Friday, December 13, 2024
HomeBLOGVÉNEZUELA KHỦNG BỐ DÂN BIỂU ĐỐI LẬP

VÉNEZUELA KHỦNG BỐ DÂN BIỂU ĐỐI LẬP

Từ Thức

Chế độ độc tài Venézuela dùng biệt pháp mạnh : tìm cách triệt hạ quốc hội, nơi lãnh tụ đối lập nắm đa số, bằng cách truy tố và bắt giữ dân biểu về tội ‘’ phản quốc và âm mưu lật đổ chính quyền ‘’.
Cuộc rượt bắt phó chủ tịch quốc hội Edgar Zambrano, cánh tay mặt của Juan Guaido, tối thứ Tư, đã diễn ra ngoài đường phố như một cuốn phim trinh thám. Một đoàn xe của Sebin ( cơ quan an ninh, tình báo ), chận xe của Zambrano. Công an quần áo đen, khăn bịt mặt đen ra lệnh cho Zambrano xuống xe, nhưng ông ta từ chối. Một xe trục của an ninh đã kéo xe của ông phó chủ tịch về trụ sở Sebin.
24 giờ sau khi Zambrano bị bắt giữ, luật sư cho hay vẫn không được tin tức gì.
Zambrano ( photo, bên cạnh Guaido ) là một trong 10 dân biểu bị truy tố và truy nã vì đã ủng hộ cuộc nổi dậy bất thành của phe đối lập ngày 30 tháng tư vừa qua.
Dân biểu Richard Blanco hiện tỵ nạn trong lãnh sự quán Argentine, vì ‘’ mạng sống bị đe dọa ‘’. Các dân biểu Mariela Mangallanes, Americo de Grazia lánh nạn tại toà đại sứ Ý .
Juan Guaido tuyên bố : nếu có một cuộc đảo chánh ở Vénezuela, đó chính là việc bắt giữ này, nhằm khuynh đảo quốc hội, nhưng phe đối lập sẽ không ngừng tranh đấu cho đến khi dành được tự do ( tin tổng hợp CNN, AFP, Reuter)

DÂN CỬ, ĐẢNG CỬ

Maduro bắt giữ, khủng bố các dân biểu vì Guaido nắm đa số ở quốc hội. Nếu Guaido không còn đa số, chính quyền sẽ thẳng tay đàn áp vì coi như Guaido mất thế đứng.
Hiện nay Hoa Kỳ và trên 50 quốc gia nhìn nhận Guaido, với lý luận Maduro nắm quyền qua bầu cử gian lận, Guaido là người đại diện duy nhất cho dân, vì là chủ tịch quốc hội, sau một cuộc bầu cử lương thiện.
Tại bất cứ một quốc gia dân chủ nào, muốn truy tố một dân biểu, phải được đa số quốc hội đồng ý bãi bỏ quyền miễn tố dành cho các dân cử. Maduro không có đa số ở quốc hội, ngay từ những năm đầu đã thành lập cái gọi là Hội đồng lập hiến, với thành viên do Maduro chỉ định, có quyền hơn cả quốc hội. Chính cái Hội đồng kỳ quái đó đã quyết định việc truy nã các dân biểu
Hành động của Maduro, bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế, có thể giải thích bằng thái độ bất nhất của Hoa Kỳ. Một mặt các nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố hung hăng, tạo cơ hội cho Maduro tuyên truyền, tố cáo phe đối lập bị ngoại bang dựt dây, một mặt vẫn án binh bất động, khiến Maduro, sau một thời gian hoà hoãn, thấy đã đến lúc có thể dùng biện pháp mạnh.

Guaido kêu gọi quân đội bỏ súng, nhưng các tướng lãnh, từ thời Chavez, nhất là từ thời Maduro nắm hết tài sản quốc gia trong tay, không thể thả mổi bắt bóng. Họ chỉ bỏ rợi Maduro khi biết Hoa Kỳ sẽ làm gì trong những ngày tới.

Cho tới giờ này, Hoa kỳ vẫn chưa có hành động gì cụ thể, lưỡng lự giữa chủ trương tham dự quyết liệt của cố vấn an ninh Bolton, ngoại trưởng Pompeo và chính sách không tham dự của Donald Trump, người đã quyết định rút quân khỏi Afghanistan, Irak.

TỪ VENEZUELA TỚI ALGERIE

Cái khác giữa cuộc nổi dậy Venézuela và Algérie là tại Al gérie, dân chúng không kêu gọi quốc gia nào ủng hộ.
Trên thực tế, không quốc gia nào ủng hộ cuộc nổi dậy của dân Algérie. Các nước láng giềng Maroc, Tunisie sợ virus cách mạng lây sang xứ mình. Trung Cộng muốn được yên tổn khai thác tài nguyên, củng cố ảnh hưởng. Các nước Tây Phương sợ Algérie, hàng rào cản Hồi giáo, nếu rối loạn sẽ mở cửa cho khủng bố và gia tăng phong trào di dân. Chính những người xuống đường ở Algérie cũng muốn tự mình cởi bỏ ách độc tài, không chờ đợi người ngoài.
Mặc dầu vậy, khi hàng triệu người xuống đường, chính quyền dù mạnh tới đâu cũng không cản nổi.
Tập đoàn cầm quyền Algérie, hôm qua tưởng như sẽ ngự trị vĩnh viễn vì nắm toàn quyền sinh sát, đã đi hết nhượng bộ này tới nhượng bộ khác. Tổng thống từ chức, chính phủ giải tán, nhiều quan chức cũ bi bắt giam hay trốn ra nước ngoài. Dân Algérie chưa thoả mãn, tiếp tục xuống đường, đòi thanh trừng tất cả những phần tử có liên hệ tới chế độ độc tài để nhân dân soạn lại hiến pháp, tổ chức bầu cử tự do.
Tóm lại, tự do, dân chủ phải do chính người dân đứng dậy đòi hỏi, tranh đấu. Có thể mong đợi sự hỗ trợ, nhưng không thể ngồi chờ một đấng cứu tinh đến từ nước ngoài.
Đấng cứu tinh nào cũng tính toán, nghĩ tới quyền lợi của quốc gia họ, nếu không phải quyền lợi cá nhân, trước khi nghĩ tới chuyện mang dân chủ cho người nước khác.
Cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac nói dân chủ phải do chính dân địa phương xây dựng, ‘’ không ai có thể dùng xe tăng chở dân chủ tới một xứ khác ‘’

( tuthuc-paris-blog.com )

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular