Năm 2015, có một cuốn sách về bạo lực học đường đã khiến nước Pháp bàng hoàng- cuốn sách “Marion- Mãi mãi tuổi 13” của người mẹ Nora Fraisse, kể về cuộc chiến đấu khi đi tìm công lý cho con gái của mình. Marion, cô bé thông minh, xinh đẹp, chăm chỉ sống trong một gia đình ngập tràn hạnh phúc, bỗng một ngày tự sát bằng cách treo cổ. Ước mơ trở thành kiến trúc sư của em không bao giờ thành hiện thực được nữa. Đó là điều khiến gia đình em không thể tưởng tượng và chấp nhận. Tìm hiểu về cái chết của con, người mẹ mới đau đớn biết sự thật, một thời gian dài Marion bị xúc phạm thân thể ở trường và bị bạo hành tinh thần trên mạng xã hội, và em cô độc buộc phải kết thúc nỗi đau khổ triền miên.
Nhắc lại câu chuyện này, tôi muốn nói một cách khách quan rằng, ngay cả những nước văn minh, tình trạng bạo lực học đường vẫn xảy ra, và ngay cả những cô bé, cậu bé sống trong môi trường gia đình lý tưởng vẫn có thể là nạn nhân một lúc nào đó. Nhưng, phải nhấn mạnh rằng, nếu câu chuyện về bé Marion khiến cả nước Pháp rúng động, cả hệ thống chính trị vào cuộc thì những chuyện tương tự ở Việt Nam xảy ra ngày càng dày đặc, mức độ ngày càng manh động, và nếu trước kia bối cảnh những vụ hành hung ở ngoài nhà trường, thì giờ đây, nó xảy ra ngay tại trường học, nơi được coi là an toàn và đáng tin cậy, nhưng không hề được xử lý rốt ráo, triệt để, không hề có bài học nào được rút ra, và câu chuyện ngành giáo dục càng lúc càng bi đát.
Để xảy ra những câu chuyện này, đặt gia đình sang một bên, bởi vì không phải gia đình nào cũng có điều kiện để quan tâm sát sao tới con cái, nhất là những trẻ ở hoàn cảnh đặc biệt, như mồ côi, cha mẹ li dị, sống với ông bà, sống trong các trung tâm bảo trợ xã hội….thì phải thẳng thắn thừa nhận rằng, chính giáo viên, đặc biệt giáo viên chủ nhiệm, Ban Giám Hiệu và toàn bộ nhân viên nhà trường phải chịu trách nhiệm. Bởi lẽ, trong một nhà trường thật sự học trò được yêu thương, được quan tâm, chắc chắn sẽ hạn chế tối đa những vụ việc đau lòng. Dĩ nhiên, không thể phó mặc trẻ cho nhà trường, nhưng chắc chắn, khi trẻ ở trường và những sự việc xảy ra từ trường học hoặc chuyện xảy ra ngoài nhà trường nhưng mâu thuẫn nảy sinh có liên quan từ trường học thì không thể biện hộ gì được cho những người thầy và môi trường sư phạm đó.
Người đầu tiên tôi muốn nói tới là giáo viên chủ nhiệm. Đây là nhiệm vụ khó khăn vất vả, cả mệt mỏi nữa. Nếu được lựa chọn, chắc chắn nhiều giáo viên, trong đó có tôi, chỉ muốn lên lớp dạy bộ môn rồi ra về thanh thản.
Nhưng khi đã là GVCN thì cần, nên làm gì?
– Cần làm quen, nắm bắt hoàn cảnh gia đình, tính cách, quan điểm sống, sở trường sở đoản… của từng trò để có cách “tiếp cận” tâm hồn trẻ một cách giản dị nhất ngay khi nhận lớp để đồng hành cùng các con trong suốt thời gian chủ nhiệm.
– Cần tạo cho lớp một không khí thân thiện, chia sẻ, cảm thông, đoàn kết, trung thực, thẳng thắn, và bình đẳng. Đó chính là cách bảo vệ tốt nhất cho mỗi cá nhân, đặc biệt những trẻ không may bị khiếm khuyết về trí tuệ hoặc hình thể.
– Phân chia “quyền lực” cho tất cả các học trò. Không tạo ra hố ngăn cách giữa Nhóm được tín nhiệm và nhóm Không được tín nhiệm. Nhóm học giỏi và Nhóm học yếu. Chia đều sự yêu thương, quan tâm cho tất cả mọi thành viên trong lớp. Không tạo ra Nhóm mật thám theo dõi các bạn để trong lớp có sự đề phòng, nghi kị.
– Cởi mở với trẻ trong quan hệ bạn bè, không phán xét, không ngăn cấm thô bạo những cảm xúc đầu đời của trẻ, biết trẻ yêu quý bạn nào, có những mối quan hệ nào khác bên ngoài trường học. Thường xuyên gợi mở để trẻ chia sẻ, khi cần có thể tế nhị uốn nắn trẻ không chệch đường. Cần tạo cho trẻ sự tin cậy trong mọi tình huống. Kinh nghiệm từ các khóa tôi chủ nhiệm, cô trò rất cởi mở khi trẻ nói về những tình cảm với bạn khác giới, nhưng tuyệt đối không có biểu hiện quá đà, vượt lứa tuổi hoặc dẫn đến xô xát như một số lớp có GVCN nghiêm khắc cấm đoán.
– Không nhắc lại những lỗi cũ khi trẻ đã sửa chữa hoặc mắc thêm lỗi khác.
– Bên cạnh chuyện yêu cầu về nỗ lực trong học tập, cần giáo dục cho trẻ những nhận thức về xã hội, về thái độ và trách nhiệm công dân, hướng trẻ tới những điều công chính.
2. Ban Giám Hiệu:
Thay vì sợ hãi mạng xã hội, cho rằng đó chỉ là nơi tập trung những thông tin xấu, độc của bọn phản động hoặc ngại đụng chạm tới ngành, thì hãy mạnh dạn bỏ thứ suy nghĩ quá lỗi thời, lạc hậu đó đi. Nghĩ như vậy là tự khoanh ốc đảo cho chính mình và đồng nghiệp. Đọc, hiểu chuyện gì đang xảy ra, hiểu xã hội nghĩ gì, xã hội phản ứng ra sao trước những chuyện tệ hại đã và đang xảy ra, những bậc phụ huynh mong muốn điều gì để mà khi họp hội đồng nhắc nhở giáo viên của mình rút ra bài học sư phạm cần thiết, đó mới là cái tâm người làm nghề, chứ không phải họp hành chỉ để phê bình quán triệt ba chuyện thi đua, áp lực hoặc khiển trách những cá nhân không chịu đi vào guồng quay truyền thống.
Quay trở lại chuyện học trò ở Phù Ủng và nhiều nơi khác trên toàn quốc, bị nhục mạ, hành hung… xảy ra trong nhiều năm qua, bên ngoài nhà trường hoặc ngay tại lớp học, biến trường học thành ổ tội phạm, ức hiếp trẻ yếu thế, thiệt thòi… thì rõ ràng do cô chủ nhiệm vừa không nghiêm khắc, vừa vô trách nhiệm và vừa thiếu cái tâm của người thầy. Không thể biện minh hoặc đổ lỗi cho bất kỳ ai, bất kỳ điều gì.
Ban Giám hiệu cũng chịu trách nhiệm tương đương vì vừa không quản lý được giáo viên, vừa không quản lý được học sinh.
Tâm lý của mọi ngành, trong đó có ngành giáo dục là khi xảy chuyện xấu thường lấp liếm, thanh minh, đổ lỗi, chối bỏ trách nhiệm, chạy chọt nơi này nơi kia cho chuyện to thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành không có gì, đóng cửa trong nhà bảo nhau, mà không nhận thức được nghĩa vụ của mình với đồng tiền thuế của nhân dân bỏ ra trả lương cho mình.
Cuộc đời một con người, quãng thời gian ở trường học để lại những dấu ấn vô cùng quan trọng với sự phát triển nhân cách sau này. Nếu trẻ không may mắn, bị kỳ thị, bị đánh đập, rất có thể lớn lên vì mang mặc cảm bị áp bức, coi rẻ…mà trở thành tội phạm. Hãy nhớ lại tấm hình ngày ra trường mà chú bé Hitler chụp hồi tiểu học chung với cả lớp và các thầy giáo. Cậu ta thấp bé, bị đẩy xuống hàng sau, làm nhân vật phụ, nên khuôn mặt đầy vẻ buồn bã, thất vọng. Nếu khi đó được tôn trọng, được quan tâm, biết đâu thế giới sẽ có họa sĩ Hitler thay vì tên tội phạm diệt chủng nhân loại?! Hoặc, gần hơn, hãy nhớ lại những cô bé, cậu bé Việt Nam từng tự tử vì bị bạo hành nhưng không có cái kết có hậu như cô bé Morion đã thức tỉnh toàn nước Pháp. Sự đau khổ các em phải chịu đựng, cái chết của các em chẳng làm thay đổi gì cả ở đất nước này.
Trường học không chỉ có điểm số. Một nền giáo dục chỉ chạy theo điểm số mà quên giáo dục nhân cách, kỹ năng sống cho học trò là một nền giáo dục què quặt, hủ bại. Những thầy cô giáo chỉ biết lên lớp, soạn giảng, chấm, chăm chỉ ghi chép hồ sơ để rồi hết giờ về, không quan tâm tới đời sống tình cảm của học trò, không làm hết trách nhiệm cho dù có chất đống bao nhiêu danh hiệu đi chăng nữa, cũng chỉ là những thợ dạy, những robot lỗi hệ điều hành mà thôi. Và như thế, danh sách nạn nhân sẽ còn nối dài. Rất dài.
(Cần phải nói rõ điều này cho công bằng: Tôi cũng từng có những sai sót khi làm chủ nhiệm, dù nó nhỏ và không ai biết, tôi cũng không phải mẫu thầy cô xã nghĩa chăm chỉ ngoan ngoãn gọi dạ bảo vâng, khối lần được lên uống nước chè ở phòng Hiệu trưởng. Nhưng tôi có nguyên tắc sống và nguyên tắc làm nghề không thay đổi: Chỉ học trò mới khiến mình phải cố gắng, chỉ cần trò yêu không cần sếp quý, và chừng nào hết yêu trẻ, hết hi vọng vào lớp trẻ thì khi đó tôi sẽ bỏ nghề).
* Hình: Chụp trộm học trò trong giờ ra chơi.