Tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, sang Na Uy năm 2009, và từ 2016 bắt đầu sang Anh đi học. Nhờ vậy, tôi đã học được rất nhiều thứ.
Tiếp xúc với các dân tộc khác và nền văn hóa khác
Trong khi ở Việt Nam chỉ có chủ yếu người Việt sống với nhau, Na Uy và Anh đều là những nơi đa chủng tộc, đa văn hóa, đa tôn giáo. Theo tôi, càng có nhiều dân nhập cư của nhiều chủng tộc và văn hóa, càng đa dạng phong phú, với nhiều loại thức ăn để lựa chọn và nhiều thứ để học hỏi, và càng nhiều va chạm, để cởi mở và mở rộng tầm nhìn hơn. Càng hiểu biết, người ta càng tôn trọng tự do và khác biệt hơn.
Nói như thế không có nghĩa là tôi muốn open borders, muốn Châu Âu ào ào nhận thật nhiều dân nhập cư không kiểm soát, để khủng bố trà trộn. Nói như thế cũng không có nghĩa tôi nghĩ mọi nền văn hóa và xã hội đều như nhau, mọi niềm tin và truyền thống đều cần tôn trọng và tuân theo chỉ vì nó là niềm tin và truyền thống của một xã hội khác, vì có những thứ đi ngược lại với giá trị tự do bình đẳng của xã hội hiện đại và cần bãi bỏ. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ va chạm với chủng tộc khác, văn hóa khác, vẫn tốt hơn.
Khi ở Na Uy, có lần một cô người Việt mới sang từng nói ở Na Uy có nhiều người da đen quá, sợ quá. Tất cả chỉ vì cô ấy chưa bao giờ thấy người da đen, chỉ nghe định kiến từ xa. Bạn có thể nói dân da đen ở Châu Âu hoặc Mỹ phạm tội nhiều, sợ là phải, nhưng nếu dân bản xứ cũng kỳ thị người Việt nói chung, không còn nhìn thấy bạn như một cá nhân nữa và không chấp nhận người Việt, bạn sẽ nghĩ sao?
Không có gì là “bình thường”, hiển nhiên
Nếu bạn chỉ sống trong một xã hội duy nhất, mọi thứ mà bạn và người xung quanh làm sẽ được xem là bình thường, tất nhiên. Nhưng khi bạn tới một quốc gia khác, thấy mọi người sống một cách khác, bạn sẽ thấy ngay không có gì là hiển nhiên–tất cả chỉ là truyền thống và thói quen.
Vài ví dụ nhỏ. Khi trạm xe buýt có ba mặt thì ở Oslo (Na Uy) mặt hở là ở phía trước để dễ nhìn; ở Leeds (Anh) mặt hở lại ở phía sau, (có lẽ) để chống gió. Với xe cứu thương hoặc xe cảnh sát, ở Oslo chữ in trên xe bình thường. Ở Leeds chữ được in ngược để người ta có thể đọc được trong gương chiếu hậu. Cái nào cũng có cái lý của nó.
Khi đã nhận ra những chuyện nhỏ, tôi thấy chuyện lớn cũng vậy, tất cả chỉ từ truyền thống và thói quen.
Mở rộng tầm nhìn
Lấy điện ảnh làm ví dụ, vì tôi học ngành filmmaking. Tôi từng thấy nhiều người vì chỉ xem film Việt, film Mỹ, và có lẽ vài film Châu Á, nghĩ điện ảnh Mỹ rất bạo lực và đầy sex. Nhưng nếu xem nhiều hơn, rộng hơn, họ sẽ thấy cái bạo lực của Mỹ có thể máu me nhưng không dã man như film Nhật hay film Hàn Quốc. Ngoài ra sex trong film Mỹ cũng chẳng là gì so với phim Châu Âu, đặc biệt điện ảnh Pháp và Bắc Âu.
Hoặc nhiều người, nếu chủ yếu chỉ xem film Mỹ, sẽ nghĩ Hollywood là nhất. Nhưng thật ra điện ảnh Mỹ chỉ vượt trội hơn mọi nơi khác về mảng film bom tấn. Còn các film đột phá về ý tưởng và cấu trúc thường là của Châu Âu, đặc biệt các đạo diễn bậc thầy như Ingmar Bergman, Federico Fellini, Luis Bunuel, Andrei Tarkovsky… và sau này với những đạo diễn mới như Lars von Trier, Pedro Almodovar, Roy Andersson…
Chuyện sống ở một hay nhiều quốc gia cũng tương tự. Nhiều người Việt đã từng viết, phải sang các nước tự do mới thấy Việt Nam thiếu tự do và nhân quyền bị chà đạp như thế nào. Ngược lại, với người Na Uy và người Anh, tôi biết cảm giác ra sao khi sống trong một xã hội độc tài.
Với tôi, sống ở ba quốc gia là một lợi thế vì nó cho phép mình so sánh và đối chiếu Việt Nam với Na Uy và Anh.
Ít bị lý tưởng
Như đã viết trước đây1, vì từng sống trong một xã hội độc tài, tôi ít bị lý tưởng dở hơi và cũng không bao giờ sùng bái lãnh đạo.
Không quốc gia nào hoàn hảo
Với tôi, không có quốc gia nào hoàn hảo; nơi nào cũng có vấn đề của nó, có điều mỗi cá nhân có thể thích hợp với nơi này hơn nơi khác.
Chẳng hạn như Na Uy thường được xem như thiên đường, nhiều lần được xếp hạng là hạnh phúc nhất thế giới. Nhưng Na Uy cũng có vấn đề của nó. Ai cũng biết Na Uy ít dân, có mùa đông dài, trời lạnh… nhưng không chỉ vậy. Phải sống qua mới biết mùa đông không chỉ lạnh mà còn tối sớm (từ 3-4 giờ chiều). Ít ánh sáng con người dễ bị depressed. Ở Na Uy thuế cao, giá sinh hoạt đắt đỏ, có rất ít (hoặc không có) các khóa học ngắn hạn v.v… Cũng không phải cái gì mọi người nghĩ về Na Uy cũng đúng—chẳng hạn chuyện y tế, người ta vẫn thường bảo y tế ở Na Uy miễn phí, nhưng thật ra chỉ miễn phí khi đến bệnh viện, còn đi bác sỹ vẫn phải trả tiền. Trong khi ở Anh tôi không phải trả tiền khám bác sỹ dù chỉ là sinh viên du học, cả birth control cũng được miễn phí, trong khi giá ở Na Uy rất cao.
Cũng không có quốc gia nào chỉ có cái xấu
Không ít lần tôi từng thấy nhiều người Việt ở Châu Âu hoặc Mỹ nói như thể cái gì của nơi họ sống cũng tốt, còn Việt Nam chẳng được điểm gì.
Việt Nam có rất nhiều vấn đề, dĩ nhiên. Nhưng với tôi Việt Nam có thức ăn ngon, thiên nhiên đẹp, con người thân thiện, giá cả rẻ, trường lớp có nhiều lựa chọn, dịch vụ phong phú (đặc biệt so với Na Uy)… Chỉ ở Việt Nam, bạn bè mới có thể nhờ vả nhau dễ dàng, đặc biệt trong vấn đề tài chính. Cũng ở Việt Nam quan hệ gia đình được coi trọng hơn, người thân gần gũi nhau hơn. Người mình không theo chủ nghĩa cá nhân và sống quá rạch ròi như phương Tây.
Cách nhìn khác về George Orwell và Aldous Huxley
Khi đọc quyển 1984 của George Orwell, tôi thấy hình ảnh Việt Nam cũng như những xã hội độc tài khác trong đó. Ở các nước dân chủ, hình ảnh 1984 cũng được sử dụng nhiều, đặc biệt là chữ Orwellian, những khi có một chính sách hoặc phát biểu chống tự do ngôn luận, hoặc kiểu nói ngược, nói đôi, bẻ cong sự thật (như khái niệm doublespeak của Orwell)2. Trong khi đó Aldous Huxley lại ít được nhắc tới.
Tuy nhiên, sau này tôi có cách nhìn khác về Orwell và Huxley. Các xã hội tự do thật ra gần với Brave New World của Huxley hơn. Ví dụ như chuyện điện ảnh. Người Việt ít xem film nghệ thuật (đặc biệt Châu Âu) và film kinh điển vì không có điều kiện, rạp không chiếu, báo chí không giới thiệu, thư viện không có… Thế nhưng ở Anh, tuy điều kiện dư thừa nhưng đa phần bạn học của tôi không xem film cũ, không biết gì về lịch sử điện ảnh hay những đạo diễn bậc thầy như Bergman hay Kurosawa. Vấn đề ở Việt Nam là thiếu thông tin, bị kiểm duyệt. Vấn đề ở Anh và các nước dân chủ khác, ngoài sự lười biếng và không quan tâm, là tràn lan thông tin và các thứ giải trí tạp nham—film bom tấn, film giải trí, film truyền hình, chương trình thực tế, phương tiện truyền thông xã hội, Youtube, Instagram v.v…
Chính trị cũng vậy. Vấn đề ở Việt Nam là thiếu thông tin, bị kiểm duyệt, không được phép lên tiếng. Ở Anh hay Mỹ xã hội rất tự do, thông tin có đầy nhưng sự thật lại bị nhấn chìm giữa một biển tin giả (fake news), các quan điểm phe phái, vô số thông tin giải trí vớ vẩn. Trong cuốn Amusing Ourselves to Death: Public Discourse in the Age of Show Business, tác giả Neil Postman từng phân tích tại sao xã hội tự do phương Tây gần với Brave New World hơn là 19843.
Ðược sống ở ba quốc gia có nhiều cái lợi là vậy.
DN
1 http://baotreonline.com/hieu-biet-de-khong-do-hoi/
2 Thử google chữ Orwellian và giới hạn mục tin tức: https://www.google.co.uk/search?q=orwellian&source=lnms&tbm=nws&sa=X&ved=0ahUKEwjGw9f__KPdAhUSO8AKHXtXDWUQ_AUICigB