Nguyễn Hiền
(VNTB) – Theo quan sát trong thời gian qua, Hà Nội đã không có sự nhượng bộ nào, mà ngược lại có vẻ đã cứng rắn hơn sau bài học năm 2017-2018, khi nhượng bộ chỉ đem lại sự lấn lướt từ phía Bắc Kinh.
Tàu Hải Duong 8 đã rút ra khỏi vùng EEZ của Việt Nam và đi đến đảo Chữ Thập
“Tàu khảo sát Trung Quốc rời EEZ của Việt Nam sau bế tắc ở Biển Đông”, tin tức sáng ngày 8.8 của Reuters.
Theo đó, tàu khảo sát Hải Dương 8 đã rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ) tại Bãi Tư Chính, tuy nhiên các tàu của Việt Nam vẫn theo sát Hải Dương 8 khi nó quay trở lại Đá Chữ Thập, và giờ vẫn đang lảng vảng ngay bên ngoài EEZ.
Phải chăng, cuộc khủng hoảng mùa hè đã kết thúc với việc, Hà Nội vận dụng đối sách thông minh hơn so với các năm trước đây (2014, 2017, 2018). Đó là thay vì nhượng bộ trên phương diện song phương với Trung Quốc, hoặc bật đèn xanh biểu tình trong nước, thì lần này, phản đối bằng hình thức công hàm, và kêu gọi bạn bè quốc tế hỗ trợ cho “tự do hàng hải, hòa bình, ổn định Biển Đông”. Một chiến lược thông minh?
Vẫn chưa biết Hải Dương 8 đã thực sự rời đi, hay là nó tạm thời ra vùng rìa EEZ để tạo cơ sở “đàm phán” giữa Bắc Kinh với Hà Nội. Tuy nhiên, từ con số hơn 80 tàu hỗ trợ và quấy nhiễu tại vùng EEZ của Việt Nam, cho đến việc rời đi ra khỏi ranh giới EEZ đã một thành công cho Hà Nội, trong chiến lược giảm xung đột nhưng đảm bảo chủ quyền.
Haiyang Dizhi 8 has completed its survey. It is now at Fiery Cross Reef. pic.twitter.com/QIsnQveCfU
— Ryan Martinson (@rdmartinson88) August 7, 2019
Vậy lý do gì mà Hải Dương 8 rời đi, mặc dù Bắc Kinh luôn ngược ngạo nhấn mạnh yếu tố chủ quyền tại EEZ của Việt Nam? Điều này có thể đến từ nhiều yếu tố, trong bài viết này chỉ đề cập đến khía cạnh tham chính của Mỹ và lực lượng đồng minh trong vấn đề Biển Đông, bên cạnh sự cương quyết không nhượng bộ của Hà Nội thông qua nâng cấp hình thức phản đối lên “công hàm”.
Dấu vết quân sự của Mỹ và đồng minh nhằm bảo vệ lợi ích “tự do hàng hải” tại vùng Biển Đông ngày càng hiện diện rõ nét hơn trong thời gian qua. Trong khi EU và Việt Nam vẫn đang “thiện chí và tích cực” thúc đẩy hình thành Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh (FPA), thì Mỹ tiếp tục đi những bước đi táo bạo hơn, không đơn thuần là cho tàu sân bay đi vào Biển Đông với khẩu hiệu “hòa bình thông qua sức mạnh”, mà còn rút ra khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào ngày 2.8. Kết quả, lực lượng quân đội của Mỹ thể tự do triển khai hành trình trên đất liền và tên lửa đạn đạo (có gắn đầu đạn hạt nhân) và có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 500 đến 5.500 km..
Điều này giúp quân đội Mỹ xóa bỏ sự phụ thuộc vào máy bay với đầu đạn dẫn đường cho các cuộc tấn công chiến thuật, vốn bị đáng giá là không quá chính xác để thực sự ổn trước “xung đột quyền lực lớn hơn” với Trung Quốc. Nhưng quan trọng hơn, như Trợ lý của Tổng thống Mỹ đặc trách vấn đề an ninh quốc gia, ông John Bolton , tuyên bố: Trung Quốc chính là lý do chính cho việc quyết định rút khỏi INF, bởi Bắc Kinh không tham gia, nên họ được tự do làm bất cứ điều gì họ muốn. Và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, sẽ là vùng địa lý được ưu tiên triển khai tên lửa tầm trung – ngắn của Mỹ, độ phủ bao gồm cả Biển Đông. Đó là lý do vì sao Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ hơn, khi Trung Quốc đã kích động tuyên bố sẽ thực hiện các cuộc tập trận quân sự rộng lớn gần các đảo gây tranh cãi chỉ vài ngày sau khi Mỹ đề xuất đặt tên lửa trên khắp châu Á. Thậm chí, Bắc Kinh còn ví quyết định này của Mỹ là sự tái diễn “khủng hoảng tên lửa Cuba” trước đây.
Tuy nhiên, Trung Quốc càng kéo dài “căng thẳng tại Biển Đông”, thì càng tạo điều kiện cho Mỹ thiết lập nhanh hệ thống quân sự bao quanh nước này, bao gồm Biển Đông. Thực tế, tàu sân bay USS Ronald Reagan đã tiến hành huấn luyện hoạt động bay để thúc đẩy “hòa bình thông qua sức mạnh” ở Biển Đông, bên cạnh các đảo san hô chiến lược đang tranh chấp – nơi Trung Quốc đang tổ chức các cuộc tập trận quân sự của riêng mình.
Tất cả những điều trên đã cho thấy rằng, sự “quyết đoán” của Bắc Kinh đã gặp phải sự “quyết đoán” của Mỹ. Và Mỹ đã trở thành một lực lượng chính yếu bảo trợ cho hợp tác an ninh hàng hải khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng. Và điều này giúp phá thế “quân sự” của Bắc Kinh tại khu vực Biển Đông, nơi mà nước này tăng tốc với đảo nhân tạo, đường băng, tiền đồn, và cả tên lửa!
Các yếu tố được cho là “xu hướng tích cực” như đàm phán COC lại trở thành một trò chơi của Bắc Kinh và đem lại sự không chắc chắn cho hòa bình và ổn định khu vực. Trong khi các hoạt động quân sự được triển khai bởi các quốc gia bên ngoài, chủ yếu là Mỹ lại trở thành nền tảng hòa bình. Từ năm 2017, chính quyền Mỹ thời Donald Trump đã chấm dứt thời kỳ “tự do làm càng” của Bắc Kinh tại Biển Đông, với 14 lần đưa tàu chiến vào và thực thi tự do hàng hải, các hoạt động kéo dài ở quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và nhóm bãi cạn.
Đặc biệt, kể từ năm 2019, chiến thuật “quân sự hóa dưới lớp vỏ dân quân” đã bị chính quyền Donald Trump bóc trần, khi chính thức triển khai Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ để theo dõi các tàu cá Trung Quốc – được các quan chức và chuyên gia nước này gọi là Lực lượng dân quân hàng hải của ĐCSTQ. Đồng thời, tuyên bố sẽ đối xử với lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc và lực lượng dân quân trên biển, các hoạt động hỗ trợ Hải quân Trung Quốc, theo cách tương tự như quân nhân.
Chưa hết, xuất hiện tác động mới của chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương do Mỹ bảo trợ, trong đó, “mục tiêu và đường lối” đến từ một trong những giả định, Trung Quốc đang sử dụng các biện pháp quân sự để kiểm soát Biển Đông – và đây sẽ là điểm khởi đầu của tư thế chiến lược của Mỹ và khu vực Biển Đông cũng như các tranh chấp ở Biển Đông một yếu tố trung tâm của việc triển khai và điều động của chiến lược quân sự của Mỹ. Mỹ dường như buộc các nước trong khu vực Biển Đông phải miễn cưỡng đứng về phía giữa một cuộc cạnh tranh leo thang giữa Trung – Mỹ. Và Washington sẽ gây ra tác động không mong muốn đối với những nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước ASEAN trong việc phát triển trật tự quốc tế dựa trên luật lệ bằng cách thực hiện Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương và biến Biển Đông thành một vũ đài cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc.
Những thách thức từ các quốc gia bên ngoài đã buộc Bắc Kinh phải tối đa hóa lợi ích hẹp của chính họ, hạn chế các hoạt động gây thách thức với Mỹ vốn thúc đẩy khả năng quan sự ở Biển Đông buộc Bắc Kinh phải ngay ngắn ngồi vào bàn đàm phán về Bộ thỏa thuận về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
USS Ronald Reagan mang tên vị Tổng thống Mỹ đã làm sụp đổ cả hệ thống XHCN do Xô-Viết đứng đầu, và giờ đây, “hòa bình thông qua sức mạnh” tái hiện lại vai trò và vị trí của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, như là cốt lõi của chính sách xoay trục, và nó sẽ trở thành một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển trong tương lai ở Biển Đông.
Vậy COC đóng vai trò gì trong vấn đề này, nó không đóng vai trò nòng cốt nào trong sự kiện Hải Dương 8 rút đi, mà chỉ thuần túy là có thể giảm bớt xung đột trong tương lai. Bởi trong một bài viết trên SCMP, một nhà quan sát cho biết, việc triển khai tàu bảo vệ bờ biển và tàu khảo sát của Trung Quốc tại Bãi Tư Chính chính là nhằm ngăn chặn Việt Nam thúc đẩy lợi ích của họ trong khu vực trước khi đạt được COC.
Nhưng theo quan sát trong thời gian qua, Hà Nội đã không có sự nhượng bộ nào, mà ngược lại có vẻ đã cứng rắn hơn sau bài học năm 2017-2018, khi nhượng bộ chỉ đem lại sự lấn lướt từ phía Bắc Kinh. Và mục đích của Bắc Kinh trong gửi Hải Dương 8 là nhằm ngăn chặn sự phát triển đơn phương trong khai thác tài nguyên tại vùng mà Trung Quốc cho rằng nó nằm trong “đường 9 đoạn” là hoàn toàn thất bại. Chẳng những thế, Trung Quốc còn làm gia cố niềm tin và sự quay trở lại của Washington nhiều hơn trong vấn đề Biển Đông, một tác dụng phụ mà Bắc Kinh không lường trước được.
Với tình hình tham chính của Mỹ về mặt quân sự, đưa Hải Dương 8 ra là điều giảm nhiệt cần thiết, còn đưa trở lại vào EEZ của Việt Nam sẽ là chiến lược sai lầm của chính Bắc Kinh.