Như đã kể với các bạn hồi đầu năm, rằng tôi cùng các luật sư của văn phòng luật sư Ezlaw đại diện một khách hàng nước ngoài khởi kiện Chính phủ Việt Nam (CPVN) trước Trung tâm Trọng tài Quốc tế Giải quyết Tranh chấp Đầu tư (The International Centre for The Settlement of Investment Disputes, “ICSID”), một định chế giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư và các nhà nước thuộc cơ chế WTO.
Trước Tết 2019, CPVN thông báo chọn hãng luật Curtis, Mallet-Prevost, Colt & Mosle (gọi tắt là “Curtis”) làm luật sư đại diện mình trong tư cách bị đơn. Đây là một trong những hãng luật hàng đầu và lâu đời nhất của Mỹ, xuất sắc về tranh trụng trọng tài quốc tế, đặc biệt có nhiều kinh nghiệm trong thủ tục tố tụng của ICSID. Hãng luật Mỹ này được hỗ trợ bởi một hãng luật danh tiếng và xuất sắc khác của Việt Nam về tranh tụng thương mại quốc tế là IDVN Lawyers, mà tôi rất nể trọng.
Ngay sau khi tham gia tranh tụng, vào ngày 25/1/2019 Curtis và IDVN Lawyers đã nộp yêu cầu tách vụ kiện thành hai giai đoạn riêng biệt, tiếng Anh gọi là Bifurcation. Đây là một kỹ thuật thường dùng của bị đơn nhằm giải quyết nhanh vụ kiện bằng cách thách thức về thẩm quyền của hội đồng xét xử trước tiên, và tránh bước vào giai đoạn xét xử sau đó (nếu có) về nội dung vụ kiện.
Nếu bác bỏ thành công thẩm quyền của hội đồng xét xử ở bước đầu sau khi đạt được Bifurcation, vụ kiện sẽ dừng lại với thắng lợi của bị đơn. Đây cũng là cách giúp CPVN thắng nhiều vụ kiện tương tự ở các cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế khác trước đây.
Do vậy, các nhà đầu tư là nguyên đơn luôn tìm cách phản bác yêu cầu Bifurcation của bị đơn là nhà nước để đưa vụ kiện đi sâu vào phần xét xử về nội dung, mà nguyên đơn thường có nhiều ưu thế về bằng chứng.
Trước, trong và sau Tết vừa rồi, các anh em luật sư của Ezlaw đã không hưởng trọn vẹn những ngày xuân vì bận tâm soạn thảo lập luận phản bác yêu cầu trên của các luật sư xuất chúng mà CPVN sử dụng, để kịp đệ trình trước ngày 15/2/2019.
Hai tuần sau, tức ngày 1/3/2019, hội đồng xét xử đã đưa ra kết luận ban đầu, theo đó chấp nhận lập luận của nguyên đơn và bác bỏ toàn bộ yêu cầu Bifurcation của CPVN. Có thể nói đây là chiến thắng đầu tiên của bên nguyên đơn mà Ezlaw đại diện.
Như vậy, Tòa Trọng tài sẽ nhập vấn đề thẩm quyền của hội đồng xét xử vào giai đoạn xét xử về nội dung của vụ tranh chấp, khiến CPVN không thể “đánh nhanh, rút gọn” như dự định, mà phải theo đuổi vụ kiện lâu dài hơn, như nguyên đơn mong muốn.
Xin cám ơn luật sư Trần Đức Hoàng, người đồng nghiệp trẻ xuất sắc của tôi, và các luật sư trẻ khác của Ezlaw. Vụ kiện hãy còn ở phía trước với kết quả chưa phân thắng bại, nên các bạn sẽ còn phải làm việc cật lực trong thời gian dài nữa.
Dù sao, đây cũng là cơ hội tuyệt vời cho các luật sư Việt Nam học và trau dồi kinh nghiệm từ thực tế nhờ trực tiếp tham gia vào một vụ tranh chấp đầu tư quốc tế phức tạp như vậy.