LUẬT KHOA
Dịch từ bài viết How China Will Dominate Taiwan’s 2020 Presidential Election Campaign của tác giả Ralph Jennings , Voice of America, ngày 15 tháng 7 năm 2019.
***
Cuộc đua tranh cử tổng thống Đài Loan được khởi động hôm thứ Hai (15/7). Vấn đề bang giao với Trung Quốc được quan tâm hàng đầu khi một thị trưởng có khuynh hướng thân thiện với Bắc Kinh vừa giành chiến thắng trong nội bộ Quốc dân đảng (Kuomingtang).
Ông Hàn Quốc Du (Han Kuo-yu), hiện đang là thị trưởng thành phố Cao Hùng, đã giành chiến thắng trước bốn ứng cử viên khác, bao gồm người sáng lập công ty điện tử lừng danh Foxconn Technology.
Ông Hàn Quốc Du sẽ đối đầu với tổng thống đương nhiệm là bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), người vốn luôn muốn giữ khoảng cách với Bắc Kinh, vào kỳ bầu cử sẽ diễn ra vào tháng Giêng năm 2020.
Dự kiến vấn đề với Trung Quốc sẽ là yếu tố quyết định của chiến dịch tranh cử vào cuối năm nay vì hai ứng cử viên khác nhau về cách đối phó với vấn đề này.
Sự chia rẽ trong dân chúng
Đài Loan và Trung Quốc đã bị chia cắt kể từ cuộc nội chiến Trung Quốc vào những năm 1940. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo này. Các cuộc khảo sát ý kiến hồi tháng Một cho thấy hầu hết người Đài Loan phản đối sự cai trị của Trung Quốc, và các cuộc biểu tình ở Hồng Kông kể từ tháng Sáu nhằm chống lại sự cai trị của chính Bắc Kinh càng củng cố thêm ý kiến đó.
“Hiện tại, sự kiện ở Hồng Kông đang có tác động đến giới trẻ”, George Hou, giảng viên truyền thông tại trường Đại học I-Shou có trụ sở tại Đài Loan, người thường xuyên nói chuyện với giới trẻ cho hay.
“Các chính sách của Quốc dân đảng đối với Trung Quốc và các chính sách của Trung Quốc khiến cho những người trẻ tuổi cảm thấy không hài lòng.”
Dù vậy, nhiều người Đài Loan hy vọng chính phủ của họ có thể giữ được mối giao hảo kinh tế với Trung Quốc trong khi vẫn giữ nguyên chính sách về chính trị. Họ phàn nàn về mức lương thấp và chi phí nhà ở cao. Một số người coi Trung Quốc là một nguồn đầu tư hoặc là nơi để tìm việc làm.
“Sự kiện ở Hồng Kông sẽ khiến mọi người cảnh giác. Nhưng khi bỏ phiếu bầu tổng thống, họ sẽ hy vọng thay đổi cuộc sống của chính mình và quyết định bỏ phiếu cho ai sẽ đi theo hướng đó”, Ku Chung-hua, thành viên hội đồng quản trị của tổ chức Đài Loan “Citizens’ Congress Watch cho hay.
Các ứng cử viên tranh cử
Ông Hàn Quốc Du, 62 tuổi, tuyên bố sẽ hòa hoãn với Trung Quốc. Hồi tháng Ba, ông đã ký thỏa thuận với bốn thành phố của Trung Quốc bao gồm cả Hong Kong để bán các sản phẩm nông nghiệp từ Đài Loan trị giá 167 triệu đô-la Mỹ. Ông giành chiến thắng trong cuộc đua vào chức thị trưởng Cao Hùng vào tháng 11 năm ngoái với một phần cam kết tranh cử là sẽ cải thiện nền kinh tế.
Vào tháng Tư, ông Hàn Quốc Du đến Hoa Kỳ gặp các thành viên của Quốc hội để khuyến khích Mỹ đầu tư vào Cao Hùng. Ông đã từng quản lý một công ty tiếp thị hàng nông sản Đài Loan.
“Hàn Quốc Du là ứng cử viên duy nhất có sức hấp dẫn thực sự đối với tầng lớp trung lưu thấp”, Giám đốc điều hành của Chunghua 21st Century Think Tank có trụ sở tại Đài Loan so sánh ông Hàn với các nhân vật khác của Quốc dân đảng. Ông đã giành chiến thắng trong cuộc thăm dò dư luận của đảng này với tỷ lệ ủng hộ 45%.
Bà Thái Anh Văn được bầu làm tổng thống Đài Loan vào năm 2016. Bà ủng hộ quan hệ kinh tế với Trung Quốc nhưng chống lại điều kiện đối thoại của Trung Quốc rằng hai bên cùng sử dụng chung một lá cờ. Điều đó có nghĩa là họ không bao giờ có thể đối thoại được.
Trung Quốc ngày càng mất kiên nhẫn với Thái Anh Văn. Trong nhiệm kỳ bà nắm quyền, Bắc Kinh đã cảnh cáo bà bằng cách sử dụng máy bay quân sự và áp lực ngoại giao.
Hồi tháng Một, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi Đài Loan để cho Trung Quốc cai trị theo quy chế “một quốc gia, hai chế độ” giống như Hồng Kông. Bà Thái đã mạnh mẽ lên tiếng chống lại áp lực chính trị này từ Trung Quốc. Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông sau đó đã tiếp thêm sức mạnh cho hành động của bà.
Ông Hàn Quốc Du cũng phản đối quy chế “một quốc gia, hai chế độ” nhưng lại ủng hộ điều kiện đối thoại của Trung Quốc.
Cuộc đua còn quá sớm để dự đoán
Ông Hàn Quốc Du lên giữ chức thị trưởng Cao Hùng hồi tháng 11 năm ngoái sau cuộc bầu cử địa phương. Đảng Dân tiến của bà Thái Anh Văn khi đó đã mất hầu hết các ghế thị trưởng và chủ tịch tỉnh. Cử tri cho rằng bà Thái Anh Văn đã quản lí kinh tế một cách chậm chạm hoặc không có hiệu quả. Năm nay, tăng trưởng GDP dự kiến sẽ chậm xuống còn 2,2%.
Tuy nhiên, các bảng xếp hạng thăm dò ý kiến cho thấy tổng thống Thái Anh Văn đã tăng điểm thêm 10% trong vài tháng sau các phát biểu chống Trung Quốc của bà.
“Cuộc đua tổng thống còn quá sớm để dự báo được điều gì”, ông Huang Kwei-bo, phó khoa quan hệ quốc tế của Đại học Chính trị Quốc gia (NCCU) tại Đài Bắc cho hay.
“Bạn không thể nói trước, bởi vì theo các cuộc khảo sát ý kiến, phe Quốc dân đảng hiện chưa có một ứng cử viên nào khả dĩ có thể giành chiến thắng. Thay đổi trong các cuộc bầu cử tại Đài Loan diễn ra rất nhanh chóng” – ông Huang nói.