Thursday, February 6, 2025
HomeBIỂN ĐÔNGTham Vọng Nguy Hiểm Của Trung Quốc (*)

Tham Vọng Nguy Hiểm Của Trung Quốc (*)

The New Viet

Dưới đây là bản lược dịch bài phát biểu của Robert C. O’Brien, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, tại Phoenix, Arizona, ngày 24 tháng 6 năm 2020

Hoa Kỳ cuối cùng đã thức tỉnh trước mối đe dọa từ các hành động của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Trong nhiều thập niên, sự khôn ngoan truyền thống trong cả hai đảng chính trị Hoa Kỳ, cộng đồng doanh nghiệp, giới học thuật và truyền thông, đã cho rằng việc Trung Quốc trở nên tự do hơn, trước tiên là về mặt chính trị, sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Chúng ta càng mở cửa thị trường đối với Trung Quốc thì suy nghĩ này càng mạnh lên, chúng ta càng đầu tư vốn vào Trung Quốc, chúng ta càng đào tạo các quan chức trong ĐCSTQ, các nhà khoa học, kỹ sư và thậm chí cả sĩ quan quân đội của họ thì Trung Quốc sẽ càng trở nên giống chúng ta.

Chính dưới tiền đề này, chúng ta đã chào đón Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001 với những nhượng bộ và đặc quyền thương mại rộng lớn. Chúng ta đã hạ thấp các hành vi vi phạm nhân quyền đầy thô thiển của Trung Quốc, bao gồm vụ thảm sát Thiên An Môn. Chúng ta nhắm mắt làm ngơ trước hành vi trộm cắp công nghệ rất phổ biến của Trung Quốc, diễn ra trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế Hoa Kỳ.

Khi Trung Quốc ngày càng giàu hơn và mạnh hơn, chúng ta tin rằng, ĐCSTQ sẽ tự do hóa để đáp ứng các nguyện vọng dân chủ đang lên của người dân. Đây là một ý tưởng táo bạo, tinh túy của Hoa Kỳ, được hình thành bởi sự lạc quan bẩm sinh của chúng ta và bằng kinh nghiệm chiến thắng của chúng ta đối với chủ nghĩa cộng sản Liên Xô. Thật không may, nó hóa ra lại rất ngây thơ.

Chúng ta đã không thể sai lầm hơn – và tính toán sai lầm này là thất bại lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ kể từ thập niên 1930. Vì sao chúng ta đã phạm một sai lầm như vậy? Vì sao chúng ta đã không hiểu được bản chất của ĐCSTQ?

Câu trả lời thật đơn giản: bởi vì chúng ta đã không chú ý đến ý thức hệ của ĐCSTQ. Thay vì lắng nghe những gì giới lãnh đạo ĐCSTQ nói và đọc những gì họ viết trong các tài liệu chính của họ, chúng ta đã nhắm mắt và bịt tai mình. Chúng ta tin những gì chúng ta muốn tin, rằng đảng viên ĐCSTQ chỉ là những người cộng sản trên danh nghĩa.

Trong tác phẩm Classical Chinese statecraft (Quản trị nhà nước tại Trung Quốc thời cổ điển, John Garnaut ghi nhận, “có hai công cụ để đạt được và duy trì kiểm soát “giang sơn”: đầu tiên là wu (武 – “vũ”), vũ khí và bạo lực; và thứ hai là wen (文 – “văn”), ngôn ngữ và văn hóa. Giới lãnh đạo Trung Quốc luôn tin rằng quyền lực bắt nguồn từ việc kiểm soát cả chiến trường thực địa và lĩnh vực văn hóa”.

Đối với ĐCSTQ, tuyên truyền đóng vai trò chính trị trọng tâm. Những nỗ lực thống trị tư tưởng chính trị của Bắc Kinh được tuyên bố công khai và theo đuổi mạnh mẽ. Năm 1989, ĐCSTQ bắt đầu tái tổ chức vấn đề “an ninh ý thức hệ”, một thuật ngữ được lặp lại thường xuyên. Tháng Tư năm 2013, ĐCSTQ ban hành một chính sách về cái gọi là “trạng thái tư tưởng hiện nay”. ĐCSTQ cho rằng, “tuyệt đối không có cơ hội hay định hướng tư tưởng sai lầm nào được lan truyền”.

Vì vậy, bên trong Trung Quốc, cách tiếp cận này có nghĩa là ứng dụng (app) để nghiên cứu mang tính bắt buộc về ý thức hệ cộng sản được yêu cầu phải tải xuống điện thoại thông minh để người dân học tập cái gọi là “Tư tưởng Tập Cận Bình”. Các nguồn thông tin bên ngoài bị cấm – từ báo chí nước ngoài đến Twitter, Facebook và WhatsApp. Tất cả nội dung được tạo ra trong Trung Quốc đều được kiểm duyệt. Điều này cũng có nghĩa là có thể bỏ tù tất cả mọi người từ các blogger công dân, phóng viên và luật sư đến các nhà hoạt động và tín đồ tôn giáo vì chỉ bởi họ đã bày tỏ bất kỳ quan điểm nào trái ngược với đường lối của ĐCSTQ.

Và thực sự, mới đây, từ ngày 1 tháng Một đến ngày 4 tháng Tư năm nay, gần 500 cá nhân đã bị buộc tội chỉ vì nói về virus corona bùng phát tại Vũ Hán, ảnh hưởng của đại dịch đối với sự cai trị của ĐCSTQ cũng như sự che đậy của ĐCSTQ về đại dịch này.

ĐCSTQ diễn giải lại các văn bản tôn giáo, bao gồm cả Kinh Thánh, để ủng hộ ý thức hệ của họ. Họ giam giữ hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác trong các trại cải tạo lao động, nơi nạn nhân phải chịu sự nhồi sọ chính trị và lao động cưỡng bức, trong khi con cái họ được nuôi dưỡng trong các trại trẻ mồ côi do Đảng điều hành. Quá trình này tiêu diệt gia đình, tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ và di sản của những người bị cưỡng bức vào các trại này. Thông tin được kiểm soát chặt chẽ và biểu hiện cá nhân liên tục được ĐCSTQ giám sát, do đó chúng có thể bị nhà nước phá hủy hoặc định hình.

Trong thập niên qua, ĐCSTQ đã đầu tư hàng tỷ đôla vào các hoạt động tuyên truyền ở nước ngoài để tạo hiệu ứng lớn. ĐCSTQ đã chuyển sang loại bỏ các phương tiện truyền thông tiếng Trung “không thân thiện” trên toàn thế giới, và nó đã gần thành công. Gần như mọi đài phát thanh tin tức bằng tiếng Trung Quốc ở Hoa Kỳ đều thuộc sở hữu của ĐCSTQ hoặc hợp tác chặt chẽ với ĐCSTQ – và nó cũng đang xâm nhập vào phương tiện truyền thông tiếng Anh. Có hơn mười đài phát thanh ở các thành phố trên khắp đất nước, nơi công dân Hoa Kỳ nghe tuyên truyền ủng hộ Bắc Kinh một cách tinh tế trên kênh FM của họ.

ĐCSTQ đang tìm kiếm lợi thế thậm chí đối với cả các công dân Hoa Kỳ. ĐCSTQ đang thu thập dữ liệu gần gũi nhất của quý vị – những lời nói, hành động, việc mua hàng, nơi ở, hồ sơ y tế, các bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội, các văn bản của quý vị và lập bản đồ mạng lưới bạn bè, gia đình và người quen của quý vị.

ĐCSTQ hoàn thành mục tiêu này, một phần, bằng cách trợ cấp cho các công ty phần cứng, phần mềm, viễn thông và thậm chí là các công ty di truyền học. Kết quả, các tập đoàn như Huawei và ZTE đã đánh gục đối thủ cạnh tranh bằng cách hạ giá thấp, và lắp đặt thiết bị của họ trên toàn cầu. Điều này có tác dụng phụ là loại bỏ các nhà sản xuất phần cứng viễn thông của Hoa Kỳ, đồng thời gây khó khăn cho Nokia và Ericsson. Tại sao họ làm điều đó? Bởi vì nó không phải là phần cứng hay phần mềm viễn thông mà ĐCSTQ bán được từ những thương vụ đó mà chính là dữ liệu của quý vị. Họ sử dụng “các lỗ hổng trong hệ điều hành” được tích hợp vào các sản phẩm để có được dữ liệu đó.

ĐCSTQ sẽ sử dụng dữ liệu này như thế nào? ĐCSTQ sẽ sử dụng theo cách tương tự trong nội địa Trung Quốc: tấn công, tâng bốc, vỗ về, gây ảnh hưởng, ép buộc và thậm chí tống tiền các cá nhân để nói và làm những việc phục vụ lợi ích của ĐCSTQ. Đây là “nhắm tới mục tiêu vi mô” vượt ra ngoài những giấc mơ điên rồ nhất của nhà quảng cáo. Trung Quốc, không giống như các nhà quảng cáo, sẽ không bị chặn bởi các quy định của chính phủ. ĐCSTQ chỉ đơn giản muốn biết mọi thứ về bạn – giống như họ muốn biết hầu hết mọi thứ về mọi cá nhân sống ở Trung Quốc.

Ngoài các hoạt động tuyên truyền và gây ảnh hưởng, ĐCSTQ còn sử dụng thương mại để ép buộc sự tuân thủ mệnh lệnh mình. Các tổ chức quốc tế cũng là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc. Trung Quốc đã tìm kiếm vị trí lãnh đạo trong nhiều cơ quan toàn cầu. ĐCSTQ sử dụng các nhà lãnh đạo này để buộc các cơ quan quốc tế phải hành động theo quan điểm Bắc Kinh và yêu cầu lắp đặt thiết bị viễn thông của Trung Quốc trong các cơ sở của họ. Tầm với của ĐCSTQ mở rộng đến những người đứng đầu các tổ chức quốc tế, những người không phải là quan chức Trung Quốc.

Cùng với các đồng minh và đối tác, chúng ta sẽ chống lại những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm thao túng người dân và chính phủ của chúng ta, gây tổn hại cho nền kinh tế và làm suy yếu chủ quyền của chúng ta. Thời của sự thụ động và ngây thơ của Hoa Kỳ đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã qua. Chúng ta sẽ trung thành với các nguyên tắc của mình – đặc biệt là tự do ngôn luận.

Trước khi kết thúc, hãy để tôi nói rõ – chúng ta có sự tôn trọng và ngưỡng mộ sâu sắc đối với người dân Trung Quốc. Hoa Kỳ có một lịch sử lâu dài về tình hữu nghị với quốc gia Trung Quốc. Nhưng ĐCSTQ không phải là đất nước Trung Quốc hay nhân dân Trung Quốc. Là công dân Hoa Kỳ, tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ vươn lên để phản ứng thành công mối thách thức do ĐCSTQ mang lại, giống như chúng ta đã phản ứng với tất cả cuộc khủng hoảng lớn trong lịch sử chúng ta…

(Nguồn: Xem ở đây)

(*) Tựa của theNewViet

Tác giả Nguyễn Trung Kiên là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam đương đại

Nguồn : https://thenewviet.com/tham-vong-nguy%20hiem-cua-trung-quoc.html

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular