Monday, December 23, 2024
HomeBLOGTHÔNG TIN CHÍNH THỐNG

THÔNG TIN CHÍNH THỐNG

THẢO DÂN

Không chỉ một lần, tôi nghe những người bạn, người quen… khẳng định, Không bao giờ đọc và tin những thông tin không chính thống. Thật buồn là số này chiếm tỉ lệ khá đông. Nguyên nhân dẫn tới tư tưởng “Chỉ đọc thông tin chính thống” do bị nhồi sọ từ nhỏ, bị tước đoạt cơ hội tiếp nhận tự do thông tin, tự do ngôn luận, bị đe dọa, ngăn cấm nên hình thành một phản xạ có điều kiện, chối từ tất cả những gì nhà cầm quyền không cho phép, đóng tất cả các giác quan trước các nguồn thông tin bên ngoài khi não bộ phát tín hiệu sợ hãi. Nhưng thật ra, thông tin bên ngoài thế giới có thực sự đáng sợ không? Ta có quá lãng phí thông tin không? Có phụ bạc những trí tuệ, những tấm lòng, những lương tri đã cố gắng trao truyền lại tri thức cho ta không?

Trước hết, cần hiểu, thông tin là gì?
Có khá nhiều cách giải thích khái niệm này, song có thể hiểu đơn giản: “Thông tin là điều mà người ta biết, là sự chuyển giao tri thức làm tăng thêm sự hiểu biết của con người”. Thông tin được hình thành trong quá trình giao tiếp: một người có thể nhận thông tin trực tiếp từ người khác thông qua chuyện trò cá nhân, qua các phương tiện thông tin đại chúng, từ các ngân hàng dữ liệu hoặc từ tất cả các hiện tượng quan sát được trong môi trường xung quanh.
Như vậy, thông tin là một khái niệm tự do, không ràng buộc, không có giới hạn, không bị đặt trong vòng kiềm tỏa dù của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào, nếu thông tin đó mang hàm lượng tri thức, có tác dụng mở rộng nhận thức của con người về mọi vấn đề: chính trị xã hội, văn học nghệ thuật, kinh tế, thể thao, văn hóa, du lịch….

Vậy tại sao lại có khái niệm “Thông tin chính thống”?
Thế nào là thông tin chính thống?
Tôi đã tìm kiếm qua công cụ Google khá lâu nhưng chưa hề thấy một định nghĩa chính xác, khoa học về khái niệm này. Vì thế, có thể cho rằng, khái niệm này mang nghĩa hẹp, gói gọn trong một xã hội, một đất nước cụ thể chứ không mang tính phổ quát nhân loại. Hiểu theo nghĩa bấy lâu, thì “thông tin chính thống” là loại thông được kiểm duyệt, cắt xén, gọt giũa cho phù hợp đường lối, chủ trương, chính sách của một tổ chức chính trị xã hội nào đó, nhằm mục đích dẫn dắt, định hướng người đọc, buộc họ phải nghĩ theo những gì người khác muốn, chối bỏ tư duy và phản biện, thu hẹp nhận thức và tri thức của con người, biến người ta thành những con robot được lập trình suy nghĩ chứ không có cái nhìn khách quan, khoa học và độc lập.

Tại sao chỉ ở những nước độc tài thì thông tin mới bị kiểm duyệt, thậm chí còn nuôi dưỡng những lực lượng định hướng dư luận xã hội, còn ở những nước dân chủ, văn minh thì công dân lại có thể tự do đọc, xem, nghe bất kỳ điều gì nếu muốn? Tại sao phải kiểm duyệt thông tin, thứ tài sản trí tuệ, tinh thần thuộc về quyền khám phá, hiểu biết của con người, là biểu hiện của quyền con người? Tại sao những thông tin là tri thức của nhân loại, ở những nước giàu có, an sinh xã hội tốt, văn minh lại bị coi là xấu độc, là vùng cấm với nước mình? Phải chăng vì nó chứa đựng những sự thật bị che giấu, nó cổ vũ nhân quyền, nó phê phán bất công, bất bình đẳng, nó không có lợi cho tổ chức, cá nhân nào đó?

Thomas Carlyle, nhà triết học, nhà văn, nhà giáo dục học Scotland có câu rất hay: “Nếu một người có khả năng tiếp thu tri thức mà chết trong ngu dốt, tôi gọi đó là bi kịch…” Tôi cho rằng, những người tự mình lập ốc đảo thông tin, tách rời phần còn lại của thế giới loài người chính là một dạng đáng chết trong ngu dốt. Cũng cần phải nói thêm, “cái chết” mà tôi nhắc tới là cái chết về tinh thần, về tư duy, chứ cái xác sống “chỉ đọc thông tin chính thống” kia vẫn có thể tồn tại đến trăm tuổi, ăn ngon mặc đẹp làm cái giá treo áo, cái túi đựng cơm, nếu may mắn không bị ung thư, không bị tai nạn giao thông hoặc vô vàn sự bất như ý thình lình đổ xuống. Và như vậy, khi não đã từ chối nhận thức, thì xứng đáng bị dắt theo bầy. Muốn so sánh với con gì thì tùy bạn chọn. Nhưng bi kịch của sự ngu dốt, thì chưa chắc các bạn đã phải gánh chịu, mà con cháu chúng ta mới lãnh trọn phần. Đó mới là điều đáng kinh sợ…

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular