(TBKTSG Online) – Khi có nhu cầu mua áo quần, giày dép, mỹ phẩm…, người tiêu dùng Thái Lan thích lên các mạng xã hội như Facebook, Instagram, nơi họ có thể trao đổi trực tiếp với người bán và mặc cả giá.
Mạng xã hội trở thành nơi mua bán
Thương mại điện tử đang được tái định nghĩa ở nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, nơi mà smartphone trở nên thịnh hành trước cả máy tính cá nhân, đang trở thành phương tiện để giao dịch mua bán hàng hóa thông qua các mạng xã hội. Tất cả các doanh nghiệp, dù nhỏ hay lớn, ở Thái Lan đều hiểu rằng họ cần phải tăng cường sự hiện diện trên mạng xã hội để tiếp cận khách hàng.
Một cuộc khảo sát của hãng kiểm toán quốc tế PwC cho thấy người tiêu dùng mua hàng qua các mạng xã hội chiếm 51% số lượng người mua sắm trực tuyến ở Thái Lan. Con số này cao hơn mức trung bình 16% trên toàn thế giới hay 32% ở Ấn Độ và 27% ở Trung Quốc.
Theo cuộc khảo sát của Trung tâm thông tin kinh tế (EIC) thuộc ngân hàng thương mại Siam (Thái Lan) vào năm ngoái, có đến 51% người được khảo sát nói rằng họ thích mua sắm qua các mạng xã hội Facebook và Instagram.
Theo Cơ quan phát triển giao dịch điện tử thuộc Bộ Truyền thông và Thông tin Thái Lan, năm ngoái, doanh số thương mại điện tử qua mạng xã hội ở Thái Lan đạt 137 tỉ baht (4,14 tỉ đô la Mỹ), chiếm 20% tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử ở Thái Lan.
Nhìn chung, những mặt hàng mà người Thái thích mua sắm qua mạng xã hội thường là những sản phẩm giá rẻ, không có chính sách bảo hành hoặc các dịch vụ hậu mãi như giày dép, áo quần, mỹ phẩm, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.
Cũng giống như nhiều nước Đông Nam Á khác, các trang thương mại điện tử ở Thái Lan kinh doanh khó khăn hơn so với ở các nền kinh tế phương Tây hay Nhật Bản. Điều này là do tỷ lệ thâm nhập tương đối thấp của máy tính cá nhân lẫn thẻ tín dụng ở Thái Lan,
Tuy nhiên, với tỷ lệ phổ cập smartphone cao (70%), người Thái dành thời gian lướt mạng nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Theo một báo cáo của nền tảng quản lý mạng xã hội Hootsuite (Canada) và công ty nghiên cứu thị trường mạng xã hội We Are Social (Anh), trung bình mỗi ngày người Thái Lan lướt mạng đến 9,38 tiếng, chủ yếu để vào các trang mạng xã hội. Thành phố Bangkok có đến 22 triệu người dân sử dụng tài khoản Facebook, cao hơn bất cứ thành phố nào trên thế giới.
Giá rẻ và có thể mặc cả
Các tính năng như phát trực tiếp video (live streaming) và chat trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook đã giúp các chủ cửa hàng tăng doanh số. Đây là cách mà chị Nong, chủ một cửa hàng áo quần cỡ lớn dành cho người ngoại cỡ, kết nối với khách hàng.
Nong có một cửa hàng ở TP. Lampang, miền bắc Thái Lan. Chị không phải là nhân vật nổi tiếng của làng giải trí hay thể thao cũng chẳng phải là người ảnh hưởng trên mạng xã hội nhưng số lượt xem các video phát trực tiếp của chị tăng nhanh chóng vượt con số 1.000. Hàng ngày, Nong xuất hiện trước camera và cầm những mẫu áo quần để giới thiệu và sau đó, liên lạc với các khách hàng qua phần chat trên Facebook Messenger hoặc ứng dụng nhắn tin Line để thỏa thuận giá cả, phương thức thanh toán và giao hàng. Cách trao đổi trực tiếp giống như trong “đời thực” như vậy được người mua sắm đánh giá cao hơn so với việc mua sắm qua các nền tảng thương mại trực tuyến. Nó cho phép người bán tư vấn cho người mua về sản phẩm giống như họ đang thực sự giao dịch tại một cửa hàng trực tiếp.
Người mua sắm ở Thái Lan thích mặc cả khi đi mua hàng nhưng nếu vào các nền tảng thương mại trực tuyến, họ không có cơ hội đó vì giá cả đã được niêm yết sẵn và không thay đổi. Song nếu mua hàng, chẳng hạn như một túi xách trên một cửa hàng ở Facebook, họ có thể mặc cả giá với chủ cửa hàng. Điều này tạo ra trải nghiệm mua bán cá nhân hóa hơn và thiết lập mối quan hệ gần gũi giữa người bán và người mua.
Một thuận lợi nữa khi bán hàng qua mạng xã hội là người bán chẳng tốn chi phí nào khi thiết lập cửa hàng của họ trên Facebook hay Instagram, thậm chí không cần phải đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, nếu xây dựng một trang web bán hàng, họ sẽ phải tốn nhiều chi phí. Nhờ không tốn chi phí khi bán hàng trên mạng xã hội, các chủ cửa hàng có thể giảm giá bán và trong một xã hội nhạy cảm về giá cả như Thái Lan, giá rẻ đồng nghĩa với việc doanh thu của các cửa hàng trên mạng xã hội sẽ tăng.
Nong là một thành viên trong đội quân chủ cửa hàng hùng hậu ở Thái Lan đang dùng mạng xã hội Facebook, Instagram và các mạng xã hội khác để bán hàng. Phần lớn các hoạt động mua bán thông qua mạng xã hội ở Thái Lan liên quan đến các doanh nghiệp nhỏ, nhưng nhiều công ty bán lẻ lớn cũng có tài khoản mạng xã hội để bán hàng trực tuyến.
Các trang mua sắm trực tuyến cũng ra mắt các tính năng mạng xã hội của riêng họ. Nền tảng thương mại điện tử Shopee (Singapore) đang cung cấp nhiều tính năng mạng xã hội ở Thái Lan, bao gồm tính năng chat giữa người mua và người bán cũng như cho phép người dùng nhìn thấy những món hàng mà bạn bè của họ mua.
Cơ hội cho giao hàng, thanh toán điện tử
Xu hướng mua sắm qua mạng xã hội ở Thái Lan cũng đang tạo ra những cơ hội mới cho nhiều dịch vụ liên quan chẳng hạn thanh toán trực tuyến hay giao hàng.
Hôm 25-6, ngân hàng thương mại Kasikornbank, có trụ sở ở Bangkok, ký kết thỏa thuận hợp tác với Facebook về thanh toán trực tuyến. Dịch vụ thanh toán mới của Kasikornbank có tên gọi “Pay with K Plus”, cho phép người mua sắm trực tuyến thanh toán tiền trực tiếp qua Facebook Messenger mà không cần nhập số tài khoản hoặc phải mở các trang thanh toán khác.
Công ty giao hàng Kerry Express (Hồng Kông) đang lên kế hoạch mở rộng mạng lưới điểm nhận hàng ở Thái Lan đối với các gói hàng nặng dưới 30kg lên 2.500 điểm vào cuối năm nay so với 1.500 điểm hiện nay. Hồi tháng 4, Kerry Express đã ký kết thỏa thuận hợp tác với một công ty vận hành hệ thống đường sắt trên cao ở Bangkok để thiết lập các điểm nhận hàng tại các nhà ga.
Năm ngoái, công ty Bưu chính Thái Lan cũng khai trương dịch vụ giao hàng đối với các gói hàng nhỏ, cho phép khách hàng trả cước phí qua smartphone.