Monday, December 23, 2024
HomeBLOGTrí thức trẻ và thời cuộc Việt Nam: Họ là ai?

Trí thức trẻ và thời cuộc Việt Nam: Họ là ai?

Hoà Ái / RFA

Thủ khoa trở thành tội phạm

Bài viết của tác giả Phương Thủy đăng trên Báo An ninh Thế giới Online, thuộc Bộ Công an vào ngày 8 tháng 8 với nội dung về tài xế Hà Văn Nam, sinh năm 1981, ở Thái Bình. Bài báo viết, Nam từng là thủ khoa đại học với số điểm tuyệt đối 30/30 và đang là Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Giáo dục Global Edu Việt Nam. Công việc của Nam đang phát triển tốt nhưng Hà Văn Nam lại sa đà vào việc gây rối tại các trạm thu phí BOT chỉ vì “hư danh trên mạng xã hội”, để rồi phải lãnh án 30 tháng tù giam, do Tòa án Nhân dân huyện Quế Võ, Bắc Ninh tuyên vào ngày 30 tháng 7 với tội danh “gây rối trật tự công cộng.”

Bài báo đặc biệt được dư luận quan tâm bởi vì tình trạng trạm thu phí tràn lan và sai luật ở khắp Việt Nam là một vấn nạn mà truyền thông liên tục vào cuộc và phanh phui, thậm chí các cơ quan bộ, ngành vẫn chưa có giải pháp thỏa đáng và hữu hiệu.

Theo số liệu thống kê của Bộ Giao thông-Vận tải, hiện Việt Nam có 17 trạm BOT đặt sai vị trí nhưng chỉ có duy nhất Trạm BOT Tân Đệ được “giải quyết” và số còn lại vẫn trong tình trạng “nan giải”.

Người ta cứ nói đấy là những người bất mãn, nhưng không phải. Có những người rất thành đạt, người ta vẫn lên tiếng như anh Hà Văn Nam là người thành đạt, đâu phải là dân oan đâu. Họ không bất mãn. Họ thấy bất công và họ lên tiếng…Những người đó hoàn toàn trước đây không hề lên tiếng gì về dân chủ, chưa hề đòi cái quyền gọi là ‘quyền con người’, hay biểu tình chống Trung Quốc. Họ chỉ là đòi những quyền lợi thiết thực nhất của người dân thôi
-Bà Đặng Bích Phượng
Dân chúng tại Việt Nam trong những năm vừa qua đã và đang thực hiện trách nhiệm công dân của họ trong việc chống lại các trạm thu phí BOT hoạt động không đúng theo quy định pháp luật bằng nhiều hình thức như trả tiền lẻ khi qua trạm BOT, dựng lán để ngồi đếm xe qua trạm BOT hay tập trung phản đối trạm BOT…

Đài RFA ghi nhận bài báo viết về tài xế Hà Văn Nam đã gây ra một làn sóng phản đối trong dư luận, bởi vì không ít người cho rằng việc cầm tù của chính quyền Việt Nam đối với tài xế Hà Văn Nam nói riêng và những người chống “BOT bẩn” như thế sẽ bị phản tác dụng, chỉ khiến cho người dân càng bức xúc. Bà Đặng Bích Phượng, ở Hà Nội là một người theo dõi sát sao tình trạng “BOT bẩn” ở Việt Nam lên tiếng với RFA sau khi đọc được thông tin trên bài báo vừa nêu:

“Người ta cứ nói đấy là những người bất mãn, nhưng không phải. Có những người rất thành đạt, người ta vẫn lên tiếng như anh Hà Văn Nam là người thành đạt, đâu phải là dân oan đâu. Họ không bất mãn. Họ thấy bất công và họ lên tiếng. Không chỉ một mình Hà Văn Nam mà còn có Nhóm Bạn hữu Đường xa của cô Phương Ngô và Trịnh Hữu Long…Những người đó hoàn toàn trước đây không hề lên tiếng gì về dân chủ, chưa hề đòi cái quyền gọi là ‘quyền con người’, hay biểu tình chống Trung Quốc. Họ chỉ là đòi những quyền lợi thiết thực nhất của người dân thôi.”

Bà Đặng Bích Phượng còn cho tỏ rõ thái độ qua chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của mình, bà Phượng viết “Từ câu chuyện Hà Văn Nam mới nghĩ: Giỏi để làm gì? Người Việt vô số người giỏi, nhưng mấy người sống có trách nhiệm như Hà Văn Nam?”.

Đài Á Châu Tự Do cũng ghi nhận trên mạng xã hội có rất nhiều ý kiến tương đồng với bà Đặng Bích Phượng. Họ đều cho là việc chống tham nhũng, chống “BOT bẩn”, kêu gọi bảo vệ môi trường… là những việc làm tốt cho xã hội, thế nhưng lại quá trớ trêu khi những người giỏi có tâm huyết với quê hương đất nước thì lại bị chính quyền đưa vào tù.

Ngày càng nhiều trí thức trẻ đi tù

Nhiều cư dân mạng còn liệt kê không chỉ anh Hà Văn Nam mà còn rất nhiều trí thức trẻ cũng chung số phận như Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung, Sinh viên Trần Hoàng Phúc, Sinh viên Phan Kim Khánh, nhà báo Nguyễn Văn Hóa, thanh niên Nguyễn Viết Dũng…Riêng trường hợp Nguyễn Viết Dũng, anh là tù nhân chính trị hai lần bị tuyên án tù lần lượt 15 tháng tù, do tuần hành chống chặt cây xanh và 7 năm tù giam, 5 năm quản chế, do cắm cờ vàng ba sọc đỏ cùng các bài viết bày tỏ chính kiến của bản thân.

Tù nhân lương tâm-Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung nêu lên nhận định của anh vì sao ngày càng có nhiều trí thức trẻ chọn con đường dấn thân vì tương lai của Việt Nam:

“Thứ nhất là do trình độ dân trí ngày càng cao cộng với sự phát triển của internet như 3G, 4G và nhất là mạng xã hội Facebook ở Việt Nam đã giúp cho phát triển tri thức về dân chủ, về pháp quyền đến rộng rãi với tất cả mọi người. Thứ hai, là do sự dấn thân của rất nhiều người đi trước đã tạo cảm hứng cho giới trẻ. Bản thân Trung ngày xưa cũng từng được tạo cảm hứng từ những người như Giáo sư Hoàng Minh Chính, Giáo sư Trần Khuê…Điểm thứ ba cũng rất quan trọng là do chính sách của nhà cầm quyền ngày càng mất lòng dân, xâm phạm quyền và lợi ích của người dân trên diện rộng. Ví dụ như vấn đề dân oan mất đất hay vấn đề các trạm thu phí BOT vô lý mà anh Hà Văn Nam đang phải chịu án tù…Vì do xâm phạm trực tiếp tới quyền lợi của người dân cho nên ngày càng đông người dân ý thức được bản chất thực sự của một chế độ độc đảng toàn trị mà trong khi đó giới trẻ còn cả tương dài phía trước cùng với đất nước. Do số phận của họ gắn chặt với số phận đất nước cho nên họ phải lên tiếng thôi.”

Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng với những bản án tù mà các trí thức trẻ đang gánh chịu sẽ tác động như thế nào đến tinh thần của nam nữ thanh niên ở Việt Nam, những người muốn góp phần vào việc xây dựng một xã hội tốt đẹp và văn minh hơn, Thạc sĩ nguyễn Tiến Trung nhấn mạnh:

Chắc chắn những bản án tù nhiều năm sẽ làm cho một số người sợ hãi. Điều đó mình không thể phủ nhận. Nhưng ngược lại, ngày càng đông những người mà họ chấp nhận những bản án tù dài như vậy thì họ sẽ tạo cảm hứng cho nhiều người khác…Theo Trung thì càng lúc càng đông người hơn và càng bớt sợ hãi đi và càng lúc người ta càng coi thường chuyện tù tội
-Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung
“Chắc chắn những bản án tù nhiều năm sẽ làm cho một số người sợ hãi. Điều đó mình không thể phủ nhận. Nhưng ngược lại, ngày càng đông những người mà họ chấp nhận những bản án tù dài như vậy thì họ sẽ tạo cảm hứng cho nhiều người khác. Ví dụ như trước anh Hà Văn Nam thì đã có anh Trần Huỳnh Duy Thức chịu bản án tù rất dài 16 năm hay như Blogger Mẹ Nấm và chị Trần Thị Nga cả 9 đến 10 năm tù. Bản thân những người phụ nữ đó cũng tạo cảm hứng cho nhiều người trẻ. Cho nên theo Trung thì càng lúc càng đông người hơn và càng bớt sợ hãi đi và càng lúc người ta càng coi thường chuyện tù tội.”

Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung khẳng định đó là quy luật tiến lên của xã hội. Người dân của một quốc gia sẽ lên tiếng vì quyền lợi của họ và không có thế lực nào cản được, kể cả Đảng Cộng sản. Qua những bản án tù nặng nề thì sẽ càng có thêm nhiều người cùng cất tiếng nói hơn.

Lời khẳng định của tù nhân lương tâm trẻ tuổi Nguyễn Tiến Trung có thể minh chứng qua những tuyên bố như của Nhà báo tự do Đỗ Cao Cường, một nhà báo chuyên đưa tin về ô nhiễm môi trường, rằng “Giết tôi, rồi hãy bắt tôi im lặng” hay như của mẹ tù nhân lương tâm Trần Hoàng Phúc rằng “Gia đình sẽ đồng hành đến cùng với Phúc” và của một người dân như bà Đặng Bích Phượng rằng bà và hàng xóm của bà luôn ủng hộ vào các quỹ từ thiện như Quỹ 50k để giúp đỡ cho những tù nhân trẻ tuổi, những người đấu tranh chống bất công, đòi công bằng cho người dân tại Việt Nam.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular