Sau khi vụ ‘Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok’ xảy ra được hai tuần và từ đó đến nay, đã hiện ra những dấu hiệu mà qua đó có thể gián tiếp xác nhận chính quyền Việt Nam liên đới vụ này.
Thanh minh cho ‘đảng ta’
“Đi tìm chân dung Trương Duy Nhất, kẻ cơ hội!” là tựa đề loạt bài viết của tác giả Hồng Hà gửi cho một số trang mạng xã hội. Trong bài viết này, tác giả tập trung mổ xẻ mối quan hệ giữa Trương Duy Nhất và Vũ ‘Nhôm’, cùng hoạt động của ông Nhất thời còn là đại diện thường trú của báo Đại Đoàn Kết tại Đà Nẵng và yếu tố phe phái chính trị của Trương Duy Nhất, đặc biệt nhấn mạnh ông Nhất là ‘đệ’ của bí thư thành ủy thời đó là Nguyễn Bá Thanh.
Cùng thời điểm bài viết của Hồng Hà, đã lan truyền một luồng dư luận cho rằng Trương Duy Nhất ‘dính’ với ông Đinh Đức Lập – cựu tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết và Vũ ‘Nhôm’ trong vụ Vũ ‘Nhôm’ ‘gom’ đất vàng từ trụ sở của tờ báo này, và sau tết nguyên đán 2019 sẽ có một chiến dịch bắt bớ đối với ‘một số nhà báo lớn’. Không có nhiều dấu hiệu cho thấy luồng dư luận này là do suy đoán hay được khẳng định bởi mạng xã hội, trong khi khá nhiều ý kiến lại cho rằng luồng dư luận này – với khá nhiều chi tiết cụ thể và mang tính điều tra về mối quan hệ Trương Duy Nhất – Vũ ‘Nhôm’- hẳn phải xuất phát từ nội bộ đảng; và thậm chí, đây là một luồng dư luận được cố ý tung ra vào thời điểm này, khi Trương Duy Nhất ‘mất tích’, nhấn mạnh việc ông Nhất nếu có bị bắt thì cũng chẳng có gì oan sai bởi Nhất bị liên đới trách nhiệm hình sự trong vụ án Vũ ‘Nhôm’.
Cách đặt vấn đề, dẫn dắt của tác giả Hồng Hà là khá giống với nhiều bài viết của những tác giả được xem là dư luận viên phe ‘lề đảng’ và phe ‘Ba X’ về chủ đề nội bộ và đấu đá nội bộ, được đăng tải trên một số trang mạng xã hội mà không phải là báo nhà nước. Và cũng như một số tác giả ‘nội bộ’ khác, Hồng Hà rất có thể chỉ là một bút danh của một người muốn ẩn danh, muốn lợi dụng mạng xã hội để dư luận được ‘rộng đường tham khảo’, hoặc thực tế hơn muốn hướng lái dư luận vào tính ‘chính nghĩa’ của một phe cánh chính trị nào đó nhằm triệt cho được một phe khác trong nội bộ đảng CSVN.
Bài “Đi tìm chân dung Trương Duy Nhất, kẻ cơ hội!” của tác giả Hồng Hà là có thể đoán trước được, và đó là một bài viết – như một dấu hiệu – cần được chờ đợi xuất hiện. Bởi đơn giản là nếu chính quyền Việt Nam không dính líu đến vụ Trương Duy Nhất – có thể bị ‘mất tích’ hoặc bị bắt cóc tại Bangkok hay ở một nơi nào đó ngoài biên giới Việt Nam, đã chẳng hiện ra bài viết nào của tác giả Hồng Hà nhằm thanh minh cho ‘đảng ta’ như một loại phản ứng nhanh nằm trong chủ trương ‘chủ động thông tin đối ngoại’, mà hẳn là Bộ Chính trị đảng cùng các cơ quan giúp việc cho nó đã ‘rút kinh nghiệm sâu sắc’ từ vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ ở Berlin vào tháng 7 năm 2017, để làm sao trong lúc vẫn giữ được quan điểm ‘hy sinh đối ngoại để xử lý đối nội’ thì vẫn làm cho ‘uy tín Việt Nam không ngừng nâng cao trên trường quốc tế’.
Nhưng tàn tích thời ‘hậu Quang’
Cho tới nay, Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ vẫn chưa đi hết ‘mười tám tầng địa ngục’. Những phiên tòa nối tiếp nhau được mở ra, với những mối dính líu mới về tham nhũng và những tội danh mới vẫn tiếp tục bắt ‘của thiên trả địa’ đối với đại gia từng làm mưa làm gió dải đất miền Trung và cả Sài Gòn.
Những ‘tầng địa ngục’ mới, sâu thẳm hơn và thể hiện ‘tình đồng chí’ ở mức độ thê thảm hơn, tiếp tục hiện ra sau khi một quan chức cao cấp được đồn đoán là ‘chú của Trần Đại Vũ’ (hàm ý Vũ ‘Nhôm’) là Chủ tịch nước Trần Đại Quang bị đột tử đầy nghi vấn vào tháng 9 năm 2018. Ít tháng sau, hai viên tướng thứ trưởng Bộ Công an có dính líu tới Vũ ‘Nhôm’ là Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân đều phải ra tòa, tuy mức án bị dư luận xem là ‘nhẹ hều’ và khiến cho cái gọi là ‘cán cân công lý xã hội chủ nghĩa’ càng thêm sụp gãy.
Nhưng Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân có phải là những cái đuôi cuối cùng thời ‘hậu Quang’ bị chiến dịch hồi tố của Nguyễn Phú Trọng chặt đứt? Liệu sau đó còn những kẻ nào khác?
Cái gì đã được dự đoán thì đã và sẽ xảy ra trong một sớm một chiều. Cái thực tế tàn nhẫn ‘cá lớn nuốt cá bé’ hay trần trụi hơn nữa là ‘đánh rắn phải đánh dập đầu’ – như chính một số cảm tình viên của Nguyễn Phú Trọng đã từng hô hào thẳng tuột và hiếu thắng như thế – đã và sẽ còn xảy ra với ‘phe cánh chính trị’ của kẻ đã trở thành người thiên cổ. Không chỉ ‘thay máu’ Bộ Công an bằng đề án ‘tái cơ cấu’ vào đầu năm 2018, trong đó xóa bỏ toàn bộ các tổng cục của bộ này trong khi vẫn giữ nguyên các tổng cục của Bộ Quốc phòng, chẳng có gì chắc chắn là tân chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ không chặt nốt những cái đuôi còn lại của một thời ăn uống xả láng, lộng hành và kiêu binh.
Trong khi đó, xảy ra vụ ‘Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok’…
Cứ nhìn vào cái cách mà blogger Người Buôn Gió đột nhiên sôi sục và còn có vẻ như hằn học trên diễn đàn mạng xã hội với hàng loại bài viết về vụ Trương Duy Nhất, có thể hình dung ra vụ việc này không hề đơn giản như cái cách mà một số dư luận ‘định hướng’ rằng Trương Duy Nhất có thể bị áp vào tội danh kinh tế trong vụ án Vũ ‘Nhôm’.
Mà phải là cái gì đó lớn hơn thế, hơn nhiều hoặc hơn thế rất nhiều.
Một bí mật ghê gớm?
Đang xuất hiện những nghi ngờ về việc Trương Duy Nhất, nếu quả thực bị bắt cóc bởi Tổng cục 2 (tình báo quân đội) như một cáo buộc (chưa được kiểm chứng) của Người Buôn Gió, thì rất khó có thể chỉ do việc ông Nhất nắm giữ những bí mật kinh doanh của Vũ ‘Nhôm’ mà bị bắc cóc, bởi cơ quan điều tra Việt Nam sau khi bắt được Vũ ‘Nhôm’ đã khai thác tình báo viên này đến mức khó mà còn bí mật nào.
Mà hẳn Trương Duy Nhất phải nắm giữ một bí mật ghê gớm nào đó và đụng chạm đến quyền lực chính trị hoặc lợi ích kinh tế của một phe cánh chính trị nào đó trong đảng, cái bí mật mà nếu Trương Duy Nhất tung ra công khai thì có thể giết chết tươi một số quan chức nào đó… Và suy cho cùng, đó phải là một bí mật mang tính sinh tử khiến cho nhóm quan chức này phải một lần nữa, bất chấp vụ bắc cóc Trịnh Xuân Thanh mà đã gây ra cơn địa chấn an ninh – tình báo và kéo theo cuộc khủng hoảng ngoại giao lan rộng từ Đức sang Slovakia và cả một phần khối Liên minh châu Âu, ‘liều mình như chẳng có’ để tổ chức thêm một vụ bắt cóc nữa, lần này trên đất Thái.
Bí mật ghê gớm đó, nếu có, là gì?
Cần nhắc lại, lệnh truy nã đầu tiên của Bộ Công an đối với Vũ ‘Nhôm’ vào cuối tháng 12 năm 2017 không phải là tội danh kinh tế, mà ‘cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước’.
Có một lối suy đoán, hoặc có thể được hiểu như lối dẫn dắt rất thiếu thuyết phục của blogger Người Buôn Gió: trong loạt bài viết của mình, blogger này cho rằng sở dĩ Thủ tướng Phúc phải chỉ đạo cho Tổng cục 2 cử hẳn một đội đặc nhiệm 10 người sang Thái Lan để bắt cóc Trương Duy Nhất là do Nhất nắm được những vụ bê bối của Nguyễn Xuân Phúc vào thời ông Phúc còn làm việc ở tỉnh Quảng Nam. Vì nếu quả thực vào thời đó mà Nguyễn Xuân Phúc ‘có vấn đề’, thì mức độ bê bối của nó chẳng ăn thua gì so với rất nhiều dư luận đồn đãi về tai tiếng của ông Phúc khi ông ta là phó thủ tướng và từ sau đó đến nay trở thành thủ tướng.
Dường như cả Người Buôn Gió, tác giả Hồng Hà và một luồng dư luận cho rằng Trương Duy Nhất ‘dính’ Vũ ‘Nhôm’ đều chủ ý né tránh cái bí mật ghê gớm mà có thể đã khiến Trương Duy Nhất phải ‘mất tích’ ở Bangkok.
Ba tuần sau vụ ông Nhất bị mất tích ở Bangkok, bắt đầu xuất hiện vài tin tức mơ hồ về ‘Trương Duy Nhất đã có mặt ở Việt Nam’, nhưng không phải từ các cơ quan ‘có trách nhiệm’ hay báo chí của Việt Nam, mà chỉ từ những facebooker ‘lề đảng’ và có mối quan hệ gần gũi với công an.
Vụ Trương Duy Nhất cũng vì thế đã không còn mang phạm vi cá nhân của blogger này mà đang trở nên ‘quốc tế hóa’ – theo nghĩa đen và theo cả nghĩa bóng, tức đang lôi kéo sự tham gia và xung đột của ít nhất hai phe phái trong nội bộ đảng, chẳng khác gì hậu vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Nguồn tin hay gián điệp?
Sau cáo buộc của Người Buôn Gió về ‘Tổng cục 2 bắt cóc Trương Duy Nhất’, người ta vẫn đang chờ đợi blogger này có trưng ra được bằng chứng nào đủ sức thuyết phục hay không.
Trong khi đó, phe ‘bảo vệ đảng’ cũng đang ráo riết công bố thông tin và dẫn dắt dư luận về mối quan hệ tay ba Vũ ‘Nhôm’ – Người Buôn Gió – Trương Duy Nhất, và rằng Người Buôn Gió thực chất là người thuộc về một phe cánh trong nội bộ đảng…
Không phải chỉ vào lúc này mà trước đây nhiều tháng, hẳn phe ‘bảo vệ đảng’ đã rất muốn truy xét một chủ đề cực kỳ nhạy cảm: nguồn tin. Hay còn mang một khái niệm khác: gián điệp.
Với quá nhiều thông tin cực mật của nội bộ giới quan chức, cộng thêm cách mô tả chi tiết về cuộc bắt cóc Trương Duy Nhất của Tổng cục 2 cứ như thể người trong ruột của Người Buôn Gió, không chỉ phe ‘bảo vệ đảng’ mà rất nhiều người khác đã tò mò về việc Người Buôn Gió, nếu không phải bởi trí tưởng tượng quá sức phong phú, lấy đâu ra những tin tức đó?
Bức tranh một vụ án ‘truy bắt gián điệp nội bộ’ đang dần hiện hình trên bình diện ‘an ninh quốc gia’ trong nội tình đảng CSVN…
Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh ‘Anh hùng thông tin’. Các bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.
https://www.voatiengviet.com/a/vu-truong-duy-nhat-xung-dot-noi-bo/4794279.html