Saturday, December 21, 2024
HomeBLOGThì ra Paris xa quá

Thì ra Paris xa quá

VOA

Lãnh tụ hay nguyên thủ quốc gia khi phát ngôn câu gì đều được người dân lắng nghe và chia sẻ. Câu hay được mọi người gật gù, bàn bạc như một niềm hạnh phúc được đồng cảm giữa người dân và chính quyền, câu dở bị người ta chê bai, đàm tiếu nhưng đặc biệt nếu câu nói ấy xúc phạm, coi thường quyền lợi hay khinh bỉ một ai đó chắc chắn sẽ trở thành lớn chuyện: nhỏ thì gây sóng gió trên báo chí, mạng xã hội, lớn hơn có thể biến thành những cuộc tuần hành chống chính phủ, và nghiêm trọng nhất như trường hợp tại Pháp mấy tuần qua là bạo động, phá hoại và gây thất thoát tài sản quốc gia một cách nghiêm trọng.

Phong trào những người Áo Vàng (Gilets Jaunes) nổi lên chống lại Tổng thống Emmanuel Macron đã từng làm tê liệt Paris và nước Pháp trong thời khắc của bất ổn chưa từng thấy. Hàng trăm ngàn người xuống đường phá hoại hệ thống lưu thông, cướp phá những khu trung tâm thương mại sầm uất nhất nước, đốt cháy những di tích văn hóa nổi tiếng thế giới đã làm nước Pháp bàng hoàng, rúng động.

Tất cả chỉ vì một hai câu nói thiếu kiểm soát của Tổng thống Emmanuel Macron. Trả lời câu hỏi của một người trẻ về băn khoăn của anh trước vấn đề tìm việc ông Macron đã nói: “Việc làm, chỉ việc băng qua đường là có!”. Ông Macron không nói lấy được, ý của ông là việc làm của Pháp hàng năm vẫn cần hơn 300 ngàn người tuy nhiên chỉ là công việc nặng nhọc nên ít ai làm. Ẩn ý này bị phản ứng dữ dội vì dân Pháp cho rằng ông đang lên án một thành phần lười biếng, tốn ngân sách quốc gia và đổ lỗi cho những yêu sách về công ăn việc làm của quần chúng.

Câu thứ hai ông cho rằng nước Pháp đã bỏ ra hàng đống tiền vô ích vào an sinh xã hội mà không làm ai thỏa mãn. Ông ám chỉ những chính phủ trước đã chi cho ngân sách đến 57% dành cho các dịch vụ xã hội trợ cấp đủ loại cho người dân. Đây là số tiền lớn nhất thế giới mà chính phủ Pháp đã bỏ ra nhưng vẫn không thỏa mãn những nhu cầu của công chúng Pháp.

Câu nói này tuy công bằng nhưng không hợp lúc đã khiến cho sự nghiệp chính trị non trẻ của ông bị thử thách. Khi quần chúng tức giận vì giá xăng leo thang ông Macron không giải quyết cụ thể và ngược lại dùng biện pháp mạnh coi thường đám đông ở những ngày đầu tiên nên ông bị trả giá. Bài phát biểu dài 13 phút của ông tuy được thông cảm của đám đông nhưng phần còn lại trong những nhóm Gilets Jaunes vẫn chưa hả dạ. Sóng gió tuy đã qua nhưng ông Macron chắc chắn sẽ còn gặp những cơn địa chấn khác nếu những gì ông hứa nhưng không làm tròn.

Cũng là lãnh tụ, nhưng ở Việt Nam thì khác hẳn. Lãnh tụ của đất nước này không gặp bất cứ phản ứng nào của dân chúng khi phát biểu những lời sai trái hay có tính chất mị dân.

Chiều ngày 3 tháng 11, tại Phủ Chủ tịch Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gặp mặt Đoàn học sinh, sinh viên tiêu biểu, xuất sắc năm học 2017-2018. Nói với sinh viên ông cho rằng“chưa bao giờ chúng ta có được sự nghiệp giáo dục như ngày hôm nay.” Câu nói như tát vào mặt người dân bởi sự thật thì sự nghiệp của giáo dục Việt Nam hoàn toàn khác hẳn.

Ông TBT cố tình bỏ qua những yếu kém về năng lực lãnh đạo của ngành giáo dục vì bao đời Bộ trưởng cũng chỉ rặt những tuyên bố rỗng tuếch, không có chính sách cụ thể và đủ thuyết phục làm cho bộ máy vốn trì trệ lại càng ì ạch thêm. Từ chuyện sách giáo khoa, đến học thêm dạy thêm, từ chuyện bạo hành trong trường học giữa cô thầy giáo và học sinh đến chuyện gian lận thi cử. Sinh viên không được huấn luyện tốt trong khuôn viên đại học nên khi ra trường làm đủ thứ nghề để sống sót còn môn học mà họ theo đuổi bao nhiêu năm trở thành vô dụng. Bộ trưởng nào cũng làm cho có lệ trong thời gian tại nhiệm, bỏ đó cho người khác tiếp tục phá hoại rồi tự tâng bốc thành tích của mình và sau cùng là về nhà sống cuộc đời “từ tế”.

Ông Trọng trong vai trò là lãnh đạo cao nhất lại không chịu thừa nhận cái mà người dân đang chịu đựng hết ngày này sang ngày khác. Giáo dục là bộ xương phát triển của một quốc gia và nó luôn luôn được mọi chính phủ trên thế giới quan tâm hàng đầu nhưng dưới sự lãnh đạo của ông thế hệ sinh viên là tương lại của đất nước được hệ thống đại học tôi luyện trong những chiếc hộp vâng lời. Thiếu tư duy lành mạnh, không được đi lệch lại bài học nhồi sọ và triết học Mác Lê đã thui chột bao tinh hoa đất nước. Những quan quyền ngồi trong guồng máy có bao nhiêu là thanh niên ưu tú? Hầu như tất cả đều là con ông cháu cha, tiếp tục thừa hưởng những gì mà cha anh họ kiếm chác trên lưng người dân một cách bất minh hết đời Bí thư này sang đời Thủ tướng khác.

Vậy mà ông ngang nhiên vinh danh thứ giáo dục vô bổ ấy chỉ thông qua tài năng vâng lời của một nhóm sinh viên có thành tích trong Đoàn Thanh niên Cộng sản. Ông phớt lờ sự thật là ngoài kia cha mẹ các em học sinh phải cắn răng đóng biết bao thứ lệ phí để con em mình kiếm chút chữ nghĩa làm hành trang vào đời. Biết bao học sinh vùng sâu vùng xa phải lặn lội tìm chữ trong hoàn cảnh đáng thương. Thiếu trường lớp, thiếu cái ăn cái mặc, các cháu như những sinh vật có chung hơi thở với con người nhưng hoàn toàn không giống với trẻ em đồng loại ở những vùng đất khác cùng mang tên Việt Nam. Không lẽ ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước không có phần lãnh đạo ở những nơi này?

Làm lãnh đạo ở Việt Nam sướng thật. Họ không hể bị chi phối khi phát ngôn, không cần phải lo nghĩ khi nói sai nói dối với người dân miễn sao nói đúng đường lối của Đảng. Mà ông Trọng đang đại diện cho Đảng nên muốn nói thế nào chẳng được, không như ông Tổng thống Macron của Pháp chỉ sơ sẩy một chút đã mang vào thân biết bao phiền toái có thể mất ghế như chơi.

Thì ra dân Việt Nam ít người biết tiếng Pháp quá nên câu chuyện Paris cháy bỏng không gây được sự phản ứng nào trong dư luận của một dân tộc từng bị Pháp đô hộ cả trăm năm?

Nhà báo Mặc Lâm, nguyên Editor ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do. Ông được nhiều người biết qua các phóng sự như Trại giam Cổng trời, Vụ án xét lại chống Đảng… Bên cạnh những bài phóng sự chính trị, xã hội, văn hóa nhà báo Mặc Lâm còn thực hiện nhiều chương trình phỏng vấn các nhân vật lãnh đạo cao cấp, các khuôn mặt bất đồng chính kiến trong và ngoài nước được người nghe, đọc tán thưởng. Ông cũng phụ trách chuyên mục Văn Hóa Nghệ Thuật cho RFA trong hơn 10 năm. Về hưu năm 2017 sau khi tác phẩm Bàng Bạc Gấm Hoa của ông ra đời tại Hoa Kỳ. Hiện cộng tác cho VOA, RFA, Người Việt, và BBC trong nhiều mục khác nhau.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular