Năm ngoái, được tin ba anh Huỳnh Anh Tú mất, hắn gọi điện chia buồn. Hai đứa cứ thủ thỉ như thế. Và khi ấy mới biết, bố của hắn cũng mất cùng ngày với ba anh Tú, tất nhiên là khác năm. Tức hôm nay là ngày giỗ của hai ông cụ, bố của Pham Doan Trang và ba chồng tôi.
Hắn bảo, ước gì khi gặp nhau, chỉ toàn nói chuyện về âm nhạc và được đàn hát thâu đêm suốt sáng. Còn mình thì bảo, giá như gặp nhau vợ chồng tôi không phải kể chuyện tù cho ông nghe như là một trong những hình thức chia sẻ kinh nghiệm cho một người tù dự khuyết.
Hắn có vẻ giận mình vụ không chịu in và phổ biến “Những mảnh đời sau song sắt” ở trong nước. Trước ngày hắn bị lôi đi “làm việc” với cơ quan an ninh điều tra, vẫn còn gọi với từ Hà Nội vào tận SG để trách cứ. Mình lại cười cười, ậm ừ rồi… tảng lờ. Hắn mắng mình lỳ. Nói thật, từ bé đến giờ chưa ai ngoài côn an nói mình lỳ. Giờ hắn dám mắng mình như thế.
Hắn còn bảo, “hơn 1 năm trước tôi lo cho ông lắm, luôn tin rằng ông sẽ bị bắt. Khổ thân ông, ốm đau bệnh tật, hai lần tù thì còn gì là người. Nhưng giờ có bé Tôm, tôi tạm an tâm.”
Tôi thì không nghĩ thế. Bọn chúng ác lắm ông ạ, chẳng chừa một ai, chẳng kiêng kỵ gì đâu. Và tôi cũng vẫn như thế, không vì có con nhỏ mà lơ là công việc. Càng không vì cậy có bé Tôm mà làm những việc không phù hợp với nguyên tắc tranh đấu của mình để được ca tụng, vì nghĩ rằng “nó chẳng dám bắt khi con mình chưa được 3 tuổi”. Chỉ là quá bận, quá bận ông ạ nên công việc trễ nải hơn trước.
Hôm qua cũng là ngày nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông qua đời. Nếu ông không bị “các anh em an ninh” khủng bố, có lẽ ông đã vọt vào đây, để anh em mình cùng đàn hát lại “Chiều mưa biên giới”, như mình từng hát ngày nào. Để tưởng nhớ người nhạc sĩ mà cả mấy anh em chúng mình đều yêu mến.
Hôm nay, ngày giỗ của hai ông bố chúng ta, tôi sẽ thắp một nén nhang cho ông cụ nhà bên ấy. Họ là những người cha bình dị đã sinh ra những người con cũng bình dị, nhưng đáng tự hào.
Thương ông thật nhiều, Trang ạ.
Pham Doan Trang
(Tấm hình này tôi chụp cho Trang ngay tại căn phòng trọ của vợ chồng tôi khi T vào SG thăm. Căn phòng trọ chật chội, tuyềnh toàng nhưng ấm cúng. Trang bảo thế)