Để tiếp tục trả lời câu hỏi của một số độc giả: “Tại sao phong trào đấu tranh tự do – dân chủ ở VN vẫn không chuyển biến mạnh mẽ dù có vẻ tình hình thuận lợi hơn”, NNG kể hầu quý độc giả một câu chuyện nhỏ khi đang ở tù.
Theo thông tư 37 của BCA, nhà báo Điếu Cày đã cung cấp hình ảnh “nhà tù trong nhà tù”.
Tất cả những người mang “án chính trị” bị nhốt cách ly với tù thường phạm đã đành, còn bị nhốt cách ly với nhau. Cứ mỗi 2 người 1 buồng, trước cửa có 1 miếng đất nhỏ để trồng cây.
Quý độc giả hãy mường tượng, chúng tôi bị giam nhốt – gần như đúng nghĩa – trong một chuồng nuôi thú dữ ở sở thú Sài Gòn (không phải dạng safari). Tức là “chuồng nhỏ” là nơi để con thú dữ ngủ, lôi thịt vào ăn, ỉa đái ở đó v.v… “Chuồng lớn” là nơi để thú dữ đi qua đi lại cho du khách nhìn ngắm.
Nhưng chúng tôi còn tệ hơn thế, bởi “chuồng lớn” với diện tích nhỏ bé, chừng vài bước chân mỗi chiều ngang dọc cùng vách tường cao 4 mét, trên đầu là 2 lớp lưới (1 lớp lưới B40 và một lớp lưới với mắt lưới dày hơn). Ngay cả chim muông cũng không bay vào được.
Ngoài ra, “chuồng lớn” chỉ có 1 cửa ra vào bằng “sắt ô vuông 6 phân” luôn khóa chặt, chỉ mở lúc lấy cơm khoảng 6 phút/3 lần/ngày.
“Chuồng nhỏ” chỉ có 1 ô gọi là “cửa sổ” với sắt tròn phi 12, vẻn vẹn: ngang khoảng 60cm, dọc khoảng 40cm và một cửa ra vào làm bằng thép lá, khóa bằng thanh sắt và ống khóa dày cộp, xỏ ngang vào mỗi chiều lúc 5 giờ và chỉ được mở vào 6 giờ sáng hôm sau.
Dù là chuồng lớn hay nhỏ đều có gắn camera quan sát nhất cử nhất động của chúng tôi (nghĩa là còn tệ hơn nhốt thú dữ). Tổng cộng có 3 camera luôn chĩa vào “con thú” 24/24, cùng với một bóng đèn compact ánh sáng trắng mở suốt đêm.
Khái niệm “nhà tù trong nhà tù” nhà báo Điếu Cày mô tả là như vậy.
Chúng tôi cũng luôn bị bọn cai ngục hăm dọa, nếu không bị nhốt biệt giam sẽ đối diện với cái cùm, một khi không “ngoan ngoãn”. Không những thế, chúng tôi luôn đối diện với cái nóng thiêu đốt vào mùa hè và cái lạnh thấu xương vào mùa đông (dù Xuân Lộc – chỗ tôi bị nhốt – không phải miền Bắc, nhưng nó là nơi thâm sơn cùng cốc nhất của Đồng Nai).
Thỉnh thoảng, chúng tôi còn được “xả stress” bằng những lời cầu kinh cho “một người vừa nằm xuống” đâu đó, ở ngoài “khu thường phạm” vọng về! Đặc biệt những tiếng kinh cầu ám ảnh chúng tôi mãnh liệt, khi nó rền rền và nỉ non như tiếng khóc nghẹn giọng – từ chiếc micro và amply cũ kỹ nhả ra – như tiếng hồn oan từ cõi âm ty, vào những chiều mưa buồn rả rích, trong một không gian cô quạnh và im ắng đến rợn người!
Một tiếng cười giòn tan không bao giờ có!
Chúng tôi nghe rõ cả tiếng tim mình đang đập chầm chậm trong lồng ngực phập phồng của nỗi khao khát tự do, cùng hình ảnh gia đình đang quay quắt vào những tối khuya lạnh lẽo!
NNG cố gắng mô tả kỹ (chỉ một phần) không gian sống và “hương vị nhà tù” như trên để đặt câu hỏi với quý độc giả:
Tinh thần của người tù chúng tôi, nếu không bị tâm thần các dạng (vui lòng nhớ cho, tâm thần có rất nhiều dạng: thể hoang tưởng, thể phân liệt, thể động kinh, thể trầm cảm, thể rối loạn hành vi v.v…) thì sống bình thản có nên gọi tên “kỳ tích” hay không giữa những bạn tù không chỉ tâm thần mà còn là “chín người mười tám ý”?
Không phải ai bị bắt với tên gọi “tù nhân lương tâm” đều giống nhau về nhận thức và nó là một trong những tính chất NNG muốn đề cập: Tính vô kỷ luật – Một tính chất mà có bạn đọc thở hắt ra: “Người VN mình có bao giờ có đâu!” khi NNG mới chỉ gợi ý như là một sự khởi đầu, vốn dĩ cần thiết vô cùng cho những độc giả nào đặt câu hỏi cho NNG “tại sao phong trào đấu tranh không có chuyển biến mạnh mẽ?”
Và chủ đề này… cũng đầy ý nhị/tế nhị/đụng chạm rất rất rất và rất nhiều người, dù NNG không bao giờ nêu tên họ cụ thể.
(Còn nữa)
__________
NNG