HomeKINH TẾVIỆT NAM: MỘT NỀN KINH TẾ BỊ THAO TÚNG, KHÔNG PHẢI LÀ...

VIỆT NAM: MỘT NỀN KINH TẾ BỊ THAO TÚNG, KHÔNG PHẢI LÀ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG.

Khai Nguyen

Nền kinh tế Việt Nam bị thao túng bởi các nhóm lợi ích gồm sự cấu kết giữa quan chức chính quyền và doanh nghiệp sân sau nhằm trục lợi bất chính. Những vụ án kinh doanh bất chính và tham nhũng hiện nay tố cáo kinh tế Việt Nam không phải là kinh tế thị trường.

Lê Trung Khoa, Thời Báo Berlin

Nguyễn Quốc Khải bổ sung với phần mở đầu và kết luận. 

15-5-2024

MỞ ĐẦU

Nền kinh tế thị trường là một hệ thống kinh tế trong đó các quyết định sản xuất, giá cả hàng hóa và dịch vụ được định hướng chủ yếu bởi sự tương tác tự do giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp, nghĩa là dựa trên quy luật cung cầu, chứ không phải chính sách của chính quyền trung ương, được phép xác định những gì có sẵn và ở mức giá nào.

Hoa Kỳ là một ví dụ về nền kinh tế thị trường với một ngân hàng trung ương Cục Dự Trữ Liên Bang (Federal Reserves), tác động đến định hướng chung của nền kinh tế.  Quốc Hội có thể thông qua luật để thúc đẩy hoạt động kinh tế hoặc bảo vệ người tiêu dùng, nhưng động lực chính của nền kinh tế là quy luật cung cầu. Thí du như luật chống độc quyền (anti-trust laws) giúp ngăn chặn tình trạng độc quyền xảy ra trên thị trường. 

Luật phá sản (bankruptcy laws) cho phép các cá nhân hoặc doanh nghiệp đang gặp khó khăn thanh toán các khoản nợ được giảm nợ và có được một cơ hội khởi đầu mới.

KINH TẾ VIỆT NAM BỊ THAO TÚNG BỞI CÁC NHÓM LỢI ÍCH

Hoa Kỳ đã nhiều lần đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ. Lần gần nhất Việt Nam bị đưa vào danh sách này là vào tháng 6, 2023. Tuy nhiên đáng sợ hơn là nền kinh tế Việt Nam còn bị thao túng bởi các nhóm lợi ích gồm sự cấu kết giữa quan chức chính quyền và doanh nghiệp sân sau nhằm trục lợi bất chính. 

Điều này đã khiến cho tài nguyên của đất nước bao gồm cả tài nguyên khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên đất và nguồn nước bị khai thác đến mức kiệt quệ. 

Nhóm lợi ích cũng khiến cho nền tài chính các nguồn vốn của quốc gia bị bào mòn rỗng ruột. Nó cũng gây ra hiện tượng chảy máu chất xám sự bất bình đẳng xã hội ngày càng cao và rất nhiều hệ lụy khác. 

Tháng 10, 2012 Hội Nghị Trung Ương 4 khóa 11 đã ban hành nghị quyết gồm một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, trong đó cảnh báo về tình trạng lợi ích nhóm và xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải đấu tranh chống lợi ích nhóm. 

Kinh nghiệm dân giả thấy rằng những gì mà Đảng cảnh báo về vấn đề nội bộ thì đều là những nguy cơ có thật đã hiện hữu hoặc đã tràn lan. Bởi Đảng với tư duy cố hữu là Đảng là đỉnh cao của trí tuệ mà đã là trí tuệ đỉnh cao thì làm sao có chuyện sai lầm, cho nên chỉ khi hiện thực phơi bày ra trần trụi và nguy cơ đến mức cấp bách nghiêm trọng thì Đảng mới chịu cảnh báo. Tuy nhiên việc đảng cảnh báo là một chuyện còn việc đảng có xử lý rốt ráo xử lý tận gốc rễ vấn đề hay không lại là chuyện khác. Bởi muốn giải quyết triệt để thì đụng đến vấn đề then chốt đặc quyền lãnh đạo của Đảng.

Thực tế qua một loạt đại án thời gian qua người dân phải rùng mình khi nhìn thấy mức độ tàn phá nền kinh tế, tàn phá đất nước của các nhóm lợi ích với những món hối lộ cứ triệu đô mà nhẹ tựa lông hồng. 

Có thể nói hiện nay mức độ ảnh hưởng của các nhóm lợi ích đã không dừng ở việc thao túng các chính sách lẻ tẻ tìm kiếm các khoản ưu đãi về thuế hay rút ruột đầu tư từ tiền ngân sách. Các nhóm lợi ích ngày nay phải dùng từ lủng đoạn để hình dung bởi họ có khả năng thao túng đến cả luật pháp mà thao túng một cách có hệ thống, có tổ chức, thậm chí rất bài bản. Điều này thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực tài chính ngân hàng chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp. 

So sánh để thấy ở Mỹ Vinfast đang phải đối diện với hai vụ kiện về việc đưa ra thông tin không đầy đủ không trung thực ra thị trường chứng khoán. Nhưng ở Việt Nam đây là việc nhỏ như con muỗi. Các doanh nghiệp Việt không chỉ không đưa thông tin trung thực mà còn cố tình đưa thông tin sai lệch, cấu kết nhau đẩy giá, thậm chí lừa đảo chứng khoán và trái phiếu điển hình là vụ ngân hàng SCB (Saigon Commercial Bank) lựa bán trái phiếu An Đông [Vạn Thịnh Phát] cho hơn 40,000 khách hàng. Và không chỉ có SCB mà còn có những sân sau như “Shark” Thủy [Nguyễn Ngọc Thủy, chủ tịch tập đoàn giáo dục Egroup và tập đoàn đầu tư và phân phối Egames] kể cả Vinfast. 

Nạn nhân của các đại gia này đang kêu khóc mỗi ngày, kêu đến kiệt sức ngất xỉu. Nhưng đáp lại họ là lực lượng công an trấn áp xịt nước lùa lên xe buýt áp tải về đồn vì tội gây rối. Báo chí quốc doanh ngay cả cơ quan ngôn luận của Đảng cũng thừa nhận có sự lủng đoạn của các nhóm lợi ích. Họ biết rõ rằng nhóm lợi ích ở Việt Nam đã tồn tại ở tất cả các lĩnh vực kinh tế từ các dự án công, các chương trình đầu tư xã hội, tài chính, ngân hàng, bất động sản tài nguyên khoán sản, xuất nhập khẩu đến năng lượng sạch. 

Hiện nay truyền thông nhà nước vẫn ra rã nói về tình trạng sở hữu chéo trong ngành ngân hàng mà nói thẳng ra là doanh nghiệp quan chức cấu kết nhau lừa đảo người gửi tiền. Thậm chí có thể gọi là ăn cướp trắng trợn. Vậy rất rõ ràng nên kinh tế Việt Nam không chỉ bị nhà nước can thiệp và chi phối mà còn bị rất rất nhiều nhóm lợi ích lủng đoạn. Hậu quả của việc thao túng, lũng đoạn này đã khiến việc trao đổi hàng hóa không thể nào thực hiện theo nguyên tắc trao đổi tự do, một nguyên tắc căn bản của nền kinh tế thị trường. Cứ nhìn những nạn nhân của SCB khi họ đem tiền đến gửi cho ngân hàng này thì được chào mời đon đả hoặc dụ bằng những bánh vẽ lãi suất cao, muốn rút lúc nào cũng được, nhưng đến khi họ muốn rút tiền thì ôi thôi những đồng tiền xương máu của họ giờ chỉ còn lại trên những tờ giấy tiền của họ.

Tại sao lại không thể rút ra trong khi ngân hàng vẫn tồn tại, công ty chứng khoán đã bán trái phiếu cho họ vẫn tồn tại, trong khi vụ án Vạn Thịnh Phát đã bị xét xử, bản án đã tuyên. Nhưng vì sao không ai đề cập đến họ những nạn nhân trực tiếp và khốn khổ. Vậy Làm sao có thể nói nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế tự do, là kinh tế thị trường hay xã hội chỉ tự do cho những kẻ ăn cướp có giấy phép hoặc mặc áo công quyền.

KẾT LUẬN

Trong hơn một năm qua, Việt Nam liên tục thúc đẩy Hoa Kỳ công nhận Việt Nam có kinh tế thị trường. Hầu hết các nhà lãnh đạo cao cấp Việt Nam, từ cấp đại sứ, bộ trưởng, thủ tướng, và chủ tịch nước, đều lên tiếng yêu cầu Hoa Kỳ chấm dứt nhãn hiệu “nền kinh tế phi thị trường” đối với Việt Nam. Lần sau cùng Việt Nam chính thức yêu cầu Hoa Kỳ xem lại quy chế kinh tế thị trường vào ngày 8-9-2023. Theo quy trình, Bộ Thương Mại có 270 ngày để hoàn tất công tác này, tức là vào giữa tháng 7, 2024. Tuy nhiên quyết định sơ khởi có thể đạt được trong khoảng 150 ngày. 

Cố gắng của Việt Nam gặp hai trở ngại to lớn. Thứ nhất, kinh tế Việt Nam tiếp tục lệ thuộc nhiều vào nhà nước. Đặc biệt, Việt Nam có khu vực công ty quốc doanh đáng kể – thuộc hàng lớn nhất thế giới. Nó bao gồm hơn 2,200 doanh nghiệp quốc gia, chiếm hơn 25% tổng sản phẩm quốc nội, một triệu việc làm và 30% doanh thu của chính phủ, trong đó có 550 doanh nghiệp lớn, hoàn toàn thuộc sở hữu nhà nước. Việt Nam chưa có nghiệp đoàn tự do. Thứ hai, chống đối mãnh liệt của các nghiệp đoàn công nhân Hoa Kỳ. 

Nay khủng hoảng trong nội bộ hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam trong hơn một năm qua đã phơi bầy ra nhiều vụ tham nhũng lớn lao và cho thấy rõ kinh tế Việt Nam bị thao túng nghiêm trọng bởi các nhóm lợi ích gồm sự cấu kết giữa quan chức chính quyền và doanh nghiệp nhằm trục lợi bất chính. Trong tình trạng này, không có cách chi Việt Nam có thể được Mỹ coi là một nước có nền kinh tế thị trường. Việt Nam dường như chú trọng đến việc dùng áp lực chính trị như một chiến thuật để đạt được mục tiêu nhưng sẽ không có kết quả.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here