02/01/2022Đặc biệt là lời khai của ông Dương Chí Dũng về các lần đưa hối lộ cho môt số người, trong đó có Thượng tướng Phạm Quý Ngọ – thứ trưởng Bộ Công an. Tất cả đều dùng tiền mặt, không có lần nào chuyển khoản, dù số tiền rất lớn, phải đựng trong những chiếc va li và vận chuyển bằng ô tô. Vì thế, các cơ quan bảo vệ pháp luật không có chứng cứ trực tiếp để buộc tội. Tại tòa, các bị cáo chối tội hoặc nhận tội. Tòa kết tội các bị cáo là dựa trên những chứng cứ gián tiếp.
Không một tên tội phạm nào dại dột đến mức chuyển khoản một số tiền lớn như Phan Quốc Việt đã làm trong vụ thổi giá Kít xét nghiệm Covid-19. Theo lời khai của ông Vũ Đình Hiệp, Phó Tổng giám đốc Công ty Việt Á, tại cơ quan điều tra, “để đảm bảo việc chi tiền ngoài hợp đồng không bị cơ quan chức năng phát hiện, Phan Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á, đã lập nhiều tài khoản đứng tên nhiều cá nhân là hộ kinh doanh cá thể để chuyển tiền qua các số tài khoản này, dưới hình thức là mua trang thiết bị, nguyên vật liệu phòng dịch”. Như vậy, lần này, những kẻ đưa và nhận hối lộ không thể chối tội. Làm rõ số tiền 4.000 tỉ đồng chuyển khoản từ ngân sách nhà nước vào tài khoản công ty Việt Á, để rồi từ đó Việt Á chi cho ai, ở đâu thì sẽ lôi ra tất cả những tên nhận hối lộ trong vụ án này.
Một câu hỏi đặt ra là tại sao Phan Quốc Việt lại chuyển khoản và để lại dấu vết? Sao không đưa tiền mặt như Phan Văn Anh Vũ, Phạm Nhật Vũ hoặc Dương Chí Dũng đã làm? Những câu hỏi như thế này sẽ là chủ đề nghiên cứu của môn tội phạm học. Chỉ có Phan Quốc Việt và những người trong cuộc mới trả lời chính xác là vì sao họ đưa và nhận như thế.
Có thể Phan Quốc Việt đã từng chuyển khoản như thế này trong các thương vụ trước, với số tiền nhỏ và đã an toàn nên sinh ra chủ quan, làm tiếp theo cách này. Cũng có thể, một phần nguyên nhân là do lúc dịch bệnh, phong tỏa, đi lại khó khăn, không thể tiếp xúc trực tiếp nên chỉ có thể chuyển khoản tiền hối lộ. Phan Quốc Việt “đã lập nhiều tài khoản đứng tên nhiều cá nhân là hộ kinh doanh cá thể để chuyển tiền qua các số tài khoản này, dưới hình thức là mua trang thiết bị, nguyên vật liệu phòng dịch” là đã có sự tính toán đối phó từ trước. Nhưng với cách làm này cho thấy, ông Phan Quốc Việt và một số giám đốc CDC rất chủ quan, coi thường nghiệp vụ điều tra của cơ quan công an Việt Nam.
Dịch Covid-19 cũng là dịp để nhân dân nhận mặt những kẻ trục lợi trên khổ đau và chết chóc của đồng loại. Dịch bệnh diễn ra quá gấp, quá sỡ hãi, đến mức người dân và chính phủ phải “đi từ ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để kít test. Nhưng thời gian cũng quá nhanh để bọn tội phạm không kịp tiêu hóa, không kịp rửa 4.000 tỉ đồng của ngân sách nhà nước. Covid 19 đem lại cho bọn này tiền bạc nhưng cũng chính Covid 19 hại bọn này. Đúng là “Thiên bất dung gian”.
Bộ Công an đã vào cuộc kịp thời. Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cũng đã và đang theo sát vụ Kít này. Vụ án đang điều tra với nhiều dấu hiệu thuận lợi. Mới đây, ông giám đốc CDC tỉnh Bình Phước xin trả lại 40 tỉ đồng tiền quà cho Công ty Việt Á. Vụ án có nhiều tình tiết sự kiện lạ lùng. Người dân đang chờ các cơ quan bảo vệ pháp luật lôi ra ánh sáng tất cả những tên nhận hối lộ tiền Kít lỗ mũi của họ.