Tôi Là Người Tị Nạn

0
906
LÊ TẠO

Đôi lời phi lộ: Mỗi tháng 4, tôi tự nhắc mình, về “căn cước” của chính mình. Cách nhắc tốt nhất, có lẽ là đọc lại bài thơ cũ.
***
Phần 1 – Đi

Tháng 9/54 tôi từ Bắc xuôi Nam
Tháng 4/75 tôi ra biển
Một lần đi, một lần miên viễn
Tôi ra đi tránh thú dữ, tránh chủ nghĩa, tránh tượng đài
Ra khỏi nước, khi bóng chiều đã ngã trên vai
Năm mươi tuổi, tôi bắt đầu làm lại

Tháng 5/77 tôi ra đi
Tôi trốn chạy phố phường ngập tràn cờ đỏ
Tôi ra đi tránh lố nhố áo vàng
Đi trong đêm tối mịt mùng
Giữa tiếng súng, tiếng chân người, tiếng chó sủa đêm khuya
Tôi đến Mã Lai trong cái nắng trưa hè.
Tôi còn nhớ, năm tôi 30 tuổi.

Tháng 10/79 tôi ra đi
Cả nhà 7 người, sống còn chỉ 4.
Chiếc ghe nhỏ, gần 100 người, lênh đênh trên biển lớn
Gặp hải tặc chục lần
Đàn bà con gái rách nát xác thân
Đến Thái Lan bước đi không vững
Tôi, đứa con gái 17 tuổi, va chạm đời với nước da cớm nắng.

Mười ba tuổi, theo anh, tôi ra đi năm 81
Bằng đường bộ, qua Campuchia
Ở giữa cánh rừng già, nghe tiếng chửi thề của lính Khơ me
băng qua những cánh đồng đầy mìn và xương người lác đác
Có khi, tiếng súng AK gần trong gang tấc
Tôi đi, miệng cầu trời khấn phật
Tôi tới Thái trong cơn rét mùa đông.

Tôi may mắn ra đi theo diện H.O,
Tôi theo ba tôi, một ông già nhỏ thó
Bị tù đày Việt Bắc đủ chẵn 10 năm
Tôi đến Mỹ trong một đêm rằm
Nhưng ánh trăng, nhìn sao mà vàng vọt
Hăm mấy tuổi đầu, ngày rửa chén nhà hàng, ban đêm tôi đi học
Cho bạn bè xem sức lực đứa con của “gã Ngụy Quân” …

Họ bảo: tôi đi vì cơm thừa canh cặn
Họ bảo: tôi đi vì 1 tiếng lợi danh
Họ bảo: tôi đi vì những tờ đô la xanh.
Họ bảo: tôi đi vì ham bánh mì, bơ sữa
Họ bảo: những người như tôi ôm chân đế quốc

Họ đâu có biết: tôi cần tự do như cần hơi thở
Họ đâu có hiểu: đi là đánh đổi mạng sống của mình
Họ đâu có tường: đi là tôi tự mình xa cách quê hương
Họ đâu có thấm: đi, là một lần xa cha, cách mẹ.

Nếu bị bắt, xác thân tôi tơi tả
Họ sẽ nhốt chúng tôi trong những xà lim.
Sẽ đưa tôi đi lên những trại giam, xa người, gần thú
Họ bỏ tôi đói.
Họ bắt tôi làm
Họ chửi trâu bò
Họ kêu mọi rợ
Họ cắt hộ khẩu;
Tước quyền công dân
…..

Chúng tôi ra đi, đâu chỉ cho bản thân
Ra đi để cho mình và bao người được sống.

*

Phần 2 – Đến

Nhờ tấm lòng rộng mở của 5 châu
Chúng tôi tới Mỹ, Tây, Úc, Na uy …
Tôi rửa chén nhà hàng
Tôi học cách sơn móng tay
Tôi đi bỏ báo
Tôi đi lượm lon
Tôi học mổ bò
Tôi học cắt cỏ
Tôi theo nghề xây dựng
Tôi lái taxi
Tôi học tiếng người
Tôi làm mọi việc với mức lương tối thiểu
Tôi vất vả mỗi ngày 14 tiếng
Lòng vẫn vui vì làm điều lương thiện
Mỗi bước chân, gắn với cuốn tự điển trên tay
Mồ hôi tôi tuôn đổ giữa ban ngày, dù trời băng giá
Nước mắt tôi đầm đìa trên xứ lạ.
Lạ từng vuông đường
Lạ từng góc phố
Lạ trạm xe buýt
Lạ góc nhà thờ
Lạ ga tàu điện
Lạ những công viên
Lạ cả những nghĩa trang khi đưa tiễn …

Tôi tự nuôi tôi và nuôi những người còn kẹt lại quê nhà
Gởi người thân nhỏ giọt những thùng quà
Dăm ba tháng, nhận những lá thư vàng úa.
Không lá thư nào không tang thương dâu bể
Không lá thư nào, không nước mắt đắng cay
Tôi đi lên từ mỗi cơ cực tháng ngày
Con tôi khôn lớn từ nước mắt, mồ hôi cha mẹ.

Mấy chục năm qua …
Tôi mua căn nhà
Tôi chủ tiệm Nail
Tôi có nhà hàng
Tôi mở tiệm sửa xe
Tôi đi làm trong những công ty tầm cỡ
Tôi mua dăm ba khu phố
Tôi đầu tư cho con mình, ở ngày tháng tương lai …

Con chúng tôi lớn lên giữa lòng phù sa màu mỡ
Hiểu nổi cơ cực của Mẹ Cha
Chúng chăm học, vì mang trong mình dòng máu của Đinh, Lý, Trần, Lê …
Chúng lãnh thưởng nơi này
Chúng đứng đầu môn nọ
Chúng xông vào chiến trường đổ lửa
Chúng đi đến cực Bắc, cực Nam của quả địa cầu
Dù xa lắc nơi đâu
Cũng có tên người Việt nơi đó
Chúng làm rạng danh cha ông
Hãnh diện làm con của dòng máu kiêu hùng Lạc Việt

Nếu không ra đi
Giờ này, con chúng tôi làm gì, với cái lý lịch tối đen?
Buôn thúng bán bưng?
Bước xuống đời bằng những trò láo khoét?
Đi lao động Hàn Quốc?
Đi Singapore, bán thân cho thiên hạ mua vui?
Hay học theo cái ác đang gieo rắc khắp nơi nơi?
Hay im lặng, cúi đầu
Nghe chỉ giáo từ thiên đường xã nghĩa?

*

Phần 3 – Về

Khi cần đô la
Họ mở cửa ra
Họ đón tôi về
Họ theo dõi từng đồng trong túi
Họ bắt đóng dấu
Họ bắt mở thùng
Họ kiểm tra từng khoan vuông giỏ xách
Họ muốn làm tiền, dù chỉ dăm ba chục,
Những gương mặt lục súc
Từ thuở mẹ sanh thiếu một nụ cười.
Ánh mắt láo liên nhìn xuyên qua túi
Túi của anh, của chị, của chú, của cô ….

Họ đổi giọng, thay cách xưng hô
Khi cần bắt, họ gọi tôi phản quốc
Khi cần tiền, tôi trở thành Việt kiều yêu nước
Tôi vẫn là tôi giữa giữa giông gió cuộc đời
Chỉ có họ là người không trung thực
Họ mang cái đầu đất sét, thay trắng, đổi đen
mang mặt nạ của những kẻ bất lương
Lật lọng năm bảy đường
Có khi nhổ ra liếm lại

Họ nào có yêu gì chúng tôi
Họ chỉ yêu những đồng đô la xanh mới
Họ kêu gọi đầu tư, rồi rập rình tố cáo
Có kẻ về, vinh thân, phì gia, lếu láo
Có kẻ về, gạt gẫm những thường dân
Có kẻ về, đóng góp sức mình cho “đảng vinh quang”
Sau một thời gian, chanh cũng chỉ còn lại vỏ
Họ lật lọng, họ bỏ tù
Họ chửi thầm trong bụng: những thằng ngu!
Đã đi rồi, còn về đây chịu chết.

*
Phần 4- Căn cước

Họ có biết đâu
Phần đông chúng tôi, những người xa đất nước
Chỉ có một căn cước duy nhất của chính mình
Đã chấp nhận tử sinh
Để sống một đời đáng sống
Để mang căn cước một người tị nạn
Vâng, một người tị nạn Việt Nam

Chúng tôi ra đi bằng thuyền
Chúng tôi ra đi bằng đường bộ
Chúng tôi ra đi bằng máy bay
Bằng bất cứ phương tiện gì có được
Vì Búa Liềm, phải rời xa đất nước.
Búa: đập vỡ bao cuộc đời mộng ước
Liềm: cắt đi bao hy vọng tương lai
Đi, nhóm lên ngọn lửa thắp sáng đêm dài
Đi, để cháu con được một lần ngẩng đầu kiêu hãnh
Đi, là làm một người tị nạn
Mang dòng máu kiêu hùng dồn lại tự ngàn xưa.

Lê Tạo

#ThơLeTao

408130cookie-checkTôi Là Người Tị Nạn