Nguyễn Xuân Nghĩa
2019-08-20
Cả thế giới đang sợ hiện tượng suy trầm toàn cầu sẽ tái diễn như vào năm 2008 với hậu quả tai hại cho các nước. Nhưng đằng sau nạn suy trầm còn một mối lo khác là hiện tượng giảm phát, khi số cầu suy giảm và hàng họ sụt giá mà bán vẫn không được. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về sự kiện này…
Suy trầm, suy thoái và khủng hoảng
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Kể từ năm 2008 tới nay, các nước lại e ngại là sẽ bị nạn tổng suy trầm nữa khi sản lượng của các nền kinh tế lớn từ Hoa Kỳ tới Trung Quốc và các nước Âu Châu, dẫn đầu là nước Đức đều suy giảm. Thưa ông liệu rằng điều đó có xảy ra không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi e rằng tình hình còn đáng ngại hơn vậy vì cuối đường có thể là nguy cơ giảm phát. Nhưng chúng ta nên khởi sự với ngôn từ để hiểu là ta nói về cái gì. Trước hết, chúng ta có hiện tượng “suy trầm” hay “recession” là khi kinh tế có tăng trưởng, nhưng chậm hơn. Theo tiêu chuẩn phổ thông tại Hoa Kỳ và Anh Quốc, suy trầm là khi đà tăng trưởng sút giảm trong hai quý liền, là trong sáu tháng liên tục. Vì người ta chỉ có thể ước tính sản lượng kinh tế sau khi thu thập thống kê trên toàn quốc, cho nên thường biết rằng kinh tế bị suy trầm sau khi điều ấy đã xảy ra. Trước đó thì chỉ có thể dự đoán thôi.
Suy trầm là khi đà tăng trưởng sút giảm trong hai quý liền, là trong sáu tháng liên tục. Khi sản lượng kinh tế không tăng chậm hơn mà còn giảm thì ta có nạn “suy thoái”, là nghiêm trọng hơn suy trầm. Khi kinh tế bị suy thoái khá lâu và lan ra nhiều lĩnh vực thì ta có nạn “khủng hoảng”. Do đó, xin đề nghị là chúng ta nên thống nhất cách gọi, từ suy trầm tới suy thoái và khủng hoảng, là ba bậc trầm trọng khác nhau.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
– Thứ hai, khi sản lượng kinh tế không tăng chậm hơn mà còn giảm thì ta có nạn “suy thoái”, là nghiêm trọng hơn suy trầm, Anh ngữ gọi là “depression”. Tôi dùng chữ suy thoái vì thoái có nghĩa là thối, là thoái lui, trong khi trầm hàm ý là chìm, là chậm lại. Khi kinh tế bị suy thoái khá lâu và lan ra nhiều lĩnh vực thì ta có nạn “khủng hoảng” hay “crisis”, như đã thấy vào thời 1929-1933. Do đó, xin đề nghị là chúng ta nên thống nhất cách gọi, từ suy trầm tới suy thoái và khủng hoảng, là ba bậc trầm trọng khác nhau. Vì cách gọi đó cũng ảnh hưởng đến tâm lý của các thị trường, cho nên mình mới cần thận trọng về ngôn từ sử dụng.
Nguyên Lam: Như vậy, ông cố gắng phân biệt ba trạng thái sản xuất kinh tế từ nhẹ đến nặng, là suy trầm, suy thoái rồi mới tới khủng hoảng. Thưa ông, bây giờ liệu kinh tế thế giới có bị nguy cơ suy trầm hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Nếu chúng ta cùng áp dụng các định nghĩa sơ đẳng ấy thì kinh tế Trung Quốc đã bị suy trầm, vì đà tăng trưởng sản xuất ngày càng giảm từ nhiều năm rồi. Kế đó là nền kinh tế có sản lượng cao nhất Âu Châu, là của Đức bên các nước Anh, Ý, Tây Ban Nha và Pháp vì lý do nội bộ của họ. Sau cùng là kinh tế Hoa Kỳ, chưa bị suy trầm nhưng có thể bị sau 10 năm tăng trưởng liên tục từ Tháng Bảy năm 2009. Tôi xin được nhấn mạnh hai điều là sinh hoạt kinh tế có thể thăng giáng, hay lên xuống theo chu kỳ, và thứ hai, suy trầm không là suy thoái hay khủng hoảng, mà cứ sáu bảy năm lại xảy ra một lần như một điều chỉnh cần thiết sau một giai đoạn đầu tư lạc quan hồ hởi.
– Chuyện thứ hai là nạn “tổng suy trầm” hay “suy trầm toàn cầu”, như đã thấy năm 2008-2009, khi trái bóng đầu tư về gia cư địa ốc đã bể tại Âu Châu và riêng tại Hoa Kỳ là vụ khủng hoảng tín dụng thứ cấp, gọi là “subprime mortgage” làm hàng loạt tập đoàn tài chính sụp đổ vào Tháng Chín năm 2008.
– Tôi xin nhắc lại rằng thời đó, kinh tế Mỹ đã bị suy trầm từ Tháng 12 năm 2007 mà ta chưa biết. Sau đấy, do tổng suy trầm, nhiều quốc gia tung ra biện pháp kích thích sản xuất bằng tăng chi ngân sách và ào ạt bơm tín dụng vào kinh tế mà chất lên một núi nợ, là trường hợp điển hình ngày nay của Trung Quốc, trong khi người ta ngợi ca là sản lượng kinh tế xứ này đã vượt Nhật Bản từ năm 2010 và sẽ bắt kịp Hoa Kỳ!
– Cũng do nạn tổng suy trầm mà khối Euro của các nước dùng chung một đồng tiền thống nhất tại Âu Châu bị hoạn nạn cho tới nay chưa hết. Riêng tại Hoa Kỳ, sau Nhật Bản và trước Âu Châu người ta hạ lãi suất gần tới số không và bơm tiền vào kinh tế nên gây ra những lệch lạc tài chính với những hậu quả bất lường.
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin được ghi nhận hai ý kiến ông vừa trình bày rằng kinh tế có thể bị suy trầm nhưng người ta chỉ biết về sau, và thứ hai các biện pháp kích thích sản xuất có khi lại gây ra những hậu quả bất lường. Thưa ông, bây giờ làm sao người ta có thể dự đoán rằng kinh tế có bị suy trầm hay không?
Suy trầm toàn cầu
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Đấy là đề tài gây tranh luận từ ít lâu nay với cao điểm là tuần qua. Người ta nghiệm thấy thị trường trái phiếu có một chỉ dấu tiên báo nạn suy trầm khá chính xác. Thông thường thì trái phiếu ngắn hạn, như có kỳ hạn ba tháng hay hai năm, lấy phân lời thấp hơn trái phiếu dài hạn là 10 năm vì chủ nợ là người cho vay đòi tiền lời cao hơn do yếu tố rủi ro trong trường kỳ. Vì vậy, đường tuyến biểu hiện phân lời trái phiếu từ ngắn hạn đến dài hạn thường chếch lên bên phải. Nhưng khi giới đầu tư trái phiếu lại ưu lo về tình hình kinh tế tương lai thì ta có hiện tượng ngược là đường tuyến phân lời không chếch lên mà nằm ngang, thậm chí chúc xuống. Đấy là một chỉ dấu tiên báo là kinh tế có thể bị suy trầm trong vòng một hay hai năm tới. Hiện tượng ấy đã xảy ra tại Mỹ cho nên người ta mới báo động nguy cơ kinh tế Hoa Kỳ sẽ bị suy trầm vào năm tới.
Nguyên Lam: Thưa ông, dự báo đó có chính xác hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi thiển nghĩ là ta nên thận trọng vì năm lý do. Thứ nhất, đường tuyến nằm ngang chỉ là biểu hiện của thực tế chứ không là nguyên nhân gây ra suy trầm. Thứ hai, tôi e chỉ dấu này hết còn chính xác vì các ngân hàng trung ương từ Âu qua Mỹ đã hạ lãi suất quá sâu và quá lâu nên gây lệch lạc trên thị trường trái phiếu hay thị trường tín dụng. Thứ ba, sự hốt hoảng của thị trường mới gây ra nguy cơ suy trầm, sau 10 năm tăng trưởng liên tục tại Mỹ. Trong khi đó, vấn đề của kinh tế Mỹ không nằm trong tỷ lệ thất nghiệp là 3,7%, thấp nhất từ mấy chục năm làm người ta tưởng Mỹ đã đạt mức “toàn dụng” hay “full employment”, mà ở sự kiện nhiều người nản chí không muốn kiếm việc nữa nên chẳng khai báo là họ đang thất nghiệp. Sau cùng, tôi e rằng kinh tế tòan cầu có thể gặp nạn giảm phát hay “deflation” vì số tổng cầu bị sút giảm.
Giảm phát
Nguyên Lam: Xin ông giải thích cho thính giả của chúng ta “giảm phát” là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Ngược với lạm phát là khi vật giá leo thang làm đồng tiền mất giá so với lượng hàng hóa và dịch vụ có trên thị trường, giảm phát là khi hàng họ đều hạ giá mà vẫn bán không chạy, với hậu quả là thất nghiệp tăng và kinh tế không bị suy trầm mà suy thoái. Chúng ta trở lại đề tài chính kỳ này, khi mà thế giới có thể bị suy trầm.
– Trước hết, các nước nói chung đều muốn xuất khẩu nhiều hơn, nhưng là để bán cho nhau chứ không thể bán hàng lên cung trăng. Trung Quốc và Đức, Nam Hàn, có nền kinh tế lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu. Trận thương chiến Mỹ-Hoa khởi đi từ ngày sáu Tháng Bảy năm ngoái đã gây hậu quả là số tổng cầu trên thế giới giảm mạnh nên kinh tế càng lệ thuộc vào xuất cảng hay xuất khẩu là càng bị nặng. Nói nôm na là các nước có nhiều hàng hóa và dịch vụ mà thiếu người mua.
Nguyên Lam: Như riêng trong trường hợp Hoa Kỳ với Trung Quốc thì sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tổng sản lượng kinh tế Trung Quốc có 4% là nhờ bán hàng vào thị trường Hoa Kỳ. Kinh tế Mỹ thì trái ngược, chỉ có 0,5% là tùy thuộc vào việc xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc và nói chung, xuất khẩu chỉ chiếm có 12% của Tổng sản lượng Hoa Kỳ. Cho nên trong trận thương chiến hiện nay, Trung Quốc bị thiệt nặng hơn, chưa kể di sản tệ hại của việc bơm tiền và vay nợ từ 10 năm trước. Trong khi ấy, các nền kinh tế lớn từ Âu sang Á đều gặp khó khăn, chưa kể tới mâu thuẫn thương mại và chính trị giữa Nhật Bản với Nam Hàn. Khi đó số cung của kinh tế các nước, từ Trung Quốc qua Đông Á tới Âu Châu đều cao hơn số cầu, cho nên nguy cơ giảm phát có thể xảy ra.
Ngược với lạm phát là khi vật giá leo thang làm đồng tiền mất giá so với lượng hàng hóa và dịch vụ có trên thị trường, giảm phát là khi hàng họ đều hạ giá mà vẫn bán không chạy, với hậu quả là thất nghiệp tăng và kinh tế không bị suy trầm mà suy thoái.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
– Một chuyện đáng nói khác mà ít được để ý là kinh tế Hoa Kỳ trao đổi nhiều nhất là với Mexico, kế đó là với Canada, Trung Quốc chỉ đứng hạng ba mà thôi. Cho nên tình hình kinh tế của ba xứ Bắc Mỹ vẫn khả quan hơn Âu Châu, Trung Quốc. Bên kia Đại Tây Dương, nước Đức quá lệ thuộc vào xuất khẩu, tới gần 50% của Tổng sản lượng GDP, nên sẽ gây hoạ cho các nước bạn hàng của Đức nếu xứ này bị suy trầm như người ta tiên đoán. Việc hệ thống ngân hàng Âu Châu giữ lãi suất quá lâu ở số âm, là dưới 0%, càng dễ gây rủi ro cho toàn khối.
Nguyên Lam: Ông có bi quan quá không, khi dự báo tương lai u ám đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Thật ra, ngoài yếu tố giảm phát vì số tổng cầu sa sút so với số cung của các nước thì ta chưa thấy hiện tượng tôi xin gọi là “chuyển lực”, là tai họa của xứ này lan qua xứ khác để dẫn tới nạn tổng suy trầm trên thế giới. Ví dụ như vụ khủng hoảng năng lượng trong các năm 1970 là nguyên nhân chính dẫn tới suy trầm toàn cầu, hoặc vụ khủng hoảng tín dụng gia cư là nguyên do của nạn tổng suy trầm 2008-2009.
– Ngày nay, các nền kinh tế lớn như của Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật hay Đức đều có vấn đề riêng nên có thể bị suy trầm cùng lúc, như Hoa Kỳ cần giảm nhập khẩu trong khi các nước kia cần tăng xuất khẩu. Nhưng khi ngần ấy quốc gia đều có biện pháp ứng phó với vấn đề riêng của mình thì kết quả tổng hợp vẫn là một sự hỗn loạn lớn, như mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, giữa Hoa Kỳ và Đức hay giữa Nam Hàn và Nhật Bản, chưa nói gì tới vụ khủng hoảng tại Hong Kong trong khi lãnh đạo Bắc Kinh đang đau đầu vì những bài toán trong nội tình.
– Khi kinh tế toàn cầu bị suy trầm vì cùng một nguyên nhân thì người ta còn dễ tìm ra giải pháp, nhưng khi các nền kinh tế lớn đều có thể bị suy trầm cùng lúc vì lý do riêng thì chính giải pháp của từng nước lại gây ra nhiều hậu quả khó lường.
Nguyên Lam: Kết luận của ông là gì trong khung cảnh ông gọi là khó lường này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Ngoài nguy cơ giảm phát toàn cầu có thể kéo dài nhiều năm, tôi nghĩ đến những gì chúng ta đã ngỡ ngàng thấy năm 1989, cách nay 30 năm, với loại “hậu quả bất lường”. Thời đó, các nước Đông Âu bung khỏi sự kiềm tỏa của Liên Bang Xô Viết và dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô vào cuối năm 1991 rồi sự hình thành của Liên hiệp Âu Châu với thỏa ước Maastricht năm 1992.
– Thời đó, người dân Bắc Kinh tưởng kinh tế thị trường có khi dẫn tới dân chủ rồi họ bị tàn sát tại Quảng trường Thiên An Môn hôm mùng bốn Tháng Sáu năm đó. Thời đó, Nhật tưởng sẽ vượt Hoa Kỳ như Trung Quốc ngày nay rồi bị mấy chục năm suy trầm. Thời đó, hai nước Hồi giáo Iran và Iraq thuộc hai sắc tộc đối nghịch đã kết thúc tám năm chinh chiến để kiểm soát Vịnh Ba Tư mà ít ai thấy hậu qủa bất lường là khối Hồi giáo đã thắng Liên Xô tại Afghanistan nhưng lại dẫn tới nạn khủng bố toàn cầu và biến cố 9-11 tại Hoa Kỳ vào năm 2001. Tôi mong rằng lịch sử không tái diễn như vậy, nhưng không mấy tin vào ước mơ của mình!
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.