Ngoại trừ những dự án cũ và những hợp đồng cũ, Bộ Quốc phòng Đức đã đình chỉ tất cả, không thỏa thuận một dự án nào mới, không ký kết bất cứ một hợp đồng nào mới với Việt Nam.
Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Đức – do Tiến sĩ Ralf Brauksiepe, Quốc vụ khanh Quốc phòng Đức, dẫn đầu- hội đàm với Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam với sự chủ trì của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng vào ngày 8/3/2016
Hôm 20.12.2017, tại Berlin. Người Phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức đã cho thoibao.de biết ´´Ngày 22/9/2017, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức ra thông báo về việc Chính phủ CHLB Đức đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Quyết định này tác động tới Bộ Quốc phòng Đức, liên quan tới các cuộc hội đàm và chuyến thăm từ cấp vụ trưởng, cục trưởng trở lên và kể từ đó cho tới thời gian tiếp theo, các cuộc hội đàm và chuyến thăm như vậy cũng bị đình chỉ“.
Sĩ quan cấp cao của Bộ Quốc phòng Đức cũng cho biết thêm ´´Những biện pháp đã được thỏa thuận từ trước trong khuôn khổ chương trình song phương mỗi năm vẫn được tiếp tục tiến hành ở cấp chuyên viên làm việc“ .
Điều này có nghĩa rằng, ngoại trừ những dự án cũ và những hợp đồng cũ, Bộ Quốc phòng Đức đã đình chỉ tất cả, không thỏa thuận một dự án nào mới, không ký kết bất cứ một hợp đồng nào mới với Việt Nam.
Được biết, từ nhiều năm nay giữa Đức và Việt Nam đang tích cực hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, đặc biệt là về lĩnh vực hải quân nhằm giúp Việt Nam bớt phụ thuộc dần vào các phương tiện vũ khí từ Nga, củng cố khả năng bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước này tại Biển Đông.
Phía Đức đã được phép của Bộ quốc phòng, cung cấp nhiều động cơ Diesel cho tàu quân sự cỡ lớn, để Việt Nam tự đóng các chiến hạm tên lửa tấn công nhanh như loại BPS-500, điểm đặc biệt với trang bị thiết bị chuyên dụng từ Đức, tàu chiến của Hải Quân Việt Nam có thể dễ dàng di chuyển qua các vùng biển nước nông và khu vực bãi san hô tại các quần đảo Trường Sa, nơi mà Việt Nam đang quản lý và đóng quân trên các đảo nổi cũng như nhiều khu nhà giàn.
Các thiết bị Quân sự hiện đại này, khi sử dụng cần một đội ngũ kỹ thuật được Đức đào tạo chuyên nghiệp để vận hành, bảo trì trước và sau mỗi hải trình.
Tàu tên lửa tấn công nhanh BPS-500 có số hiệu HQ-381 do Việt Nam tự đóng được trang bị động cơ MTU 8000 của Đức
Đức là một trong những cường quốc đứng hàng đầu thế giới trong công nghiệp sản xuất vũ khí. Với những ưu điểm nổi trội về hiệu năng cũng như độ tin cậy, nhiều nước đã trang bị cho quân đội những vũ khí của Đức như tàu ngầm phi hạt nhân Type 209, Type 214, xe tăng Leopard 2 hay pháo tự hành bánh xích PzH 2000 v.v.
Đức không chỉ bán vũ khí trực tiếp, mà còn chuyển giao công nghệ, một thí dụ điển hình là dự án liên kết với các đại công ty Hyundai và Daewoo của Hàn Quốc để đóng tàu ngầm Type 209 hay Type 214 của Đức. Công nghiệp quốc phòng Việt Nam còn rất non trẻ, với tiềm lực cũng như hạ tầng khoa học kỹ thuật hiện nay, Việt Nam không có khả năng tiếp nhận những chuyển giao những công nghệ lớn của Đức như trường hợp của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, trong chuyến đi thăm Việt Nam hồi tháng 3 năm ngoái (2016), Tiến sĩ Ralf Brauksiepe, Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Đức cho biết, Đức sẽ làm hết mình để giúp đỡ Việt Nam trong hợp tác giáo dục đào tạo, công nghiệp quốc phòng.
Với lời cam kết này của Tiến sĩ Ralf Brauksiepe và qua việc Đức đã bán cho Việt Nam những động cơ cho tàu chiến, Việt Nam đặt rất nhiều hy vọng Đức sẽ giúp đỡ Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ để tự bảo trì, bảo dưỡng và đại tu động cơ tàu thủy, hoặc xa hơn nữa sẽ được Đức chuyển giao công nghệ sản xuất các loại động cơ đó ngay trong nước.
Nay, hy vọng “được Đức chuyển giao công nghệ” đã trở thành ảo vọng do hậu quả của vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh gây ra.
Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tiếp Quốc vụ khanh Quốc phòng Đức Ralf Brauksiepe vào ngày 8/3/2016
Việc Bộ Quốc phòng Đức đình chỉ các tiếp xúc với Quân đội Việt Nam từ cấp Cục, Vụ trở lên sẽ làm suy yếu tiến trình từng bước tự hiện đại hóa và duy trì hiện diện của lực lượng hải quân nước này trong việc để bảo vệ chủ quyền trên Biển, vốn đang bị Trung Quốc xâm chiếm từ những năm 1974 cho đến nay.
Nếu Quân đội Nhân dân Việt Nam không kịp thời ngăn chặn các hành động bắt người vô pháp của kẻ chủ mưu, dẫn tới sự hỗn loạn nội bộ cũng như làm mất lòng tin với các đối tác quốc tế, sẽ còn xẩy ra nhiều diễn biến khó lường, gây ra lỗ hổng lớn cho việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam.
Nguy cơ khủng hoảng về an ninh quốc phòng có lẽ sẽ là một món quà mà ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời là Bí thư Quân ủy Trung ương dâng tặng người bạn “ 4 tốt “ phương Bắc đang chiếm đóng và liên tục xây lấn tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Việt Nam đã mua 4 động cơ của Đức để đóng 2 tàu chiến tấn công nhanh BPS- 500
Vòng hoa tưởng niệm các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã bị Trung Quốc giết hại trên đảo Gạc Ma.
Trung Khoa – Thoibao.de
Trung tướng Đường Minh Hưng – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục an ninh, Bộ Công an đã sang Berlin hôm 16.7 – trực tiếp chỉ huy vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.
Người ra lệnh bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã làm suy yếu khả năng phòng thủ của Việt Nam
Vụ Trịnh Xuân Thanh: Đức đình chỉ đối tác chiến lược với Việt Nam và trục xuất tiếp cán bộ ngoại giao Việt Nam trong vòng 4 tuần.
———