Friday, October 18, 2024
HomeDU LỊCHBLOG'Thực hiện Di chúc của Hồ Chí Minh': Xây lăng thay vì...

‘Thực hiện Di chúc của Hồ Chí Minh’: Xây lăng thay vì hỏa táng!

VNTB-Đỗ Thành Nhân
Phần 1. Từ ướp xác Hồ Chủ tịch
I.
Chủ tịch Hồ Chí Minh mất ngày Quốc khánh 02 tháng 9 năm 1969, đến nay tròn 50 năm.

50 năm là 2 thế hệ, có những người sinh ra vào giai đoạn đó, đến nay đã lên chức ông, bà, có cháu nội, cháu ngoại trực hệ.

Di sản của Người(1) để lại cho hậu thế là một hệ thống “Tư tưởng Hồ Chí Minh”(2) cho tất cả tầng lớp trong xã hội, từ các cháu thiếu nhi đến các cụ già hưu trí đều phấn đấu “học tập và làm theo”.

Trong di sản của Người có Di chúc Hồ Chí Minh(3) và nội dung Di chúc đã đưa vào làm dẫn chứng cho Tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, 50 năm – 2 thế hệ đã trôi qua, nhưng di nguyện của Người vẫn chưa thành hiện thực, đó là được “hỏa táng thi hài và tro sau hỏa táng cho vào ba hộp sành cho ba miền Bắc, Trung, Nam sau khi qua đời”.

Thay vì thực hiện Di chúc của Người, thì người ta lại ướp xác, xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh(4). Từ xưa, con cái làm trái di chúc của cha mẹ là tội bất hiếu, bề tôi làm trái với di chúc của vua là tội bất trung; những kẻ làm trái với di chúc tiền nhân sẽ bị lịch sử bêu tên và người đời nguyền rủa.

Khi thực hiện ướp xác, xây lăng Hồ Chủ tịch, người ta cho rằng đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Hơn 5 năm có điều kiện làm việc ở nhiều tỉnh thành miền Bắc, tôi hỏi những người lớn tuổi hơn, nhưng không có ai nói xây lăng Hồ Chủ tịch là nguyện vọng của họ cả; còn người dân miền Nam lúc đó (1973) lại càng không biết Hồ Chủ tịch là ai, thì nói gì đến nguyện vọng xây lăng cho Người.

Trong những ngày này, tuyên giáo từ Trung ương xuống địa phương tuyên truyền “50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”(5), nhưng điều đơn giản nhất là mong muốn “hỏa táng thi hài và tro sau hỏa táng cho vào ba hộp sành cho ba miền Bắc, Trung, Nam sau khi qua đời” của Người vẫn chưa được thực hiện.

Hiến pháp năm 2013 dành một chương riêng về quyền con người; lẽ nào người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa lại không có cái quyền cơ bản đó. Điều 20: “1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, …”; “3. … Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải có sự đồng ý của người được thử nghiệm.”. Khi còn sống, ông Hồ Chí Minh chưa cho phép ai động tới thân thể hoặc để thử nghiệm y khoa.
***
II.
Đã 50 năm – 2 thế hệ trôi qua, đã đến lúc nên thực hiện đầy đủ Di chúc của Người: hỏa táng thi hài và tháo dỡ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có thể Tuyên giáo và An ninh sẽ chụp cho cái mũ tội “xúc phạm lãnh tụ” và gây khó khăn; tuy nhiên, các vị cũng nên thẳng thắn trả lời câu hỏi: giữ lại để làm gì ?
1. Mong muốn của nhân dân cả nước
Với một nhà nước pháp quyền và thời đại thế giới phẳng 4.0, thì phải nói bằng những con số có cơ sở. Khi xây dựng lăng và ướp xác, nhân dân có được lấy ý kiến không ? chuyện đã qua, không bàn nói đến nữa.

Nhưng 2 thế hệ sau, có nên tiếp tục duy trì xác ướp và lăng mộ Người không, nên để người dân quyết định. Hiện nay đã có Luật trưng cầu ý dân 2015 và hãy để dân thể hiện sự đồng thuận xã hội, thể hiện sự kính yêu Hồ Chủ tịch bằng lá phiếu của mình – đúng với tinh thần Tư tưởng Hồ Chí Minh “lấy dân là gốc”.
2. Yếu tố tâm linh
Có thể những người cộng sản vô thần nên không quan tâm đến yếu tố tâm linh, những điều này vẫn phải nêu ra.

Trong một dòng tộc, mộ tổ phần tổ tiên “tĩnh” thì con cháu mới “yên và phát”; suy rộng ra, trong một quốc gia cũng vậy. Thử hỏi, mộ phần của người khai quốc “động” liên tục thì liệu đất nước có bình yên để phát triển hay không.

Liên Xô là một ví dụ, một trong những lý do sụp đổ “thành trì xã hội chủ nghĩa” là thi hài Lenin, cha đẻ của học thuyết, chủ nghĩa Mác-Lenin bị “động” liên tục (hình 1). Không ai mong muốn người mình yêu kính bị hành xác sau khi đã chết.

(Hình 1. Ảnh chi tiết quá trình xử lý xác ướp Lênin của Russian TV Channel.
https://www.facebook.com/dotnhanvn/posts/2578975802325590)
3. Kinh phí
Để duy trì xác ướp và quản lý, bảo vệ quần thể Lăng Hồ Chủ tịch không phải là nhỏ, số liệu này không thấy công bố công khai cho dân biết.

Theo số liệu từ Cổng thông tin của Chính phủ, năm 2016, Dự toán chi Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh số tiền 318,730 tỷ đồng(6). Chưa tính đến đất đai, đầu tư, …

Khoản tiền này cao hơn ngân sách cùng năm của 10 Bộ, cơ quan Trung ương, như: Ủy ban Dân tộc 209,920 tỷ, Thanh tra Chính phủ 214,795 tỷ, Đài Truyền hình Việt Nam 299,970 tỷ, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam 92,435 tỷ, Văn phòng Chủ tịch nước 210,020 tỷ. Đến nay 2019, khoản chi này còn tăng lên nhiều nữa.
4. Con người
Có một Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Hồ Chủ tịch, số người cụ thể không thấy công bố, nhưng số tướng là 2 vị, cao hơn cả số tướng chỉ huy một cánh quân của Chiến dịch Hồ Chí Minh (7) năm 1975.

Bảo vệ Lăng trong hòa bình có đến hai Thiếu tướng là Nguyễn Văn Cương và Nguyễn Trọng Khánh. Trong khi cánh quân Hướng Tây Bắc tiến vào Sài Gòn chỉ có một Thiếu tướng Vũ Lăng chỉ huy.

Ngoài ra còn phải có số cán bộ khoa học, y học hàng đầu Việt Nam để bảo quản thi thể Hồ Chí Minh.
5. Nghiên cứu khoa học
Báo chí đưa tin: các nhà khoa học Việt Nam vươn lên làm chủ vững chắc, tiến tới làm chủ hoàn toàn công nghệ để giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh cho muôn đời mai sau (8).

Khái niệm “muôn đời mai sau” là phi khoa học. Vả lại công nghệ ướp xác thuộc lĩnh vực khoa học ứng dụng; thì làm chủ công nghệ này để làm gì ?, có thể ứng dụng rộng rãi hay chuyển giao cho công nghệ ướp xác cho nước nào được không ?.
6. Mang tính giáo dục
Chưa có một điều tra, khảo sát sát xã hội học nào để chứng minh bao nhiêu phần trăm số người vào viếng Lăng sẽ tăng lòng kính yêu Hồ Chủ tịch, thêm niềm tin với Đảng, Nhà nước. Nhưng thực tế, thì không ít cán bộ cấp cao hàng năm đều viếng Lăng nhưng vẫn tham nhũng, vi phạm pháp luật.

Nói thật, sau khi rời mới trường xã hội chủ nghĩa, lần đầu ra Hà Nội là viếng lăng Người. Với một tâm trạng của một học sinh, sinh viên từng được giáo dục với những câu thơ “Mong manh áo vải, hồn muốn trượng / Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.”, nhưng viếng Lăng xong, tôi chửi ngay tác giả bài thơ là dối trá !.
***
III
Xét trên nhiều góc độ, cũng đã đến lúc thực hiện đầy đủ Di chúc của Người. Thân xác con người từ cát bụi nên trở về với cát bụi, không nên cưỡng lại quy luật tư nhiên là “thành trụ hoại diệt”.

Các nhân vật lịch sử, vĩ nhân trường tồn với thời gian không phải là những xác ướp, lăng mộ, nhà lưu niệm, tượng đài. Mà họ vẫn “sống” cùng với những giá trị phi vật thể, những công lao được hậu thế ghi nhận.

Ví dụ như, trên chính quê hương Mộ Đức của ông Phạm Văn Đồng – 32 năm làm Thủ tướng Việt Nam dân chủ cộng hòa; thế hệ trẻ xa quê hiện nay số người biết ông Phạm Văn Đồng qua “Công hàm Phạm Văn Đồng”, nhiều hơn là biết qua “Khu lưu niệm Phạm Văn Đồng” (hình 2).

(Hình 2. Bạn trẻ tìm hiểu về ông Phạm Văn Đồng qua 2 từ khóa đặt trong ngoặc kép, kết quả: “Công hàm Phạm Văn Đồng” 25.900 và “Khu lưu niệm Phạm Văn Đồng”: 759. Google ngày 15/9/2019)

***
IV
Trả lời câu hỏi: nếu thực hiện đầy đủ Di chúc của Người thì sao ?
1. Về tiền
Nếu tính với con số khiêm tốn hiện nay là 500 tỷ để duy trì Lăng, và bình quân một người dân phải gánh 32 triệu đồng nợ công(9). Tiết kiệm được khoản này, mỗi năm sẽ giải phóng cho 15.625 cháu bé ra đời không phải gánh khoản nợ mà ông cha để lại.

Hoặc số tiền này làm quỹ cho chương trình “Sữa để em thơ, lụa tặng già” (thơ Tố Hữu), đúng với “Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm sóc, giáo dục thiếu nhi”.
2. Về con người
Với biên chế của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm 2 ông tướng và nhiều chiến sỹ “bộ đội cụ Hồ” đang làm nhiệm vụ sẽ được chuyển ra bảo vệ biên giới, biển đảo để giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải mà tổ tiên chúng ta đã mở mang bờ cõi. Thực hiện đúng với câu Bác căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” và thấm nhuần câu Người đã từng nói: “Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó.”
3. Nhớ mong gặp Người …
Có ai đó lý luận, nếu thực hiện Di chúc của Người thì nhân dân sẽ không còn được trông thấy Người yên nghỉ nữa.

Với công nghệ tạo dựng mô hình người hiện nay, xây dựng một mô hình Người như thật đúng tỷ lệ 100% nằm yêu nghỉ trong tủ pha lê (hình 3) là hoàn toàn đơn giản và chi phí không nhiều.

(Hình 3. Chủ tịch Hồ Chí Minh yên nghỉ trong tủ pha lê)
Có thể làm 3 mô hình đặt ở 3 miền đất nước (hoặc nhiều hơn nữa) để nhân dân thăm viếng được thuận tiện. Chi phí xã hội giảm, những cụ già nghèo khó vẫn có cơ hội thăm viếng Người một lần để thỏa lòng “Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà / Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha” (thơ Tố Hữu).

Tuy nhiên, sẽ có người nói đó không phải thân xác thật của Người. Về vấn đề này, xin hỏi các nhà khoa học: cơ thể Người trong trong Lăng hiện nay là “thật” được bao nhiêu phần trăm ? với cơ chế phân hủy chất hữu cơ trong môi trường hiếu khí và có ánh sáng. Mà nếu không thật 100% thì cũng là … không thật.

Cũng sẽ có người nói: làm như vậy sẽ thiếu sự tôn kính, linh thiêng. Xin thưa: hàng trăm triệu tín đồ Phật giáo quỳ thành kính trước tượng Phật Tổ bởi vì họ có niềm tin vào tư tưởng Đức Phật, chứ không không phải vì khúc gỗ tạc nên tượng Phật.
V.
Suốt 50 năm thực hiện Di chúc của Người, cũng đã “đánh cho Mỹ cút ngụy nhào”, cũng đã “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”; nhưng điều đơn giản là “hỏa táng thi hài” thì hai thế hệ đã trôi qua vẫn chưa thực hiện được là có lỗi với người đã khuất.

Đã đến lúc để cho Người yên nghĩ thực sự, để đi vào cõi vĩnh hằng. Người sẽ “sống mãi” với một hệ thống Tư tưởng Hồ Chí Minh chứ không phải bằng một thân xác thực vật. Và cũng chính thực hiện Di chúc của Người thì mới đưa Tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành hiện thực. (xem Phần 2)

Hệ thống tuyên giáo từ trung ương xuống địa phương tuyên truyền, phát động mọi tầng lớp nhân dân thực hiện “học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” và thực hiện Di chúc của Người với những hành động thiết thực, cụ thể nhất chứ không phải bằng những lời nói suông.

PS.
Người viết bài này với trách nhiệm của một công dân; với nghĩa vụ của một gia đình 3 thế hệ tham gia cộng sản (từ trước 1930); với đạo lý của một người con có ông, cha đã từng tôn kính lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Cũng hy vọng là ông Võ Văn Thưởng – Trưởng ban tuyên giáo Trung ương nếu thấy chưa đúng thì nên đối thoại; chứ đừng đưa quân đi bắt người, thu giữ hủy hoại tài sản, tổ chức đấu tố như năm 2013, khi làm Bí thư Quảng Ngãi.
Ghi chú:
(1) “Người” viết hoa trong bài viết này để nói về ông Hồ Chí Minh theo cảm nhận của dư luận xã hội hiện nay; được tác giả tôn trọng như là một nhân vật của lịch sử dân tộc.
(2) Tư tưởng Hồ Chí Minh: https://vi.wikipedia.org/…/T%C6%B0_t%C6%B0%E1%BB%9Fng_H%E1%…
(3) Di chúc Hồ Chí Minh: https://vi.wikipedia.org/…/Di_ch%C3%BAc_H%E1%BB%93_Ch%C3%AD…
(4) Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh:
https://vi.wikipedia.org/…/L%C4%83ng_Ch%E1%BB%A7_t%E1%BB%8B…
(5) “50 năm thực hiện di chúc của chủ tịch hồ chí minh”: http://www.tuyengiao.vn/50-nam-thuc-hien-di-chuc-cua-chu-ti
(6) Số liệu dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2016: http://www.chinhphu.vn/…/po…/chinhphu/solieungansachnhanuoc…
(7) Chiến dịch Hồ Chí Minh: https://vi.wikipedia.org/…/Chi%E1%BA%BFn_d%E1%BB%8Bch_H%E1%…
(8) Thủ tướng dự Hội nghị tổng kết 50 năm gìn giữ, bảo vệ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh: http://baochinhphu.vn/…/Thu-tuong-du-Hoi-nghi-to…/374067.vgp
(9) Thu không đủ chi, nợ công 3,2 triệu tỷ loay hoay vay mới trả cũ: https://vietnamnet.vn/…/no-cong-3-2-trieu-ty-tinh-nguon-tra…
(Xem tiếp Phần 2. Đến Lăng mộ Trần Đại Quang)

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular