LUẬT KHOA
Công lý không nên được xem như một loại drama truyền hình dài tập của Hàn Quốc, nơi mà bộ phim nào có tình tiết hấp dẫn hơn thì có nhiều người xem hơn, nhân vật nào được ủng hộ nhiều hơn thì biên kịch sẽ cho người đó lên làm diễn viên chính.
Khi mà một mặt bạn tung hô công lý và cho rằng, một phiên tòa, một bản án nào đó đã đánh dấu những thay đổi căn bản trong lịch sử tư pháp; nhưng mặt khác cũng chính bạn, ngần ngại né tránh bàn luận một vụ án khác được cho là nhạy cảm chính trị hơn vì bạn sợ đặt mình vào một vị thế nguy hiểm, thì có nghĩa là không có thay đổi tư pháp nào đang diễn ra cả.
Công lý có chọn lọc không còn là công lý.
Có thể nói rằng, vụ án Phương Nga đáng giá hàng trăm cuộc họp lập pháp tại Việt Nam. Đó là điều tốt đẹp nhất mà một vụ án tình – tiền có thể mang lại cho nền tư pháp. Nhưng liệu bản án đó có thật sự đã tạo nên một tiền lệ tốt hay một án lệ cho Việt Nam?
Nếu như bạn không quan tâm đến những bất cập và sai phạm trong quy trình tố tụng của vụ án Mẹ Nấm, và nếu như bạn cho rằng công lý của một vụ án hình sự bình thường khác với công lý của một vụ án chính trị, thì bạn đang là một phần của vấn đề.
Án Phương Nga: Đúng thủ tục, đúng quyền, đúng nghĩa vụ
Người viết sẽ không đi xa hơn trong việc phê phán tính chất vụ án.
Dù cho việc hình sự hoá một tranh chấp dân sự không phải là điều gì tốt đẹp trong xã hội hiện nay, bị cáo Phương Nga vẫn phải được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật.
Như lời của luật sư Trần Vũ Hải chia sẻ trên trang Facebook cá nhân: “Mặc dù Trương Hồ Phương Nga không phải cô gái đúng mực khi quan hệ với một người đàn ông có gia đình, nhưng không thể kết luận cô phạm tội lừa đảo người đàn ông đó”.
Nhìn khách quan, vụ án Phương Nga có thể được xem là một vụ xử án công khai tiêu biểu và đủ sức hút công chúng để làm hình mẫu cho ý thức tố tụng tại Việt Nam.
Một trong những câu nói của bị cáo được quần chúng nhân dân đặc biệt yêu thích: “Im lặng không có nghĩa đồng ý, im lặng chỉ là im lặng… Bị cáo không có nghĩa vụ phải chứng minh mình bị oan hay không phải tội phạm, đó là nghĩa vụ của cơ quan điều tra”.
Thật ra, đây chính là một trong những nguyên tắc căn bản nhất trong Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.
Nhưng vì phần lớn người dân ít khi tiếp xúc với các quy trình và quy định tố tụng, cùng với thói quen cho rằng hễ công an bắt ai thì người đó nhất định không nhiều thì ít đã phạm tội. Đến ngay cả một số các nhà báo cũng có thói quen lập luận như vậy, nên chúng ta không bất ngờ khi thấy số đông dân chúng và báo chí bày tỏ sự yêu thích đối với quan điểm mà họ cho là mới mẻ và cấp tiến này đến thế.
Ở mặt khác, phiên tòa của Phương Nga cũng được cho là có giá trị tiền lệ rất cao khi các bên và luật sư của các bên được quyền trình bày ý kiến mà không bị hạn chế thời lượng hoặc nội dung. Chủ tọa có trách nhiệm điều khiển phiên tòa vào hướng tranh tụng để mọi vấn đề được xác định rõ, không phải nhằm định hướng kết quả của vụ án hay ngăn chặn bị cáo bào chữa.
Theo ông Vũ Phi Long, nguyên Phó chánh tòa Hình sự Toà án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, luật là vậy nhưng trên thực tế, phần trình bày của các bên (có thể ông Long cố ý loại trừ phần trình bày của Viện kiểm sát) thường bị ngắt quãng với lý do phổ biến được viện dẫn là đi ra ngoài trọng tâm cáo trạng đã truy tố.
Quan trọng hơn tất cả, là kết quả của phiên tòa. Kết quả của phiên tòa Phương Nga được đưa ra phù hợp với những tình tiết mà các bên đưa ra, được quyết định dựa trên lập luận mạnh yếu của các bên tại phiên tòa. Bạn có thể nghĩ rằng đó là chuyện đương nhiên, nhưng nếu dành một thời gian nhất định nghiên cứu án hình sự tại Việt Nam, bạn sẽ thấy quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vì không đủ chứng cứ kết tội bị cáo là hàng hiếm, vì nó giống như một cái tát vào mặt cơ quan điều tra và kiểm sát. Ít tòa nào dám làm điều đó.
Dẫu vậy, tất cả những ưu điểm kể trên vẫn còn quá xa vời để vụ án của Trương Hồ Phương Nga và ông Cao Toàn Mỹ có thể được xem là cột mốc quan trọng cho nền tư pháp Việt Nam. Án Phương Nga đơn giản chỉ là một vụ án tròn vai, theo đúng chuẩn mực pháp lý cần có.
Án Mẹ Nấm: người dân lặng im, báo chí qua loa, luật sư bỏ xó, tư pháp bất lực
So sánh tin tức về phiên tòa của Phương Nga và phiên tòa của Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là vô cùng khập khiễng. Đúng, bởi vì chúng cách biệt nhau một trời một vực.
Ngoại trừ các luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo Như Quỳnh, giới luật gia, luật sư không hề sôi nổi như vụ án Phương Nga. Một trong những điểm đáng chú ý của án liên quan đến tuyên truyền chống phá nhà nước là vấn đề thẩm định các tài liệu tuyên truyền. Theo Luật sư Lê Luân tường thuật trên trang cá nhân, những bản giám định cho rằng “các bài viết [của bị cáo Như Quỳnh] ‘ám chỉ’, ‘sử dụng thủ pháp hoán dụ’, ‘sử dụng cách ví von’, ‘bằng cách ẩn dụ’, ‘bài viết mang tính gợi mở, định hướng’, ‘tuy không nói trực tiếp nhưng ẩn chứa là mưu đồ’…”
Liệu những bản giám định như thế này có thể xem là chứng cứ chứng minh tội phạm, có được sử dụng như là sự thật hiển nhiên hay không là điều cực kỳ quan trọng trong nghiên cứu pháp luật hình sự, nhưng hầu hết các chuyên gia pháp lý có vẻ đều né tránh bày tỏ quan điểm.
Đặc biệt hơn, bản cáo trạng (và quyết định của tòa) đều ghi nhận việc bà Như Quỳnh được một tổ chức dân sự ở Thụy Điển mang tên Civil Rights Defenders thỏa thuận gửi số tiền 50.000 Euro cho tổ chức “bất hợp pháp” Mạng lưới Bloggers Việt Nam như là một cấu thành cho tội tuyên truyền chống phá nhà nước. Đây lại cũng là một câu hỏi pháp lý đáng quan tâm.
Tổ chức Mạng lưới Blogger Việt Nam chắc chắn không phải là tổ chức duy nhất nhận tiền tài trợ nước ngoài. Hầu hết các tổ chức xã hội dân sự “hợp pháp” tại Việt Nam đều sống dựa vào nguồn tiền tài trợ đến từ các quốc gia phát triển, vậy nên chắc chắn việc nhận tiền tài trợ từ nước ngoài không phải là hành vi phạm pháp.
Vậy nguyên cớ của cơ quan tố tụng khi đưa thông tin nhận nguồn tài trợ của nước ngoài vào bản án phải chăng nhằm khẳng định rằng cấu thành của tội phải bao gồm việc nhận tài trợ nước ngoài và từ đó thực hiện các hoạt động tuyên truyền? Nếu bị cáo chỉ thực hiện hoạt động tuyên truyền và không nhận tài trợ nước ngoài thì không cấu thành tội? Đây là những câu hỏi không ai biết, và có vẻ cũng không ai muốn trả lời.
Mặt khác, giới báo chí gần như né tránh mọi bàn luận có thể liên quan đến kết quả, định hướng và tính đúng sai của các bên trong bản án, thứ đặc quyền hào nhoáng mà họ chỉ dành cho vụ án tình tiền của Phương Nga. Lướt qua vài bài báo chính thống về án Mẹ Nấm, đôi khi bạn có thể hiểu nhầm bài báo với cáo trạng mà Viện kiểm sát đưa ra.
Trong pháp luật nhân quyền quốc tế, nhiều học giả đặt ra khái niệm công lý chọn lọc (selective justice) để đả kích hiện trạng áp dụng luật nhân quyền quốc tế. Họ cho rằng, luật nhân quyền quốc tế chỉ có thể được coi trọng nếu chúng được áp dụng cho bất kỳ ai vi phạm, không phải chỉ với những “tên đồ tể” mà phương Tây lựa chọn. Dẫu về thực tiễn nghiên cứu, người viết hoàn toàn có thể phản biện lập luận nói trên, nhưng khái niệm công lý chọn lọc tỏ ra rất phù hợp để diễn tả tình trạng tư pháp Việt Nam hiện nay, được thể hiện cụ thể qua hai án Phương Nga và Như Quỳnh.
Tài liệu tham khảo
- Chi Mai – Kỳ Hoa – Hoài Thanh, Phiên tòa hoa hậu Phương Nga là bước tiến của công tác tố tụng, Zing News
- Kỳ Nam, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh lãnh 10 năm tù vì tuyên truyền chống phá Nhà nước, Người Lao Động
- Đ.Linh, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị phạt 10 năm tù, Tuổi trẻ
- Peter Tatchell, Selective justice, The Guardian