Hoà Ái / RFA
Bốn vị nhân sĩ trí thức Việt Nam trong Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng vừa gửi thư đến Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) kêu gọi sự can thiệp trong vụ việc Đồng Tâm, sau khi đã gửi thư đến lãnh đạo Việt Nam vào hôm 22/1 với yêu cầu minh bạch thông tin về vụ việc này cho dư luận trong và ngoài nước.
Giáo sư Tương Lai, một trong 4 vị soạn thảo thư gửi đến Tổng Thư ký LHQ António Guterres, vào tối ngày 4/2 dành cho RFA một cuộc phỏng vắn xoay quanh thông tin vừa nêu.
Trước hết, Giáo sư Tương Lai cho biết về sự trông đợi phản hồi của lãnh đạo Việt Nam đối với lá thư mà 4 vị nhân sĩ đã gửi đi:
Giáo sư Tương Lai: Cho đến hiện nay, chúng tôi chưa hề nhận được bất cứ phản hồi nào và điều này chúng tôi cũng dự tính trước. Thông thường, những loại thư kiến nghị, thư ngỏ…để thể hiện một cách trung thực và công khai, minh bạch ý kiến của công dân, ý kiến của những người trí thức nặng lòng vì đất nước, vì nhân dân nhưng lại trái tai hay không thuận theo chủ trương, đường lối những nhà cầm quyền hiện nay thì thường chúng tôi không hề nhận được những phản hồi. Điều này thì tôi không lạ
Nhưng vì sao biết như thế mà chúng tôi vẫn làm? Vì dù muốn hay không, dù chỉ có một phần trăm tia hy vọng là thư đến được những người lãnh đạo thì chúng tôi vẫn làm. Chính yếu không phải chỉ là để gửi đến những người lãnh đạo, mà là muốn thể hiện ý chí của chúng tôi, những người ý thức yêu nước. Vì vậy, chúng tôi không thể nào ngồi yên trước một nỗi đau quá lớn và chúng tôi buộc phải viết thư đó.
RFA: Trong lá thư gửi cho lãnh đạo Việt Nam, bốn quý vị cũng cho biết là sẽ gửi thư đến LHQ. Việc này được thực hiện hay chưa, thưa Giáo sư?
Giáo sư Tương Lai: Theo đúng như những gì chúng tôi đã nói rõ trong thư gửi Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam là chúng tôi chờ đợi sự phản hồi để chúng tôi sẽ có thư đến vị đại diện của Việt Nam đang giữ trọng trách Ủy viên Không Thường trực tại Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 và nhờ ông Đại sứ Việt Nam ấy chuyển cho ngài Tổng Thư ký LHQ António Guterres.
Sau khi lá thư của chúng tôi gửi cho lãnh đạo Việt Nam không nhận được bất cứ phản hồi nào thì chúng tôi đã tiến hành gửi bức thư đó, đề ngày 31/1/20 nhưng cũng phải đến ngày 1/2/20, chúng tôi mới chuyển được cho Bộ Ngoại giao Việt Nam.
RFA: Lá thư gửi đến Tổng Thư ký LHQ có những nội dung chính đáng lưu ý nào?
Giáo sư Tương Lai: Nội dung trong thư gửi cho Tổng Thư ký LHQ thì cũng là phản ánh những yêu cầu mà chúng tôi từng nêu lên trong thư gửi cho lãnh đạo Việt Nam. Trong lá thư đó, chúng tôi nêu ra 4 câu hỏi:
-Ai đã hạ lệnh tiến hành tập kích vào nhà dân lúc mờ sáng, dùng súng bắn vào dân, hạ sát cụ lão nông Lê Đình Kình ngay trên giường?
-Tại sao không đưa xét xử trước tòa án một cụ già 80 tuổi đời, 50 tuổi Đảng, chưa hề bị kỷ luật bao giờ cả, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật mà lại dùng bạo lực tập kích vào đêm khuya?
-Khi ông Chủ tịch nước, sau một ngày xảy ra sự kiện Đồng Tâm, truy tặng cho 3 cán bộ, chiến sĩ có công trạng đặc biệt Huân chương Chiến công hạng Nhất thì chúng tôi chất vấn rằng cần công bố thật minh bạch, công khai cho nhân dân cả nước biết họ đã lập chiến công như thế nào, ở đâu và hành động gọi là can đảm, dũng cảm ấy như thế nào?
-Và khi chưa có một tòa án xét xử tội phạm đã bị bắt chết thì cần ngừng ngay những lời vu khống, thóa mạ người bị hạ sát một cách dã man và hết sức bất minh đang được tiến hành rộng khắp trên các phương tiện truyền thông, báo chí cả nước.
Cả 4 yêu cầu này không hề được lãnh đạo Việt Nam phúc đáp. Thậm chí tất cả những điều đó cho đến hiện nay vẫn là một ẩn số hết sức mù mờ. Chẳng những thế, họ còn tiếp tục vu khống cho người bị hại là khủng bố, là tội phạm và dùng tất cả những từ xấu xa nhất mà có thể dùng được để vu khống họ.
Chính vì thế, chúng tôi gửi thư đến cho ông Tổng Thư ký LHQ có tóm tắt sơ bộ nội dung sự việc và chúng tôi nói rằng nạn nhân thảm khốc của vụ giết người mang rợ đã được gia đình đưa đi khâm liệm và chôn cất và nhân dân ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm đã chít khăn tang đưa tiễn người mà họ từng tôn kính và khâm phục vì quá trình cống hiến cho đất nước, luôn bền bỉ đấu tranh cho quê hương, giữ gìn mảnh đất thấm máu và mồ hôi ông cha không cho thế lực đen tối dùng bạo lực và lừa mỵ để cướp bằng được bất chấp sự kiên trì tranh luận, thuyết phục một cách ôn hoà của cụ lão nông Lê Đình Kình và những đồng sự.
Trong thư gửi cho Tổng Thư ký LHQ, chúng tôi đã viết là “Mong Ngài Tổng Thư ký LHQ có tiếng nói kịp thời để ngăn chặn giải pháp tàn bạo của một nhà nước vừa được đảm nhận vai trò Uỷ viên Không Thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-202”. Tại phần cuối bức thư, chúng tôi nhắc lại một điều sự kiện bạo lực thảm khốc mà chúng tôi vừa tố cáo đang hủy hoại nền tảng văn hóa của đất nước chúng tôi, làm băng hoại truyền thống dân tộc chúng tôi. Đó là lý do khiến chúng tôi phải đau đớn và thiết tha gửi đến Ngài Tổng Thư ký lời khẩn cầu cấp bách tiến hành một cuộc nghiên cứu độc lập và trung thực của một tổ chức quốc tế rất có uy tín là LHQ.
RFA: Là một người theo dõi sát thời cuộc ở Việt Nam, Giaso sư nhận định những hậu quả nào trong trường hợp lãnh đạo Việt Nam không minh bạch hóa vụ việc ở Đồng Tâm xảy ra hôm 9/1/20?
Giáo sư Tương Lai: Thực ra mà nói hiện nay các nhà cầm quyền và trong các thế lực cầm quyền, trong cả bộ máy quyền lực này theo tôi suy đoán thì không phải người ta nhất trí hoàn toàn với giải pháp mà ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra và ngay sau đó ông Trọng ký lệnh trao tặng Huân chương Chiến công. Điều đó là một cách khẳng định rằng ông Trọng xác nhận vụ sát hại cụ Lê Đình Kình là chủ trương do ông Trọng đưa ra và vì vậy ông Trọng phải ngay lập tức truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Điều đó là thanh thiên bạch nhật, không chối cãi vào đâu được cả.
Thế nhưng trong công luận, người ta cho rằng ở đây đang còn rất phức tạp. Phải nói rằng không có một đòn tấn công nào mà lại khủng khiếp đến như vậy vào uy tín của Đảng, của Nhà nước Việt Nam do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu. Cho nên theo tôi dù bây giờ ông Trọng muốn nói gì thì nói, tuy nhiên trong công luận cho rằng ông Trọng bị sập bẫy hay bị ông nào đó cài bẫy, cũng có thể bởi vì chuyện đấu đá trước Đại hội Đảng XIII trong cuộc tranh giành quyền lực giữa những nhóm lợi ích đang ở vào hồi cực kỳ gay cấn.
Người ta cho rằng đây là một cụộc sát hại, thực hiện một chủ trương bạo lực vi phạm Hiến pháp và pháp luật một cách trắng trợn lại đúng vào dịp Tết cổ truyền và lại đúng vào dịp đang kỷ niệm 90 năm ngày thành lập cái đảng của các ông ấy. Chính vì vậy càng gây phẫn nộ trong dân và chưa bao giờ sức phẫn nộ ấy lại lên đến như thế.
Tuy là hiện nay vụ việc Đồng Tâm đang tạm thời bị loãng đi vì dịch bệnh coronavirus nhưng vấn đề sự kiện sát hại ở Đồng Tâm vẫn còn nguyên vẹn ở đó. Và, nếu các ông càng lấp liếm, các ông càng lừa mỵ thì các ông càng mất uy tín. Khi một nhà nước, khi một chính quyền mà dân không tin thì chúng ta hiểu là họ đứng trước một nguy cơ như thế nào. Tự họ biết điều này!
Việc hay nhất bây giờ là minh bạch hóa mọi vấn đề ra và căn cứ vào Hiến pháp và pháp luật, xử lý một cách công khai và minh bạch. Có như vậy thì may ra mới lấy lại được niềm tin của dân!
RFA: Cảm ơn Giáo sư Tương Lai dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này với Đài Á Châu Tự Do.