VOA
Trao đổi với VOA về vụ kiện Việt Nam của ông Trịnh Vĩnh Bình, Luật sư Nguyễn Thanh Tuân, thành viên của Trung tâm Trọng tài thương mại Tp. Hồ Chí Minh, và là người có kinh nghiệm thâm niên trong lĩnh vực kinh doanh và đầu tư quốc tế, nói: “một khi Chính phủ Việt Nam đã công nhận quyền tài phán của trọng tài, đã chấp nhận tham gia tranh tụng, thì tôi tin là Chính phủ Việt Nam sẽ chấp nhận kết quả giải quyết tranh chấp và sẽ thi hành phán quyết.”
Hôm 11/4, VOA đọc được phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế (PCA) gửi cho ông Trịnh Vĩnh Bình, một doanh nhân Hà Lan gốc Việt, trong đó yêu cầu chính phủ Việt Nam bồi thường 37,5 triệu đôla thiệt hại cho ông. Ngày hôm sau, Bộ Tư pháp Việt Nam ra thông cáo, xác nhận phán quyết đã có, nhưng nói rằng báo chí loan tin “không chính xác nội dung của phán quyết.”
Nhận định về phán quyết này, Luật sư Nguyễn Thanh Tuân (NTT) dành cho VOA cuộc phỏng vấn qua email sau đây.
VOA: Xin Luật sư cho biết ý kiến việc ông Trịnh Vĩnh Bình tuyên bố thắng kiện Chính phủ Việt Nam như VOA loan tin hôm 11/4?
NTT: Hiện tại, vì chưa được đọc toàn bộ nội dung phán quyết gốc của trọng tài, mà chỉ có những thông tin do ông Trịnh Vĩnh Bình cung cấp mà chưa được kiểm chứng, nên tôi cũng chỉ xin có một số phân tích, ý kiến, câu hỏi và bình luận mang tính chất chủ quan, sơ bộ, dựa trên những giả định của chính mình theo thông tin trên. Và đây hoàn toàn là ý kiến chủ quan của tôi, có thể dùng chỉ cho mục đích tham khảo:
- Khi các bên tranh chấp đã chấp nhận để trọng tài, một bên thứ ba không phải là Tòa án của nước nào trong các quốc gia mà họ có quốc tịch, giải quyết tranh chấp của họ, thì việc giải quyết đó hầu như sẽ có kết quả, trừ trường hợp các bên tự thỏa thuận trước khi có kết luận của bên thứ ba đó. Vì vậy, kết quả thắng hay thua là chuyện bình thường.
- Xét về bản chất, vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình chống lại Chính phủ Việt Nam là một vụ kiện Giải quyết tranh chấp về đầu tư giữa hai bên theo Hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư năm 1994 giữa Chính Phủ Hà – Lan và Chính phủ Việt Nam. Như vậy, cần tránh nhầm lẫn, đánh đồng bản chất vụ kiện này với bất kỳ tranh chấp, khiếu kiện nào khác mà không liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài theo các Hiệp định chính phủ, dẫn đến áp dụng máy móc và không hiệu quả phương thức giải quyết tranh chấp của vụ ông Bình để giải quyết các tranh chấp đó.
- Đối với người dân Việt Nam, cho tới khi có vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình, việc chính phủ bị kiện quốc tế và thua kiện trong tranh chấp liên quan đến đầu tư nước ngoài là điều còn rất mới mẻ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chính phủ nhiều nước đã từng thua kiện trong các vụ tranh chấp với quốc gia khác, hay thậm chí chính phủ thua kiện trước công dân nước khác là điều rất bình thường. Trong lĩnh vực đầu tư, tranh chấp giữa một chính phủ với công dân, pháp nhân nước khác mà có Hiêp định song phương về bảo hộ đầu tư với mình cũng khá phổ biến.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi có vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình, Chính phủ Việt Nam cũng đã từng là Bị đơn của một số vụ kiện liên quan đến đầu tư, mà các Nguyên đơn đều là các nhà đầu tư đến Việt Nam từ các quốc gia có Hiệp định song phương về bảo hộ đầu tư với Việt Nam. Đó các các vụ:
(1) Recofi kiện chính phủ Việt Nam (2013- 2015) theo Hiệp định về đầu tư song phương giữa Việt Nam -Pháp (BIT-1992), vụ kiện được thụ lý bởi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) theo thủ tục tố tụng trọng tài UNCITRAL;
(2) Dialaise kiện Chính phủ Việt Nam (2011-2014) theo Hiệp định về đầu tư giữa Việt Nam – Pháp (BIT-1992), vụ kiện được thụ lý bởi PCA theo thủ tục tố tụng trọng tài UNCITRAL; và
(3) McKenzie kiện Chính phủ Việt Nam (2010 -2013) theo Hiệp định đầu tư (BIT) Việt – Mỹ. Vụ kiện được thụ lý bởi PCA theo thủ tục tố tụng trọng tài UNCITRAL.
Chính phủ Mỹ cũng từng là bị đơn trong nhiều vụ kiện do các nhà đầu tư nước ngoài ở Mỹ khởi xướng. Trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ, tại phần thông báo tình hình kiện tụng quốc tế chống lại chính phủ Mỹ vẫn có đăng công khai nội dung, bao gồm cả phán quyết trọng tài, của nhiều vụ công ty/nhà đầu tư nước ngoài ở Mỹ kiện Chính phủ Mỹ trọng tài quốc tế theo CISID hay UNCITRAL, có kèm phán quyết tương ứng (miễn là nội dung và phán quyết không thuộc loại “Không công bố ra công chúng”). Qua các vụ kiện đó, Chính phủ Mỹ có “thắng”, mà cũng có “thua”…có khi phải bồi thường hàng trăm triệu USD.
- Một thực tế trong giải quyết tranh chấp là: Hầu như tất cả các bản án của Tòa án hay phán quyết của trọng tài không bao giờ chiếm được trọn tuyệt đối 100% sự đồng tình hay phản đối của tất cả các bên tranh chấp, hay của công chúng. Vì vậy, một khi đã có phán quyết của trọng tài, thì rất có thể sẽ có bên sẽ vui, còn bên khác lại buồn, thất vọng hay thậm chí cực lực phản đối… Hầu như trong vụ nào cũng có những ý kiến trái chiều trong dư luận về tính hợp lý và sự công bằng của phán quyết…, và điều này lại cũng là bình thường.
- Khi có thông tin mà VOA cóđược , sự thể hiện kết quả vụ kiện (phán quyết của trọng tài), kèm theo ảnh chụp trang cuối của văn bản được cho là phán quyết của trọng tài, nếu dư luận nói chung và giới chuyên môn nói riêng có quan tâm, thì có lẽ cũng sẽ có một số bình luận, quan điểm, ý kiến hay thắc mắc xung quanh thông tin được cho là do một bên đơn phương công bố, diễn dịch…mà vẫn chưa được đồng thời xác nhận bởi cả hai bên tranh chấp, chẳng hạn như:
- Trọng tài thụ lý vụ kiện do ông Bình khởi xướng chống lại Chính phủ Việt Nam chỉ xem xét vi phạm, nếu có, đối với thỏa thuận của hai bên ở Singapore năm 2006, hay cũng xem xét, xét lại cả phần thủ tục và nội dung bản án hình sự đã có hiệu lực của Tòa án Việt Nam đối với ông Bình, trong đó có cả phần tài sản bị tịch thu tương ứng của ông?
- Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Hà Lan liệu cũng có hiệu lực trong việc bảo hộ cả với những tài sản của nhà đầu tư là công dân của nước này mà vi phạm pháp luật của nước tham gia ký kết kia trong quá trình đầu tư ? Khi xét xử tranh chấp, thì Hiệp định có hiệu lực cao hơn hay toàn bộ hệ thuộc luật của quốc gia ký kết là chủ nhà có giá trị pháp lý cao hơn?
- Vì sao trong bản chụp được cho là phần Phán quyết (Award) của trọng tài do ông Trịnh Vĩnh Bình công bố, tại Phần XII- Awrad, Mục 892.a lại ghi rõ: “Trọng tài chấp nhận phản đối mang tính pháp lý của Bị đơn đối với tư cách pháp lý của Công ty CP Bình Châu, và trọng tài cũng khẳng định là trọng tài không có thẩm quyền xem xét vấn đề đó”?
Công ty CP Bình Châu là một pháp nhân Việt Nam, mà ông Bình nói đó là công ty của ông, và có thể cũng có liên quan đến quá trình tạo lập tài sản của ông ở Việt Nam.
Như vậy, phải chăng trọng tài đã chấp nhận không xem xét tranh chấp về thẩm quyền xét xử, nội dung bản án hình sự, của Tòa án Việt Nam, theo pháp luật Việt Nam, đối với ông Bình và tài sản của ông?
- Cũng có những vấn đề chưa được Hiệp định giữa Việt Nam và Hà Lan quy định rõ, chẳng hạn như liệu quy định tại các Điều 3(1) và Điều 6 cũng có hiệu lực để bảo vệ tài sản của nhà đầu tư, khi việc tạo lập các tài sản đó vi phạm pháp luật chủ nước chủ nhà hay không. Vì vậy, có thể là khi cần giải quyết các vụ việc trong thực tế, thì pháp luật của nước chủ nhà sẽ mặc nhiên được áp dụng theo nguyên tắc chủ quyền và thẩm quyền tài phán trong phạm vi lãnh thổ của mỗi quốc gia chăng?
Xem xét Điều 3 (1)
Mỗi Bên ký kết sẽ bảo đảm đối xử công bằng và thỏa đáng đối với đầu tư của các công dân Bên ký kết kia và sẽ không áp dụng các biện pháp vô căn cứ hoặc phân biệt đối xử làm phương hại đến sự hoạt động, quản lý, duy trì, sử dụng, thừa hưởng hoặc thanh lý những đầu tư của các công dân đó.
Điều 6
Không một Bên ký kết nào được thực hiện bất kỳ biện pháp nào để tước đoạt trực tiếp hoặc gián tiếp những đầu tư của các công dân của Bên ký kết kia, trừ khi được thực hiện với những điều kiện sau: a) Các biện pháp được thực hiện vì lợi ích công cộng và theo thủ tục của Luật; b) Các biện pháp không có sự phân biệt đối xử hoặc trái với bất cứ cam kết nào mà Bên ký kết cam kết như những biện pháp có thể thực hiện; c) Các biện pháp áp dụng phải được bồi thường công bằng. Việc bồi thường đó sẽ theo đúng giá trị thực tế của những đầu tư, bao gồm lãi với lãi suất thương mại thông thường cho đến ngày chi trả. Để có hiệu qủa cho người đòi bồi thường, khoản bồi thường sẽ được trả và chuyển không chậm trễ sang nước mà người đó xác định, và bằng đồng tiền của nước mà người đó là công dân hoặc bất kỳ đồng tiền tự do chuyển đổi nào mà người đó chấp thuận.
Nếu căn cứ theo những nội dung trên, thì Hiệp định đã không có quy định loại trừ (không bảo hộ) trường hợp nhà đầu tư nước ký kết này sang đầu tư ở nước ký kết kia, nhưng lại vi phạm pháp luật của nước ký kết kia, đến mức tài sản do phạm pháp mà có bị tịch thu và nhà đầu tư phạm pháp bị xử lý theo pháp luật nước chủ nhà.
Trường hợp giả định: Công dân Việt Nam sang Hà Lan đầu tư, mua đất đai, thuê mướn nhân công và bỏ tiền vốn làm trang tại rộng 5-10 hectare để trồng cây cần sa (theo tìm hiểu của chúng tôi, Luật pháp Hà Lan chỉ cho phép mỗi người trồng không quá 5 cây cần sa cho mục đích cá nhân), hay trồng cây anh túc, lấy nhựa chế biến heroin để mang ra tiêu thụ trên thị trường Hà Lan, thì hành vi đó liệu có phải vẫn là hành vi “đầu tư”, và “tài sản có được từ đầu tư” nói trên đó có thể được coi là Bất khả xâm phạm khi viện dẫn Điều 3(1) và Điều 6 của Hiệp định giữa Việt Nam và Hà Lan, hay không ?
Khi đối chiếu nội dung của phần Phán quyết (Award) trong văn bản được cho là “Phán quyết của trọng tài” mà VOA có được với những điều vừa trình bày tại điểm (d) này của Mục 5, chúng ta cũng thấy được một vấn đề: Đó là, liệu đã có sự vận dụng các Điều 3(1) và Điều 6 của Hiệp định Hà Lan – Việt Nam trong mối tương quan với toàn bộ tài sản của ông Bình mà đã bị tịch thu (2,5 triệu m2 đất, 11 căn nhà và nhiều ô tô…) hay không ?
Tuy nhiên, việc vận dụng Điều 3(1) và Điều 6 cuối cùng cũng chỉ dẫn đến việc bồi thường về tài sản trị giá 27 triệu USD. Vậy, căn cứ nào để trọng tài chỉ chấp nhận một phần yêu cầu bồi thường của Nguyên đơn (bồi thường thiệt hại về tài sản 27 triệu USD), mà không chấp nhận yêu cầu bồi thường 1,125 tỷ USD?
Vì vậy, vấn đề liệu có phải là: dường như trọng tài đã vận dụng quy định của Hiệp định để chỉ yêu cầu Bị đơn bồi thường cho phần “Tài sản có được từ đầu tư hợp pháp” (Tài sản hợp pháp, theo Thỏa thuận 2006 tại Singapore), mà đã bị tịch thu trái pháp luật và trái với Hiệp định Hà lan – Việt Nam cùng với những tài sản khác trong toàn bộ khối tài sản của ông Bình?
Một câu hỏi khác cũng cần phải được đặt ra, là liệu phần chênh lệch giữa hai khoản tiền 1,125 tỷ USD và 27 triệu USD có phải đã chính là giá trị của phần tài sản mà đã bị coi là “không hợp pháp” trong khối tài sản của ông Bình, mà đã bị tịch thu theo quy định của pháp luật của nước chủ nhà theo nguyên tắc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, vì vậy mà đã bị trọng tài từ chối buộc Bị đơn phải bồi thường ?
So sánh hai con số của hai khoản tiền liên quan đến bồi thường về tài sản nói trên, nếu chỉ xét riêng ở khía cạnh tài chính và pháp lý, chẳng phải là cả hai bên đã đều có “thắng” và cũng có “thua”, đều bị bác một phần yêu cầu (Nguyên đơn đòi bồi thường 1,125 tỷ USD, được 27 triệu USD. Còn Bị đơn nhiều khả năng là đã yêu cầu trọng tài bác toàn bộ yêu cầu của Nguyên đơn, nhưng vẫn bị trọng tài yêu cầu trả cho Nguyên đơn 27 triệu USD) hay sao ?
Những câu hỏi nêu trên chỉ có thể được giải đáp khi toàn bộ nội dung của Phán quyết trọng tài gốc được giải mật. Nhưng cũng có thể không bao giờ chúng ta có thể biết được những câu trả lời chính xác cho những vấn đề đó.
- Án phí và các chi phí trong quá trình giải quyết tranh chấp của trọng tài: Theo nội dung văn bản được cho là Phán quyết của trọng tài mà đã được ông Bình công bố:
- Tại mục điểm (e) Mục 892 Phần XII – Award: “Bị đơn phải trả cho Nguyên đơn ông Trịnh Vĩnh Bình số tiền USD786,672.71 như là khoản đóng góp để chia sẻ chi phí của quá trình xét xử của trọng tài”. Như vậy, phải chăng án phí trọng tài có thể đã được chia cho các bên tranh chấp, khi giữa họ không có thỏa thuận bên nào chịu án phí đó?
- Theo điểm (f) Mục 892 Phần XII – Award của văn bản được cho là phán quyết của trọng tài: Bị đơn phải trả cho Nguyên đơn ông Trịnh Vĩnh Bình một phần của số tiền chi phí pháp lý, phí cho nhân chứng là chuyên gia và các chi phí có liên quan khác, tổng cộng là USD7,111,170.94.
- Vấn đề bồi thường thiệt hại về tinh thần (Moral damage) – đoạn (ii) điểm (d) Mục 892 Phần XII – Award: Con số 10 triệu USD theo văn bản được cho là phán quyết của trọng tài mà ông Bình tiết lộ cho báo chí dường như còn khá lạ lẫm với người dân ở Việt Nam, nhiều người có thể bị bất ngờ khi nghe đến điều đó. Tuy nhiên, như chúng tôi đã giả định trong một bài viết có liên quan trước đây (“Vụ kiện Trịnh Vĩnh Bình với Chính phủ Việt Nam: Một số nhận định sơ bộ” – tháng 9/2017), rằng có thể các bên tham gia thỏa thuận ở Singapore năm 2006 đã không chọn luật điều chỉnh thỏa thuận, hoặc có thể đã chọn luật Singapore (Luật của nơi giao kết hợp đồng – lex loci contractus), hay luật của một quốc gia theo hệ thống Thông luật (Common Law).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc tòa án ở các quốc gia theo Common Law, hay trọng tài, khi ấn định con số tiền bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần có thể không nhất thiếtphải chỉ căn cứ vào các hóa đơn, chứng từ đã phát sinh thực tế, liên quan đến quá trình điều trị y tế, trị liệu tâm lý hay sức khỏe khác, mà thường do tòa án hay trọng tài cân nhắc, quyết định theo án lệ, hay lẽ công bằng… Ở đây lại nổi lên một số vấn đề mang tính giả định:
- Liệu có phải trọng tài đã phán quyết cho Nguyên đơn hưởng số tiền bồi thường thiệt hại về tinh thần do lo lắng, suy nghĩ hay thường xuyên bị ám ảnh bởi cảm giác tiêu cực… trong suốt thời gian yêu cầu Bị đơn thực hiện Thỏa thuận tại Singapore năm 2006 hay không ?
- Liệu có phải số tiền bồi thường thiệt hại về tinh thần này là để bù đắp cho toàn bộ thiệt hại, tổn thất về tinh thần trong suốt thời gian bị xét xử, thi hành án và bị tịch thu tài sản theo một vụ án hình sự trước đây đối với ông Bình tại Tòa án Việt Nam?
- Suy nghĩ về vấn đề nêu ở điểm (ii) ở trên, người ta có thể lại phải lưu ý đến tính logic của nó, khi xem lại quan điểm của trọng tài rằng “Trọng tài không có thẩm quyền xem xét vấn đề địa vị pháp lý của công ty CP Bình Châu – Binh Chau JSC”, tức là lại phải trở lại vấn đề: Đối tượng được xem xét theo Yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn, và việc xét xử tương ứng của trọng tài, thực ra liệu có phải đã chỉ giới hạn trong Tranh chấp phát sinh trong việc thực hiện Thỏa thuận năm 2006 giữa các bên tại Singapore ?
Tiếc là câu trả lời thỏa đáng cho tất cả các vấn đề nói trên sẽ không thể có được, cho tới khi toàn bộ nội dung của phán quyết gốc của trọng tài được giải mật, hoặc công chúng sẽ không bao giờ được biết sự thật về những vấn đề đó.
VOA: Xin Luật sư cho biết ý kiến về thông cáo của Bộ Tư pháp Việt Nam hôm 12/4 về vụ kiện này?
NTT: Như chúng tôi đã bình luận ở trên, hiện chúng tôi chưa được đọc toàn văn Phán quyết gốc của trọng tài, nên cũng không thể biết được liệu phán quyết có thuộc loại mật, tức là không bên nào được phép tiết lộ, hay không. Vì vậy, tôi tạm thời sẽ không có bình luận về thông cáo ngày 12/4/2019 của Bộ Tư pháp Việt Nam về vụ kiện.
VOA: Xin Luật sư cho biết khả năng Chính phủ Việt Nam chấp nhận và thi hành phán quyết của Tòa Trọng tài PCA?
NTT: Theo nhận định chủ quan của tôi, một khi chính phủ Việt Nam ngay từ đầu đã công nhận quyền tài phán của trọng tài, đã chấp nhận tham gia tranh tụng, thì tôi tin là Chính phủ Việt Nam sẽ chấp nhận kết quả giải quyết tranh chấp và sẽ thi hành phán quyết.
VOA: xin cảm ơn Luật sư Nguyễn Thanh Tuân rất nhiều.