Sau lưng chị H’Ê-Wa là cả một quê hương xứ sở mà chị dứt lòng ra đi vì không còn là của chị nữa.
Một gia đình nhỏ người Ede với bé con 5 tuổi vì tin Chúa mà bị bức hại đã phải bỏ lại bản làng quê hương mình.
Người Thượng định danh mình với làng, trước đây gắn tâm linh mình vào rừng. Rừng mất, họ vin vào Thiên Chúa để giữ căn cước mình, đồng thời cũng là để hiện đại hóa đời sống theo cách họ thấy phù hợp nhất với mình.
Một chính thể dựa trên quyền con người sẽ thấy mừng khi những cộng đồng bản địa khỏa lấp được nhu cầu tâm linh của mình, từ đó hết lòng tôn trọng lựa chọn của họ và ra sức hỗ trợ cho công cuộc hiện đại hóa đời sống vật chất và tinh thần của họ trong ánh sáng của khoa học và đức tin.
Đằng này, chính thể đảng trị, ám ảnh với những hoang tưởng an ninh tự thân, đã ngăn trở người Thượng theo đuổi đức tin và lối sống của họ – đồng thời là khát vọng hiện đại hóa theo cách riêng của họ, chỉ để giữ một khuôn mẫu “đồng bào dân tộc thiểu số nghèo nàn, lạc hậu, ngóng trông ánh sáng của Đảng và Nhà nước.”
Hạn hẹp về viễn kiến xây dựng quốc gia và cuồng vọng kiểm soát toàn bộ đời sống xã hội, những người cộng sản bởi thế phải tự lừa mình dối người bằng cách thường xuyên vẽ ra những con ngáo ộp an ninh quốc gia để biện minh cho chủ trương trấn áp của họ.
Hành trình 30 giờ đồng hồ vượt sông hồ đồng ruộng từ Việt Nam đến Thái Lan của gia đình chị H’Ê-Wa là vịn câu kinh mà đi.
Bé con của chị không khóc một tiếng nào trong suốt hành trình nhưng lại òa lên nức nở không gì ngăn được lúc gặp người nhà ở Bangkok. Nhìn bé, chị nở nụ cười hiếm hoi, biết rằng đời sống lưu vong không giấy tờ tới đây dẫu vất vả nhưng cũng xứng đáng để được sống với đức tin của mình – và được là chính mình.
Như lời Kinh Hòa Bình, “chính lúc quên mình, là lúc gặp lại bản thân.”
Hàng ngày hàng giờ khi công luận Việt Nam ồn ào vô số sự kiện, có bao nhiêu H’Ê-Wa âm thầm vượt suối băng sông tìm cách gặp lại bản thân như vậy, nào ai biết được? Họ và nỗi niềm của họ cũng vô ảnh vô diện như nhau trước một nền truyền thông lúc nào cũng bận rộn có kiểm soát.
Nhưng vẫn còn biết bao người khác không muốn và đôi khi đơn giản là không thể rời đi. Tiếng súng hôm qua nơi quê hương H’Ê-Wa có thể không giải quyết được gì vì bạo lực không bao giờ là giải pháp cho một xã hội văn minh, nhưng ít ra, nó là một tiếng thét.
Tiếng thét của những người không muốn bị ép phải vong thân trên chính mảnh đất mình.
—
Hình: Gia đình chị H’Ê-Wa (đã đổi tên) chung chuyến vỏ lãi vượt biên với mình.