NEWS.ZING.VN
- 13:50 15/05/2018
“Nếu chúng ta thấy rằng trong 13 giây đó, công an chỉ kịp tới bảo vệ hiện trường, thì chúng ta chê trách gì nữa?”, ông Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, nói.
Sáng 15/5, tại buổi họp báo cung cấp các thông tin liên quan đến vụ án 5 hiệp sĩ bị băng trộm đâm, khiến 2 người thiệt mạng và 3 nạn nhân khác trọng thương, thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, đã trả lời Zing.vn các vấn đề đang được bạn đọc quan tâm.
13 giây chỉ kịp tới bảo vệ hiện trường
– Vụ 5 hiệp sĩ bị băng trộm đâm khuya 13/5 xảy ra cách trụ sở Công an phường 10, quận 3, khoảng 200 m. Theo phản ánh của người dân, lực lượng công an địa phương phản ứng quá chậm. Theo ông, trách nhiệm của công an địa phương trong sự việc này như thế nào?
– Vụ việc xảy ra chỉ trong 13 giây, giải quyết được gì trong 13 giây đó? Bây giờ dư luận đặt ra chuyện phản ứng chậm nhưng công an địa phương phải làm gì trong 13 giây và làm kịp hay không? Nếu chúng ta thấy rằng trong 13 giây đó, công an chỉ kịp tới bảo vệ hiện trường, thì chúng ta chê trách gì nữa?
Tôi thừa nhận trật tự an toàn xã hội ở TP.HCM còn nhiều vấn đề cần giải quyết và phải giải quyết triệt để.
Thiếu tướng Phan Anh Minh
– Các nhóm “hiệp sĩ đường phố” ngày càng nhiều, trong khi trách nhiệm chính bảo vệ an ninh, trật tự thuộc về lực lượng cảnh sát, vì vậy người dân hoài nghi về năng lực bảo vệ trị an của lực lượng Công an TP.HCM hiện nay, ông trả lời với người dân như thế nào về việc này?
– Về nguyên tắc, tất cả người dân phải có trách nhiệm tự bảo vệ tài sản và quyền lợi của mình. Nhà nước có trách nhiệm bồi dưỡng kỹ năng, hỗ trợ người dân thực hiện quyền tự vệ.
Bên cạnh đó, công an luôn cần sự hỗ trợ bằng hành động và thông tin của người dân. Nếu nghĩ công an toàn quốc cần sự hỗ trợ của người dân mới bảo vệ được trị an thì điều này không logic và có ẩn ý xấu.
Không phải chỉ có hoạt động phòng chống tội phạm mà trong mọi hoạt động của Nhà nước đều cần có sự hỗ trợ và tham gia của người dân. Tất nhiên, không phải cái gì cũng dồn cho người dân được hết. Người dân không phải làm tốt tất cả mọi thứ.
Chúng ta phải có quy chế rồi đào tạo. Và vấn đề đang cần giải quyết là chưa có quy định, đãi ngộ gì cho “hiệp sĩ đường phố”, nếu “hiệp sĩ” mất mát thì sao, họ được gì? Xã hội còn tồn tại nhiều vấn đề, nên chúng ta cùng phấn đấu khắc phục nó, làm cho môi trường sống tốt đẹp hơn.
Giải quyết vấn đề người nghiện ma túy
– Trong thời gian qua, Công an TP.HCM được đầu tư rất nhiều, thậm chí có thêm Đội hình sự đặc nhiệm Hướng Nam; tuy nhiên, tình hình cướp giật ở TP.HCM ngày càng phức tạp và kẻ cướp càng táo tợn, với trách nhiệm là Phó giám đốc Công an TP.HCM ông có thể chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
– Theo thống kê của Công an TP.HCM, số liệu cướp giật có lúc tăng có lúc giảm nhưng xu hướng chung trên tổng thể thì giảm về số. Còn về tính chất, tôi cho rằng vẫn còn nhiều vụ cướp giật, thậm chí cướp rất nhiều. Chuyện này không mới.
Cách đây hàng chục năm chúng ta còn có cướp vũ trang. Những năm gần đây, theo thống kê giảm đáng kể tình trạng cướp có vũ trang. Cướp giật sẵn sàng xâm hại đến người chống trả, đuổi bắt hay cố bảo vệ tài sản của mình thì tính chất nguy hiểm không mới. Cách đây vài năm có vụ chặt tay nạn nhân ở cầu Phú Mỹ (quận 7) hay vụ cướp ở đường Cộng Hòa (quận Tân Bình).
Tôi thừa nhận trật tự an toàn xã hội ở TP.HCM còn nhiều vấn đề cần giải quyết và phải giải quyết triệt để. Nhưng để nói triệt để thì phải giải quyết căn cơ nhiều vấn đề, nguyên nhân phát sinh tội phạm, còn việc trấn áp chỉ giải quyết ở phần ngọn.
Tội phạm là hiện tượng xã hội, có nguyên nhân xã hội. Phải giải quyết bằng giải pháp xã hội chứ không chỉ dựa mỗi lực lượng công an.
Thiếu tướng Phan Anh Minh
Công an TP.HCM không phải đổ trách nhiệm nhưng chúng ta cần có sự đồng thuận và nhìn nhận rõ hơn. Tỷ lệ người nghiện ma túy còn nhiều và do nhu cầu, sự lệ thuộc về ma túy dẫn đến xâm hại tài sản, nhất là xâm hại tài sản trên đường phố (chiếm 30-50%). Thống kê đầy đủ hơn thì tỷ lệ đối tượng cướp giật là người nghiện ma túy có thể cao hơn. Trong khi đó, chính sách về người nghiện ma túy hiện nay không nhận được sự đồng thuận cao.
Trước đây, khi ông Nguyễn Minh Triết làm Bí thư Thành ủy TP.HCM, thành phố có chính sách cai nghiện sau cai, thực hiện cai nghiện triệt để. Trước đây có những trung tâm hơn 30.000 người. Tuy nhiên, hiện chúng ta nhấn mạnh cai nghiện cộng đồng. Căn cơ là giải quyết vấn đề người nghiện. Cần phải có chính sách nhất quán hơn, vì những người nghiện ma túy có thể gây án với tính chất nguy hiểm.
TP.HCM đang cơ cấu lại nền kinh tế trong khi lượng người nhập cư đổ về đông. Người lao động phổ thông không được giáo dục, thụ hưởng văn hóa một cách đầy đủ nên nguy cơ tha hóa trở thành vấn đề không thể chối cãi.
Có nhiều nguyên nhân nhưng trở lại chuyện giải quyết vấn đề tội phạm, công an là lực lượng nòng cốt nhưng không chỉ có công an, mà cần phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị.
Tôi thừa nhận Công an TP.HCM được đầu tư, trang bị ngày càng tốt hơn nhưng phải đối mặt với yêu cầu tinh giản biên chế. Tỷ lệ cảnh sát khu vực trên tổng dân số đang là gánh nặng cho Công an TP.HCM trong việc quản lý người không có nơi cư trú ổn định.
Đó là khó khăn, thách thức rất lớn trước tình hình tội phạm vẫn còn nhiều. Tội phạm là hiện tượng xã hội và có nguyên nhân xã hội. Phải giải quyết bằng giải pháp xã hội chứ không chỉ dựa mỗi lực lượng công an.
Phan Công – Hoài Thanh