Sunday, December 22, 2024
HomeBLOGVì sao ngân hàng lãi cao nhưng nợ xấu lại tăng vọt?

Vì sao ngân hàng lãi cao nhưng nợ xấu lại tăng vọt?

Phạm Chí Dũng / VOA

Sau khi hầu hết các ngân hàng thương mại Việt Nam đã công bố xong báo cáo tài chính quý 3/2018 cùng một số thông tin về tình hình tài chính ngân hàng quý 4/2018, thị trường ngân hàng đã nảy nòi một nghịch lý rất lớn: theo nhận định chung, khối ngân hàng Việt đang có mùa vàng với lợi nhuận tăng khủng, nhưng không ít nhà băng lại xuất hiện xu hướng nợ xấu tăng vọt.

Nghịch lý lợi nhuận – nợ xấu

Theo báo nhà nước, báo cáo 9 tháng của các ngân hàng có diễn biến lạ: Nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng mạnh tại nhiều ngân hàng. Đơn cử: ACB với hơn 1.264 tỷ đồng, tăng tới hơn 60% so với cuối năm 2017; MBBank gần 1.319 tỷ đồng, tăng tới 62% so với cuối năm 2017; Techcombank gần 2.027 tỷ đồng, tăng 30,5%; VietinBank, nợ xấu cuối quý 3 năm 2018 ở mức 12.127 tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ, tương đương 34,6% so với đầu năm. Nợ xấu tại OCB tăng 65% trong 9 tháng lên mức 1.429 tỷ đồng, chiếm 2,66% dư nợ cho vay khách hàng tại nhà băng này. Tại Vietcombank, đến cuối quý 3, nợ xấu cũng lên tới hơn 4.000 tỷ đồng…

Nợ xấu trong xu hướng chung đã giảm nhưng nợ có khả năng mất vốn lại tăng. Tuy vậy, vài chuyên gia nhà nước cho rằng đó không hẳn là kết quả tiêu cực bởi dù nợ nhóm 5 có khả năng mất vốn tăng mạnh nhưng theo quy định các ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro toàn bộ 100%. Việc hạch toán và trích lập này sẽ khiến ngân hàng chủ động hơn khi xét đưa ra ngoại bảng vào cuối năm.

“Về tổng thể, hoạt động ngành ngân hàng nói chung giai đoạn này nợ xấu vẫn tiếp tục nhận về qua cơ chế cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm, bán sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)” – một chuyên gia tài chính nhận xét…

Nhưng thực tế lại cho thấy cơ chế của VAMC là gần như vô tích sự kể từ khi tổ chức này ra đời.

VAMC đã ‘xử lý nợ xấu’ ra sao sau 5 năm?

Về thực chất, VAMC đã chỉ tô hồng cho những bản thành tích xử lý nợ xấu kéo lê từ thời bị xem là ‘phá chưa từng có’ Nguyễn Tấn Dũng sang thời ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc.

Vào năm 2018, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐQT VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng) đã trần tình với gương mặt có vẻ nhăn nhúm khổ sở: “VAMC được cấp 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ, năm 2017 đã mua 3.200 tỷ đồng nợ xấu và dự kiến, năm 2018 mua khoảng 3.500 tỷ đồng nợ xấu. Nhưng các tổ chức tín dụng đăng ký bán nợ cho VAMC khoảng 20.000 tỷ đồng, như vậy rất khó mua được các khoản nợ này”.

Lời trần tình trên mang hàm ý gì?

Dù chỉ nêu vài số liệu nhỏ nhoi, nhưng cái cách trần tình của ông Nguyễn Tiến Đông đã một lần nữa, sau khoảng một tá lần thanh minh của những quan chức khác kể từ lúc VAMC được thành lập vào năm 2013, khẳng định một sự thật như đinh đóng cột: sau 5 năm hoạt động, VAMC đã hầu như không mua nợ xấu của các ngân hàng thương mại cổ phần bằng ‘tiền tươi thóc thật’, nghĩa là hầu như không dùng tiền mặt được ngân sách nhà nước cấp để mua nợ xấu, mà chỉ mua… trên giấy.

Trong thực tế, VAMC đã được ngân sách nhà nước cấp 2000 tỷ đồng từ lúc đầu thành lập. Tuy nhiên, số tiền này chỉ như muối bỏ biển so với số nợ xấu lên đến khoảng 1,2 triệu tỷ đồng vào thời gian đó. Hơn nữa, VAMC cũng không hề dùng tiền thực để mua nợ xấu vào thời gian đó, mà bị cho rằng đã dùng toàn bộ 2000 tỷ đồng này để gửi ngân hàng lấy lãi, như một cách chiếm dụng ngân sách nhà nước.

Thực tế ‘xử lý nợ xấu’ như trên đã trái ngược với báo cáo đậm chất tuyên giáo một chiều của Ngân hàng nhà nước. Vào năm 2018, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đối mặt với tình trạng chung là quy mô nợ xấu đang tăng lên đáng kể bởi nợ xấu cũ dồn tích lại đến nay và nợ xấu mới phát sinh do tăng trưởng cho vay chứng khoán và bất động sản, khiến số dư nợ xấu tăng cao.

Đến nay, các phương án “xử lý nợ xấu” của Ngân hàng nhà nước vẫn hoàn toàn bế tắc. Toàn bộ mục tiêu “giảm nợ xấu về 3%” vẫn chỉ nằm trên giấy tờ mà không có một chút gì thực chất – theo nhiều chuyên gia phản biện.

Cho dù có tính toán một cách ‘thành tích’ nhất là cho đến nay các ngân hàng thương mại đã xử lý được khoảng 300.000 tỷ đồng ‘nợ xấu nội bảng’, thì vẫn còn đến khoảng 900.000 tỷ đồng nợ xấu treo trong hệ thống ngân hàng và trong bảng kế toán thuần giấy của VAMC mà không biết bán lại cho ai.

2019 sẽ lãi ít, nợ xấu tăng vọt và phá sản ngân hàng?

Tình trạng một số ngân hàng thương mại, dù lãi cao, nhưng lại ‘xử lý nợ xấu’ bằng cách hầu như dựa dẫm vào VAMC cho dù vẫn biết VAMC hoàn toàn bế tắc, cho thấy thái độ vô trách nhiệm của nhiều ngân hàng khi chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Với các ngân hàng này, rõ ràng quan niệm về lợi nhuận và hậu quả về nợ xấu là hai phạm trù tách rời mà chẳng dính dáng với nhau về mặt nhân quả và trách nhiệm.

Nhưng một phần lớn lợi nhuận của khối ngân hàng trong hai năm 2017 và 2018 lại đến từ những con sóng đầu cơ chứng khoán và bất động sản, trong đó giá nhiều cổ phiếu được ‘đánh lên’ gấp ba lần, còn mặt bằng giá bất đất nền cũng tăng ít nhất hai lần.

Mặt khác và theo quy luật, cứ vào thời gần cuối năm, các ngân hàng lại phải tăng tốc hoàn thành kế hoạch, đẩy mạnh các khoản đầu tư và cho vay tín dụng, trong đó phải chạy theo chỉ tiêu ‘tăng tốc đẩy tín dụng ra thị trường’ theo chỉ đạo của Thủ tướng Phúc, dẫn đến một số dự án, kế hoạch sinh lời cao, đem về lợi nhuận cao, nhưng đồng thời cũng đẩy rủi tăng cao, do đó nợ xấu tăng theo.

Ở chiều trái ngược, lợi nhuận ngân hàng thu từ khối doanh nghiệp là khá ít ỏi do đà suy thoái kinh tế ở Việt Nam vẫn chưa dừng lại sau 10 năm kéo lê cái thân hình bạc nhược của nó, còn chuyện làm ăn của các doanh nghiệp thì ngày càng trở nên bế tắc, mà minh chứng rõ ràng là tỷ lệ số doanh nghiệp phải giải thể và phá sản vào năm 2018 cao hơn hẳn tỷ lệ số doanh nghiệp thành lập mới, và mức ‘cống hiến’ của khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cho ngân sách nhà nước trong năm 2018 giảm hơn 2% so với dự toán quá tham lam, trong khi mức giảm sụt của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lên đến hơn 15%.

Chẳng có gì là vĩnh viễn, và lợi nhuận ngân hàng cũng thế. Điều gì sẽ xảy ra khi vào nửa cuối năm 2018, cả hai con sóng đầu cơ chứng khoán và bất động sản đều đã chững lại, và theo quy luật tất yếu có lên thì phải xuống, để sang năm 2019 và vài năm sau đó sẽ chứng kiến mặt bằng giá cổ phiếu lẫn đất nền suy giảm rồi lao dốc?

Khi đó và rất cùng hoàn cảnh với ngân sách nhà nước bị tiêu hao một khoản thu lớn từ tiền thuế nhà đất, lợi nhuận của khối ngân hàng thương mại đương nhiên sẽ bị giảm nhiều chứ không còn ‘mùa vàng bội thu’ như trước đó. Và một khi phần lợi nhuận mờ nhạt, phần nợ và nợ xấu sẽ trở nên nổi bật trên bức tranh lãi – lỗ. Khi đó, các ngân hàng sẽ phải đau đầu tính toán việc làm sao thu hồi được các khoản nợ xấu, trong đó có hai khoản nợ lớn tồn tích vào hai năm 2017 và 2018: tín dụng cho các nhà đầu tư cá nhân vay để đầu cơ chứng khoán và đầu cơ bất động sản.

Thậm chí nếu vào năm 2019 và những năm sau đó, ngành ngân hàng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tín dụng, dù chỉ ở quy mô vừa phải, cũng sẽ làm giảm đáng kể lợi nhuận ngân hàng và khiến phát sinh nợ xấu trầm trọng. Khi đó, sẽ không thể còn bài ca nghịch lý ‘Ngân hàng lãi lớn, nợ xấu vẫn tăng’.

Tương lai 2019 đang ập đến. Lãi ngân hàng nhiều khả năng sẽ ít hẳn, trong khi nợ xấu tăng vọt. Những ngân hàng đã cố che giấu nợ xấu trầm trọng trong những năm trước sẽ lao đến ngưỡng vỡ nợ và phá sản vào những năm sau đó.

Khi đó, phần lớn sẽ mang tính bi kịch. Bi kịch phá sản ngân hàng lại dẫn đến bi kịch tài chính và ngân sách quốc gia. Để rất có thể thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ và ‘mỗi tỉnh là một đầu tàu kinh tế’ – Nguyễn Xuân Phúc – một lần nữa phải cảm thán về ‘sụp đổ tài hóa quốc gia’ như lời ông ta thốt ra thành thật đến hiếm có vào mùa xuân năm 2017.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular