Sunday, February 23, 2025
HomeBình Luận-Quan ĐiểmXUNG ĐỘT Ở DẢI GAZA

XUNG ĐỘT Ở DẢI GAZA

Việt Hoàng

Theo thông tin cập nhật mới nhất của các hãng Reuters và AFP, có ít nhất 480 người Israel và Palestine đã thiệt mạng trong vụ tấn công và đáp trả quy mô lớn bất ngờ giữa nhóm dân quân Palestine Hamas và Israel ngày 7/10, khiến Thủ tướng Benjamin Netanyahu thề sẽ biến những nơi ẩn náu của Hamas ở Gaza thành “bong bóng”.

Truyền thông địa phương tại Israel nhận định cuộc tấn công bất ngờ của Hamas sáng sớm 7/10 là một trong những cú sốc lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua đối với chính phủ và người dân Israel. Hàng trăm người bị sát hại và bắt cóc, bao gồm cả binh sĩ và dân thường. Hàng nghìn người bị thương. Hamas tấn công cả bằng đường không, đường biển và đường bộ. Các tay súng tràn qua qua biên giới tiến vào tạm chiếm 22 khu dân cư trong nhiều giờ, lùng sục từng nhà, sát hại và bắt giữ người dân.

Cuộc tấn công xảy ra khi người dân Israel vẫn đang say sưa trong những ngày cuối cùng của đợt lễ Sukkot quan trọng, làm gợi nhớ đến cuộc chiến Yom Kippur vừa tròn 50 năm trước, khi Nhà nước Do Thái bị liên quân Arab bất ngờ tấn công. Chính phủ liên minh đã phải mời 2 cựu lãnh đạo hiện đang thuộc phe đối lập Yair Lapid và Benny Gantz tạm thời tham gia “chính phủ đoàn kết” để đối phó khủng hoảng.

Người Palestine đột nhập vào hàng rào biên giới Israel-Gaza phía Israel sau khi các tay súng xâm nhập vào các khu vực phía nam Israel, ngày 7 tháng 10 năm 2023. REUTERS/Mohammed Fayq Abu Mostafa KHÔNG BÁN HÀNG. KHÔNG CÓ LƯU TRỮ. HÌNH ẢNH TPX TRONG NGÀY

Giới phân tích nhận định sự kiện này là thất bại lớn nhất về mặt quân sự và tình báo của Israel trong nửa thế kỷ, thậm chí lớn nhất trong lịch sử 75 năm lập quốc. Nó có thể sẽ làm thay đổi Israel, giống như sự kiện “ngày 11/9” làm thay đổi nước Mỹ, và các quyết định của Nội các An ninh Israel đưa ra sau đây có thể ảnh hưởng đến vấn đề Palestine và các vấn đề khác trong khu vực trong nhiều năm tới.

Theo Reuters, khi nhóm thánh chiến Hồi giáo Hamas phát động một cuộc tấn công ngoạn mục chống lại Israel, họ cũng nhắm đến những nỗ lực thúc đẩy những sắp xếp an ninh khu vực mới có thể đe dọa nguyện vọng quy chế nhà nước của người Palestine cũng như những tham vọng của Iran, nước ủng hộ chính của nhóm này.

BỐI CẢNH CHUNG

Vụ tấn công bất ngờ diễn ra trong bối cảnh bạo lực gia tăng giữa các tay súng Israel và Palestine tại vùng Bờ Tây do Israel chiếm đóng, nơi chính quyền Palestine thực hiện các hoạt động tự trị hạn chế vốn bị phản đối bởi Hamas, nhóm thánh chiến luôn quyết tâm tiêu diệt Israel. Osama Hamdan, lãnh đạo của Hamas tại Liban, nói với Reuters rằng chiến dịch tấn công ngày 7/10 hẳn sẽ khiến các nhà nước Arab nhận ra rằng chấp nhận những đòi hỏi về an ninh của Israel sẽ không mang lại hòa bình. Ông nói: “Đối với những người muốn có hòa bình và ổn định trong khu vực, điểm xuất phát phải là chấm dứt sự chiếm đóng của Israel”.

Một người đàn ông chạy trên đường khi ngọn lửa bùng cháy sau khi tên lửa được phóng từ Dải Gaza, ở Ashkelon, Israel ngày 7 tháng 10. REUTERS/Amir Cohen

Một nguồn thạo tin về các tính toán của Iran cũng như nhóm Hezbolla tại Liban do Iran hậu thuẫn nhận định: “Đây là một thông điệp gửi tới Saudi Arabia, quốc gia đang xích về phía Israel, và tới những người Mỹ đang ủng hộ bình thường hóa và ủng hộ Israel. Sẽ không có an ninh trong toàn khu vực một khi người Palestine bị bỏ lại ngoài phương trình”. Nguồn tin cho biết: “Những gì xảy ra vượt quá mọi mong đợi”; “Hôm nay là một bước ngoặt trong cuộc xung đột”.

Ở Bờ Tây, các vụ đụng độ cũng xả ra ở nhiều địa điểm trong ngày 7/10, trong đó các thanh niên Palestine ném đá để đối đầu với quân Israel. Bốn người Palestine, trong đó có một cậu bé 13 tuổi, đã thiệt mạng.

Các phe phái Palestine kêu gọi một cuộc tổng đình công vào ngày 8/10.

Bản thân Israel cũng đang trải qua những khó khăn chính trị nội bộ biến động, theo đó chính phủ cánh hữu nhất trong lịch sử đang cố gắng cải tổ cơ quan tư pháp.

Theo AFP, sự leo thang này diễn ra sau vài tháng bạo lực dâng cao, chủ yếu ở Bờ Tây, và những căng thẳng xung quanh biên giới của Gaza và tại các địa điểm linh thiêng ở Jerusalem. Số liệu mà các quan chức Palestine và Israel đưa ra cho biết trước ngày 7/10, ít nhất 247 người Palestine, 32 người Israel và 2 người nước ngoài khác đã thiệt mạng trong năm nay, bao gồm cả binh lính và thường dân.

Vụ tấn công hôm 7/10, chiến dịch lớn nhất nhằm vào Israel trong nhiều thập kỷ, trùng hợp với các động thái được Mỹ hậu thuẫn nhằm thúc đẩy Saudi Arabia hướng tới bình thường hóa quan hệ với Israel để đổi lấy thỏa thuận quốc phòng giữa Washington và Riyadh, một động thái sẽ làm chậm lại tiến độ xích lại gần đây của vương quốc này với Tehran.

THẤT BẠI LỚN VỀ QUÂN SỰ VÀ TÌNH BÁO CỦA ISRAEL 

Cuộc tấn công của Hamas có quy mô rất lớn, gần 3.000 quả rocket được sử dụng chỉ trong 1 ngày. Tính đến hết ngày 7/10, đã có trên 200 người Israel được xác nhận đã thiệt mạng và hơn 1.100 người bị thương, và các con số này chắc chắn sẽ còn tăng. Trong khi đó, số lượng công dân Israel, bao gồm cả dân thường và binh sỹ, bị Hamas bắt làm con tin vẫn chưa được xác nhận, chắc chắn không dưới vài chục người.

Không giống như các cuộc xung đột lớn năm 2014 hay 2021 và các cuộc nhỏ hơn trong 2 năm qua, khi những thông tin về chiến dịch tấn công từ Dải Gaza và sự rục rịch chuẩn bị từ phía quân đội Israel cho thấy tình báo nước này đã nắm được thông tin phần nào. Dường như sau các cuộc tấn công gần đây, diễn ra vào tháng 8/2022 và tháng 4/2023 chỉ do lực lượng Thánh chiến Palestine (PIJ) tại Dải Gaza thực hiện, đã khiến phía Israel cho rằng Hamas sẽ tiếp tục đứng ngoài cuộc. Tình báo Israel vốn nổi tiếng với mạng lưới nhân viên dày đặc, các thiết bị nghe lén và quan sát hiện đại rải khắp biên giới và trên lãnh thổ Gaza và Bờ Tây. Chưa kể hoạt động chia sẻ thông tin, dù chính thức hay không chính thức, với các quốc gia láng giềng khá “thân thiện” như Ai Cập, Jordan, Qatar, Saudi Arabia. Hơn nữa, quân đội Israel bao vây và kiểm soát Dải Gaza trong trạng thái gần như “bóp nghẹt”. Tuy nhiên, lần này dường như phía Israel hoàn toàn bị động, ngay cả về số lượng rocket và việc binh sĩ Hamas tràn qua biên giới và tiến sâu vào lãnh thổ.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu được Reuters dẫn lời tuyên bố: “Chúng tôi sẽ báo thù mạnh mẽ cho ngày của sự độc ác này. Hamas đã phát động một cuộc chiến tàn khốc và tàn ác. Chúng ta sẽ thắng cuộc chiến này nhưng cái giá phải trả quá nặng nề. Hamas muốn giết tất cả chúng ta. Đây là kẻ thù đã sát hại các bà mẹ và trẻ em trong chính những ngôi nhà, trên những chiếc giường của họ. Một kẻ thù đã bắt cóc người già, trẻ em, thiếu nữ…”.

ISRAEL SẼ LÀM GÌ?

Giới lãnh đạo Israel chắc chắn sẽ lựa chọn các phương án tấn công trả đũa Hamas, và một lựa chọn sai lầm có thể sẽ làm thay đổi tình hình Israel và khu vực. Lực lượng Hezbollah tại Liban, với sự hỗ trợ của Iran, có thể tham chiến và tấn công vào miền Bắc Israel, đẩy quốc gia này vào một cuộc chiến tranh tổng lực. Các nước láng giềng sẽ tính toán và xem xét lại sức mạnh quân sự của Israel để điều chỉnh cách tiếp cận với nhà nước Do Thái. Israel có thể sẽ phải thay đổi học thuyết an ninh và điều chỉnh năng lực quân sự để đối phó với các mối đe dọa từ Hamas và các nhóm vũ trang khác. Nền chính trị nội bộ của Israel có thể cũng sẽ có biến động sau sự kiện này.

Chính phủ Israel về cơ bản sẽ đứng trước 4 khả năng sau đây: 1/ Tấn công và tái chiếm đóng Dải Gaza; 2/ Lật đổ Hamas, sau đó giao quyền quản lý Gaza cho Chính quyền Palestine (PA – hiện đang kiểm soát Bờ Tây) hoặc một lực lượng đa quốc gia; 3/ Đánh chiếm Gaza trong vài tuần hoặc vài tháng để tiêu diệt cơ bản lực lượng quân sự và hàng ngũ lãnh đạo hiện tại của Hamas, sau đó để lực lượng này tiếp tục quản lý Gaza; 4/ Tấn công Gaza với tính chất “trả đũa”, tương tự như các cuộc xung đột gần đây.

Trong các cuộc xung đột gần đây, Nội các An ninh Israel chưa từng lựa chọn 1 trong 3 phương án đầu tiên, do chúng đều có những nhược điểm lớn và những hậu quả khó dự đoán. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, số lượng thương vong của Israel, cả trong quân đội và dân thường, đã rất lớn và tính chất của cuộc tấn công do Hamas gây ra rất nghiêm trọng. Vì vậy, Nội các Israel lần này sẽ khó có thể dừng lại bằng một cuộc phản công chớp nhoáng như phương án 4.

Nói cách khác, Israel sẽ lựa chọn 1 trong 3 khả năng đầu tiên, tức là sẽ huy động lực lượng đánh vào Gaza trong một thời gian tương đối dài. Việc huy động toàn bộ 4 sư đoàn quân dự bị trên cả nước cho thấy dường như nội các Israel đã chọn 1 trong 3 phương án này.

Phương án 1 – tái chiếm Gaza, sẽ giúp ngăn chặn các cuộc không kích trong tương lai, giảm bớt tổn thất về nhân mạng cho người dân. Tuy nhiên, Israel sẽ phải tổn thất nhiều binh sĩ hơn để duy trì sự kiểm soát liên tục tại đây. Ngoài ra, việc tái xâm lược Gaza có thể khiến Nhà nước Do Thái gặp rắc rối về ngoại giao quốc tế và sự phản đối ở trong nước, kéo dài trong nhiều năm. So với các phương án khác, phương án 1 không có nhiều hiệu quả.

Phương án 2 – tấn công lật đổ Hamas và trao quyền quản lý cho PA hoặc một lực lượng quốc tế. Về lý thuyết, lựa chọn này có lợi cho Israel hơn cả. Tuy nhiên, vấn đề là liệu PA hoặc lực lượng quốc tế hỗn hợp có khả năng duy trì sự kiểm soát hay không. Nếu người dân Gaza ủng hộ hòa bình thì khả năng này là có thể. Tuy nhiên, ở một nơi người dân sẵn sàng hy sinh tất cả để giành độc lập và lý tưởng tôn giáo, thì PA hoặc lực lượng đa quốc gia sẽ khó có thể trụ vững, giống như lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thất bại ở bán đảo Sinai của Ai Cập vào năm 1967, hoặc UNIFIL không thể ngăn cản Hezbollah ở Liban…

Phương án 3- đánh một trận lớn khiến Hamas suy yếu, nhưng không đến mức bị tiêu diệt hoàn toàn, sau đó tiếp tục cho lực lượng này nắm quyền. Điểm yếu của lựa chọn này là rất có thể các nhóm Jihad Hồi giáo Palestine (PIJ) hoặc Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sẽ lợi dụng Hamas suy yếu để chiếm quyền kiểm soát Gaza. Hai nhóm này bạo lực và khát máu hơn nhiều so với Hamas. Tuy nhiên, hiện tại lựa chọn này có vẻ phù hợp nhất với Israel, vốn có chủ trương giữ Hamas ở một khoảng cách an toàn trong một thời gian đủ dài và chia tách với PA ở Bờ Tây.

Quang cảnh một chiếc xe cứu thương bị trúng đòn tấn công của Israel, sau khi các tay súng Hamas tiến hành cuộc tấn công bất ngờ chống lại Israel, ở phía nam Dải Gaza, ngày 7 tháng 10 năm 2023. REUTERS/Ibraheem Abu Mustafa – RC2NN3AC3OAB

Một lựa chọn phụ nữa là lật đổ Hamas, sau đó lập nên một chính quyền kiểm soát kết hợp giữa một lực lượng đa quốc gia, PA và Israel, phân chia nhau quản lý Gaza. Mô hình này chưa từng có tiền lệ và khó dự đoán hiệu quả.

Với cả 3 lựa chọn nêu trên, Israel đều sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn. Kể từ năm 2005, khi IDF rút quân khỏi Gaza, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã nhiều lần phải đứng trước các phương án tấn công Gaza, nhưng chưa lần nào nghĩ đến việc tái chiếm dải đất này, vì lo ngại sẽ đẩy Israel sa lầy vào một cuộc chiến tranh du kích bất lợi, kéo dài và không có lối thoát.

Địa hình Gaza không thuận lợi cho bộ binh Israel tác chiến, và càng tiến sâu thì lợi thế tương đối về không quân càng giảm, do Gaza có mật độ dân cư dày đặc và Hamas đã đào nhiều đường hầm để phục vụ chiến tranh du kích. Hệ thống địa đạo này đã bị IDF phá hủy đáng kể trong các cuộc xung đột năm 2014 và 2021, nhưng vẫn còn rất nhiều.

Một câu hỏi nữa được đặt ra là Israel phải giáng một đòn mạnh như thế nào để Hamas đủ suy yếu và bị các lực lượng khác thế chân, và không đủ khỏe để tái diễn các vụ phóng rocket? Sự thất bại của tình báo Israel vừa qua cho thấy tính toán việc này là rất khó.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular