng 2 năm 2019, Báo mạng Người Tiêu Dùng bị kỷ luật tạm ngưng hoạt động và đóng phạt 65 triệu đồng do đăng bài liên quan đến lãnh đạo trong sai phạm ở Dự án Đô thị mới Thủ Thiêm. Tạp chí Luật Khoa còn ghi nhận trong năm 2017, Bộ Truyền Thông-Thông Tin đã xử phạt 55 cơ quan báo chí với hơn một tỷ đồng.

Từ các nhóm lợi ích cho đến chính quyền đều bịt miệng các nhà báo độc lập bằng cách bắt bớ, đe dọa cả những người thân và gia đình của các nhà báo độc lập. Những nhà báo tự do không có cơ hội để tiếp cận và phản biện với chính quyền, cũng như không thể kiện chính quyền. Do đó, tôi nghĩ rằng tương lai rất nguy hiểm cho các nhà báo độc lập tại Việt Nam
-Nhà báo Đỗ Cao Cường
Một số nhà báo ở Việt Nam Đài RFA tiếp xúc chia sẻ rằng không chỉ nhà báo độc lập, mà cả các nhà báo và các báo thuộc truyền thông lề phải ở Việt Nam trong thời gian tới cũng sẽ phải đối mặt với nhiều cam go hơn nữa dưới sự kiểm duyệt ngày càng gắt gao hơn của Chính phủ qua Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Quy hoạch khẳng định chủ trương báo chí là công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước.

Tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019, diễn ra ngày 28/12/18, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Lê Mạnh Hùng cho biết tính đến cuối tháng 11 năm 2018, Việt Nam có 19 ngàn nhà báo được cấp thẻ và gần 24 ngàn hội viên Hội Nhà báo cùng 844 cơ quan báo chí in, với 184 báo in, 660 tạp chí, 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập và 67 đài phát thanh, truyền hình. Tất cả các cơ quan báo chí này đều phải chịu sự kiểm soát thông tin của Nhà nước mà cụ thể là theo đường hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Blogger Nguyễn Ngọc Già nêu lên quan điểm của ông với tình hình báo chí Việt Nam:

“Tôi nghĩ đang rất là tồi tệ và sẽ tồi tệ hơn rất nhiều nếu cái gọi là ‘quy hoạch báo chí’ khai triển. Ngay ý nghĩa ‘quy hoạch’ dùng cho báo chí đã là một khái niệm mất tự do rồi. Phải xem báo chí là sản phẩm thị trường như các quốc gia dân chủ thì mới gọi là có tự do báo chí. Cho đến nay không có kinh tế thị trường ở Việt Nam, thì nhất định không có tự do báo chí và không có các loại tự do khác, bởi kinh tế là quyết định. Nhà nước Việt Nam rất mâu thuẫn trong quản lý báo chí nói riêng và điều hành cả xã hội nói chung. Tôi ví kinh tế và chính trị như một đôi chân, Chính phủ Việt Nam muốn nhích ‘chân kinh tế’, có thể thấy qua việc Việt Nam vẫn tiếp tục xin Hoa Kỳ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường trong chuyến đi mới nhất của ông Nguyễn Văn Bình đến Mỹ hồi trung tuần tháng 4, mà trong khi ‘chân chính trị’ cứ dậm tại chỗ. Hình ảnh đó cho thấy họ không thật tâm muốn tự do báo chí.”

Trong khi các tổ chức nhân quyền và báo chí quốc tế như RSF vận động chính phủ các nước Châu Âu và Hoa Kỳ cần thúc đẩy Việt Nam cải thiện nhân quyền, trong đó có quyền tự do thông tin và tự do báo chí thì tại Việt Nam, các nhà báo công dân và những blogger vẫn kiên trì công việc của họ với quyết tâm như nhà báo độc lập Đỗ Cao Cường từng tuyên bố “Giết tôi đi rồi hãy bắt tôi im lặng”.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular