Trà My
Giới phân tích cho rằng, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đang ở tình thế “thập diện mai phục”, mà Bộ trưởng Công an Tô Lâm là tổng chỉ huy cuộc chiến.
Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược của trường Quân sự Pháp (IRSEM), ông Benoît de Tréglodé, đã nhận định:
“Điều chắc chắn là, ông Tô Lâm hiện là nhân vật trung tâm của công tác bổ nhiệm các lãnh đạo lớn sắp tới của bộ máy Nhà nước Việt Nam, nên ông ấy sẽ cân nhắc và tính toán. Và có thể nói chắc chắn, chính ông [Tô Lâm] đã khéo léo can thiệp đến chuyện xảy ra hôm 21/3, với sự từ chức bất ngờ của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.”
Báo Công an Nhân dân ngày 28/3 đưa tin, “Bắt thêm lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, liên quan Tập đoàn Phúc Sơn”. Điều này càng chứng minh cho nhận định vừa kể.
Bản tin cho hay, ngày 28/3, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam thêm 2 lãnh đạo, một Vĩnh Phúc và một Quảng Ngãi. Đó là các ông: Lê Viết Chữ -nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi; và ông Phạm Hoàng Anh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc.
Cụ thể, mở rộng điều tra vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, Cơ quan Điều tra Bộ Công an xác định, ông Lê Viết Chữ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu. Đổi lại, ông Chữ tạo điều kiện để giúp Tập đoàn Phúc Sơn trúng gói thầu: Thi công tuyến chính dự án đường bờ Nam sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi.
Tương tự, ông Phạm Hoàng Anh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cũng đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu. Đổi lại, ông Hoàng Anh đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp của Hậu thực hiện dự án “Chợ Đầu mối Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc”.
Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan Điều tra của Bộ Công an quyết định: Khởi tố bị can, bắt tạm giam, lệnh khám xét nhà riêng đối với 2 ông Lê Viết Chữ, Phạm Hoàng Anh, về tội “Nhận hối lộ”, quy định tại Khoản 4, Điều 354, Bộ luật Hình sự.
Điều này đã cho thấy, cựu Bí thư Quảng Ngãi Lê Viết Chữ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đã nhận tiền hối lộ của Nguyễn Văn Hậu, đối với gói thầu thi công dự án đường bờ Nam sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi.
Vụ án này có liên quan đến cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Bộ Công an gián tiếp cáo buộc, trong thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi (2011 – 2014), thông qua người thân, ông Võ Văn Thưởng đã nhận 64 tỷ đồng từ Tập đoàn Phúc Sơn, để xây nhà thờ tổ.
Bộ Công an cũng tiếp tục điều tra làm rõ với Ban lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, thông qua việc khởi tố bắt giam ông Phạm Hoàng Anh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Đáng chú ý, lâu nay dư luận vẫn đánh giá, Vĩnh Phúc và Quảng Ngãi được Tổng Trọng bảo kê.
Đó là lý do vì sao, những sai phạm nghiêm trọng mang tính hệ thống của Ban lãnh đạo Quảng Ngãi và Vĩnh Phúc không bị phát hiện trong một thời gian rất dài. Ngược lại, có sự thăng tiến thần tốc, đáng ngờ, của các nhân vật: Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan; Ủy viên Bộ Chính trị Võ Văn Thưởng; kể cả cựu Bí thư Quảng Ngãi – nay là Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, đều đặt ra rất nhiều nghi vấn.
Theo giới thạo tin, trong thời gian gần đây, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã có nhiều quyết định, được đánh giá là rất “táo bạo”. Như việc, ông Tô Lâm đã vượt qua “lằn ranh đỏ”, khi cho bắt giữ hàng loạt bí thư, chủ tịch các tỉnh – vốn là địa bàn chiến lược của các lãnh đạo cấp cao, như Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc…
Không chỉ vậy, Bộ trưởng Tô Lâm còn vượt qua quyền hạn của Tổng Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, tự cho mình quyền vi phạm nguyên tắc bất di bất dịch trong việc khởi tố, bắt giam, đối với lãnh đạo trong danh sách nhân sự do Ban Bí thư và Bộ Chính trị quản lý.
Điều lệ Đảng quy định, quy trình bắt một nhân sự cấp cao, trước tiên phải được Ban Chấp hành Trung ương chuẩn y nghị quyết cho thôi chức, trước khi Bộ Công an ra quyết định khởi tố và bắt giam. Trường hợp Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan là một ví dụ. Công luận nhận xét, điều này càng chứng minh cho thấy, quyền uy và thế lực chính trị của Tô Lâm đang ở thế thượng phong.
Vào thời điểm hiện nay, Bộ trưởng Tô Lâm đã bất chấp tất cả, kể cả Điều lệ Đảng, để chứng tỏ rằng, quyền lực lớn nhất trong Đảng thuộc về Tô Lâm.
Tổng Trọng chỉ còn là một ngọn đèn leo lét trước phong ba bão tố, với một tương lai bất định./.