Trung Quốc giăng bẫy nợ, Đông Nam Á dè chừng

0
705
Cảng Kyaukpyu ở Myanmar được sự đầu tư và vay vốn của Trung Quốc.
(Tin tức 24h) – Myanmar, Malaysia, Thái Lan đã bắt đầu xem xét giảm hoặc ngừng các dự án Trung Quốc đầu tư vì lo bẫy nợ.
Tờ Nikkei Asian Review dẫn lời Bộ trưởng Kế hoạch và Tài chính Myanmar Soe Win bày tỏ lo ngại về đặc khu kinh tế tại thị trấn Kyaukpyu (bang Rakhine) với kinh phí vay từ Trung Quốc lên đến 10 tỉ USD (229.000 tỉ đồng).

Ông Soe Win thông báo, nước này sẽ giảm bớt quy mô dự án đặc khu kinh tế nói trên từ kế hoạch ban đầu là gồm một hải cảng thuộc hàng lớn nhất Myanmar và một khu công nghiệp 1.000 ha.

“Chúng tôi rút ra được nhiều bài học từ các quốc gia khác, theo đó đầu tư quá mức đôi lúc không mang đến kết quả tốt đẹp… Vấn đề đặt ra là chúng tôi có đủ khả năng trả nợ hay không? Chúng tôi sẽ phải cắt giảm quy mô và tất cả chi phí không cần thiết của dự án” – ông Soe Win cho biết.

Hiện vẫn chưa rõ Chính phủ Myanmar sẽ giảm quy mô tới mức nào.

“Điều này tùy thuộc vào các cuộc đàm phán, nên chúng tôi không thể nêu cụ thể. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc phải có trách nhiệm đảm bảo lợi ích cho hai bên”, – ông Soe Win thông tin.

Tính đến cuối năm 2017, nợ nước ngoài của Myanmar là 9,6 tỉ USD, trong đó 40% từ Trung Quốc.

Malaysia cũng có động thái dè chừng trước các lo ngại về bẫy nợ Trung Quốc.

Cuối tuần trước, Reuters dẫn lời Thủ tướng Mahathir Mohamad cho biết “những điều khoản không công bằng” trong các dự án với Trung Quốc sẽ là vấn đề thảo luận chính trong chuyến thăm của ông đến Bắc Kinh vào tháng 8.

Kuala Lumpur đã đình chỉ 3 dự án với kinh phí vay từ đối tác, được ký kết từ thời cựu Thủ tướng Najib Razak. Trong đó bao gồm tuyến đường sắt bờ biển phía đông (20 tỉ USD) và 2 đường ống dẫn dầu (2,3 tỉ USD).

Các công ty nhà nước Trung Quốc chịu trách nhiệm phát triển cả ba dự án này.

“Có nhiều vấn đề phát sinh trong các dự án bao gồm những điều khoản thiếu công bằng, không có lợi cho Malaysia. Chúng tôi cũng lo ngại lãi suất cho vay quá cao” – Thủ tướng Mahathir Mohamad nói.

Hồi tháng 5, Thủ tướng Mahathir Mohamad thông báo sẽ tái đàm phán với Trung Quốc về dự án tuyến đường sắt bờ biển phía đông có vốn đầu tư 55 tỉ ringgit (hơn 314.000 tỉ đồng).

“Chúng tôi đang tái đàm phán những điều khoản gây thiệt hại cho nền kinh tế Malaysia” – ông Mahathir khẳng định.

Cùng với đó, dự án 17 tỉ USD xây tuyến đường sắt kết nối với Singapore cũng được xem xét lại.

Thủ tướng Malaysia khẳng định, nước này có thể cắt giảm 200 tỉ ringgit nợ công bằng cách hủy bỏ những dự án như vậy.

Tại Thái Lan, đầu năm 2018, nước này đã lên kế hoạch lập quỹ khu vực với các nước gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar để hỗ trợ cơ sở hạ tầng và các dự án phát triển, giảm phụ thuộc vào đầu tư từ Trung Quốc.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha dự kiến đề xuất ý tưởng này cho các nhà lãnh đạo của năm quốc gia vào ngày 16/6 tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 của Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady- Chao Phraya- Mekong (ACMECS).

Ý tưởng này bắt nguồn từ thực tế rằng các nước đều gặp khó khăn trong việc huy động vốn cho các “siêu dự án” hợp tác với Trung Quốc. Mặc dù các nước hoàn toàn có thể vay vốn từ Trung Quốc thông qua các ngân hàng chính sách hoặc ngân hàng thương mại của nước này (như Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc), nhưng điều khoản và lãi suất luôn là một trở ngại.

Tuyến đường sắt cao tốc của Thái Lan là một minh chứng. Tuyến đường sắt dài 873 km với tổng chi phí đầu tư do Trung Quốc ước tính là 10,8 tỉ USD nối Thái Lan với vùng biên giới Lào là dự án chung của Thái và Trung Quốc do Trung Quốc cấp vốn vay.

Tuy nhiên, từ lúc bắt đầu đến nay, Thái Lan và Trung Quốc đã đàm phán với nhau hơn 20 vòng, vì mức lãi suất mà Trung Quốc đề nghị “là cao hơn mức vay thông thường của Thái Lan”.

TS. Phạm Sỹ Thành – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) chia sẻ với Thời báo Kinh tế Sài Gòn, qua nghiên cứu, dự án của Trung Quốc ở nước ngoài bị dừng lại, hủy bỏ không phải là ít.

Có bốn nhóm lý do chính được chính phủ các nước đưa ra, bao gồm: Mối lo ngại đầu tiên là các vấn đề môi trường; Mối lo ngại về các vấn đề xã hội; Các công ty Trung Quốc  thiếu công khai, minh bạch trong quá trình đấu thầu; Sự trỗi dậy của Trung Quốc về quân sự và những căng thẳng về chủ quyền với các nước láng giềng khiến chính phủ các nước nghi ngại các dự án đầu tư CSHT sẽ được dùng làm vũ khí chính trị.

Gần đây, khái niệm “chính sách bẫy nợ/debt trap poilicy” được thảo luận rộng rãi với hàm ý Trung Quốc đưa các nước vào các dự án khổng lồ, tạo ra gánh nặng nợ vượt quá khả năng chi trả của quốc gia dẫn đến sự phụ thuộc chính sách vào ý muốn của Trung Quốc.

Làn sóng xét lại dự án sử dụng vốn vay Trung Quốc ở một số nước Đông Nam Á đã có thể thấy nỗi lo về việc “nợ không trả được” ngày càng trở thành quan ngại của mỗi quốc gia.

Kim Hoa

Nguồn : http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/trung-quoc-giang-bay-no-dong-nam-a-de-chung-3361622/#slideshow

323990cookie-checkTrung Quốc giăng bẫy nợ, Đông Nam Á dè chừng