90 MILES TO CUBA

0
338

Phong Thanh Duong 

Trên chuyến bay của hãng hàng không South West chuyển tiếp từ St. Louis đến Miami, chúng tôi ngồi kế một bà người Mỹ. Bà có mang theo một chú chó nhỏ “service dog” đi cùng rất dễ thương nên chúng tôi bắt chuyện làm quen cho quên đường dài. Hỏi ra thì mới biết là bà đi thăm mẹ và chị ở Miami. 

Miami thuộc tiểu bang Florida là thành phố nằm gần cuối phía Nam của nước Mỹ. Nơi đây khí hậu nóng và ẩm, có hai mùa mưa nắng y hệt như Sài Gòn. Miami là thành phố du lịch bậc nhất của Hoa Kỳ hấp dẫn du khách quốc tế từ khắp nơi trên thế giới, ngang hàng với hai thành phố của Mỹ cũng nổi tiếng không kém là New York và Las Vegas. Đặc biệt khu South Beach (SoBe) là thiên đường ăn chơi của giới trẻ, với những “mansion” xa hoa tráng lệ của những siêu sao từ điện ảnh như Matt Damon, Oprah, âm nhạc như Gloria Estefan, Shakira, Jennifer Lopez, Ricky Martin, cho đến thể thao như LeBron James, Shaquille O’Neal, thời trang như Gianni Versace.

Miami cũng là nơi tập trung cộng đồng người Cuba đông nhất ở Hoa Kỳ. Người Cuba trốn chạy Cộng Sản năm 1959 phần đông đều sinh sống tại Miami. Có đến 1.2 triệu nguời gốc Cuba tại Miami, chiếm hơn 50% dân số thành phố. Nơi đây có khu phố “Little Havana” với những tiệm ăn hàng quán như một quê hương thứ hai, một “thủ đô tỵ nạn” của những người Cuba xa xứ.

Bà Vivian ngồi cùng chuyến bay với chúng tôi vui vẻ giới thiệu những nơi tiệm ăn ngon ở Miami, đặc biệt là đồ ăn Cuba. Hỏi ra thì mới biết bà lớn lên ở Miami. Bà là 50% Cuba vì cha là người Cuba và mẹ người Mỹ gốc Puerto Rico. Mẹ bà là tiếp viên hàng không trên đường bay Miami-Havana. Câu chuyện tình Mỹ-Cuba thật đẹp đã bắt đầu từ một trong những chuyến bay ấy. 

Bà Vivian sinh năm 1955, cũng là tiếp viên hàng không như mẹ, bà cũng vừa về hưu từ năm ngoái. Mẹ bà giờ đã 93, còn cha bà có lẽ đã mất từ lâu. Bà cho chúng tôi xem hình hai ông bà cụ hồi trẻ, hai ông bà nhìn rất đẹp và hạnh phúc bên nhau. Cái nét đẹp sắc sảo đó vẫn còn phảng phất trong khuôn mặt của bà Vivian.  Người Cuba nhìn giống người châu Âu hơn so với người Mễ có lẽ vì họ lai da trắng nhiều hơn, nếu bà không nói thì có lẽ chúng tôi cũng không biết bà người gốc Cuba. Ngay cả thứ tiếng Tây Ban Nha mà người Cuba nói cũng khác xa với tiếng Tây Ban Nha mà người Mễ nói. 

Điều làm chúng tôi vô cùng ngạc nhiên là mặc dù bà Vivian sanh trưởng và lớn lên ở Mỹ, bà rất thông thạo tiếng mẹ đẻ Tây Ban Nha. Bà cho biết đó là vì khi nhỏ cha mẹ bà nhất định bắt con cái phải nói tiếng Spanish trong nhà.  Bà là thế hệ di dân thứ hai, vẫn còn gìn giữ được tiếng nói và nguồn gốc của mình. Bà còn cho biết hai trai con của bà đã trên 30 tuổi, dù là thế hệ di dân thứ ba nhưng vẫn còn nói được tiếng Spanish trôi chảy.

Cộng đồng người Mỹ gốc Cuba có khá nhiều nét tương đồng với cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ. Cả hai đều là những người tỵ nạn cộng sản, chỉ khác người Cuba đã đến đây từ năm 1959 khi chạy trốn chế độ Fidel Castro, còn người Việt Nam bắt đầu từ cuộc di tản năm 1975 cho đến thế hệ thuyền nhân vào những năm 80 và 90. 

Người Mỹ gốc Cuba đã qua đến thế hệ di dân thứ ba, thứ tư nên cộng đồng của họ đã nhập vào dòng chính và lớn mạnh hơn cộng đồng người Việt rất nhiều. Họ thành công trên mọi lĩnh vực ở Hoa Kỳ từ văn hoá, nghệ thuật, thương mại cho đến chính trị như thượng nghị sĩ Ted Cruz, Marco Rubio. 

Từ câu chuyện bà Vivian kể trên chuyến bay đến Miami, đến những ly “Café Cubano” đậm đà ngon không thể tả ở phố nhỏ Havana đã cho tôi niềm hy vọng về tương lai của con cháu người Việt ở nơi này. Chúng ta xa quê hương nhưng chúng ta không bao giờ mất quê hương. Ngày nào tiếng Việt vẫn còn vang vọng thì ngày ấy người Việt, hồn Việt vẫn còn mãi nơi đây!

PS. Hình chỉ có tính cách mình hoạ. Đây là điểm cực Nam của Hoa Kỳ, từ nơi đây (Key West) đến Cuba chỉ có 90 dặm đường chim bay!

599820cookie-check90 MILES TO CUBA