VOA
Nhiều người vẫn còn bị ám ảnh bởi điều mà ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Đoàn Đại biểu của TP.HCM tại Quốc hội, nêu ra tuần trước: Đừng xem TP.HCM là ‘bò sữa” rồi vắt mà không bồi dưỡng (1)! Tuy nhiên sự xúc động nếu có, không nên chỉ vì 14 triệu người đang cư trú ở TP.HCM…
***
Quả là đáng bất bình khi TP.HCM phải chuyển cho chính phủ 82% số thu để cả chính quyền trung ương lẫn chính quyền các thành phố khác chi tiêu vô tội vạ. Chẳng hạn Quảng Bình – một trong những tỉnh năm nào cũng xin cứu đói – vừa tuyên bố sẽ chi 78,8 tỉ để dựng tượng đài “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình” (2).
Rõ ràng những cổng chào, tượng đài, tháp biểu tượng, quảng trường,… mọc lên trên khắp Việt Nam, đa số là ở những tỉnh, thành phố trước nay chỉ ngửa tay xin chứ không đóng góp được đồng nào cho công khố. Và rõ ràng tiền đổ vào các công trình vô bổ đó nếu không thấm mồ hôi của dân chúng TP.HCM thì cũng sẽ là những khoản nợ mà chính họ phải thắt lưng, buộc bụng để trả trong tương lai.
Có một thực tế mà xưa nay, nhiều giới ở miền Nam Việt Nam vẫn phẫn nộ. Chẳng riêng TP.HCM mà khu vực đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa giúp Việt Nam duy trì an ninh lương thực, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế hàng năm nhờ gạo và các loại nông sản, thủy sản xuất cảng – cũng chỉ bị buộc nộp chứ không được nhận lại gì.
Cho đến giờ này, khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn là “vùng trũng về kết cấu hạ tầng, y tế, giáo dục – đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực” bởi “suất đầu tư chưa tương xứng” (3). Bốn thập niên sau ngày “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, cư dân của vùng đất phì nhiêu, hết sức đa dạng về sản vật tự nhiên lũ lượt dắt díu nhau tha phương cầu thực. Chỉ trong mười năm vừa qua đã có 1,7 triệu cư dân đồng bằng sông Cửu Long (tương đương 1/10 dân số khu vực) ngậm ngùi từ biệt quê cha, đất tổ (4).
Tại sao phần lớn dự án đầu tư cho phát triển sử dụng công quỹ hoặc bằng tiền đi vay chỉ dồn vào các tỉnh, thành phố miền Bắc và phía Bắc miền Trung, cuối cùng, ngoài các cổng chào, tượng đài, tháp biểu tượng, quảng trường,…còn rất nhiều tuyến đường trị giá hàng ngàn tỉ chẳng có bao nhiêu xe qua lại, thậm chí có những tuyến đường như đường nối thành phố Hà Tĩnh với tỉnh lộ 21 (dài 5,6 cây số), dùng 52 tỉ để làm trước 1/3, dẫn ra giữa đồng rồi để đó cho trâu, bò đi lại khỏi… lấm chân từ 2016 đến nay (5), trong khi hệ thống hạ tầng ở TP.HCM thường xuyên quá tải, cản trở phát triển kinh tế – xã hội, nhiều nơi ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, dân chúng từ già đến trẻ vẫn qua lại bằng cầu khỉ, thiếu mọi thứ từ trường học đến bệnh viện?
Câu trả lời thường nghe và được nhiều người tán thành là hiện tượng quái gở nhưng rất phổ biến ấy xuất phát từ phân biệt đối xử vùng, miền. Song nếu ngẫm kỹ thì cách lý giải này không ổn vì không đúng với bản chất của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam.
***
Sau một thời gian dài bị chuyên gia nhiều giới cả trong lẫn ngoài Việt Nam chỉ trích vì “đầu tư dàn trải, cào bằng” khiến những nơi, những khu vực giàu tiềm năng, nhiều lợi thế như TP.HCM, đồng bằng sông Cửu Long không cục cựa gì được, cuối năm ngoái, Quốc hội “nhất trí” thông qua “Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TP.HCM” (Nghị quyết 54/2017/QH-14).
Theo nghị quyết này, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền TP.HCM có nhiều quyền hạn hơn trong quản trị – điều hành (tự quyết về chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, tự quyết về chủ trương đầu tư các dự án trước đây vốn thuộc thẩm quyền chính phủ, tự quyết về một số loại thuế – phí, được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do điều chỉnh chính sách thu, được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán công sản,…) (6).
Tháng 11 năm ngoái, sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết 54/2017/QH-14, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM, hết sức hào hứng tuyên bố: Nghị quyết này là một quyết sách có tính đột phá mang tầm vóc quốc gia. Ông Nhân khẳng định, Nghị quyết 54/2017/QH-14 sẽ là động lực để TP.HCM phát triển (7).
Có một điểm cần lưu ý, Nghị quyết 54/2017/QH-14 xác định, 18 nội dung thuộc năm lĩnh vực mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở TP.HCM được tự quyết phải có sự phê chuẩn của Hội đồng nhân dân TP.HCM. Từ đó đến nay, Hội đồng nhân dân TP.HCM đã phê chuẩn hai chuyện không chỉ làm nhân dân TP.HCM sững sờ mà còn khiến nhân dân cả nước sửng sốt: Một – xây dựng “Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch”, trị giá 1.508 tỉ đồng tại Thủ Thiêm! Hai – xây dựng “Quảng trường Hồ Chí Minh” (diện tích 27 héc ta, ngoài quảng trường, còn có Cột cờ tổ quốc, Công viên lưu niệm 63 tỉnh – thành phố, Nhà Trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà sàn và ao cá Bác Hồ), trị giá 2.000 tỉ, cũng tại Thủ Thiêm.
Chủ đầu tư kiêm nhà thầu “Quảng trường Hồ Chí Minh” đã được xác định là Công ty Đại Quang Minh (doanh nghiệp từng được đồng chí Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, lựa chọn làm bốn con đường chính từng được ví von là “dát vàng” ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm khi đồng chí Cang mới là Ủy viên Ủy ban nhân dân TP.HCM). Sau khi hoàn tất “Quảng trường Hồ Chí Minh”, Công ty Đại Quang Minh sẽ được cấn trừ khoản chênh lệch lẽ ra phải nộp lại khi xây dựng bốn con đường chính cho Khu Đô thị mới Thủ Thiêm (8).
Nghị quyết 54/2017/QH-14 không chỉ làm hệ thống chính trị, hệ thống công quyền TP.HCM hân hoan, mà còn từng làm nhiều người bất bình khi TP.HCM phải “cống nạp” 9/10 nguồn lực để chính quyền trung ương chi cho hàng loạt tỉnh, thành phố xưa giờ vốn vô dụng, đã không góp được gì cho phát triển quốc gia mà chỉ phá bằng vô số dự án vô bổ, hài lòng. Song chính thực tế chỉ ra, ngay cả khi được tự quyết nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển, cũng chẳng có gì bảo đảm hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở TP.HCM – nơi tập họp đồng chí, đồng đội của những Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua, Tất Thành Cang, Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thanh Phong, Nguyễn Thị Quyết Tâm,… – sẽ có đủ khả năng, nhiệt huyết để tận dụng quyền tự quyết đó sao cho thật sự “ích quốc, lợi dân”.
***
Ví von của ông Phan Nguyễn Như Khuê làm nhiều người, đặc biệt là cư dân TP.HCM xúc động vì liên tưởng đến thân phận của họ. Chẳng ai muốn bị biến thành bò cho những kẻ bất lương khai thác sữa. Tuy nhiên dưới thể chế chính trị hiện nay, dân chẳng khác gì bò, sự khác biệt nếu có chỉ nằm ở chỗ bị kẻ nào vắt. Tại Việt Nam không chỉ có 14 triệu người cư trú ở TP.HCM bị xem là “bò”, không phục vụ trung ương thì phục vụ Đảng ủy, chính quyền TP.HCM, thân phận của hơn 80 triệu người nữa cư ngụ ở các vùng, miền khác cũng chẳng khác gì.
Năm 2016, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) từng làm dân chúng Việt Nam sững sờ khi công bố báo cáo kiểm tra việc sử dụng công quỹ năm 2015 (được gọi là Báo cáo Kiểm toán Quyết toán Ngân sách năm 2015). Theo đó, năm 2015, Bộ Kế hoạch – Đầu tư (Bộ KHĐT) đã tự ý lấy 1.900 tỉ từ công khố cấp cho hàng loạt dự án chưa đủ cơ sở pháp lý để có thể nhận tiền từ công khố và cấp công quỹ vượt mức qui định cho nhiều dự án khác. Vào thời điểm đó, Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị Thủ tướng Việt Nam chỉ đạo Bộ KHĐT tổ chức kiểm điểm và truy cứu trách nhiệm của tất cả những cá nhân có liên quan song chẳng ai hề hấn gì (9).
Năm 2017, công chúng Việt Nam tiếp tục sững sờ khi năm 2016, Bộ KHĐT lại giao vốn cho các dự án đầu tư phát triển sai cả về thời điểm, lẫn cách thức (cấp vốn vượt mức đã được duyệt, cấp vốn sai đối tượng, cấp vốn khi dự án chưa được duyệt,…). Chỉ mới ngó đến 283 báo cáo của 229 nơi, KTNN đã phát giác khoảng 40 dự án dở dang, cần hoàn tất sớm nhưng không được cấp vốn và Bộ KHĐT đã dùng nguồn vốn đó để hỗ trợ cho những dự án chưa cần thiết. Có những dự án lẽ ra phải vay ngân sách nhưng Bộ KHĐT tự tiện chuyển thành “đầu tư trực tiếp” thành ra phía nhận vốn không phải hoàn lại tiền. Khoản tiền lẽ ra phải vay ngân sách được chuyển thành “đầu tư trực tiếp” chừng… 3.000 tỉ đồng. Trong tài khóa 2016, ngân sách đã được rút ra chi dùng sai nguyên tắc hàng chục ngàn tỉ đồng (10).
Năm nay, chưa có Báo cáo Kiểm toán Quyết toán Ngân sách năm 2017 nhưng hồi tháng 10 vừa qua, khi trình bày về “Kế hoạch Đầu tư trung hạn và Tài chính quốc gia trong giai đoạn từ 2016 đến 2020” trước Quốc hội, chính phủ Việt Nam cho biết, đang thiếu 60.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án đã được phê duyệt. Dường như con số ấy không đáng bận tâm, chính phủ Việt Nam đề nghị Quốc hội phân bổ tiếp 94.000 tỉ đồng nữa. Tính ra, từ nay đến 2020, số tiền mà công khố phải chi, không đủ để chi thì phải vay để thực hiện những dự án kiểu như tượng đài “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình” lên tới… 154.000 tỉ đồng (11). Những chuyện như vừa kể không mới và nếu xét kỹ ắt sẽ thấy không có phân biệt đối xử vùng, miền. Vấn đề chỉ nằm ở chỗ vùng nào, miền nào “chạy” giỏi hơn. Trong mắt các viên chức hữu trách đang điều hành hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương tới địa phương ở Việt Nam, có tới 94 triệu con bò còn thở được nên còn vắt được, hết sữa sẽ trích máu.
Chú thích
(1) https://news.zing.vn/dung-xem-tphcm-la-bo-sua-de-vat-kiet-post897918.html
(2) https://dantri.com.vn/chinh-tri/quang-binh-xay-tuong-dai-bac-ho-gan-79-ty-dong-20181212135329053.htm
(3) https://tuoitre.vn/phai-thay-doi-de-vuc-day-dong-bang-song-cuu-long-20170926081552351.htm
(4) https://tuoitre.vn/dan-dbscl-dan-bo-xu-do-bien-doi-khi-hau-20180110085014275.htm
(5) https://vietnammoi.vn/duong-52-ti-dong-khong-bong-nguoi-bo-nhon-nho-dung-nam-tao-dang-157763.html
(9) https://tuoitre.vn/bo-ke-hoach-va-dau-tu-bo-tri-sai-va-vuot-1900-ti-1323258.htm
(11) https://vietnambiz.vn/tap-trung-vao-cac-du-an-dau-tu-cong-con-dang-do-105624.html
Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ.