Hoà Ái / RFA
Thăm tù chính trị những ngày giáp Tết
Vợ của tù nhân chính trị Nguyễn Ngọc Ánh, bà Nguyễn Thị Châu vào tối 23/1 chia sẻ với RFA rằng bà đã ngược xuôi gần 700 cây số trong vòng 2 ngày 1 đêm để được gặp chồng chỉ vỏn vẹn trong 30 phút đồng hồ hôm 28 Tết.
Bà Châu kể lại nỗi gian nan thăm chồng trong những ngày giáp Tết Canh Tý:
“Sáng ngày 21/1 tôi đi đến trại giam ở Bến Tre để gửi thức ăn và thăm chồng dịp Tết. Nhưng khi đến gần trại giam thì tôi nghe tin chồng đã chuyển trại. Lúc đó tôi cảm thấy không giữ được bình tĩnh tại vì chồng tôi bị chuyển trại mà tôi không nhận được giấy tờ thông báo gì để biết chồng đang ở đâu, cho nên lúc đó tôi quay về luôn.
Sau đó mới sực nhớ nếu không có giấy tờ nào để đi đến trại giam mới tìm chồng và chỗ trại giam mới nói rằng không có tiếp nhận chồng mình thì lại khổ nữa. Tôi lại tiếp tục chạy hơn 50 cây số đến trại giam ở Bến Tre để xin giấy nhưng trại giam dứt khoát từ chối không đưa cho giấy mà bảo đi thẳng lên trại giam Xuân Lộc để gặp. Lúc đó tôi nhanh ý, ghi lại live stream để ghi lại lời nói của cán bộ trại giam để đến trại giam Xuân Lộc mà người ta từ chối thì còn có bằng chứng.
Chiều hôm đó về nhà làm thức ăn đến 11 giờ đêm và lên xe đi đến trại giam Xuân Lộc cách 230 cây số ngay trong đêm. Bởi vì tôi nghe nói trại giam chỉ làm việc đến ngày 27 Tết nên sợ không kịp.”
Mặc dù có mặt ở trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai từ sáng sớm ngày 28 Tết nhưng mãi đến gần 2 giờ chiều bà Châu mới được phép gặp chồng và sau đó bà Châu đi xe máy về trọ ngủ ở Sài Gòn, đến sáng hôm sau nữa mới về lại quê chuẩn bị Tết cho gia đình.
Đài RFA ghi nhận thân nhân của các tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, tù nhân tôn giáo tại Việt Nam trong những ngày giáp Tết Canh Tý cũng có hoàn cảnh tương tự như của gia đình kỹ sư nuôi tôm Nguyễn Ngọc Ánh, người bị tuyên án 6 năm tù giam và 5 năm quản chế dưới tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”.
Bà Lê Thị Thập, vợ của tù chính trị Lưu Văn Vịnh chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do là bà đi đến trại giam Gia Trung thăm chồng vào hôm 27 Tết và được chồng báo tin có 4 tù nhân lương tâm mới được chuyển đến mà gia đình của họ chưa nhận được tin. Bà Thập nói về buổi gặp chồng mới nhất khiến cho bà có thêm động lực trong dịp đón Tết năm mới này:
Tết buồn thê thảm! Thấy cảnh Tết gia đình người ta sum họp còn gia đình mình thì kẻ một nơi, người một ngả rồi ly tán hết. Mẹ em thì suy sụp tinh thần và bệnh hoài. Em thấy vậy còn tủi thân thêm chứ Tết có ý nghĩa gì đâu. Trước khi biến cố xảy ra thì gia đình em đón Tết rất vui vẻ vì có bạn bè và mấy người đồng đạo của tía đến nhà. Mấy người ở phương xa cỡ nào cũng đến thăm tía em. Khi tía em bị bắt tới giờ, không có một bóng dáng nào tới nữa vì tới bao nhiêu người thì bị lập biên bản, bị làm khó nên mọi người xa lánh gia đình em hết
-Con gái ông Vương Văn Thả
“Tinh thần của anh Vịnh là luôn luôn xác định là họ bắt giữ anh rồi thì anh chẳng có vấn đề gì. Anh luôn hy vọng sau này xã hội được thay đổi thì anh mới được tự do. Thế nên tinh thần của anh luôn vững vàng. Những người mới chuyển đến thì anh luôn hỗ trợ. Gia đình của họ chưa tiếp xúc được thì luôn ứng tiền trong tài khoản của anh để giúp đỡ mọi người.”
Sau khi thăm chồng về, bà Thập tất bật tìm kiếm và báo tin cho gia đình của 4 tù nhân lương tâm vừa được chuyển đến trại giam Gia Trung. Sự nỗ lực của bà Thập cũng gặt hái được kết quả là bà đã kết nối được với gia đình của tù nhân chính trị Lê Thanh Phương.
Tù mồ côi!
Thế nhưng không ít thân nhân của tù nhân lương tâm được thăm gặp trong dịp Tết Canh Tý. Hoàn cảnh của tù nhân chính trị Vương Văn Thả là một trường hợp điển hình. Cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo, một cựu tù chính trị đã bị Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang hồi tháng 1/2018 tuyên án 12 năm tù dưới tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”. Cô Vương Ngọc Thảo, con gái của ông Vương Văn Thả nói với RFA rằng suốt hai năm qua gia đình không được thăm gặp, gửi đồ ăn hay gửi tiền vì gia đình nhận được tin là ông Thả không chịu ký tên nhận tội và không chịu mặc áo tù.
Cùng bị tuyên án với ông Vương Văn Thả, còn có con trai là Vương Thanh Thuận và hai người cháu gồm Nguyễn Nhật Trường và Nguyễn Văn Thượng.
Cô Thảo vào tối 23/1 tâm tình rằng cứ mỗi lần mẹ của cô đến trại giam xin thăm gặp thì cán bộ trại giam đều nói là ông Vương Văn Thả không muốn gặp, và lần trước Tết này cũng không ngoại lệ. Đang lánh nạn tại Thái Lan, cô Thảo tâm tình với RFA:
“Tết buồn thê thảm! Thấy cảnh Tết gia đình người ta sum họp còn gia đình mình thì kẻ một nơi, người một ngả rồi ly tán hết. Mẹ em thì suy sụp tinh thần và bệnh hoài. Em thấy vậy còn tủi thân thêm chứ Tết có ý nghĩa gì đâu. Trước khi biến cố xảy ra thì gia đình em đón Tết rất vui vẻ vì có bạn bè và mấy người đồng đạo của tía đến nhà. Mấy người ở phương xa cỡ nào cũng đến thăm tía em. Khi tía em bị bắt tới giờ, không có một bóng dáng nào tới nữa vì tới bao nhiêu người thì bị lập biên bản, bị làm khó nên mọi người xa lánh gia đình em hết.”
Tết của sẻ chia
Cô giáo Huỳnh Thị Út, thân mẫu của tù chính trị-sinh viên Trần Hoàng Phúc cho biết Tết Canh Tý là cái Tết thứ ba con trai duy nhất yêu dấu của cô đón Tết trong trong trại giam.
Từ Sài Gòn, cô giáo Nguyễn Thị Út lên tiếng rằng cô cảm thấy vui lòng trong dịp Tết Canh Tý vì:
“Có lẽ do Phúc cũng đấu tranh nhiều cho nên Tết năm nay Phúc điện thoại nhắn mua các đầu báo Tết gửi vào càng nhiều càng tốt và mua bánh, mứt, kẹo để Phúc giao lưu và mua 2 cây kèn harmonica để Phúc gửi tặng các chú, các anh người dân tộc. Đó là những điều mới trong Tết năm nay.”
Bà mẹ đơn thân đón Tết một mình bên mâm cơm đơn giản cúng ông bà suốt 3 năm qua luôn với lời khấn nguyện một năm mới “bình an, sức khỏe và không bị hãm hại”. Riêng trong Tết Canh Tý năm 2020, cô giáo Nguyễn Thị Út được hân hoan hơn khi nghe con trai Trần Hoàng Phúc báo tin cùng với các bạn tù trồng rau, trồng cây ăn quả và có đến những 15 quả mướp xanh ngon mọc trên giàn. Cô Nguyễn Thị Út tin rằng đó còn là mầm xanh hy vọng cho các tù nhân lương tâm ở Việt Nam sẽ sớm đón Tết cổ truyền vui vẻ cùng gia đình một ngày không xa nữa.
Tù nhân lương tâm Trần Thị Nga, người vừa mới được Chính quyền Việt Nam tống xuất sang Hoa Kỳ vào trung tuần tháng 1 năm 2020, chia sẻ với RFA rằng bà được đoàn viên với người phối ngẫu và hai con trai nhỏ trong dịp Tết Canh Tý nhưng bà không thể quên được ký ức khi bà bị bắt vào ngày đưa ông Táo hồi Tết Đinh Dậu:
Khi tôi bị bắt là các con của tôi bơ vơ trước mấy ngày Tết. Trong khoảng thời gian đó thì công an lại còn dùng các con của tôi để tra tấn tinh thần tôi, khi họ liên tục nói với tôi rằng là một người mẹ tôi đã không làm tròn trách nhiệm của mình, đã để con bơ vơ trong những ngày Tết. Họ nói là chồng tôi đã chết và tôi phải nhận tội theo ý của họ thì họ sẽ thả tôi về để lo cho con những ngày Tết. Đó là một tội ác mà Chính quyền Cộng sản đã gây ra cho mẹ con tôi
-Tù nhân lương tâm Trần Thị Nga
“Khi tôi bị bắt là các con của tôi bơ vơ trước mấy ngày Tết. Trong khoảng thời gian đó thì công an lại còn dùng các con của tôi để tra tấn tinh thần tôi, khi họ liên tục nói với tôi rằng là một người mẹ tôi đã không làm tròn trách nhiệm của mình, đã để con bơ vơ trong những ngày Tết. Họ nói là chồng tôi đã chết và tôi phải nhận tội theo ý của họ thì họ sẽ thả tôi về để lo cho con những ngày Tết. Đó là một tội ác mà Chính quyền Cộng sản đã gây ra cho mẹ con tôi.”
Bà Trần Thị Nga hồi tưởng những cái Tết tiếp theo bà bị biệt giam, không được tham dự cùng các phạm nhân trong trại giam vào thời khắc trời đất sang mùa. Tuy nhiên, bà Trần Thị Nga luôn nghĩ đến kỷ niệm Tết ấm cúng bên gia đình và người thân; đồng thời bà cũng muốn chia sẻ với thân nhân của các tù nhân lương tâm đang còn trong trại giam:
“Trong những ngày Tết năm mới, hãy thật sự làm sao mình có thể mạnh khỏe, vui vẻ, lạc quan để làm được nhiều việc tốt lành hơn cho bản thân, cho gia đình và cho đất nước. Chính những sự lạc quan, vui vẻ của thân nhân những người tù ở bên ngoài, đặc biệt của những đứa con sẽ làm cho những người tù nhân lương tâm có được niềm tin, tin tưởng mạnh mẽ hơn để vượt qua sự khó khăn trong chốn ngục tù.”
Một số thân nhân của các tù nhân lương tâm như vợ của tù nhân chính trị Nguyễn Ngọc Ánh và Lưu Văn Vịnh cũng gửi gấm tâm tình đến gia đình các tù nhân lương tâm rằng dù đón Tết không trọn vẹn, nhưng vẫn vui vẻ và đoàn kết, sẽ cùng nhau vượt qua khó khăn, khích lệ nhau để tiếp sức cho người thân, là những người đấu tranh ôn hòa vì những mùa xuân hy vọng của Việt Nam mà họ phải đón Tết xa nhà trong chốn lao tù.