Trương Châu Hữu Danh
Hôm nay TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử phúc thẩm anh Hà Văn Nam – công dân chống BOT bẩn trên toàn quốc.
Như toà cấp huyện, toà cấp tỉnh cũng tìm mọi cách để hạn chế công khai khi ở phòng xét xử không có sóng điện thoại, phòng xử đủ bé để giới hạn người lọt vào trong. Cũng như toà cấp huyện, xử một công dân yêu nước là vòng trong vòng ngoài cảnh sát cơ động.
Trước đó, ngày 30/7, TAND huyện Quế Võ (Bắc Ninh) xét xử sơ thẩm và tuyên phạt công dân chống BOT bẩn Nguyễn Quỳnh Phong (SN 1986, ở Chí Linh, Hải Dương) 36 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Cùng tội danh, anh Lê Văn Khiển (SN 1990, ở Chí Linh) và anh Hà Văn Nam (SN 1981, ở Hà Nội) đều nhận mức án 30 tháng. Ngoài ra, các anh Nguyễn Tuấn Quân (SN 1984), anh Vũ Văn Hà (SN 1990), anh Ngô Quang Hùng (SN 1993, cùng ở Chí Linh) mỗi người chịu 24 tháng tù; anh Trần Quang Hải (SN 1991, ở Quế Võ) lĩnh 18 tháng tù.
Theo bản án, trạm BOT Phả Lại đặt trên Quốc lộ 18 thuộc huyện Quế Võ được thu phí từ ngày 24/12/2018. Tuy nhiên, một số người dân quanh trạm cho rằng việc thu phí với xe cộ ở địa phương là sai nên tập trung phản đối.
Ngày 29/12/2018, anh Hà Văn Nam gọi điện cho anh Nguyễn Quỳnh Phong nói đã xem clip về việc người dân phản đối thu phí; hẹn khi rảnh sẽ về giúp. Hai ngày sau, thì anh Nam về BOT này. Đến thời điểm này, anh chỉ biết anh Phong và không quen biết 5 người còn lại.
Tại làn thu phí, anh Nam được một người dân chở và dừng lại. Anh Nam yêu cầu được làm việc với trạm trưởng, nhân viên thu phí đồng ý để xe này đậu tại làn thu phí. Trong thời gian anh Nam vào làm việc với trạm thì phía ngoài các xe kéo về.
Nhóm 6 bị cáo nói trên tập trung tại BOT Phả Lại đồng thời dừng ở làn thu phí gây ùn tắc giao thông trong khoảng thời gian từ 14h đến 15h30 ngày 31/12. Thực tế thì việc ùn tắc gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn đầu, là giao dịch dân sự, trạm không xả nên ùn ứ. Đến khoảng 15h thì lãnh đạo trạm là ông Mạc Tuấn Long phải gặp, đối thoại và đồng ý xả trạm nhưng các tài xế không đi.
Phiên tòa thể hiện, suốt thời gian 6 anh phản đối thì anh Hà Văn Nam đang đối thoại bên trong. Và hồ sơ cũng thể hiện, anh Nam chỉ bàn với anh Phong là cùng nhau làm việc với lãnh đạo trạm, yêu cầu miễn phí cho dân tại chỗ chứ anh Nam không hề có ý định làm cho ùn tắc giao thông.
Việc tòa áp dụng tội gây rối trật tự công cộng rồi lôi kéo anh Nam vào, gắn cho anh tội xúi giục để xử án dằn mặt là hành động trả thù. Nói thẳng, anh Nam không có tội.
Trước khi anh Nam bị bắt thì bọn xã hội đen cũng đánh anh gãy nhiều xương sườn, dập nội tạng nhưng không ai bị xử lý.
Sau khi đánh anh Nam, xã hội đen còn tạt máu vào xe anh.
Ngoài gây thù chuốc oán với BOT bẩn, thì tòa xác định anh Nam nhân thân rất tốt.
Anh Nam nhiều lần hoạt động thiện nguyện, có giấy khen của quận và thành phố Hà Nội.
Anh có vài chục lần hiến máu cứu người.
Trước khi bị tống vào nhà giam, anh là một đảng viên cộng sản gương mẫu.
Sau phiên toà sơ thẩm, nhiều tờ báo đứng về phía BOT bẩn, “vạch mặt Hà Văn Nam”. Các tờ báo giật tít “Con đường trượt dài của thủ khoa Hà Văn Nam”. Các bài báo nêu rõ: “Hà Văn Nam đậu thủ khoa 30/30 hai trường đại học danh tiếng, ra trường làm trưởng phòng ở doanh nghiệp lớn của nhà nước, sau đó vì cha Nam bệnh nên Nam xin nghỉ nhà nước để mở công ty tại nhà có điều kiện báo hiếu cho cha. Rồi Nam thành đạt với doanh nghiệp của mình, nhưng “y” trượt dài khi chống BOT…”.
Sau các bài báo này, người ta càng hiểu thêm về Nam:
– Với giới tài xế, anh Hà Văn Nam có công.
– Với người nghèo, anh Hà Văn Nam có tình, khi liên tục đi hỗ trợ người nghèo.
– Với người bệnh cần máu để sống, anh Hà Văn Nam có ơn khi đều đặn hiến máu.
Với các cơ quan tố tụng Quế Võ, anh Hà Văn Nam là tên tội phạm.
Vì lẽ đơn giản, anh đang ở phía nhân dân.
Tội của anh Nam là gì? Ngoài lòng yêu Nước!
Phiên toà vẫn đang tiếp diễn… Vẫn chưa biết kết quả cuối cùng, nhưng với cách hành xử của Bắc Ninh thì công lý thật bần hèn.
——-
Nguồn: Hữu Danh