Linh Mục Gioan Bosco Trần Đức Quý
Mấy bữa nay trên mạng đang rần rần vụ thầy giáo Dương Tuấn Ngọc bị cộng đồng tín hữu Kito giáo lên án và tấn công dữ dội vì câu nói bị cho là báng bổ sỉ nhục Chúa Giêsu. Nhân tiện cũng có mấy người bạn hỏi về việc giải thích câu Kinh Thánh đó, nên tôi bèn viết bài này, hy vọng giúp mọi người hiểu biết thêm về Lời Chúa, về con người và cuộc sống. Bài viết dựa trên quan điểm Thánh Kinh và giáo huấn của Chúa Giê-su và Giáo hội của Người, chứ không nhằm bênh hoặc chống ai, chỉ mong góp chút ánh sáng Lời Chúa chiếu soi vào vấn đề thời sự.
“Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa.” (Lc 6:29, Mt 5:39-40) Phải chăng câu này là do chính Chúa dạy? Phải chăng Chúa dạy các môn đệ mình phải chịu đựng một cách thụ động không làm gì cả trước bạo lực và bất công? Sao Chúa lại tự mâu thuẫn với chính mình, bằng chứng là đây: “Đức Giê-su vừa dứt lời, thì một tên trong nhóm thuộc hạ đứng đó vả vào mặt Người mà nói : “Anh trả lời vị thượng tế như thế ư ?” Đức Giê-su đáp : “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào ; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (Ga 18:22-23)?
Trước hết, phải nói ngay rằng, cho đến hôm nay, chưa có một nhà nghiên cứu và chú giải Thánh Kinh nào dám quả quyết 100% rằng, câu Kinh Thánh trên là do chính miệng Chúa Giê-su nói. Công cuộc tìm kiếm những câu nói được cho là thực sự của chính Chúa Giê-su vẫn đang được tiếp diễn, nó cần nhiều thời gian tìm hiểu, bàn luận và cân nhắc. Sách Thánh được hình thành trong một thời gian dài lên đến hàng thế kỉ, trải qua nhiều thế hệ và bối cảnh, đã được sao chép, chỉnh sửa, bổ sung, nên không tránh khỏi những sai lầm thiếu sót của con người, hoặc vô tình hoặc cố ý. Tuy niên, chúng ta cũng phải đồng ý với nhau rằng, đối với những người tin thì đó là Sách Thánh, là Lời Chúa, lời được Thiên Chúa mạc khải cho con người nhằm đưa đến sự giải thoát và cứu độ. Sách Thánh mang nơi mình một thế lực, uy quyền rất cao trong Giáo hội. Tất cả các ngành thần học trong Giáo hội đều phải đặt nền tảng trên Kinh Thánh. Đời sống tín hữu cũng phải được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa mỗi ngày. Nhưng không phải vì thế mà ta không được tiếp tục “mổ xẻ” nghiên cứu Thánh Kinh và truy tầm chân lý. Chúng ta không nên kết luận một cách xác quyết câu này hoặc câu kia là do chính Đức Giê-su Nazareth dạy. Điều có thể quả quyết cách chắc chắn là, Sách Thánh là một bộ sách của niềm tin, các tác giả con người thời bấy giờ viết lại kinh nghiệm đức tin của họ và của cộng đoàn họ sống, hoặc viết cho nhóm người họ muốn nhắm gửi thông điệp ấy nhằm lưu truyền và bảo tồn đức tin.
Thứ hai, tôi không nghĩ rằng Chúa dạy các môn đệ mình cứ im lặng chịu dựng một cách thụ động trước những bất công, bạo lực và ngược đãi. Bằng chứng cho thấy một lịch sử trải dài qua bao thế hệ các ngôn sứ, các sứ giả của Thiên Chúa, những chứng nhân kiên cường của Sự Thật và Công Lý, được ghi lại trong chính Sách Thánh (Cựu ước) và cả trong thực tế hàng ngày cho đến hôm nay. Chính Chúa Giê-su cũng là một mẫu gương sáng ngời về việc làm chứng cho sự thật đến hơi thở cuối cùng đấy thôi! Người dám đối mặt và thách đố status quo (cái hiện trạng kiên cố bao đời mà xã hội xây dựng, nhất là giới lãnh đạo), dám lên tiếng bênh vực cho những người thấp cổ bé họng, bị gạt ra bên lề xã hội. Và cái giá Người phải trả là sự trù dập, bách hại và là chính cái chết đau thương của mình. Chúa chịu biết bao sỉ nhục mà Người có lên tiếng chống trả đâu, thiết nghĩ, Chúa cũng chẳng muốn con cái mình nhẩy bổ lên giận dữ, phùng má trợn mắt trước những lời chói tai, nghe có vẻ như chống đối, báng bổ kia. Mà liệu họ có ý gì hay không thì cũng là lòng họ với Chúa, ta là ai mà lại lên án và phán xét, công kích họ?
Thứ ba, cách tiếp cận và đáp trả một sự việc trong đời sống của Đức Giê-su cũng rất khác với những gì con người chúng ta thường nghĩ và làm. Người tiếp cận với lòng nhân hậu và khoan dung, luôn quảng đại và tha thứ, chứ không có tính thù nghịch và trả đũa. Khi cùng các môn đệ đi đến một thành xứ Samary và không được đón tiếp, trong khi các môn đệ nổi xung thiên muốn sai lửa từ trời xuống thiêu chết hết thành ấy, thì Chúa vẫn cứ ôn tồn ung dung bảo các môn đệ đi sang thành khác mà thôi. Ngoài ra, Chúa còn dạy yêu thương kẻ thù nữa cơ mà. Bạo lực trả đũa bạo lực thì bạo lực gia tăng, hận thù đáp trả hận thù thì hận thù chồng chất. Bởi thế, Chúa mới dạy hãy lấy yêu thương và tha thứ để hóa giải hận thù, bao dung chiến thắng hẹp hòi, khoan hồng nhân hậu mới thực sự đem lại giải thoát và bình an.
Tóm lại, khi tiếp cận với Lời Chúa, ta cần có thái độ khiêm nhường và lắng nghe. Khiêm nhường trước Lời Chúa để liên tục học hỏi và cập nhật, để được soi sáng và hướng dẫn. Lắng nghe là để thực sự chạm được thông điệp chính yếu của Lời, chứ không phải chỉ dừng ở mặt chữ hoặc bám lấy nghĩa đen, và nhất là sau đó cần phải mau mắn đem ra thực hành thông điệp ấy trong đời sống. Tựu trung, cứ nhìn vào Giê-su mà sống, hãy xem Người ứng xử thế nào trước bất công và bạo lực, hãy xem Người ứng xử thế nào trước hạ nhục và chối từ, mà bắt chước sống theo! Vậy mới xứng đáng là các Kito hữu đích thực, là môn đệ Chúa Giê-su, là con cái của Cha trên trời đầy yêu thương và khoan hậu.
Nguồn : https://lukhachvui.com/2023/07/27/tat-ma-nay-dua-ma-kia-chua-day-vay-sao/