Saturday, December 14, 2024
HomeBIỂN ĐÔNGTRẢ LỜI THỜI BÁO HOÀN CẦU CŨNG NHƯ ĐẠI SỨ QUÁN TQ...

TRẢ LỜI THỜI BÁO HOÀN CẦU CŨNG NHƯ ĐẠI SỨ QUÁN TQ VÀ BỌN TAY SAI TQ.

FB Trí Minh Ngô

Hôm qua, fanpage của Đại Sứ Quán Trung Quốc tại Việt Nam đăng lại lời của ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) với tựa đề “Nói vài lời thật lòng với người Việt Nam”. Đọc thấy chướng tai, là một người Việt Nam, tôi cũng có vài lời nói lại.

Ở bài viết trên, ông đại ý cho rằng Việt Nam cần tỉnh táo, đừng bị Mỹ ly gián trong quan hệ với Trung Quốc.

Đầu bài viết, TBT Hồ Tích Tiến “nhắc nhở” rằng: “Mỹ từng ném hàng nghìn hàng vạn tấn bom xuống miền Bắc Việt Nam, trong đó bao gồm Hà Nội vài chục năm trước”.

Vậy tôi cũng xin nhắc nhở lại: Thời chưa hiện đại thì bằng đao kiếm, giáo mác… đến thời hiện đại thì bằng súng ống, đạn pháo…, Trung Quốc đã sát hại không thương tiếc biết bao người Việt Nam suốt hàng ngàn năm qua.

Tổng biên tập Hồ Tích Tiến nêu ra 5 lợi ích để chứng minh rằng Việt Nam cần duy trì “tình hữu nghị” với Trung Quốc, mà nói thẳng ra là ý ông bảo đừng nên qua lại gì với Mỹ. Tôi xin dẫn trích và trả lời lại từng lợi ích.

1. “Mỹ không thể nào thật lòng mong tốt cho Việt Nam, mục đích lớn nhất của Mỹ khi phát triển quan hệ với Việt Nam là lợi dụng Việt Nam”.

–> thực ra nhiều người Việt, trong đó có tôi, chẳng bao giờ kỳ vọng người Mỹ vì tình thương mến thương mà hành động vô vụ lợi. Xây dựng một mối quan hệ đôi bên cùng có lợi là chuyện bình thường trong quan hệ quốc tế.

2. “Dốc sức phát triển quan hệ tốt đẹp với Việt Nam là một phần trong chính sách láng giềng hữu nghị lâu dài của Trung Quốc, hơn nữa quan hệ Trung – Việt ổn định và phát triển theo hướng tốt có ý nghĩa căn bản hơn đối với Việt Nam”

–> Nhiều năm qua, Việt Nam vẫn dốc sức phát triển mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Trung Quốc đó thôi. Nhưng ngược lại Trung Quốc đối xử với Việt Nam thế nào khi dùng mọi thủ đoạn đê hèn để lấn đất – chiếm biển của người Việt (!?)
Quan hệ Việt – Trung có ổn định hay không là do Trung Quốc, chẳng phải do Việt Nam. Làm sao có thể trông cậy vào điều đó khi chỉ mới đây thôi, nhóm tàu Hải cảnh Trung Quốc với kích thước “khủng”, được trang bị vũ khí hỏa lực mạnh, đã đâm chìm tàu cá bằng gỗ của ngư dân Việt Nam tay không vũ khí.

3. “Việt Nam có thể duy trì cục diện chính trị ổn định, sự nâng đỡ chiến lược tiềm tàng lớn nhất là đến từ ổn định chính trị của Trung Quốc”

–> Thực tế lại chứng minh Việt Nam có thể duy trì cục diện chính trị ổn định nếu Trung Quốc đừng quấy phá. Cụ thể nếu năm 2014, Trung Quốc không đưa dàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm Việt Nam, thì đã không xảy ra một số diễn biến lộn xộn tại Việt Nam vào thời điểm đó. Việc trông chờ Trung Quốc đừng gây rối đã khó, thì làm sao Việt Nam dám trông chờ Trung Quốc “nâng đỡ”.

4. “Các thế lực chính trị chống đối nổi dậy trong và ngoài nước sớm muộn sẽ dấy lên cơn sóng lớn, khiến Việt Nam đối mặt với thách thức căn bản. Đến lúc đó, Mỹ và phương Tây chắc chắn là những bên thêm dầu vào lửa, thậm chí giáng đòn chủ yếu vào Việt Nam”

–> Ngay cả điều này là đúng. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc rằng Việt Nam chỉ sợ hãi, luôn né tránh tăng cường quan hệ với Mỹ và phương Tây. Điều mà Việt Nam cần làm là tăng cường quan hệ với Mỹ và phương Tây để giải quyết các bất đồng.

5. “Để Trung Quốc trở thành động lực phát triển và là chỗ dựa thực hiện lợi ích quốc gia quan trọng của Việt Nam, chứ không phải biến thành trở lực cho chiến lược quốc gia Việt Nam”

–> Xin dẫn lại phần trên để trả lời cho điều này. Đó là bao lâu nay, Trung Quốc thường xuyên gây rối, quấy phá Việt Nam, nên cũng nói thiệt một câu là suốt bao năm qua, Trung Quốc gây trở lực nhiều hơn tạo động lực cho Việt Nam. Động lực duy nhất mà nhiều người Việt xung quanh tôi nhận thấy là: Phải cố gắng phát triển đất nước để không bị Trung Quốc gây rối.

* Cuối cùng, tôi xin dẫn lại câu nói “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” để nhắc nhở các ông rằng: Các ông đừng đổ lỗi cho các nước lân cận, mà hãy nhìn lại hành động của chính mình; Các ông hãy tự nhìn lại tại sao bị nhiều nước e dè, mà thậm chí nhiều người dân Hồng Kông, Đài Loan không muốn hướng về “đất mẹ” Trung Quốc đại lục.

Nhân đây, cũng xin nói rằng nhiều người Việt Nam đều có chung một quan điểm là không có nhu cầu tiếp nhận sự “giáo huấn” từ người Trung Quốc dù đó là lời “giáo huấn” của một tổng biên tập như ông hay từ ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc đang chăm chăm mộng tưởng về một “Trung Hoa đại mộng”.

Fb Tri M.Ngo

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular