RFA / Viết từ Sài Gòn
Tôi nghe tin ông qua đời với một chút bùi ngùi, một chút thương tiếc nhưng cũng có cả một chút vui mừng cho ông. Bùi ngùi bởi tiếc một bậc tài hoa, thương tiếc bởi tiếc một con người tử tế và dễ bao dung đến mức khó tin, và mừng vui cho ông bởi từ nay ông được tự do, những ai đến viếng ông thì con cháu ông ghi sổ, ông không phải ngồi hí hoáy ghi chép…!
Tôi biết ông khá muộn màng, gặp ông đúng hai lần tại nhà ông và hai lần ấy để lại cho tôi ấn tượng khá mạnh. Lần thứ nhất, tôi và một người em (nhà văn, sống ở Huế, tôi xin giấu tên) đến nhà thăm ông ở phường Vĩ Dạ, sau một cơn mưa mùa xứ Huế. Nhà ông có một cây vú sữa khá to và lâu năm trước sân. Vào nhà ông, ấn tượng mạnh nhất vẫn là khoảng sân rộng có tiếng chim gù, cây vú sữa và những bức tranh Đạt Ma của ông vẽ.
Lần đầu thăm ông, tôi cảm nhận hầu hết các bức tranh Đạt Ma do ông vẽ đều có nét mặt rất Trần Vàng Sao. Sau khi trò chuyện thân mật, tôi hỏi ông đang vẽ Đạt Ma hay là đang vẽ chính ông. Ông chỉ cười, nói nửa giỡn nửa thật rằng Đạt Ma đang vẽ ông cũng đúng…
Sau một lúc trò chuyện, tôi chuyển đến ông một chút quà do người anh em bên hải ngoại gửi tặng ông và không quên xin ông chép cho một bài thơ mới nhất. Ông nói lâu lắm rồi không làm thơ, chỉ vẽ, mà chỉ vẽ Đạt Ma thôi, làm thơ khổ quá!
Khi tôi ra về, ông không quên hỏi tên tôi lần nữa và mở cuốn sổ ra ghi đầy đủ: Ngày… tháng… năm… anh… đến thăm vào lúc …h, ngồi chơi chừng…h rồi về… Anh người từ… đến… Nội dung nói chuyện…”. Nhìn cuốn sổ dày cộm và chi chít chữ kia, tôi hỏi ông có mấy cuốn sổ như vậy. Ông nói mình không nhớ nổi, cứ cuốn này đầy lại phải ghi cuốn khác.
Người em nhà văn ở Huế phân trần “Đôi khi ông cẩn thận đến mức mình phát chán. Nhưng thực sự khó cho ông, bởi con của ông đều làm chủ tịch phường, làm chức này chức nọ, vì vấn đề chính trị của chúng, ông phải chấp nhận hi sinh nhiều thứ thôi!…”.
Lần thứ hai, tôi đến thăm ông vì một lẽ khác, tôi muốn tìm hiểu câu chuyện về Huế Mậu Thân 1968, tôi đến tìm ông. Lần này tôi đi với một anh bạn nhà thơ khá nổi tiếng trên đất Huế và khá thân với ông. Nói cách khác, anh này là bạn vong niên của ông.
Lần thăm thứ hai này, có vẻ như ông mệt mỏi và yếu hơn lần thứ nhất mặc dù thời gian chỉ cách nhau chưa tròn năm. Ông nói chuyện không còn hoạt bát và có vẻ như ông rất ngại nói đến những chuyện nhạy cảm. Khi tôi hỏi về chuyện Mậu Thân, trong đó gồm cả Hoàng Phủ Ngọc Tường lúc đó đang ở đâu, thì ông lắc đầu, nói thôi đừng nhắc chuyện cũ chi thêm buồn và mệt lắm. Ông kể sang chuyện đốt cỏ tranh trên rừng để lấy muối và nhử chồn, nhử thỏ.
Nhưng trước lúc tôi về, ông không quên nói lại lần nữa “Lúc đó hình như Tường nó ở trên căn cứ, chắc là không tham gia đổ máu đâu. Nhưng mà cứ nào thì mình không rõ chứ chỗ cứ mình thì không thấy Tường… Mình tin là Tường nó tội lắm, nó là nhà thơ, không thể giết người được!”.
Thực ra, tôi cảm nhận được trong sâu thẳm ông muốn nói gì, bởi ông là nhà thơ có ánh mắt biết nói và nói rất rõ. Nhưng ông không muốn bạn bè tổn thương, ông cũng chẳng muốn nhắc đến bất kì chuyện gì của quá khứ, ai làm sai thì lương tâm tự vấn mà tự đau khổ, dằng vặt… Ông từng nói vậy.
Và đương nhiên, khi tôi ra về, ông vẫn không quên lấy sổ ra ghi họ tên người thăm đầy đủ, sau đó lại nói về cây vú sữa trong sân nhà rồi tiễn khách. Vấn đề tự do của ông mà tôi nói rằng tôi có chút vui mừng vì ông được tự do khi qua đời cũng nằm ở cái cuốn sổ này. Ông chưa bao giờ có tự do ngay trong cả gia đình.
Trừ người vợ tảo tần của ông ra, dường như chung quanh ông là một hệ thống chính quyền thu nhỏ, các con của ông làm chức sắc địa phương, có người làm chủ tịch phường. Và ông không được phép nói gì thêm kể từ sau Bài thơ của một người yêu nước mình. Bởi ông làm cha, ông không thể ngồi viết những câu thơ khiến cho nồi cơm và cái ghế của con ông bị hất đổ. Và ông vẽ, ông vẽ như một sự ký thác linh hồn. Có lẽ vì vậy mà ông vẽ Đạt Ma khá là giống ông.
Có thể nói rằng hai chữ tự do theo nghĩa trọn vẹn của nó đối với cuộc đời Trần Vàng Sao là quá xa xỉ và hoang đường. Ông bị mất tự do trên mọi nghĩa. Và cuộc đời ông, có lẽ chỉ có vợ ông và những câu thơ là hiểu và gần với ông nhất!
Và hình như, ngoài những người tìm đến thăm ông như một tri âm, trong giới văn nghệ nhà nước cũng lắm kẻ đến để bá vai, quàng cổ, chụp hình cùng ông và không quên diễn một tư thế để thấy mình cao hơn ông một chút hoặc mạnh mẽ, trẻ trung hơn ông một chút… Cái “một chút” đó không biết để làm gì nhưng người ta thường làm vậy. Chính vì vậy mà khi ông qua đời, có lắm người khi ông sống cũng chẳng thân thiết chi, nhưng nghe tin ông mất là trưng ngay một tấm ảnh chụp chung với ông cùng vài lời thương tiếc. Đương nhiên có người thương tiếc ông thật, cũng có người không biết có thật tình thương tiếc ông không!
Bởi tôi nghi ngờ điều này khi họ khoác cho ông một chiếc áo dũng cảm, dám nói dám làm. Không, Trần Vàng Sao không phải là một người như họ mô tả đâu! Ông cũng sợ nhiều thứ, ông sợ ngay cả những bài thơ của ông và ông chịu mất tự do, ngay cả việc uống cà phê với bạn bè, ông cũng hạn chế uống và mỗi lần uống, ông tranh thủ hít thở như đang nuốt lấy nuốt để bầu tự do thoáng qua. Và những lúc như vậy, nói chuyện là một cực hình đối với ông.
Tôi mới gặp ông có hai lần thôi nhưng sao tôi dám nói về ông nhiều vậy? Bởi hai lần gặp ấy, tôi chứng kiến mọi thứ, kể cả việc mời ông cùng ra phố uống cà phê và khi đưa ông về, ông nói là dạo này hơi hụt tiền nên chẳng dám cà phê, tôi lại nhờ ông chép tặng tôi bài thơ để tôi gửi nhuận bút cho ông. Chỉ là cái cớ thôi! Và gặp nhau cũng chỉ là cái cớ, làm thơ cũng là cái cớ, viết văn cũng là cái cớ và sống cũng chỉ là cái cớ để thấy mình tự do trong phút chốc với thiên thu!
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do