Saturday, October 19, 2024
HomeDU LỊCHBLOGChỉ có người yêu tổ quốc mới hiểu !

Chỉ có người yêu tổ quốc mới hiểu !

(bài quá hay cho ai còn tỉnh táo)

Chúng ta sẽ là ai trên dải đất hình chữ S?

Willy Brandt, nguyên thủ tướng Cộng hoà Liên bang Đức, một chính trị gia huyền thoại quốc tế, người đề ra nguyên tắc “Cùng chung sống hoà bình” và chiến lược “Nước thấm đổ tường” kiến tạo thành công sự tái thống nhất Đức, từng nói: “Cách tốt nhất để dự đoán tương lai là kiến tạo nó”.

Về cơ bản, bộ não của con người bình thường, trừ bậc thiên tài, hoạt động tư duy theo mô hình “Nhân – Quả tuyến tính”. Ta chỉ có thể nhận biết một nguyên nhân A và tác động B của nó, rồi B là nguyên nhân của tác động C,…Vì thế, trên nguyên tắc, mỗi người chỉ có thể giải quyết lần lượt từng vấn đề, vấn đề này xong, mới đến vấn đề khác. Nhưng trong thế giới ta đang sống, có vô số nguyên nhân và tác động không thể tính hết cho một hiện tượng, một vấn đề. Chúng kết nối, liên quan chặt chẽ với nhau theo những tương quan rất khó xác định và tạo ra những hiệu ứng, mà con người chưa thể tính hết được, để tạo thành một hệ thống cực kỳ phức tạp mang tên thế giới. Một nguyên nhân có thể có hàng loạt tác động khác nhau, cũng như một tác động này được gây ra bởi hàng loạt nguyên nhân khác.

Dù cho Computer, trí tuệ nhân tạo, có thể xử lý đồng thời ngày càng nhiều, càng nhanh, những mối quan hệ Nhân – Quả khác nhau, chúng cũng không thay đổi được một sự thật là, chúng ta luôn biết quá ít để có thể dự báo một cách đáng tin cậy về tương lai. Chưa kể sự phát triển người máy, trí tuệ nhân tạo, lại thêm những yếu tố bất định quan trọng trong hệ thống thế giới phức tạp ấy.

Tất nhiên, ta phải kiến tạo từ những gì mình đang có.

Công nghiệp hoá lần thứ tư, cơ hội hay rủi ro?

Từ cuộc công nghiệp hoá lần thứ nhất với việc đưa vào sử dụng thiết bị hơi nước trong sản xuất; công nghiệp hoá lần thứ hai với sản xuất hàng loạt bằng sức lao động cùng sự giúp đỡ của điện năng; công nghiệp hoá lần thứ ba với tự động hoá sản xuất bằng điện tử và công nghệ thông tin; thời đại công nghiệp hóa lần thứ tư (vẫn được gọi một cách không chính xác là Cách mạng 4.0, Revolution 4.0) đang bắt đầu. Nó tác động trực tiếp không chỉ lên từng quốc gia, mà còn đến từng cá nhân.

Công nghiệp hóa lần thứ tư (Công nghiệp 4.0), về bản chất, là sự số hóa tất cả những gì có thể số hóa được, đồng thời trao đổi, sử dụng thông tin số hóa ấy bằng thời gian thực. Trong đó, cạnh tranh là cạnh tranh về tốc độ thực hiện giao dịch thông tin theo chu trình cơ bản: Tạo lập (sản xuất, thu thập) – Xử lý (đưa vào giao dịch) – Trao đổi – Xử lý tiếp thu. Hiệu quả hoạt động của từng mắt xích trong chu trình này không chỉ phụ thuộc vào thiết bị, mà còn phụ thuộc – có tính chất quyết định – vào kỹ năng và trình độ xử lý của chủ thể điều khiển hoạt động. Công nghiệp 4.0, vì vậy, cũng sẽ tác động với cường độ, tính chất và hậu quả rất khác nhau đối với từng quốc gia, từng cá nhân. Đất nước càng kém phát triển, tác động tiêu cực của Công nghiệp 4.0 càng nhiều, càng mạnh; khả năng nó bị thao túng, lợi dụng và không thể kiểm soát cũng càng cao.

Việc nghiên cứu, phát triển và đưa vào sử dụng người máy, trí tuệ nhân tạo; công nghệ sinh học; tự động hóa cao độ, được thực hiện với một tốc độ nhanh chưa từng có trong Công nghiệp 4.0. Nhưng hầu hết nền tảng để phát triển Công nghiệp 4.0 hiện nay, đều là những thành quả của Công nghiệp hoá 3.0 như Tự động hoá, Công nghệ tin học, Người máy, Mạng Internet, v.v.. và cùng với nó là cơ sở hạ tầng về công nghiệp, công nghệ thông tin, cũng như hệ thống pháp luật thích hợp. Vì vậy, giới nghiên cứu quốc tế đề nghị không dùng “Revolution 4.0” mà sử dụng “Evolution 4.0” (sự tiến hóa 4.0) để chỉ Công nghiệp 4.0. Điều đó cũng có nghĩa là các quốc gia thiếu hụt cơ sở hạ tầng, chưa đạt được một trình độ quản lý công nghệ, một mức độ tự động hoá tối thiểu, sẽ gặp rất nhiều trở ngại và bất lợi khi phát triển Công nghiệp 4.0.

Toàn cầu hoá, với tất cả những vấn nạn xã hội và thiệt thòi dành cho người lao động, đang thúc đẩy Công nghiệp 4.0 lan toả với tốc độ nhanh chưa từng thấy trên phạm vi toàn thế giới. Các hậu quả tiêu cực của nó cũng đến tức khắc, ảnh hưởng trên qui mô rất lớn, có thể đến cả sự tồn vong của một dân tộc.

Công nghiệp 4.0 đang đặt ra câu hỏi, mang – tính – sống – còn, về sự chính danh và quyền lực tối cao của Chính phủ, hoặc một số rất ít người, đang hoặc sẽ trở thành chủ sở hữu độc quyền những ngân hàng dữ liệu khổng lồ, thu thập và quản lý được toàn bộ thông tin mọi mặt cuộc sống của mỗi cá nhân trong xã hội.

Chỉ cần một cú click, những chủ sở hữu này có thể xóa sổ, hủy diệt cuộc sống hàng triệu con người cả trong thế giới số (cuộc sống ảo), lẫn trong cuộc đời thực.

Trong chừng mực ít cực đoan hơn, họ rất dễ dàng thao túng suy nghĩ, hành động của hàng triệu triệu con người. Điều đặc biệt nguy hiểm là: Những người bị thao túng không hề biết mình là nạn nhân.

Tốc độ phát triển Công nghiệp 4.0, cũng luôn nhanh chóng mở ra hàng loạt khả năng lợi dụng công nghệ, lợi dụng các hình thức giao dịch mới để lừa đảo trên phạm phi toàn cầu, đặc biệt là nhằm vào người dân ở các nước kém phát triển hơn. Tốc độ phát triển công nghệ càng nhanh, thì khả năng bị lợi dụng càng lớn, trong khi khả năng xác định và tìm ra biện pháp ngăn chặn các hình thức lừa đảo mới một cách kịp thời, càng thấp. Thường là phải đã có thiệt hại ở qui mô không nhỏ với nhiều nạn nhân, mới có thể bị phát hiện.

Hậu quả dễ thấy nhất của Công nghiệp 4.0 là sự sa thải hàng loạt người lao động ở qui mô lớn và ở nhiều quốc gia, do người máy và trí tuệ nhân tạo đảm nhiệm công việc của họ tốt hơn, rẻ hơn rất nhiều. Tại các nước đang phát triển, tiền nhân công rẻ sẽ nhanh chóng không còn là một lợi thế cạnh tranh hấp dẫn đầu tư nước ngoài nữa.

Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài vẫn sẽ tiếp tục chạy vào Việt Nam. Sự phát triển nhanh chóng công nghệ trong Công nghiệp 4.0, cũng đào thải nhanh không kém công nghệ lạc hậu, cùng các công ty không theo kịp tốc độ phát triển công nghệ ở các nước phát triển.

Muốn tồn tại, họ buộc phải chuyển đến các quốc gia kém phát triển hơn. Khác với vài năm trước, điều kiện để quyết định đầu tư không còn là giá nhân công, hay trình độ người lao động, mà là những ưu đãi cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, mà đặc biệt là ưu đãi về thuế, về giảm bớt nghĩa vụ bảo vệ môi trường, cũng như thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp.

Các quốc gia có ý thức và nhận thức lạc hậu về bảo vệ môi trường, về an sinh xã hội, với một chính phủ có thể quyết định duy ý chí và dễ bị thao túng mà không sợ bị cử tri trừng phạt, sẽ là những nơi đầu tư lý tưởng của nhà đầu tư nước ngoài.

Tìm đâu trụ cột xã hội?

Ở bất cứ xã hội dân sự phát triển bình thường nào, tầng lớp trung lưu luôn là một cột trụ, một động lực quan trọng cho sự ổn định và phát triển xã hội. Đó là tầng lớp, về mặt tài sản, không thuộc tầng lớp giàu có, cũng không phải tầng lớp thu nhập thấp trong xã hội; về kinh tế, đây là tầng lớp mà hoạt động mang lại thu nhập của họ không phụ thuộc – trực tiếp, hay gián tiếp – vào chính quyền; về chính trị, những người thuộc tầng lớp trung lưu là những người quan tâm nhiều nhất đến chính trị và có ý thức tham gia tích cực vào việc kiến tạo chính sách.

Năm 2014, Thomas Piketty – nhà kinh tế học của Pháp – đã công bố cuốn “Capital in the Twenty-First Century”, một công trình nghiên cứu sự phân chia thu nhập và bất bình đẳng trong 300 năm vừa qua. Ông phát hiện ra rằng, trong tất cả các cuộc khủng hoảng đều có sự chối bỏ tầng lớp trung lưu (về mặt xã hội) và sự nghèo đi của tầng lớp này, trong khi tầng lớp giàu có càng giàu hơn nhờ lợi nhuận cao.

Như vậy, sự cách biệt – một cách bất bình đẳng – về thu nhập là nguyên nhân của sự mất ổn định xã hội, hoặc kinh tế, dẫn đến khủng hoảng, cách mạng. Hiện nay, trong các cuộc thảo luận quốc tế về chính sách phát triển, về tương lai, tầng lớp trung lưu vẫn được coi là người gánh vác hy vọng mới.

Việt Nam vốn không có tầng lớp trung lưu, dù gần đây xuất hiện ngày càng nhiều người có thu nhập nằm trong khoảng giữa một số ít người rất giàu và đa số có thu nhập thấp hơn còn lại. Nhưng thu nhập của phần lớn những người này đều phụ thuộc vào quan hệ của họ với chính quyền, sự tồn tại của số ít còn lại, như hộ kinh doanh hay doanh nghiệp nhỏ, cũng phụ thuộc vào chính quyền địa phương. Điều quan tâm trước hết của tầng lớp này là lợi nhuận và tương lai cho con cái của mình. Họ không có nhu cầu, – cũng không có điều kiện – được tham gia cùng kiến tạo chính sách quốc gia.

Một số nhu cầu tinh thần, có tính chất tự nhiên của người đã có một cuộc sống vật chất đầy đủ, như nhu cầu về tự do cá nhân, về dân chủ, về bình đẳng xã hội v.v.. sẽ được đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn bằng chủ nghĩa “Tự sướng Internet”. Việt Nam đã, đang và sẽ không thể có một tầng lớp trung lưu đúng nghĩa là trụ cột và động lực phát triển xã hội dân sự. Số người có thu nhập trung lưu sẽ ngày một tăng, nhưng không đồng nghĩa với gia tăng áp lực phải thay đổi hệ thống kinh kế – chính trị – luật pháp cho phù hợp các chuẩn mực quốc tế; mà đồng nghĩa với ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam ra nước ngoài học tập, ngày càng nhiều gia đình Việt nam chuyển ra nước ngoài sinh sống. Nguy cơ các thế hệ người Việt ưu tú sau này, không chọn Việt Nam làm nơi sinh sống cho gia đình mình là hoàn toàn hiện thực.

Không còn nghi ngờ gì nữa, chính sự cách biệt giàu nghèo là nguyên nhân chủ yếu gây ra bất ổn có thể dẫn đến khủng hoảng xã hội toàn diện. Không cần phải tranh luận gì nữa, cũng có thể khẳng định rằng, sự cách biệt giàu nghèo ở Việt Nam hiện rất lớn và đang mở rộng với một tốc độ chóng mặt.

Có nhiều nguyên nhân, nhưng về cơ bản, một mặt do sự cách biệt giàu nghèo ở Việt Nam vốn không được thừa nhận, nếu được thừa nhận, thì chính quyền cũng không phải chịu bất cứ áp lực nào để phải giải quyết vấn đề nghiêm trọng này. Mặt khác, người Việt vốn hiền lành, không tìm cách thay đổi hoàn cảnh để được công bằng, bình đẳng hơn, mà có xu hướng luôn xoay sở tìm cách thích nghi với hoàn cảnh, để sống còn trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Trước kia, khi một mình người đàn ông đi làm không còn đủ nuôi sống gia đình, thì người phụ nữ bắt đầu đi làm để có thêm nguồn thu nhập thứ 2; khi cả 2 nguồn thu nhập chính thức trở nên ít ỏi, họ phải làm thêm giờ; và nay, khi mọi nguồn thu đều không đủ đảm bảo cuộc sống tối thiểu, họ buộc phải vay tín dụng, phải mua trả góp.

Sức chịu đựng của con người trước sự bất công, mất bình đẳng không phải là vô hạn. Khoảng cách giàu nghèo quá lớn đã khiến cử tri nước Mỹ muốn thay đổi, và họ đã bầu ông Trump làm tổng thống – một tổng thống không giống bất kỳ một tổng thống nào trước đây của Mỹ. Ở Châu Âu, lần đầu tiên một số đảng phái cực hữu, cực tả cũng được đủ phiếu bầu để bước chân vào Quốc hội một số nước.

Nhưng, đa số người dân Việt Nam thường xuyên sử dụng thuốc an thần “Tự sướng Internet”, giúp họ an phận và nhanh chóng thích nghi với sự bất bình đẳng, với sự cách biệt giàu nghèo rất lớn hiện nay.

Kỹ năng sử dụng Internet để nghe cải lương, xem phim, nghe nhạc giải trí, hay kết bạn tạo nên xã hội số để giải tỏa mọi áp lực tinh thần của họ ngày càng được nâng cao, cùng với việc tụt hậu về tri thức, kiến thức cho cuộc sống đời thường.

Không giống ở các nước phương Tây, hộ gia đình Việt Nam ngoài các chi phí cần thiết thông thường, còn phải chịu chi phí cho giáo dục, cho chăm sóc sức khỏe. Những chi phí này đang ở mức rất cao, sẽ còn tăng nhanh, tăng mạnh hơn nữa trong tương lai gần, khi các nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy vào Việt Nam.

Mặc dù vậy, trong một thời gian dài nữa, được ru ngủ bởi chủ nghĩa “Tự sướng Internet”, người Việt Nam vẫn sẽ là những người dân hiền lành nhất đối với chính quyền. Họ sẽ chỉ tiếp tục xoay sở tìm những cách mới để tồn tại và cố gắng, đến mức có thể, cho con cái ra nước ngoài. Cuộc sống trong thế giới thực càng vất vả bao nhiêu, họ càng chìm đắm sâu vào thế giới số với cuộc sống ảo bấy nhiêu.

Dân ta rồi sẽ về đâu ?

Ngoài cơ sở hạ tầng, điện, nước và hàng tiêu dùng, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không tiếp tục đầu tư mới vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam, mà sẽ tập trung vào du lịch và nông nghiệp, là hai lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tự nhiên giá trị nhất. Khi Việt Nam hoàn tất bãi bỏ chính sách hạn điền, cho phép tích tụ ruộng đất đủ lớn để sản xuất công nghiệp các sản phẩm nông nghiệp, cũng là lúc các chủ đất lớn phải chuyển nhượng doanh nghiệp của mình cho nhà đầu tư nước ngoài. Vì doanh nghiệp Việt Nam không đủ vốn, kiến thức và kinh nghiệm để áp dụng thành tựu của Công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông sản cho thị trường toàn cầu, vào phân phối và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Chỉ một số rất ít nông dân nhận được việc làm tại các doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài.

Nếu may mắn được làm việc cho nhà đầu tư phương Tây, hoặc Mỹ, họ sẽ có thu nhập đủ bảo đảm cuộc sống bình thường. Nhưng khả năng doanh nghiệp Châu Âu đầu tư vào nông nghiệp ở Việt Nam là thấp, do các nước Châu Âu vẫn tập trung bảo hộ nông nghiệp của họ. Có lẽ các doanh nghiệp Trung Quốc, mới là người quan tâm nhất đến đầu tư sản xuất nông sản tại Việt Nam. Do Trung Quốc làm chủ thượng nguồn sông Mê Kông, nên doanh nghiệp Trung Quốc cũng có cơ hội lớn nhất để trở thành người chủ mới của đồng bằng sông Cửu Long.

Mất dần cơ hội bảo đảm cuộc sống của gia đình trên mảnh đất vốn là của mình, nông dân Việt Nam sẽ phải rời bỏ quê hương. Họ còn rất ít lựa chọn: hoặc chuyển cả gia đình lên thành phố; hoặc phải để lại quê những người không còn sức lao động, không có khả năng kiếm việc làm mới. Làn sóng di dân từ nông thôn ra thành thị lần này, không chỉ khác với quá trình rời quê lên thành thị kiếm việc làm, hoặc đi học của giới trẻ nông thôn hiện nay, về qui mô, phạm vi và đối tượng, mà khác hẳn về bản chất với những hậu quả hết sức trầm trọng cho xã hội. Đó là sự thay đổi trung tâm cuộc sống, nơi ở của gia đình đến một nơi xa lạ, khó khăn hơn. Đó là sự sụt giảm trên qui mô lớn số lượng thanh niên từ nông thôn vào đại học, giảm mạnh số lượng sinh viên đang theo học đại học, do gia đình ở quê nhà không thể chu cấp, hỗ trợ tiền ăn học được nữa. Ngược lại, họ trở thành trụ cột của gia đình, đại gia đình. Cuộc sống của cha mẹ, người thân lớn tuổi, giờ đây phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thu nhập của con em mình. Kiếm tiền để nuôi cả gia đình lớn là một áp lực hết sức nặng nề lên thanh niên nông thôn ở thành thị, mà họ không thể giải toả được. Sự phân chia và cách biệt tầng lớp ở thành thị không chỉ thấy ở qui mô lớn, mà còn lan toả đến tận các nhóm cụ thể hơn như: học sinh, sinh viên; người làm công; công chức, cán bộ chính quyền; người bệnh; v.v.. Và cùng với nó, là sự gia tăng tội ác và tệ nạn xã hội.

Học ở đâu, học cái gì, để làm chi, sức đâu mà học?

Con người sinh ra đều bình đẳng và có quyền được bình đẳng. Mặc dù bình đẳng toàn diện về mọi mặt là mục tiêu, mục đích lâu dài của bất kỳ một nhà nước của dân, do dân và vì dân nào. Nhưng dù trong hoàn cảnh khó khăn đến đâu đi chăng nữa, nhà nước đó cũng nhất định phải bảo đảm được ngay ít nhất là hai quyền bình đẳng cơ bản nhất để có sự bình đẳng tối thiểu giữa các công dân: (1) Bình đẳng về quyền được sống (về mặt thể chất). Ít nhất họ phải được quyền bình đẳng trong việc đảm bảo, bảo vệ cho mình có một thể chất hoạt động (sống) bình thường. Đó là quyền được chăm sóc sức khoẻ như nhau, không phụ thuộc vào thu nhập; và (2) Bình đẳng về cuộc sống tinh thần: Ít nhất mỗi người phải có quyền được có cơ hội như nhau khi bước vào đời, để tạo dựng cuộc sống của chính mình. Đó là quyền được hưởng sự giáo dục như nhau cho tất cả mọi người. Không phải chỉ khi nào đất nước giàu có mới bảo đảm được hai quyền này, mà ngược lại, chính là do tập trung nguồn lực của đất nước để bảo đảm hai quyền ấy trước, mà đất nước mới phát triển và trở nên giàu có.

Cùng với chính sách xã hội hoá giáo dục và trao quyền tự chủ cho các trường đại học một cách sai lầm, biến các cơ sở giáo dục, đào tạo trở thành doanh nghiệp kinh doanh như hiện nay, cơ hội được học tập để có thể có thu nhập tốt hơn cho thanh niên từ các gia đình nông dân – cũng như từ các gia đình có thu nhập thấp trong xã hội – sẽ ngày càng thấp, do học phí sẽ ngày một tăng mạnh.

Theo Giáo sư Neubauer, Chủ tịch Hiệp hội quốc tế Nghiên cứu Trí thông minh, thì trí thông minh của con người chỉ bắt đầu phát triển từ tuổi 15 và phụ thuộc rất lớn vào thời gian, cũng như chất lượng được giáo dục tại trường học. Nói một cách khác, giáo dục quyết định chất lượng các thế hệ tương lai của một dân tộc. Nếu loài người sẽ có một mái nhà chung trái đất, thì cuộc cạnh tranh quyết định nhất, lớn nhất, chính là cạnh tranh giữa các dân tộc để trường tồn, phát triển và được tôn trọng một cách bình đẳng trong mái nhà chung đó.

Ngay từ bây giờ, ở các nước phát triển, giáo dục không chỉ là cơ sở, là nghĩa vụ làm nên tính chính danh và sự tồn tại của nhà nước, của chính quyền, mà còn là điều kiện thiết yếu bảo đảm sự sống còn của dân tộc, là động lực và công cụ cạnh tranh trong cuộc cạnh tranh cùng chung sống ấy.

Do vẫn loay hoay kiếm tìm triết lý giáo dục, giáo dục Việt Nam cũng không thể đạt kết quả như trông đợi khi quyết tâm theo đuổi mục đích của sự học là “Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Mục đích này của Việt Nam gần như ngược hẳn với mục đích sự học do cộng đồng quốc tế nhất trí đề ra, và được Tổ chức Văn hóa Giáo dục Liên hiệp quốc công bố: “Học để biết, học để làm việc, học để chung sống, học để làm người”.

Mục đích sự học qui định nội dung giáo dục. Cùng với hội nhập quốc tế, cả hai quan niệm về mục đích sự học, của giáo dục, đều tồn tại ở Việt Nam. Điều này, một mặt, làm cho việc xác định nội dung những chương trình giáo dục cơ bản có tính chất bắt buộc, phổ cập và mang tính định hướng lâu dài trở nên hết sức khó khăn, nếu không muốn nói là không thể được; mặt khác, nó cũng cản trở xây dựng những bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đáng tin cậy để đánh giá các chương trình giáo dục do các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh giáo dục nước ngoài đưa vào Việt Nam. Các chương trình giáo dục lạc hậu, kém chất lượng, không còn khai thác được ở nước ngoài sẽ được họ ồ ạt đưa vào thị trường Việt Nam. Bởi chỉ cần khác với chương trình của Việt Nam, chắc chắn chúng sẽ tìm được học sinh.

Vì vậy, dù số lượng các chương trình, trường học quốc tế sẽ tiếp tục tăng nhanh, học phí tăng, nhưng chất lượng học sinh, sinh viên Việt Nam sẽ không tăng. Một số rất ít sinh viên tốt nghiệp đại học, may mắn làm việc cho các công ty nước ngoài, được đào tạo lại sẽ nhanh chóng hội nhập về mặt chuyên môn với đồng nghiệp nước ngoài. Nhưng họ sẽ vấp phải khó khăn khi muốn được tôn trọng một cách bình đẳng, do thiếu hẳn sự hiểu biết và thói quen ứng xử trên cơ sở những giá trị đạo đức, đạo lý phổ quát như của các đồng nghiệp nước ngoài. Và đây mới là vấn nạn nghiêm trọng nhất của nền giáo dục Việt Nam.

Những con người (cá nhân) gắn kết, tương tác với nhau do cùng chung một ngôn ngữ, chung một hệ giá trị, chung niềm tin, và chung một truyền thống làm nên xã hội của dân tộc, của quốc gia. Không còn những thành tố ấy, xã hội cũng biến mất. Do nhiều nguyên nhân, nhưng đặc biệt là do giáo dục, tiếng Việt ngày nay không chỉ không còn trong sáng như trước, mà còn mất dần khả năng diễn đạt chính xác tư duy, suy nghĩ của người Việt. Số thanh niên, sinh viên giỏi hai ngoại ngữ là tiếng Việt và tiếng Anh ngày càng tăng mạnh. Nhưng điều nguy hiểm ở đây là: bảo vệ, giữ gìn và phát triển tiếng Việt trong hội nhập quốc tế, chưa bao giờ là vấn đề trọng tâm của nhà nước, của ngành giáo dục và của xã hội.

Thật khó khăn khi xác định những giá trị làm nên xã hội Việt Nam đương đại. Một số giá trị đạo đức, đạo lý, có tính phổ quát của xã hội loài người mang truyền thống dân tộc Việt Nam đã biến mất. Một số chỉ còn là những lời rao giảng cho phải đạo; số còn lại được hiểu theo nghĩa hoàn toàn ngược lại. Điều đáng lo ngại nhất là đạo lý. Đạo lý cho phép mỗi cá nhân lý lẽ và phương pháp lựa chọn một hành vi đúng đắn nhất để đáp ứng chuẩn mực đạo đức cho trường hợp có nhiều hành vi để lựa chọn. Người Việt đang có xu thế xem cái “Tôi” là đạo lý duy nhất, tối thượng. Không được học để làm người, học để chung sống, thế hệ trẻ Việt Nam rất khó hội nhập với bạn bè, đồng nghiệp nước ngoài là chuyện đương nhiên.

Cái “Tôi”, về cơ bản được hình thành từ ba nguồn: (1) Giá trị truyền thống được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình, từ xã hội; (2) Tri thức, kiến thức, nhân sinh quan từ nhà trường; (3) Kinh nghiệm từ va chạm với thực tiễn. Giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp còn được trân quí lưu giữ trong một số ít gia đình hiện nay, vừa không còn là chuẩn mực cho đạo lý trong trường học, vừa phải đương đầu với thực tế đạo lý theo chuẩn mực ngược lại, đã mất hẳn vai trò mình vốn phải có. Các nguyên tắc lựa chọn tri thức, kiến thức và phương pháp truyền đạt trong nhà trường Việt Nam đều bắt nguồn từ Liên Xô và hầu như không thay đổi. Chúng mâu thuẫn với những gì học sinh, sinh viên biết được từ Internet, từ các chương trình giáo dục quốc tế. Vì vậy, mất phương hướng, nếu không muốn nói là hoang mang, về kiến thức, về tương lai, sẽ trở thành hiện tượng phổ biến trong học sinh, sinh viên Việt Nam.

Giới trẻ Việt Nam cũng sẽ rất khó khăn, khi muốn tìm kiếm một mẫu mực đúng đắn nào đó trong xã hội, để noi theo mà định hình cái “Tôi” của mình. Ngày càng nhiều kẻ tham nhũng, không chỉ vô trách nhiệm, mà còn chủ đích lợi dụng vị trí trong chính quyền của mình để lấy tiền của dân, nhưng lại hùng hồn xin nhận trách nhiệm thay cho cấp dưới, giống hệt một “chính nhân quân tử”. Thói đạo đức giả đang lên ngôi và ngày càng lan rộng, không chỉ khiến giới trẻ hoang mang không biết đâu là thật là giả, mà đang và sẽ còn huỷ hoại nhanh hơn nữa sự tin cậy lẫn nhau – một trong những thành tố quan trọng nhất làm nên xã hội.

Một cái “Tôi” không đủ kiến thức để biết chọn lọc thông tin nào đáng tin cậy, không biết cách tư duy và phương pháp xử lý hiệu quả thông tin, không biết cần tiếp thu những thông tin thật sự cần thiết nào cho tương lai của chính mình; và với một tâm thức hoang mang mất phương hướng, mất lòng tin, tất nhiên sẽ đẩy giới trẻ đắm mình vào không gian số (thế giới số) để xây dựng một cái “Tôi” ảo. Tự bản chất, cái “Tôi” ảo trong thế giới số là một cái tôi đơn độc tuyệt đối. Đó là một cái “Tôi” tự định giá trị theo số lượng “Like” – thứ số lượng rất dễ bị thao túng, bị làm giả; một cái “Tôi” được vây quanh và tạo ra bởi các mối quan hệ “Tôi thấy thích”; cuộc sống của cái “Tôi” ấy không hướng đến các giá trị cần hoặc nên trở thành, mà chỉ đến các giá trị “Tôi thấy thích”; cái “Tôi” đó ứng xử theo qui tắc “Không – Thích – Thì – Hủy”, bất kể là ai, là cái gì, chỉ cần tôi không thích thì đều click xoá bỏ. Có lẽ, chính vì quá quen thuộc với qui tắc “Không – Thích – Thì – Hủy” của cuộc sống trong thế giới số, mà người ta dễ dàng giết (hủy) người khác chỉ vì những va chạm nhỏ nhặt, hay không hài lòng ở cuộc đời thực. Giáo dục ở Việt Nam đang là một ngành kinh doanh. Nhưng sản phẩm của nó không góp phần hình thành những con người tự do, chân chính với cái “Tôi” biết cùng chung sống với những người khác.

Do đối với người Việt Nam được học tập gần như một công cụ và hy vọng duy nhất để có một tương lai tốt đẹp hơn, nên sẽ ngày càng có rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài và Việt Nam kinh doanh giáo dục. Cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt hơn, nhưng không phải là cạnh tranh nâng cao chất lượng giáo dục, mà là cạnh tranh quảng cáo tự khen chương trình của mình. Chất lượng giáo dục, vì vậy sẽ không tăng, rất khó có thể đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế. Chỉ học phí là tăng mạnh.

Là một ngành kinh doanh, giáo dục ở Việt Nam không góp phần làm con người có lòng khoan dung hơn, để chấp nhận sự chênh lệch và khác biệt trong xã hội mà vươn lên; ngược lại sẽ thúc đẩy rất mạnh quá trình phân hóa, phân cực sâu sắc trong xã hội thành các tầng lớp hẹp hơn như: người du học nước ngoài và gia đình; người học trường quốc tế tại Việt Nam và gia đình (Anh, Mỹ và Châu Âu, hay trường của Singapore, Úc…); người học trường theo chương trình nước ngoài tại Việt Nam và gia đình; người học trường công hay trường tư thục, v.v.. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sụt giảm khả năng thông cảm, hoà hợp và tương trợ lẫn nhau giữa các tầng lớp.

Sự không bình đẳng, bất công trong việc được hưởng giáo dục, được trang bị những kiến thức cơ bản cần thiết để có cơ hội vào đời như nhau giữa thanh niên từ những gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt từ các gia đình nông dân phải rời bỏ quê hương, với phần còn lại của xã hội, chính là gánh nặng tâm lý, là nguồn nuôi dưỡng sự uất ức có thể truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và là một trong những nguyên nhân chính gây ra hàng loạt tệ nạn, tội ác trong xã hội. Cùng với Công nghiệp hóa 4.0, cơ hội được bình đẳng trong giáo dục của thanh niên gia đình thu nhập thấp ở Việt Nam càng nhanh chóng biến mất; trong khi khả năng họ trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo, lạm dụng bằng công nghệ cao qua Internet, mạng xã hội, ngày càng cao.

Tương tự như giáo dục, chính sách và sự hiểu biết sai lầm về xã hội hoá ngành y tế, chăm sóc sức khỏe đã biến các bệnh viện, cơ sở y tế thành các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Trong thực tế, thẻ bảo hiểm y tế vẫn không thể đảm bảo cho người dân có được sự chăm sóc sức khoẻ dù chỉ ở mức thiết yếu, mà chỉ góp phần giảm bớt chút ít chi phí đối với những bệnh tật thông thường. Cùng với sự phân biệt đối xử ngày một rõ rệt của bệnh viện giữa bệnh nhân điều trị bằng thẻ bảo hiểm với bệnh nhân khác, thẻ bảo hiểm y tế sẽ chỉ còn là một loại thẻ giảm giá trong các doanh nghiệp bệnh viện.

Là những chủ thể kinh doanh, bệnh viện và các cơ sở y tế sẽ tiếp tục đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại hơn để thu hút bệnh nhân vẫn thích ra nước ngoài điều trị. Chăm sóc sức khỏe, vốn phải là một lĩnh vực thể hiện và bảo đảm quyền bình đẳng tối thiểu cho người dân của một nhà nước của dân – do dân – vì dân, đang và sẽ trở thành nơi có sự phân biệt tầng lớp ác nghiệt nhất: người giàu có, người khám bệnh không cần thẻ, người khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm. Cùng với chi phí cho giáo dục, chi phí chăm sóc sức khoẻ sẽ nhanh chóng trở thành gánh nặng lớn nhất đối với mỗi gia đình người Việt.

Kinh tế thị trường định hướng nào?

Nền kinh tế Việt Nam không phải là kinh tế thị trường tự do, không phải kinh tế kế hoạch hay kế hoạch chỉ huy, cũng không phải kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mà là nền kinh tế dưới sự cai quản của một số ít nhóm quyền lực – lợi ích (quyền – lợi): nền kinh tế Oligarchie. Giống như các Chaebol của Hàn Quốc, mỗi một nhóm quyền – lợi ở Việt Nam cũng là chủ sở hữu, kiểm soát hàng loạt lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh khác nhau và khi liên kết lại, các nhóm này kiểm soát toàn bộ nền kinh tế. Nhưng, nếu các Chaebol coi chấn hưng quốc gia, rạng danh đất nước là một trong những mục tiêu chiến lược của mình, thì các nhóm quyền – lợi của Việt Nam không thể có mục tiêu đó. Bởi họ bị các nhóm quyền – lợi nước ngoài chi phối rất mạnh. Từ một số vốn vừa đủ để kinh doanh quan hệ lúc ban đầu, nhờ được sự ưu đãi của nhà nước về đất đai, tín dụng và các hợp đồng kinh doanh, họ nhanh chóng tích lũy được khối tài sản khổng lồ. Cùng với sự liên minh đặc biệt với các nhóm quyền – lợi nước ngoài, họ đang là những thế lực có khả năng kiểm soát toàn bộ nền kinh tế.

Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhưng không phát triển. Thu nhập bình quân đầu người và thu nhập thực tế sẽ tiếp tục tăng, nhưng thâm hụt ngân sách gia đình (khoản tiền cần bù thêm vào thu nhập thường xuyên mới đủ đảm bảo cuộc sống bình thường của một hộ gia đình) còn tăng nhanh hơn. Các nền tảng then chốt cho sự phát triển quốc gia trong Công nghiệp 4.0 như: Tự động hóa, Công nghệ sinh học, Trí tuệ nhân tạo, vẫn sẽ không được chú ý đầu tư phát triển ở mức cần thiết. Các nhóm quyền – lợi Việt Nam chỉ tập trung vào các lĩnh vực đáp ứng nhu cầu và chiến lược của những nhóm quyền – lợi nước ngoài là đất đai – bất động sản và du lịch.

Nguồn vốn nhà nước và của xã hội, thông qua ngân hàng và các tổ chức tín dụng, vẫn sẽ tiếp tục ồ ạt đầu tư tràn lan vào bất động sản. Nhưng không phải để đáp ứng nhu cầu của người dân, mà chủ yếu là hàng hoá để các nhóm quyền – lợi nước ngoài đầu cơ và hợp pháp hoá nguồn tiền của mình.

Ở đây, lợi nhuận không phải do hoạt động kinh doanh, khai thác chính các công trình đã được xây dựng đem lại, mà do được cấp đất và vay vốn ngân hàng với lãi xuất thấp đem lại. Thực chất, các nhóm quyền – lợi không đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản, mà chỉ đầu tư quan hệ nhằm được cấp đất và cấp tiền. Tổng vốn đầu tư của toàn xã hội vào kinh tế ngày càng tăng, nhưng doanh thu sẽ rất thấp – không tương ứng một cách bất thường – với vốn đầu tư. Nói một cách khác, đồng vốn của xã hội được sử dụng mà không sinh lãi, không đem lại giá trị gia tăng. Ngược lại, chắc chắn sẽ dẫn đến khủng hoảng tín dụng.

Do không định hướng theo nhu cầu người dân, nên việc xây dựng bất động sản sẽ thường xuyên dẫn đến khủng hoảng thừa, gây lãng phí rất lớn nguồn lực của toàn xã hội. Được định hướng bởi các nhóm quyền – lợi nước ngoài, giá đất ở Việt Nam sẽ còn tăng nhanh và mạnh. Điều này khiến giá thành căn hộ dành cho người có thu nhập thấp cũng tăng nhanh, với hậu quả là họ ngày càng ít cơ hội sở hữu chúng. Ngược lại, những khu đất đẹp, có vị trí quan trọng, các bất động sản có giá trị đều sẽ thuộc sở hữu của các nhóm quyền – lợi nước ngoài.

Du lịch Việt Nam hiện nay chủ yếu là phục vụ khách Trung Quốc, Nga với qui mô và chất lượng của du lịch quần chúng theo số lượng lớn. Trong tương lai gần, các doanh nghiệp Trung Quốc và Nga mới là người trực tiếp kinh doanh ngành du lịch Việt Nam. Chính họ mới là người chủ sở hữu thật sự hầu hết các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, tại Việt Nam.

Khách du lịch Trung Quốc, Nga là những người dễ tính, không đòi hỏi tiêu chuẩn cao. Vì thế cũng không tạo sức ép cạnh tranh buộc ngành du lịch Việt Nam phải liên tục nâng cao chất lượng phục vụ, giữ gìn môi trường du lịch trong lành để thu hút khách du lịch Âu, Mỹ. Các doanh nghiệp Trung Quốc và Nga sẽ trở thành người quản lý và khai thác bờ biển, cũng như các vùng đất có tiềm năng du lịch khác của Việt Nam.

Đất đai – Bất động sản là lĩnh vực độc quyền của vài nhóm quyền – lợi Việt Nam; Du lịch là của các doanh nghiệp Trung Quốc và Nga; Nông nghiệp sẽ thuộc về các doanh nghiệp Trung Quốc; phân phối và bán lẻ hàng tiêu dùng sẽ thuộc về các tập đoàn nước ngoài của Châu Á. Chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bán phần vốn nhà nước theo cách thức sai lầm như hiện nay, đang tạo điều kiện thuận lợi nhất để trao các doanh nghiệp giữ vị trí quan trọng trong kinh tế, đời sống vào tay hoặc là một vài nhóm quyền – lợi, hoặc là các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế để có kinh tế thị trường cạnh tranh hiệu quả sẽ không thể đạt được.

Hiện nay, đa số các doanh nghiệp nước ngoài đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam là nhằm tận dụng chi phí nhân công thấp, do sản phẩm của họ đứng cuối trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Công nghiệp 4.0 làm chi phí nhân công không còn là lợi thế cạnh tranh nữa, những cơ sở này sẽ phải đóng cửa. Các tập đoàn xuyên quốc gia sử dụng công nghệ tiên tiến đang phải chịu áp lực ngày càng mạnh của Chính phủ, người dân nước họ, buộc phải trở về nước mở cơ sở sản xuất. Áp lực này, bên cạnh các tiêu chuẩn khác, thể hiện ở việc buộc họ phải tuân thủ điều kiện đặt cơ sở sản xuất tại nơi có tiêu chuẩn về an sinh xã hội, bảo vệ sức khoẻ, điều kiện lao động rất cao cho người lao động, và tiêu chuẩn bảo vệ mội trường rất cao. Vì vậy, khả năng đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có công nghệ cao vào Việt Nam là rất thấp. Ngược lại, số nhà đầu tư nước ngoài vào sản xuất với công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường sẽ ngày càng tăng.

Do chủ yếu phát triển kinh doanh là để đáp ứng nhu cầu của các nhóm quyền – lợi nước ngoài, Việt Nam sẽ không phát triển được các ngành, nghề kinh doanh có thể trở thành một mắt xích trong chuỗi tạo giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia. Qua đó hội nhập thật sự vào nền kinh tế toàn cầu và vì vậy mới có thể phát triển bền vững. Lịch sử đã chỉ ra rằng, chế độ Oligarchie, dù là về chính trị hay kinh tế, sau một thời gian phát triển bùng nổ ngắn ngủi, đều nhanh chóng lụi tàn và để lại những hậu quả nặng nề cho xã hội.

Để có thể đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của mình, Chính phủ Việt Nam sẽ buộc phải; a) Chấp nhận ưu đãi về thuế, chấp nhận tiêu chuẩn an sinh, điều kiện lao động thấp, và tiêu chuẩn bảo vệ môi trường thấp, để được nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam; b) Tăng thuế suất và mở rộng lĩnh vực cũng như đối tượng chịu thuế; và c) Vay nợ nước ngoài.

Một nền kinh tế tăng trưởng theo cái cách như thế chỉ càng khoét sâu hơn, nhanh hơn khoảng cách giàu nghèo, càng khiến sự bất bình đẳng giữ các tầng lớp trong xã hội trở nên đáng lên án hơn. Tiền kiều hối liên tục tăng trong những năm qua và vượt mốc 10 tỷ USD cũng phần nào giải thích cho câu hỏi nhiều gia đình Việt Nam dựa vào đâu mà sống với thu nhập quá ít ỏi kiếm được ở Việt Nam?

Tham nhũng ư?

Mua quan, bán chức rồi sẽ được thừa nhận, một cách bất thành văn, như một ngành kinh doanh. Quyền lực cũng trở thành đối tượng kinh doanh. Người ta mua, tìm cách có quyền lực để khai thác nó nhằm tăng thu nhập và vì các lợi ích khác cho bản thân, gia đình, dòng họ. Ý nghĩa của quyền lực và sử dụng quyền lực như vậy đã trở nên bình thường một cách tự nhiên ở Việt Nam. Vì thế, nếu tham nhũng, theo Tổ chức minh bạch quốc tế TI (Transparency International), là “sự lạm dụng quyền lực được tin cậy giao phó cho lợi ích cá nhân”, thì ở Việt Nam không có tham nhũng. Bởi ở đây, quyền lực là để vì lợi ích cá nhân, cho nên không cần phải lạm dụng. Cho đến khi vẫn chưa chỉ ra và xóa bỏ được những nguyên nhân khiến cho việc sử dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân là chuyện đương nhiên, thì cho đến đó nạn tham nhũng (theo định nghĩa của TI) ở Việt Nam vẫn sẽ phát triển ổn định và là chuyện tất nhiên phải có.

Hệ thống quản lý, bổ nhiệm cán bộ, công chức nhà nước với sự kiểm tra, sàng lọc như hiện tại vừa không chọn được người có tài có đức, vừa tạo điều kiện cho hối lộ, mua quan bán chức phát triển. Vì một mặt, không có một chuẩn mực đạo đức, đạo lý, chuyên môn đúng đắn nào được đồng thuận coi là tiêu chuẩn bổ nhiệm; mặt khác, người có quyền bổ nhiệm cán bộ, lại không phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình; người phải chịu trách nhiệm, chịu hậu quả do cán bộ được bổ nhiệm gây ra, lại không có quyền bổ nhiệm.

Cùng với sự tác động của các nhóm quyền – lợi, với nạn mua quan bán chức, hệ thống quản lý, bổ nhiệm cán bộ hiện nay sẽ ưu tiên bổ nhiệm cán bộ trẻ, có trình độ đào tạo nhưng không có hiểu biết tổng quát, không có kinh nghiệm, không có tầm nhìn xa, không hiểu giá trị đạo đức, đạo lý. Những cán bộ như vậy luôn mắc sai lầm và không thể thích ứng được với sự thay đổi nhanh chóng của thực tế. Cán bộ, công chức cao cấp sẽ bị thay đổi ngày một nhanh hơn, do không đáp ứng được yêu cầu quyền lực và lợi ích của các nhóm quyền – lợi.

Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa hình thành được những cơ sở tối thiểu của một nhà nước pháp quyền dân chủ. Trong tương lai trung hạn, Việt Nam cũng chưa thể có được những chiến lược đúng đắn để phát triển giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phát triển kinh tế nhằm hội nhập quốc tế.

Mục tiêu xoá đói giảm nghèo – căn cứ theo số liệu hình thức – sẽ đạt được trong vài năm tới. Nhưng số gia đình có tổng thu nhập thực tế (không kể nhận kiều hối) không đủ bảo đảm mức sống tối thiểu hàng ngày sẽ tăng lên nhanh chóng. Khoảng cách giàu nghèo tăng rất nhanh, sự phân biệt sâu sắc và mất bình đằng ngày càng trầm trọng giữa các nhóm, tầng lớp trong xã hội sẽ là hậu quả tất yếu của sự tăng trưởng kinh tế, biến đổi hoàn cảnh xã hội, mội trường Việt Nam trong 10 năm tới.

Thường thì trong thời buổi xã hội rối ren, những giá trị đạo đức cơ bản bị xói mòn, lòng người hoang mang bế tắc, người ta hướng đến những giá trị tâm linh, hướng về tôn giáo. Nhưng Phật giáo và Tâm linh ở Việt Nam từ lâu đã trở thành những ngành kinh doanh béo bở và ngày càng phát triển rực rỡ. Ngành kinh doanh đạo phật không nuôi dưỡng, lan truyền Đức tin và những giá trị tốt đẹp vĩnh hằng của Phật giáo, mà ngược lại là nơi người ta có thể mua được đủ thứ cho thế giới tâm linh và lương tâm của mình, từ sự tha thứ “ảo” cho lương tâm sau khi tham nhũng; cầu may mắn để có dũng khí làm một điều vô đạo đức, v.v..; hoặc mua sự an ủi khi không muốn làm một điều lương thiện; cho đến chỉ đơn giản là để cho lòng mình được thanh thản vì đã nguyện cầu cho chúng sinh bất hạnh.

Chủ nghĩa “Tự sướng tâm linh” này cùng với chủ nghĩa “Tự sướng Internet” và chủ nghĩa “Thắng lợi tinh thần kiểu AQ” đang hủy hoại thành công sức đề kháng cái xấu trong mỗi con người và của cả dân tộc Việt Nam.

Những phân tích ở trên cho thấy Công nghiệp 4.0 mang lại nhiều rủi ro, hậu quả xấu cho dân tộc Việt Nam hơn là các hệ quả tích cực. Mất phương hướng, bế tắc và bất lực trong việc bảo đảm cuộc sống cho chính mình, dễ dàng đẩy người ta tìm sự cân bằng, thoải mái qua cái “Tôi” trong cuộc sống ở thể giới ảo. Công nghệ của Công nghiệp 4.0 giúp họ thực hiện điều đó trong nháy mắt. Khi ấy, người Việt Nam chỉ còn tập hợp thành những cộng đồng là những nhóm nhỏ trên cơ sở sự tin cậy có qua có lại, sự liên kết cảm tính và bình đẳng với nhau, trong đó mỗi người theo đuổi những mục đích riêng của mình. Những cộng đồng này không phải là xã hội, và sẽ dần dần thay thế xã hội người Việt, xã hội của dân tộc Việt. Không còn là một xã hội, các cộng đồng người Việt không mang được một ý nghĩa đáng kể nào trong quá trình hội nhập, tìm kiếm giá trị chung của các dân tộc trên trái đất. Chúng ta sẽ chỉ còn là những “bộ tộc” biết tiếng Việt, sống tập trung tại các thành phố lớn trên dải đất hình chữ S.

Tương lai đen tối, bất hạnh ấy sẽ thành hiện thực, nếu chúng ta vẫn tiếp tục tự hài lòng bằng chủ nghĩa “Thắng lợi tinh thần kiểu AQ”, tin vào những sáo ngữ, nhắm mắt làm ngơ cho thói đạo đức giả trở thành chuẩn mực đạo lý và đắm mình vào chủ nghĩa “Tự sướng Internet”, cùng “Tự sướng tâm linh”.

Không bao giờ là quá muộn để mỗi người một tay, mỗi người một việc, cùng chung sức kiến tạo tương lai cho dân tộc ta, cho nước Việt Nam ta. Chúng ta, ai ai cũng đều khát khao làm cho dân tộc Việt Nam được trường tồn, được rạng danh toàn thế giới, cũng khát khao được tự hào – một cách chính đáng – mình là người Việt Nam. Chung niềm khát khao ấy, chúng ta sẽ phải cùng tìm lại được những giá trị đã làm nên dân tộc, để ngẩng cao đầu tiến đến tương lai, để cho những Đặng Thái Sơn, Ngô Bảo Châu, U23 Việt Nam 2018, không còn là những hiện tượng ngẫu nhiên, mà là sự tất nhiên phải đến.

Sài Gòn, tết Mậu Tuất 2018, TS. Nguyễn Vân Nam.

Theo IP

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular