Đó là phát biểu của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nhân lễ kỷ niệm hai thập kỷ ngày thành lập Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh.
“Hôm nay chúng ta kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh và năm sau sẽ đánh dấu 25 năm bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam”, ông Kritenbrink nói hôm 6/9.
“Trong thời gian này, chúng ta đã trở thành những đối tác và bạn bè đúng nghĩa, cùng hợp tác về an ninh, thương mại, kinh tế, quan hệ giữa nhân dân hai nước, y tế, môi trường và năng lượng”.
Theo cơ quan ngoại giao của Mỹ ở Việt Nam, ngoài ông Kritenbrink, tân Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ Marie Damour và Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cũng đã tham dự sự kiện.
“Những điều ấn tượng chúng ta hoàn thành trong 20 năm qua đã không thể trở thành hiện thực nếu thiếu người dân tuyệt vời của cả hai nước. Tôi đặc biệt biết ơn những nỗ lực không mệt mỏi của những đồng nghiệp đến đây trước chúng tôi, cả người Mỹ và người Việt Nam”, bà Damour phát biểu.
Bà Damour, vốn trình quốc thư ở Hà Nội hôm 22/8, cho rằng Trung tâm Hoa Kỳ thuộc Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ, nơi diễn ra lễ kỷ niệm, là “biểu tượng của mối quan hệ hợp tác” giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, nói rằng đây là “một mối quan hệ hợp tác mới và hiện đại, bắt nguồn từ quá khứ nhưng sẽ lạc quan hướng về tương lai”.
Ngày 7/9, đúng 20 năm ngày thành lập Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ, trang Facebook của cơ quan ngoại giao này đăng một bức ảnh cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Madeleine Albright bắt tay Đại sứ Mỹ đầu tiên ở Việt Nam sau chiến tranh, ông Pete Peterson, tại buổi lễ khánh thành năm 1999.
Nhiều Facebooker người Việt đã để lại các bình luận phía dưới bức ảnh. Một người tên là Tha Vo viết: “Chúc mừng tình hữu nghị”.
“Các bạn có biết? Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ như biểu tượng của sự tự do và hoà bình được đặt trên đất nước Việt Nam chúng tôi”, một Facebooker khác là Mai Vũ Huy viết.
Cuối tháng trước, Đại sứ Kritenbrink đã đến thăm nghĩa trang Trường Sơn với “tinh thần hòa giải và tôn trọng đối với những người lính của tất cả các bên, những người đã hy sinh cuộc sống của mình vì lòng yêu nước”.
“Để tiến về phía trước, trước tiên chúng ta phải nhìn lại, đối mặt với những vấn đề chiến tranh để lại và chung sức với các cựu chiến binh, gia đình và những người chịu ảnh hưởng bởi lịch sử chung của chúng ta, để xây dựng nền tảng cho mối quan hệ đối tác mạnh mẽ mà chúng ta đang có ngày hôm nay”, ông Kritenbrink nói, theo Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội.
Hồi đầu tháng này, nhân ngày Quốc khánh Việt Nam, Ngoại trưởng Pompeo đã “thay mặt chính phủ Hoa Kỳ” để “gửi tới người dân Việt Nam những lời chúc tốt đẹp nhất”.
“Năm nay, tôi đã có cơ hội đến thăm Việt Nam lần thứ hai với tư cách là Ngoại trưởng và tôi đã chứng kiến sự phát triển đáng kể trong mối quan hệ song phương của chúng ta. Trong các lĩnh vực hợp tác đa dạng như thương mại và đầu tư, giáo dục, chăm sóc y tế, năng lượng và quốc phòng, chúng ta đang làm việc cùng nhau vì mục tiêu đem lại lợi ích chung cho hai nước,” ông Pompeo nói.
Trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông leo thang vì vụ Bãi Tư Chính, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Morgan Ortagus đã ra tuyên bố bày tỏ ủng hộ Việt Nam trước Trung Quốc.
“Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc đang tiếp tục can thiệp vào các hoạt động dầu khí đã có từ lâu của Việt Nam trong khu vực Việt Nam đã tuyên bố Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ)”, bà Ortagus nói tháng trước.
“Hành động của Trung Quốc làm xói mòn hòa bình và an ninh khu vực, gia tăng chi phí kinh tế cho các quốc gia Đông Nam Á… và cho thấy Trung Quốc xem thường quyền của các quốc gia khi thực hiện những hoạt động kinh tế trong EEZ của họ”.