RFA
Cưỡng chế với lý do phát triển
Một video chiếu trực tiếp trên mạng xã hội Facebook và Youtube vào hôm Chủ Nhật, ngày 8 tháng 4 năm 2018 cho thấy hình ảnh rất đông công an sắc phục lẫn thường phục tiến hành cưa cổng sắt để đột nhập vào một ngôi nhà trước sự la hét của các phụ nữ và những tín đồ Hồi giáo mặc áo trắng phía bên trong. Tiếp theo đó là tình trạng xô xát và lớn tiếng giữa nhóm người này và đội ngũ công an. Đây được cho rằng là vụ chính quyền địa phương quận 3 cưỡng chế ngôi Thánh đường của Cộng đồng Hồi giáo Hòa Hưng.
Thánh đường Hồi giáo có tên Niamatul Islamiyah ngụ tại số 360C, đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 10, quận 3 có diện tích khoảng 3490 mét vuông. Khu đất sinh hoạt tôn giáo này bao gồm một ngôi Thánh đường nhỏ và hàng trăm ngôi mộ của tín đồ quá cố. Các nguồn tin cho biết khu đất này do một người Ấn Độ hảo tâm tặng cho Thánh Đường Hồi Giáo Sài Gòn vào năm 1916. Trên phương diện pháp lý, khu đất này thuộc quyền quản lý của Ban quản trị Thánh đường Hồi giáo Ấn Độ Musulman, số 66 Đông Du, quận 1 từ năm 1935.
Sau ngày cưỡng bức thì thánh đường bị ủi sập hoàn toàn, coi như là bị san bằng. Theo chúng tôi được biết thì hiện giờ bà con ở đó vẫn còn hoang mang, vì thánh đường là nơi tập trung sinh lễ hằng ngày của bà con bên đó.
– Ông Qasim Từ
Thời gian gần đây, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có kế hoạch xây dựng tuyến xe điện ngầm Metro Bến Thành – Tham Lương đồng thời xây dựng trường học nên có lệnh thu hồi toàn bộ khu đất cùng với ngôi Thánh đường đã tồn tại gần sáu thập niên.
Chúng tôi trò chuyện với ông Qasim Từ, một tín đồ Hồi giáo ở California và cũng là người làm việc bảo trợ cho Cộng đồng Hồi giáo và Lịch sử của người Chăm Pa tại Việt Nam, và được ông cho biết tình hình hiện nay.
Sau ngày cưỡng bức thì thánh đường bị ủi sập hoàn toàn, coi như là bị san bằng. Theo chúng tôi được biết thì hiện giờ bà con ở đó vẫn còn hoang mang, vì thánh đường là nơi tập trung sinh lễ hằng ngày của bà con bên đó. Tôn giáo Hồi Giáo phải cầu nguyện một ngày 5 lần cho nên thánh đường là nơi sinh hoạt rất khắng khít. Cho nên hiện giờ bà con vẫn còn chưa biết phải đi đâu để cầu nguyện. Trong thành phố thì cũng có nơi nhưng hơi xa nên vấn đề đi lại cũng bất tiện cho bà con.
Ban Đại Diện thuận theo chính quyền
Hai hôm sau khi vụ việc xảy ra, Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 10/4/2018 đăng tải trên website chính thức của tổ chức này lên tiếng về vụ việc. Nguyên văn được nói nhằm ‘tổ chức bàn giao mặt bằng Nghĩa trang 360C, Cách Mạng Tháng Tám, phường 10, quận 3 giữa Ban quản trị Thánh đường Musulman Đông Du cho Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Quận 3.’
Ông Qasim nhấn mạnh, tín đồ Hồi giáo địa phương xưa nay đều biết mọi vấn đề sinh hoạt tôn giáo tại thánh đường Niamatul Islamiyah trực thuộc Ban đại diện. Nhưng nay, Ban đại diện lại tuyên bố khu đất là nghĩa trang, đồng thời chối bỏ danh nghĩa của thánh đường Niamatul Islamiyah mà cho rằng đó chỉ là một ngôi ‘nhà quàn.’ Theo ông Qasim, đây là một trong những lý do chính khiến tín đồ Hồi giáo địa phương bất bình.
Nếu Ban đại diện tuyên bố đó là thánh đường thì chuyện đã khác đi. Vấn đề là khi Ban đại diện tuyên bố đó là nhà quàn thì có chuyện tranh chấp giữa tín đồ tôn giáo địa phương và Ban đại diện.
Hơn thế, Ông Qasim Từ khẳng định với chúng tôi rằng tôn giáo Hồi giáo không hề có ‘nhà quàn’. Ông giải thích thêm như sau:
Thường thường khi một người Hồi giáo chết đi thì họ sẽ đem đến thánh đường và tiểu thánh đường để họ tắm rửa tử thi rồi liệm những tấm vải trắng. Trong ngày hôm đó họ phải tức tốc đem đi chôn càng sớm chừng nào càng tốt chừng ấy, trong khoảng 24 giờ thôi. Cho nên định nghĩa nhà quàn đối với tôn giáo Hồi giáo là không có.
Thu hồi ngoài phạm vi dự án
Ngoài những mâu thuẫn về danh nghĩa của ngôi thánh đường, nhiều tín đồ Hồi giáo còn thắc mắc về phần đất bị thu hồi khu với thông báo để làm tuyến tàu điện ngầm Thành phố Hồ Chí Minh. Theo họ, tuyến tàu điện ngầm băng qua chỉ ảnh hưởng diện tích khoảng 230 m2 diện tích khu đất, thế nhưng chính quyền lại quyết định san bằng toàn bộ. Ông Qasim nói:
Đó là vấn đề mà người dân rất phẫn nộ là tại vì cái đường băng qua ảnh hưởng chỉ có 230m trong khu vực đất đai đó thôi mà tại sao lại phải san bằng lấy hết toàn bộ khu đất để làm metro. Đó cũng là một cái uẩn khúc, một câu hỏi lớn mà dân địa phương họ đang tranh đấu bấy lâu nay.
Còn văn bản thu hồi đất chính thức của Ủy Ban Nhân Dân quận 3 đề ngày 18 tháng 12 năm 2017 thì chính quyền địa phương quyết định thu hồi 725 m2 đất tại Nghĩa trang số 360C đường Cách Mạng Tháng Tám, Phường 10, Quận 3, do Thánh đường Hồi giáo Ấn Độ Musulman (số 66 Đông Du, phường Bến Nghé, Quận 1) quản lý, để thực hiện dự án đầu tư xây dưng Tuyến tàu điện ngầm số 2 Thành phố Hồ Chí Minh (tuyến Bến Thành – Tham Lương). Ngoài ra, chính quyền và thu hồi thêm 2.227 m2 tại khu đất này để xây dựng trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh – Cơ sở 2.
Ngoài ra, văn bản chính thức của Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo thành phố Hồ Chí Minh đăng tải trên website của tổ chức này khẳng định các chi phí tổ chức di dời mộ phần đã được chính quyền đảm bảo chi trả theo pháp luật. Đồng thời, ban quản trị Thánh đường Hồi giáo Ấn Độ Musulman đã đồng ý trích một phần kinh phí hỗ trợ cho gia đình quản trang là ông HJ Musa Hamit sau khi nghĩa trang chấm dứt hoạt động.
Đường băng qua ảnh hưởng chỉ có 230m trong khu vực đất đai đó thôi mà tại sao lại phải san bằng lấy hết toàn bộ khu đất để làm metro.
– Ông Qasim Từ
Tổ chức này cũng nói đã đề xuất Thánh đường Hồi giáo Ấn Độ Musulman xem xét hiến tặng khoản tiền bồi thường đối với phần diện tích nhà quàn cho cộng đồng Hồi giáo Phường 10 Quận 3 để có điều kiện tìm kiếm một vị trí khác làm nơi tập trung sinh hoạt tôn giáo cho cộng đồng tín đồ tại đây.
Chúng tôi liên hệ với ông Lý Du Sô, Trưởng Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo thành phố Hồ Chí Minh để có thêm thông tin thì ông này từ chối trả lời.
Chiều nay tôi có việc tiếp cơ quan nhà nước nên chưa có điều kiện tiếp anh đâu. Tôi chưa biết nữa anh. Chúng tôi đang có vấn đề là chuẩn bị tháng Ramadan.
Phúc trình năm 2018 của Ủy Ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ đề cập đến việc chính quyền Việt Nam lấy đất đai và phá hủy tài sản tôn giáo. Các hành động này được nhận định rằng có thể sách nhiễu hoặc can thiệp vào việc thực hành tôn giáo của người dân.