Friday, May 9, 2025
HomeCHÍNH TRỊ - XÃ HỘITRONG MÊ LỘ CỦA LỊCH SỬ

TRONG MÊ LỘ CỦA LỊCH SỬ

Tôi chơi thân với các “đồng chí lão thành cách mạng” Lê Hiếu Đằng, Hạ Đình Nguyên, Hồ Thanh, Hà Quang Vinh (5 Vinh), mặc dù nhỏ tuổi hơn các ông ấy, nhưng cũng có thể coi như đồng thế hệ. Trước hết, ngoài cái tình bạn bình thường, chúng tôi có thể chia sẻ với nhau những hoài niệm quá khứ (cho dù tôi không phải và chưa bao giờ là Việt Cộng như họ), cũng như những ưu tư hiện tại. Tuy nhiên, điều thú vị nhất, qua họ, tôi biết được rất nhiều chuyện phía sau lịch sử.

Anh Lê Hiếu Đằng đã bước sang một thế giới khác. Giờ đây, anh Hạ Đình Nguyên cũng chuẩn bị lên đường (do ung thư tụy). Trong những ngày cuối cùng này, CLB Lê Hiếu Đằng & Bằng hữu vừa in cho anh Nguyên cuốn tạp bút “Hãy Ngồi Xuống Đây!”.
Tôi có bài viết được in trong cuốn sách, mời các bạn cùng đọc:

TRONG MÊ LỘ CỦA LỊCH SỬ

Tôi biết anh Hạ Đình Nguyên từ 1970 khi vào học Văn khoa Sài Gòn, nhưng chỉ thật sự quen anh từ sau những cuộc biểu tình chống Trung quốc năm 2011.
Có lẽ Hạ Đình Nguyên là một trong những nhân vật tiêu biểu nhất cho phong trào sinh viên tranh đấu trước 1975. Và bây giờ, có lẽ Hạ Đình Nguyên cũng là một trong những người phản tỉnh tiêu biểu nhất, sau những thất vọng về một thể chế mà chính anh là người đã góp phần tạo dựng.
Trước hiện tình một xã hội đi ngược với văn minh nhân loại, một thời gian dài kể từ sau 30.4.1975, tôi không hiểu nổi tại sao dòng máu nóng của những người từng xả thân vì lý tưởng cứu nước như quý vị trong phong trào sinh viên tranh đấu lại nguội lạnh đến thế? Tôi đem câu hỏi này đến với những người cựu trào tôi gặp. Và tôi nhận ra một điều, họ già rồi. Để biện minh.
Nhưng yêu nước thì kể gì già hay trẻ, nam hay nữ. Và tôi tìm được câu trả lời, khi đất nước bị thương tổn bởi những tham vọng bất chính của Trung Quốc.
Trong một thể chế mà bất đồng chính kiến bị coi là tội phạm, thì nguy cơ mất nước là điều có thể khiến con người vượt qua sợ hãi, đứng dậy làm người. Vâng, từ 2007 khi Trung Quốc tuyên bố thành lập huyện đảo Tam Sa (bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam) người dân Việt Nam, trong đó có không ít trí thức đã nhận thức được số phận dân tộc này không thể giao phó cho bất cứ ai, đảng nhóm nào, mà đó là trách nhiệm của tất cả mọi công dân. Từ đó, ý thức chính trị trong xã hội cũng được phục hồi sau rất nhiều năm yên nghỉ, buông xuôi.
Không ít lần, anh Nguyên đã đặt câu hỏi với tôi: “Phải làm gì bây giờ?” Đó là một câu hỏi khó. Cũng không ít lần, anh Nguyên hỏi: “Tại sao người Việt không có tư duy độc lập?” Tôi biết có nhiều tầng lớp suy nghĩ trong câu hỏi tưởng chừng như dễ hiểu này.
Có lẽ, để tự giải quyết cho những vấn đề của mình cũng như của xã hội, anh Nguyên đã viết. Và anh viết khá nhiều. Mặc dù là những bài chính luận, nhưng văn của anh tài hoa, bay bướm. Cũng không ngạc nhiên, Hạ Đình Nguyên vốn là dân cao học Triết của Văn khoa Sài Gòn, bài viết của anh đủ độ thâm sâu nhưng hoàn toàn dễ đọc.
Khi còn khỏe, anh Nguyên vẫn lý giải về trường hợp của mình: “Không ai thấy trọn một dòng sông”. Ở mỗi vị trí, thời điểm của từng cá nhân trong dòng chảy lịch sử, tôi cũng như anh, không nghĩ về đúng sai, nhưng nhất thiết phải hành động như không thể khác. Và điều đó làm nên giá trị mỗi con người.
NGUYỄN VIỆN

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular